Nếu lụa đã là thứ vải mềm mịn rất mất công giặt giũ bảo quản, thì làn da mỏng manh mịn màng của các bé sơ sinh vào mùa hè còn khó chăm sóc giữ gìn hơn nữa, những người đã làm cha mẹ quả là thấu hiểu điều này! Muốn cung cấp thêm thông tin cho bố mẹ về những vấn đề da liễu ở trẻ trong mùa nóng, Mầm Nhỏ xin được chia sẻ một chủ đề khá quen thuộc mà hầu như bé nào cũng một lần mắc phải: đó là rôm sảy (hihi nghe thì quen nhưng không phải bố mẹ nào cũng hiểu đúng hiểu đủ nhá!)
1. Rôm sảy là gì?
Rôm sảy là hiện tượng thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi do ống tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn, vỡ ra dẫn đến mồ hôi dò rỉ vào mô xung quanh và có thể gây ra phản ứng viêm. Sự tắc nghẽn có thể tạo nên các dạng rôm sảy khác nhau từ các mụn nước nhỏ, không hoặc ít hồng ban xung quanh, đến những sẩn, mụn nước có quầng đỏ xung quanh, hay hồng ban lan tỏa với cảm giác châm chích, ngứa.
Vị trí thường gặp: cổ, trán, ngực trên, dưới ngực, nách, bẹn, các nếp gấp khuỷu, gối.
Nếu được chăm sóc tốt, rôm sảy sẽ tự lặn hết sau 7 đến 10 ngày mà không cần đi khám hoặc dùng thuốc. Tuy nhiên, nên khám bác sĩ nếu rôm sảy có một trong các yếu tố sau:
- Rôm sảy kéo dài trên 7- 10 ngày hay lan rộng nhiều
- Rôm sảy tái đi tái lại nhiều lần
- Có biểu hiện của nhiễm trùng da tại chỗ: quầng da đỏ, sưng tấy hoặc đau rát
Gây rất khó chịu cho bé như ngứa, bứt rứt, quấy khóc, ăn uống kém, khó ngủ…
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân chiếm phần lớn là do thời tiết nóng, độ ẩm cao khiến tuyến mồ hôi làm việc quá sức. Trong đó, trẻ vui đùa giỡn dưới ngày hè cũng làm tăng tiết mồ hôi, gây ra rôm sảy.
Những trẻ bệnh phải nằm lồng ấp hay quấn chăn, mặc áo quần tã lót chặt kín, không thường xuyên được thay đều có nguy cơ mắc rôm sảy. Kể cả việc thoa kem quá nhiều cũng sẽ làm bít tắc tuyến mồ hôi.
3. Chăm sóc trẻ bị rôm sảy thế nào?
Chú ý khi vệ sinh - tắm rửa, bố mẹ tắm cho bé bằng nước mát, tan giá (không dùng nước nóng hay nước ấm nóng). Nếu bé bị rôm sảy ở một vài vùng da nhất định, các mẹ có thể đắp khăn ướt cho da được mát mẻ. Mẹ cũng lưu ý dùng sữa tắm dịu-nhẹ, có pH trung tính hay acid nhẹ (pH= 4,5-6,5), hoặc có thể tắm cho bé bằng nước sạch. Sau khi tắm, lau khô trẻ sau tắm bằng khăn tắm mềm, mịn, không chà mạnh lên da bé.
Khi lựa chọn quần áo cho bé, bố mẹ chú ý chất liệu 100% cotton, vải mỏng nhẹ, dễ thấm mồ hôi cho da bé thông thoáng, “dễ thở”, không mặc đồ bằng len, sợi tổng hợp vì khó thấm hút mồ hôi dễ gây kích ứng da. Bố mẹ cũng nên chú ý kích cỡ quần áo của con sao cho rộng rãi không bó sát người.
Người lớn nên hạn chế trẻ vui chơi ngoài nắng, đặc biệt từ 10h sáng tới 3h chiều, đây là thời gian nắng mạnh nhất, rất dễ tác động xấu lên da. Nếu bắt buộc có các hoạt động dưới nắng thì nhất thiết cần cho trẻ đội mũ nón rộng vành.
Phòng của trẻ nên thông thoáng, dùng quạt nhẹ hoặc máy điều hòa nhiệt độ sao cho nhiệt độ phòng khoảng 25-28 độ (nhiệt độ phòng dành cho trẻ sơ sinh) để da bé đủ độ mát mẻ.
Bố mẹ nên động viên bé uống nhiều nước đun sôi để nguội. Trẻ lớn hơn một chút cần tránh uống nước ngọt và đồ uống có hóa chất tổng hợp, tuyệt đối không sử dụng cafe, nước có cồn vì hóa chất bên trong có thể khiến rôm sảy nặng hơn.
Để tránh việc cào gãi xước xát, bố mẹ nhất thiết nên cắt ngắn móng tay, móng chân thường xuyên, tránh việc bé ngứa gãi làm tăng nhiễm trùng da. Nếu trẻ cào gãi nhiều, có thể đi tất chân, găng tay cho bé để hạn chế.
Hi vọng với nội dung này của Mầm Nhỏ có thể giúp bố mẹ chăm sóc con trong mùa nắng nóng sắp tới, để lúc nào làn da các bé cũng “mềm mịn như lụa”.