Người ta vẫn nói rằng trẻ nhỏ rất nhanh quên vì con còn quá bé không có khả năng lắng nghe và quan sát tốt. Mầm Nhỏ tin rằng mỗi em bé sẽ có một thế mạnh và cá tính khác nhau về trong việc ghi nhớ. Và nếu như bé được rèn luyện từ sớm thì chắc chắn khả năng ghi nhớ của con sẽ tốt hơn nhiều.
Vậy làm sao để nuôi dưỡng năng lực lắng nghe và quan sát như thế nào là phù hợp, hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
1. Nuôi dưỡng năng lực lắng nghe
Lắng nghe đó là năng lực vô cùng quan trọng khi trẻ bắt đầu vào lớp 1. Việc rèn luyện năng lực lắng nghe này của trẻ rất cần một quá trình trải nghiệm lặp đi lặp lại trong sinh hoạt hàng ngày ở trong gia đình và cả ở trường mầm non.
Vì sao có những trẻ khi người khác nói trẻ lơ đãng, không để ý và vẫn tập trung làm việc của bản thân, đến lúc cô hỏi gì lại ngơ ngác không biết gì? Đó là vì khi đó não bộ của trẻ đã đóng lại chức năng nghe, nên có nói gì trẻ cũng không tiếp nhận.
Vì thế điều quan trọng đầu tiên là phải:
1.1 Đưa trẻ vào tâm thế lắng nghe khi người khác nói
Có nhiều bạn nhỏ sẽ có thói quen học bằng tai, nghĩa là không cần tập trung nhìn vào mắt người khác nhưng mà ai nói gì con cũng vẫn nhớ và cô hỏi đều nhắc lại được hết. Vì thế nên trong giờ học bé dễ mất tập trung, không hướng vào người nói chuyện.
Tuy nhiên khi con vào lớp 1, không phải cô giáo nào cũng sẽ thấu hiểu tâm lý và tính cách đó của con, vì thế chúng ta vẫn cần phải rèn luyện cho con thói quen nhìn vào mắt người khác và lắng nghe khi họ nói.
Vì thế bắt đầu từ 3-4 tuổi mỗi khi nói chuyện bố mẹ hãy cố gắng hướng con tập trung nhìn vào bố mẹ, lắng nghe lời bố mẹ nói, chứ không mải làm việc riêng hay quay đi chỗ khác để mặc bố mẹ nói. Hãy dặn con “Khi ai đó nói con phải hướng đến nhìn vào người đó, tập trung và lắng nghe lời họ nói”. Tâm thế ấy được rèn luyện hàng ngày để trở thành một thói quen cho con.
Bên cạnh việc nhắc nhở con như vậy thì bản thân bố mẹ cũng luôn phải làm gương. Đó là khi con nói chuyện với mình thì hãy tạm dừng hết mọi việc để nhìn con nói, gật gù là mình đang lắng nghe con. Những lúc nào bố mẹ ậm ừ qua chuyện là con sẽ gắt lên và phản biện lại mẹ ngay “Sao con nói mà mẹ không chú ý đến con gì cả”. Thế nên thói quen nào cũng cần từ 2 phía bố mẹ ạ.
1.2 Tạo cảm giác nghiêm túc khi nói chuyện
Để dạy trẻ lắng nghe thì khi cần nhắc nhở trẻ điều gì đó, cần trẻ thực sự chú ý đến điều đó, bố mẹ nên đến chỗ trẻ, cầm tay và nhìn vào mắt trẻ để nói “Bố mẹ muốn con ABC, vì sao...”, để trẻ thấy điều bố mẹ đang nói với mình là nghiêm túc. Và đây là cách nói chuyện cực kì hiệu quả giúp trẻ biết ghi nhớ và lắng nghe điều bố mẹ nói. Bố mẹ hãy nhớ những điều sau nhé:
Khi nhắc con mình phải nhìn vào con để nói thay vì cứ nói bâng quơ nhắc con mà còn chưa biết con đang làm gì, điều đó cũng khiến cho con nghĩ điều bố mẹ nhắc chẳng có gì là quan trọng.
