Chỉnh nha (niềng răng) là giải pháp tối ưu giúp trẻ khắc phục hoàn toàn khuyết điểm như răng mọc lệch, hô móm, răng thưa, răng mọc chen chúc…Thế nhưng một số bố mẹ vẫn thắc mắc với Mầm Nhỏ rằng bao giờ trẻ cần chỉnh nha? Và các giai đoạn điều trị trong quá trình này ở trẻ như thế nào?
Mời bố mẹ cùng Mầm Nhỏ tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé!
1. CÁC GIAI ĐOẠN DỰ PHÒNG CHỈNH NHA Ở TRẺ EM
Đối với bé dưới 3 tuổi: Ở giai đoạn này, bố mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng của con để tạo tiền đề cho mầm răng phát triển toàn diện, loại trừ và hạn chế các thói quen xấu như mút tay, đẩy lưỡi, ngậm ti giả quá lâu. Với các bé có trường hợp dị tật bẩm sinh nên có sự can thiệp của các bác sĩ nha khoa để xử lý sớm.
Bé từ 3- 6 tuổi: Bố mẹ tiếp tục cung cấp dưỡng chất đầy đủ, theo dõi và loại bỏ thói quen xấu cho con. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên theo dõi tiến trình mọc của răng sữa, trám răng sớm, chống mất răng do sâu răng nhằm bảo vệ được khoảng răng trên cung hàm và giữ được thăng bằng chức năng của răng.
Với các bé gặp vấn đề khớp cắn chéo, cắn chìa, bố mẹ nên đưa con đi khám và gặp các bác sĩ tư vấn để định hình cung hàm cho con nhé!
Bé từ 6- 9 tuổi: Với các bé ở độ tuổi này, bác sĩ sẽ sử dụng khí cụ để chống lại thói quen xấu mà bé thường mắc phải như chống cằm, gặm bút nhằm tạo khoảng cách cho các răng cửa mọc thẳng hàng và đúng vị trí.
Ngoài ra, bố mẹ nên có biện pháp xử lý sớm với các bé có tình trạng lệch lạc khớp cắn, răng mọc chậm. Những trường hợp bố mẹ nên đưa bé đi khám nha khoa, các bác sĩ với thủ thuật mở bao mầm răng sẽ giúp răng vĩnh viễn của bé phát triển theo đúng quy trình và vị trí trên cung răng.
2. CÁC GIAI ĐOẠN CHỈNH NHA Ở TRẺ EM
Thời điểm vàng để điều trị chỉnh nha - niềng răng cho bé là từ 9-12 tuổi, đây là khoảng thời gian xương hàm của trẻ phát triển nhanh nhất. Chính vì thế những vấn đề về xương hàm, răng như: hô, móm, răng mọc lệch lạc, chen chúc… sẽ được biểu hiện rất rõ. Lúc này quá trình chỉnh nha sẽ tác động sâu đến cung hàm của trẻ để điều chỉnh cho răng của trẻ phù hợp hơn với khuôn mặt, cải thiện sự tương quan của khớp cắn, đưa các răng lệch lạc về đúng vị trí và hạn chế sự sai lệch cấu trúc hàm, giúp gương mặt bé hài hòa cân đối hơn.
Bên cạnh đó, dự phòng và điều trị chỉnh nha sẽ giúp trẻ có được hàm răng thẩm mỹ, đảm bảo chức năng ăn nhai cũng như dễ dàng vệ sinh và phòng ngừa các bệnh về răng miệng hiệu quả hơn.
Có nhiều trường hợp xương hàm phát triển không tương quan với sự phát triển của răng, có thể xương hàm phát triển quá nhanh tạo ra tình trạng hô, móm mà răng vĩnh viễn vẫn chưa thay xong. Chính vì thế các bậc cha mẹ cần theo dõi sát quá trình mọc và thay răng của trẻ để có phương pháp can thiệp kịp thời. Và một cách để giữ cho trẻ hàm răng đẹp là bố mẹ nên đưa con đi khám định kỳ chứ không phải “đợi có chuyện mới đi khám răng”. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kì, để giữ cho con có một hàm răng khỏe đẹp, mẹ nên cho bé đi nha sĩ ngay sau khi chiếc răng đầu tiên xuất hiện, và khám răng định kỳ 6 tháng một lần để bé được chăm sóc và bảo vệ răng một cách tốt nhất. Bác sĩ sẽ phát hiện, theo dõi tình trạng lệch lạc sớm ở trẻ nhằm điều trị sớm và có kết quả như mong muốn.