Bạn có nhớ lần đầu tiên đứa con bé bỏng, chân còn chưa vững, đang cố gắng nhích thân mình từng chút một để nằm được trên ghế? Bạn sẽ cười khúc khích hay thậm chí quay video cận cảnh để được xem lại nhiều lần sự dễ thương quá đỗi của con. Tuy nhiên, được một vài tuần ngắn ngủi, cảm giác hạnh phúc có thể biến mất khi bạn thấy con cố gắng “chinh phục” mọi đồ vật trong nhà có thể, cho dù nó có đang dựng đứng đi nữa
Theo nghiên cứu năm 2018 của Jessie Adams (Trường Sức Khỏe và Phát Triển Xã Hội thuộc trường Đại học Deakin, Úc) cùng các cộng sự, leo trèo là một giai đoạn quan trọng trong việc phát triển các kỹ năng vận động thô, nhưng nó có thể khiến bố mẹ cảm thấy khó khăn trong việc quản lý con. Vì không phải bố mẹ nào cũng kè kè bên cạnh con suốt nên khó tránh khỏi cảm giác khó chịu và khó hiểu khi vì sao con lại thích leo trèo những đồ vật như vậy. Ngoài ra, một số đồ vật trong nhà cũng có thể bị hỏng hóc theo, chẳng hạn khi con làm đổ ghế khi cố gắng vịn. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của bố mẹ chắc hẳn là đảm bảo sự an toàn cho con, vì sợ con ngã, bị xước, bị va đập hoặc nghiêm trọng hơn.
VÌ SAO CON LEO TRÈO?
Con thích leo trèo vì đó là việc con làm được hoặc cố là sẽ làm được. Theo Trung tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) Hoa Kỳ, khi con khoảng 18 tháng tuổi, con bắt đầu kiểm soát chuyển động của cơ thể tốt hơn. Chẳng hạn, con nhận ra rằng mình có thể ném bóng, chạy lạch bạch trong nhà hay tự mình vịn để leo lên ghế ngồi…
Ban đầu, có thể con chỉ muốn ngồi lên ghế giống như bố mẹ của mình. Nhưng sau đó, con thấy mình vẫn còn có thể leo cao hơn nữa, vậy là con lại muốn khám phá thêm giới hạn của bản thân.
Với một vài bạn nhỏ, sợ cộc đầu hay sợ độ cao nên ko dám trèo lên quá cao. Những đứa trẻ này có thể dễ nản lòng khi đang trèo lên bị người lớn kiên quyết nhắc nhở hay “chứng minh” được cho trẻ thấy rằng ghế là để ngồi và giá sách không phải kiểu mình có thể vịn để leo lên...
Tuy nhiên, vẫn có những đứa trẻ ngày hôm trước ngã đau nhưng ngày hôm sau vẫn sẵn sàng leo trèo. Với những em bé ở lứa tuổi biết đi trong khoảng 2 năm đầu đời, leo trèo không khác gì đam mê. Con vừa muốn “rèn luyện cơ bắp”, vừa muốn thỏa mãn trí tò mò để xem có cái gì ở trên. Thêm nữa, nếu có anh chị lớn chơi cùng, bé thậm chí có thể quyết tâm hơn vì bé thường cố gắng bắt chước những đứa trẻ khác.
BẠN ĐÃ NGĂN CẢN “MỘT NHÀ LEO NÚI” TÍ HON NHƯ THẾ NÀO?
Di chuyển, tháo rời hoặc tránh xếp chồng những đồ vật theo phương thẳng đứng cũng không thể thực sự ngăn cản được những bạn nhỏ thích leo trèo, và về lâu về dài, chắc hẳn bạn cũng không muốn như vậy. Bạn cũng không thể cứng rắn cấm con leo trèo hoàn toàn vì điều này sẽ rất dễ trở thành “càng cấm, càng tò mò” đối với trẻ.
Nhưng nếu bạn nới lỏng và để con được thỏa sức tận hưởng, khám phá thì cũng có những lúc, những nơi, bạn không thể cho phép con được tự do. Vậy mình phải làm thế nào?
CHUYỂN HƯỚNG NĂNG LƯỢNG VÀ MỐI QUAN T M CỦA CON
Nhiều trẻ dường như thích leo trèo, không có nghĩa là con sẽ chỉ cảm thấy vui khi con được làm như vậy, điều quan trọng ở đây là con muốn được hoạt động tay chân. Vậy nên, bạn có thể bày cho bé một số hoạt động thể chất khác nhằm giữ chân con trên mặt đất.
Việc đầu tiên, bạn phải chấp nhận rằng con bạn sẽ không chịu ngồi yên một chỗ. Khi bạn hiểu được thực tế như vậy có lẽ sẽ giúp bạn kiên nhẫn hơn nếu phải đối mặt với hoàn cảnh con thích nghịch và giàu năng lượng.