Khi nhắc con mà không thấy con làm mình phải đến tận nơi con đang chơi, nhìn vào con và nói bằng giọng nghiêm túc “Đến giờ đi ngủ rồi, hết giờ con chơi rồi. Bố/mẹ muốn con dừng lại và đáng răng để đi ngủ”. Thì chắc chắn như mọi lần, con sẽ hiểu bố mẹ đang nói rất nghiêm túc và dừng lại ngay.
1.3 Đọc truyện dài cho con
Không thể không kể đến một cách nữa cùng vô cùng hiệu quả để giúp con có khả năng lắng nghe tốt chính là đọc truyện dài, không có hoặc ít tranh minh hoạ cho con hàng ngày trước khi đi ngủ. Quá trình đọc mà không có tranh minh hoạ sẽ khiến con phải tự mình tưởng tượng ra những gì được đọc, từ đó giúp con có sự liên tưởng và ghi nhớ tốt hơn.
Có một cách rất hay của nhà giáo Shinchu Yosshikazu, giám đốc trung tâm Wakagiri 21, trung tâm nghiên cứu giáo dục thuộc Bộ Giáo Dục Nhật Bản, đó là bố mẹ hãy lựa chọn những cuốn ehon mà con thích, con đã được đọc đi đọc lại vài lần rồi để đọc mà không cho con nhìn tranh để giúp con vừa lắng nghe vừa liên tưởng trong đầu, từ đó nuôi dưỡng khả năng lắng nghe.
1.4 Để con được trò chuyện với nhiều người, nhiều độ tuổi khác nhau
Bố mẹ nên đưa trẻ tới chơi cùng với các anh chị lớn tuổi hơn, ngoài mục đích giúp con nâng cao khả năng giao tiếp, còn giúp con nuôi dưỡng vốn từ vựng thêm phong phú, và rèn luyện khả năng lắng nghe.
Bên cạnh đó bố mẹ cũng nên cho con thường xuyên được đi chơi cùng bố mẹ để giao lưu với bạn bè của bố mẹ ở đủ độ tuổi để giúp con gia tăng vốn từ mới. Nếu có chỗ nào không hiểu hãy khuyến khích con hỏi lại và bố mẹ nhớ giải thích cho con nhé, có như vậy thì năng lực lắng nghe và lí giải của con sẽ nâng cao hơn đấy ạ.
Ở Việt Nam các bạn nhỏ thường sống trong gia đình nhiều thế hệ nên đó là cơ hội rất tốt để trẻ được trò chuyện với nhiều người ở nhiều độ tuổi, giúp nuôi dưỡng năng lực lắng nghe và phát triển vốn từ vựng.
2. Năng lực quan sát
Bên cạnh việc cho con tiếp xúc với thiên nhiên thì trong sinh hoạt hàng ngày bố mẹ hãy hướng dẫn con cùng quan sát trên đường đi học về con nhìn thấy những gì và yêu cầu con miêu tả lại cho bố mẹ nghe.
Một cách nữa cùng vô cùng hiệu quả đó là cho con chơi những bài tập tư duy tìm điểm khác biệt giữa hai tranh, và để con giải thích hay miêu tả những điểm khác biệt đó. Bố mẹ có thể tìm mua ở hiệu sách những cuốn sách có bài tập tư duy để rèn khả năng quan sát cho con nhé.
Hi vọng một vài chia sẻ trên đây sẽ hữu ích với các bố mẹ trong hành trình nuôi con khôn lớn.
- Tác giả bài viết: Dr Nguyễn Thị Thu (Aki Nguyễn)
- Cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu - Aki Nguyễn về nội dung bài viết rất hay và thiết thực. Chị cũng chính là tác giả cuốn sách "Kỷ luật mềm của trái tim" và dịch giả của cuốn "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn" mà Mầm Nhỏ đã từng giới thiệu đấy ạ.