Những ngày gần đây sự việc em bé bị loét thủng giác mạc sau khi mẹ nhỏ sữa mẹ vào mắt đã khiến nhiều mẹ xôn xao tranh cãi việc nhỏ sữa mẹ vào mắt bé có phải là nguyên nhân khiến bé bị loét thủng giác mạc không và có nên nhỏ sữa mẹ vào mắt,mũi trẻ không? Vấn đề này đã được các bác sĩ tranh luận khá nhiều và đưa ra nhiều nghiên cứu, thông tin có giá trị. Mầm Nhỏ xin tập hợp lại để rộng đường tranh luận cho bố mẹ và bố mẹ có cơ sở để đưa ra quyết định cho mình.
SỮA MẸ CÓ CHỮA ĐƯỢC ĐAU MẮT?
Đầu tiên, chúng mình khẳng định là hiện nay chưa có một khuyến cáo y khoa chính thức nào khuyên các bố mẹ nên nhỏ sữa mẹ vào mắt, mũi cho khi con bị đau mắt, sổ mũi. Theo thông tin từ bác sĩ Trang Nguyễn (đang học tiến sĩ ở Pháp) và bác sĩ Nguyễn Thu Hằng (đang là bác sĩ tại Pháp), bác sĩ Nguyễn Hữu Châu Đức (Giảng viên bộ môn Nhi, Đại học Y dược Huế) tổng hợp và tìm kiếm thì có một số nghiên cứu nhỏ đã chứng minh sữa mẹ có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
Từ năm 1996 đã có một nghiên cứu ở Nigeria về sữa non làm ức chế phát triển một số vi khuẩn thường gặp trong viêm kết mạc sơ sinh. Nghiên cứu này làm trong phòng thí nghiệm, sau khi cho cấy ghèn dương tính thì họ nghiên cứu tác dụng ức chế vi khuẩn của sữa non và sữa thường, kết quả thấy sữa non có tác dụng ức chế vi khuẩn còn sữa thường thì không.
Đến năm 2013 cũng một nghiên cứu khác công bố cho thấy sữa mẹ có tác dụng ức chế vi khuẩn, không thấy ghi là sữa non hay sữa thường.
Hai nghiên cứu trên đều tiến hành trong phòng thí nghiệm, không phải trên người.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng có thông tin là có nghiên cứu lâm sàng của Iran là sữa mẹ có tác dụng trong việc điều trị đau mắt đỏ (viêm nhẹ).
Theo thông tin từ bác sĩ Nguyễn Hữu Châu Đức thì trong sữa mẹ có nhiều loại kháng thể như IL 10 hay betaD2... giúp kháng viêm nhưng chưa có nghiên cứu nào áp dụng trên mắt người. Chỉ có 1-2 nghiên cứu sử dụng sữa mẹ nhỏ trên mô hình chuột được làm khô mắt và thấy có tác dụng khả quan hơn. Các nước như Ấn Độ, Bangladesh ... có hủ tục nhỏ sữa vào mắt cho bé mới sinh với hy vọng mắt sáng hơn nhưng cũng chính các nước này báo cáo nhiều case nhỏ sữa mẹ làm nhiễm trùng mắt!
Tóm lại, sữa mẹ có tác dụng kháng viêm trong một số trường hợp đau mắt có một số nghiên cứu khẳng định nhưng những nghiên cứu này đều là những nghiên cứu nhỏ và chưa đủ là căn cứ để đưa ra một khuyến cáo y khoa nào.
Bên cạnh đó, nguyên nhân gây chảy ghèn ở mắt, đau mắt có thể là vi khuẩn, virus, dị ứng phấn hoa, tiếp xúc... nên tuỳ từng nguyên nhân mới điều trị chứ không sử dụng một công thức chung cho mắt chảy ghèn, đau mắt. Hơn nữa, sữa mẹ là một loại thức ăn, trong sữa mẹ ngoài kháng thể giúp bé chống lại tác nhân gây bệnh thì còn có lipid, protein,... những chất dinh dưỡng này cũng là nguồn thức ăn cho vi rút, vi khuẩn. Vì vậy nhỏ sữa mẹ vào mắt bé khi bé đang bị đau mắt do vi rút, vi khuẩn tấn công có thể sẽ cung cấp thêm dưỡng chất giúp vi rút, vi khuẩn phát triển hơn.