Tiếp theo, bạn nên cho con thời gian và không gian để con được hoạt động. Một hoặc hai tiếng được hoạt động “hết công suất” ở sân nhà hay sân chơi thì với trẻ đều rất tuyệt vời. Sau khi chơi mệt rồi, trẻ sẽ muốn nghỉ ngơi yên lặng một lúc để nạp năng lượng, rồi lại tiếp tục hết mình. Do vậy, nếu bạn hạn chế con và muốn con ngồi yên bằng cách cho con một loạt đồ chơi thì rất có thể chỉ được một lúc và con lại thích leo trèo trở lại.
Những ông bố, bà mẹ nếu chấp nhận được thực tế rằng con cần phải chạy, nhảy hay thậm chí leo trèo sẽ có thể “thiết kế” riêng một nơi để con con thỏa sức leo trèo mà vẫn an toàn. Bố mẹ có thể tìm một nơi mà ở đó có thể cho con tự do để tự mình khám phá và lấp đầy không gian đó bằng những trò chơi khuyến khích con luôn chân, luôn tay hoạt động cũng như có gối, có đệm hay những chất liệu mềm để con xếp lên và leo trèo trong đó.
Ngoài ra, có bạn chơi cùng cũng có thể phân tán mong muốn được leo trèo của con. Cho dù cả hai chỉ đang ở giai đoạn chơi một mình thì có người chơi cùng cũng có thể phần nào xóa bỏ nhu cầu phải tìm một cái thú vị hơn để làm của trẻ.
ĐẢM BẢO CHO CON ĐƯỢC AN TOÀN
Tất nhiên, dù chuẩn bị thế nào thì cũng có lúc bạn sợ hãi khi thấy con mon men gần ô cửa sổ hay đang bám vịn để leo lên bàn… Tuy vậy, bạn sẽ không thể ngăn con leo trèo mà mình chỉ có thể cố gắng tạo nên một môi trường an toàn nhất có thể để tránh cho con bị ngã đau.
Một khu vực mà mình cần đặc biệt lưu ý là giường cũi cho trẻ. Thường thì chỉ sau một thời gian ngắn bé có học được cách “vượt cũi”. Lúc này, bố mẹ có thể sử dụng màn quây cũi hoặc chuyển con ra nằm giường để đảm bảo an toàn
Nếu bạn chọn giữ con trong cũi thì cách tốt nhất mình có thể làm để con được leo ra khỏi cũi dễ dàng và an toàn. Bạn có thể kê cũi gần giường để trẻ có thể leo ra và từ đó “tiếp đất” an toàn. Theo một nghiên cứu năm 2008 của Yeh Elaine S. Yeh (Khoa Dược học và Độc chất học, trường Đại học Y Indiana, Mỹ) cùng các cộng sự chỉ ra rằng các chuyên gia khuyến nghị bố mẹ không nên để nhiều gối, tấm đệm lót cũi trong cũi vì con có thể chồng nó lên làm điểm tựa rồi leo trèo, dễ khiến trẻ bị ngã.
Ngoài ra, bố mẹ nên quan sát thêm không gian trẻ thường chơi và xem mình có thể làm gì để biến nó trở nên thân thiện, an toàn hơn với con, chẳng hạn như mình có thể thử:
Thêm ghế gập nhỏ gần giá sách hoặc khu vực con không thể với tới (và nơi con được phép lấy đồ)
Đóng gói bớt đồ lặt vặt như đồ trang sức, trang trí hoặc những món đồ khác có thể thu hút sự tò mò của trẻ (bạn yên tâm là nó chỉ làm tạm thời thôi vì khi con đến tuổi học mẫu giáo là bạn có thể đưa nó về vị trí cũ)
Di chuyển đồ đạc ra khỏi cửa sổ để con không có chỗ leo lên và chắc chắn rằng tất cả các cửa sổ đều được đảm bảo an toàn như lắp đặt thêm thanh chắn, lưới an toàn cửa sổ, kiểm tra chốt cửa và nên đóng cửa sổ khi trẻ chơi ở gần đó.
Một điều cuối cùng chúng ta cần nhớ là leo trèo là một trong những những giai đoạn mà em bé mới biết đi của bạn sẽ phải trải qua. Vậy nên, bất kỳ căng thẳng mà bạn có hiện giờ của mình cũng cần hiểu rằng mọi thứ sẽ không kéo dài mãi. Bé sẽ không còn mong muốn leo trèo mọi thứ nữa khi con khám phá ra được cái mới khác hay hơn. Và khi ấy, bạn cũng sẽ có thêm cho mình mối bận tâm mới!
Bài viết của Mầm Nhỏ có sự tham khảo từ:
https://
https://