Kỹ năng hợp tác là việc mình cân bằng được mong muốn của mình với của người khác. Trong khi ấy, chúng ta thường nghĩ rằng hợp tác là khi trẻ làm những gì người lớn muốn. Nhưng trên thực tế, đó là sự tuân thủ. Vì hợp tác thực sự có nghĩa là một nỗ lực chung, ở đó đôi bên đều cảm thấy dễ chịu, thoải mái khi mình cho và nhận. Để phát triển tinh thần hợp tác của trẻ, chúng ta cần giúp con hiểu được rằng những yêu cầu hay nguyên tắc đều nhằm mang lại mục đích tốt cho tất cả mọi người
VÍ DỤ VỀ TÍNH HỢP TÁC
Các ví dụ sau đây sẽ cho bố mẹ biết mức độ hợp tác phát triển như thế nào trong 3 năm đầu đời:
Một đứa trẻ 3 tháng tuổi thức dậy và bắt đầu khóc đòi ăn. Mẹ của bé vừa mới bỏ được chiếc đĩa cuối cùng vào bồn rửa bát và nhẹ nhàng nói với cậu rằng: “Chờ mẹ chút, mẹ biết là con đang đói.” Cậu bé bắt đầu bớt khóc được một chút và sau đó cho ngón tay cái vào miệng ngậm. Cậu bé này học được rằng nhu cầu của mình vẫn sẽ được đáp ứng nhưng đôi khi mình cần phải chờ một chút.
Một đứa trẻ 14 tháng tuổi vui vẻ cho từng cái áo, cái quần vào máy giặt. Bà của cậu bé vui vẻ nói: “Con giỏi quá. Khi nào con làm xong thì bà sẽ bế con lên để con bấm nút nhé, sau đó hai bà cháu mình sẽ sang nhà hàng xóm chơi.” Cậu bé này sẽ hiểu được rằng các thành viên trong gia đình sẽ hỗ trợ lẫn nhau để làm xong được những việc nhà hàng ngày.
Hai đứa trẻ 30 tháng tuổi đều với lấy một cái xẻng đồ chơi trong hộp cát. Một đứa tìm cách nắm lấy, đứa còn lại cũng vậy rồi cả hai cùng mếu máo, của tớ. Khi ấy, bố của một trong hai đứa trẻ tiến đến và nhẹ nhàng tách chúng ra, đặt vào tay 2 đứa 1 bên là cái xẻng đồ chơi, 1 bên là xe ủi đất. Sau đó, bố hướng dẫn một bé dùng xe ủi để xúc đất và bé còn lại thì được hướng dẫn dùng xẻng xúc đất vào xô. Những đứa trẻ này sẽ học được cách giải quyết xung đột, vượt qua được cảm giác khó chịu và xây dựng được mối quan hệ thông qua việc cùng nhau chơi.
NHỮNG MẸO GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN TINH THẦN HỢP TÁC
Dưới đây là một vài cách để bố mẹ có thể giúp con hiểu được tính hợp tác, phối hợp sẽ có lợi cho mình như thế nào cũng như cách phát triển kỹ năng ấy.
Hướng dẫn cho trẻ biết thay phiên nhau là như thế nào
Trong khoảng từ 6 đến 9 tháng, bé có thể bắt đầu biết cách tương tác qua lại. Con cũng học cách bắt chước. Đây là thời điểm tuyệt vời để khuyến khích trẻ chơi theo lượt khi bạn chơi với bé.
Giải thích lý do của bạn cho các nguyên tắc, yêu cầu mình đưa ra
Khoảng 3 tuổi, hầu hết các em có thể sử dụng ngôn từ đủ tốt để hiểu được những giải thích đơn giản của người lớn. Vậy nên, bạn có thể chỉ ra có con thấy các quy tắc mình đặt ra sẽ đem đến lợi ích như thế nào cho cả gia đình. Chẳng hạn, “nếu con giúp mẹ cất quần áo vào tủ, mẹ sẽ có thêm thời gian để chơi với con.”
Dành thời gian để cùng con tìm cách giải quyết vấn đề
Bố mẹ có thể cùng những em bé nhà mình tìm ra giải pháp cho những tình huống khó xử đang diễn ra hàng ngày ở gia đình mình và khuyến khích con cùng giải quyết với mình. Dưới đây là các bước để mình cùng con tìm cách giải quyết.
Nêu vấn đề: Con muốn vẽ lên tường nhưng mẹ nói không.
Đặt câu hỏi: Vậy thì con có thể vẽ ở đâu?
Thử một giải pháp: Đưa cho con 2 lựa chọn (cả hai lựa chọn này bản thân mình đều đồng ý) rằng con có thể vẽ lên giấy hoặc lên bìa cat-tông. Nếu con khăng khăng muốn vẽ lên tủ lạnh thì mình cần phải đưa ra giới hạn. “Mẹ sẽ cất bút màu đi khi nào chúng ta tìm được chỗ để cho con vẽ.”
Định hướng lại: Hầu hết trẻ nhỏ cần giúp đỡ trong việc tìm kiếm những cách làm được người lớn chấp nhận mà mình vẫn được làm việc mình thích. “Nếu con muốn vẽ lên tủ lạnh thì mẹ còn một cách nữa là con gắn tờ giấy lên tủ lạnh bằng các miếng nam châm và sau đó con vẫn có thể vẽ thỏa thích.”
Cho con làm việc nhà từ sớm
Hãy để con lớn lên cùng với những trải nghiệm về lợi ích của sự hợp tác, phối hợp. Ví dụ như cùng nhau dọn nhà, nấu ăn và chỉ cho con thấy lợi ích của việc phối hợp: “Con nhìn xem, chúng ta làm xong nhanh chưa này! Bây giờ thì chúng ta có thời gian rảnh để chơi rồi!”.
Khen ngợi con khi con đã cố gắng thể hiện kỹ năng hợp tác
Chỉ cho con thấy rằng sự đóng góp của con quan trọng như thế nào. Điều này giúp con nhận thấy được khả năng của mình và coi trọng nó hơn. Ví dụ như: “Vì con đã dọn đồ chơi nên bây giờ mẹ sẽ có thêm thời gian để dành cho con.”
Đưa ra lời đề nghị, không phải là yêu cầu.
Lời yêu cầu thường mang lại cảm giác căng thẳng và trẻ sẽ dễ phản đối. Nhưng khi bạn thay đổi lời yêu cầu thành lời đề nghị thì có khả năng con sẽ đáp lại một cách thoải mái hơn: “Trời lạnh nên con cần phải đội mũ. Thế con muốn mẹ giúp con đội hay con sẽ tự mình đội?”
Để con được lựa chọn trong khi nói về các nguyên tắc
“Mình cần phải đánh răng trước khi đi ngủ. Con muốn đánh răng trước hay sau khi chúng ta nằm đọc sách?” Tất nhiên, các bé hầu như sẽ chọn làm sau nhưng con sẽ ít phản kháng hơn mà các nguyên tắc lại không bị phá vỡ. Khi mình đưa ra sự lựa chọn cho con như vậy con sẽ thấy mình được tôn trọng, và chính cảm giác tôn trọng mang lại tinh thần hợp tác.
Bài viết của Mầm Nhỏ có tham khảo từ nguồn:
https://www.zerotothree.org/…/222-tips-on-helping-your-chil…