Vì thế, có thể một số trường hợp bé bị đau mắt mẹ nhỏ sữa mẹ vào thì thấy bé khỏi (như nhiều mẹ chia sẻ) nhưng một số trường hợp thì không, thậm chí còn trở nặng và nguy hiểm hơn nên không thể áp dụng công thức đau mắt (và chưa rõ nguyên nhân vì sao) – nhỏ sữa mẹ sẽ khỏi được. Vì thế, bố mẹ không nên nhỏ sữa mẹ vào mắt, mũi con cũng như áp dụng các biện pháp không dựa trên khuyến cáo y khoa, chưa rõ lợi hại thế nào, nhất là với trẻ nhỏ.
VẬY SỮA MẸ CÓ TÁC DỤNG THẾ NÀO VỚI SỨC KHỎE CỦA BÉ?
Về tác dụng bảo vệ của sữa mẹ, chị Nguyễn Quốc Thục Phương (hiện đang nghiên cứu về vaccine ở Mỹ) đã có 1 bài viết tổng hợp “Sữa mẹ và vaccine” đăng trên trang Y học cộng đồng, chi tiết các bố mẹ có thể đọc ở bài nguồn tham khảo bên dưới. Về cơ bản, sữa non có chứa lượng lớn kháng thể IgA (khoảng 12g IgA/lít) giúp bảo vệ bề mặt ruột của trẻ khi vừa sinh ra. Sau vài ngày, cơ thể tạo ra sữa mẹ có chứa chủ yếu là IgA (0.5-1.0g/ lít) và một lượng nhỏ IgG. Một bé bú mẹ hoàn toàn sẽ nhận được khoảng 75 mg IgA/ kg mỗi ngày trong khi một người trưởng thành trung bình tạo ra khoảng 40mg IgA/ kg mỗi ngày. Lượng IgA trong sữa mẹ cao gấp đôi so với người trưởng thành, giúp bảo vệ bề mặt niêm mạc ở miệng, cổ hỏng và ruột của bé khỏi các loại vi sinh vật đường ruột mà người mẹ nhiễm phải.
Tuy nhiên, dù các nhà khoa học đã tìm thấy sự tương quan giữa việc tăng lượng IgA trong máu khi bé uống sữa mẹ, lượng IgA được vận chuyển từ sữa mẹ vào máu là rất ít. Vì thế chúng chỉ có tác dụng bảo vệ trẻ khỏi những mầm bệnh thông qua đường tiêu hóa và hô hấp chứ không bảo vệ trẻ khỏi các bệnh trong máu. Kháng thể từ mẹ sẽ biến mất sau khoảng 6 tháng, từ giai đoạn này trở đi, trẻ cần tự tạo ra kháng thể của chính mình bằng cách tiếp xúc với mầm bệnh do bị bệnh hoặc tiêm vaccine.
Ngoài kháng thể, trong sữa mẹ cũng có một số protein và hợp chất khác có hoạt tính sinh học giúp bảo vệ trẻ trong giai đoạn đầu đời, tiêu biểu nhất là:
Lactoferrin: một loại protein có hoạt tính bảo vệ trẻ khỏi một số loại vi khuẩn, nấm và virus
Lysozyme: một loại enzyme có tác dụng phát hủy lớp màng ngoài của các vi khuẩn gram âm như E. coli và thâm nhập và bên trong tế bào vi khuẩn và tiêu diệt chúng
Casein: một loại protein bảo vệ trẻ sơ sinh thông qua nhiều cơ thế, ví dụ chống vi khuẩn bám vào thành ruột.
Tóm lại, nếu trẻ bú mẹ thì sữa mẹ sẽ có tác dụng bảo vệ CHỪNG NÀO TRẺ CÒN BÚ MẸ VÀ VÀI THÁNG SAU ĐÓ chống lại các bệnh truyền qua bề mặt niêm mạc như cúm, viêm phổi… Trẻ bú mẹ cũng sẽ nhận được chế độ dinh dưỡng cân bằng hơn nên sức đề kháng cao hơn, ít bệnh vặt hơn các bé bú sữa công thức. Tuy nhiên, dù uống sữa mẹ hay không thì trẻ cũng mất vài năm để hoàn thiện hệ miễn dịch và vẫn có khả năng bị các bệnh khác, nhất là các bệnh nguy hiểm mà mẹ không có kháng thể. Trẻ cũng có thể bị bệnh dù mẹ có kháng thể và mẹ không bị ảnh hưởng gì vì hệ miễn dịch của trẻ đang trong giai đoạn hình thành và phát triển. Vì thế, để có sự bảo vệ lâu dài và toàn diện hơn đòi hỏi cơ thể trẻ phải tiếp xúc và huấn luyện với mầm bệnh thông qua nhiễm bệnh thực sự hoặc tiêm vaccine. Vì thế, TRẺ BÚ MẸ HOÀN TOÀN VẪN CẦN TIÊM VACCINE ĐẦY ĐỦ.