Khen ngợi trẻ em là điều mà người lớn chúng ta thường xuyên nên làm. Tuy nhiên, khen ngợi như thế nào, chừng mực đến đâu để vừa tạo động lực cho con, vừa khiến con không tự mãn vào bản thân lại là vấn đề không đơn giản.
Bài viết hôm nay của Mầm Nhỏ muốn đề cập đến những lưu ý để khen ngợi con đúng cách, góp phần hình thành nên nhân cách của trẻ sau này.
VÌ SAO NÊN KHEN NGỢI TRẺ?
Giúp trẻ tự tin hơn: Đôi khi đứa trẻ không biết kết quả chính xác về hành vi của mình, rằng mình có làm đúng hay không, đã làm tốt hay chưa. Vì vậy, lời khen trong lúc này là sự khẳng định về kết quả giúp trẻ cảm thấy tự tin vào bản thân mình hơn.
Tạo động lực cho trẻ: Trẻ em cũng như người lớn chúng ta thích được khen ngợi và công nhận. Khi nhận được phản hồi tích cực của người khác về việc làm của mình sẽ giúp trẻ cảm thấy hào hứng và có động lực hơn cho những việc làm tiếp theo.
Thúc đẩy hành vi tốt và đẩy lùi hành vi không đúng mực: Khen ngợi giúp cải thiện cảm xúc rõ rệt và tác động tích cực trong việc xúc tiến hành vi đúng đắn. Khi trẻ bộc lộ một hành vi nào đó mà được người lớn khen ngợi sẽ mang lại cho trẻ sự hài lòng và giúp con nhận ra rằng hành động này là nên làm, được người lớn chấp nhận, và từ đó con sẽ phát huy.
10 LƯU Ý KHI KHEN TRẺ
Lời khen cũng giống như một hạt mầm. Nếu chúng ta gieo đúng chỗ, nuôi dưỡng tốt thì hạt mầm ấy sẽ nảy nở, phát triển mạnh mẽ và ngược lại. Vì vậy, khi khen ngợi trẻ cần lưu ý những điều sau đây:
Khen ngợi một cách cụ thể
Thay vì câu khen: “Con giỏi quá!”, bạn hãy chi tiết hơn về lời khen để con biết cụ thể mình đã được khen vì điều gì. Ví dụ, “Mẹ rất vui vì con đã chăm chỉ gấp quần áo. Con đã giúp mẹ thêm một phần việc để mẹ có nhiều thời gian thư giãn hơn đấy!”
Việc cụ thể và chi tiết trong lời khen giúp trẻ biết rằng việc nào mình nên làm, từ đó thúc đẩy những hành vi tích cực ở trẻ.
Khen ngợi quá trình
Một em bé vừa đạt điểm số cao thứ 2 trong lớp tại kỳ kiểm tra cuối năm. Bố mẹ của bé có thể khen ngợi thành tích khi con đã từ vị trí số 5 vượt lên đứng thứ 2 của lớp. Tuy nhiên, điều chúng ta nên quan tâm và khen ngợi nhiều hơn đó là cả quá trình chăm chỉ, cố gắng của đứa trẻ. Trẻ cảm thấy được công nhận không chỉ cho kết quả mà còn cho tất cả những gì con đã nỗ lực. Điều này sẽ giúp con cảm thấy không phải đạt kết quả cao do may mắn mà là những phấn đấu thực sự để đạt thành tích.
Nói về những trở ngại mà trẻ đã phải vượt qua
Khi trẻ hoàn thành một điều gì đó trong cuộc sống, chúng thường phải vượt qua những trở ngại hoặc khó khăn trong quá trình này. Có lẽ trẻ cần phải hy sinh một số thứ như thời gian với bạn bè để luyện tập hoặc trau dồi kỹ năng của mình.
Khi chúng ta thể hiện niềm tự hào không chỉ với thành quả của trẻ mà còn nhận ra những gì mà con phải vượt qua trong suốt quá trình, trẻ có thể thấy chúng ta đã theo dõi và chú ý đến những nỗ lực của chúng như thế nào.
Thúc đẩy sự tự tin ở trẻ
Khoe khoang về thành tích của con cái không hữu ích bằng cách cho trẻ biết chúng ta đã hài lòng với những thành công của chúng như thế nào.
Nếu một đứa trẻ luôn thể hiện sự tự tin về khả năng của mình thì trẻ có thể làm tốt nhiều việc khác, và sự đánh giá cao về nỗ lực của trẻ khiến chúng dễ dàng lắng nghe và tiếp thu hơn.
Tuy nhiên, có những việc mà trẻ thực sự không làm tốt khiến chúng buồn và thất vọng vào bản thân. Lúc này, lời khích lệ vô cùng quan trọng. Ví dụ, dù tập nhiều lần mà con vẫn chưa đi được xe đạp. Bạn nên động viên con rằng: “Việc giữ thăng bằng trên xe đạp là điều rất khó khăn. Khi nhỏ, bố mẹ cũng đã ngã nhiều lần và tập rất lâu mới có thể biết đi. Con cũng sẽ làm được nếu như con cố gắng!”
Đừng làm quá
Lời khen là quan trọng, nhưng bạn cũng đừng làm quá thành tích của con và khen ngợi quá nhiều dù thực tế con không được như vậy.
Việc sử dụng bừa bãi lời khen, khen mọi hành vi của trẻ sẽ khiến con bị phụ thuộc vào lời khen. Điều nghiêm trọng hơn của việc làm quá này là khiến trẻ dễ bị tự cao và lầm tưởng vào khả năng của bản thân. Hoặc có thể chỉ vì muốn được khen mà trẻ sẽ làm điều gì đó chứ không xuất phát từ việc yêu thích.
Chọn đúng thời điểm
Khen ngợi có hiệu quả tốt nhất khi trẻ đạt được thành tựu. Ví dụ, nhiều bố mẹ khen ngợi con khi con chịu ăn. Thực tế, ăn uống chỉ là nhu cầu bình thường của trẻ, nhưng chúng ta lại khen ngợi điều đó. Với việc ăn uống, thay vì khen ngợi, chúng ta hãy khuyến khích con ăn, đặc biệt là khi chúng ta muốn con thử một món ăn mới.
Ngoài ra, khen ngợi cũng cần đúng lúc, đúng thời điểm. Ví dụ như, khi con vừa đạt được thành tích thì việc khen ngợi ngay (chứ không phải 1 vài ngày sau mới khen ngợi) sẽ có hiệu quả hơn. Điều này giúp trẻ nhận thấy bạn luôn quan tâm và dõi theo trẻ.
Đừng loại bỏ những biểu hiện tích cực trong kết quả tiêu cực
Đôi khi chúng ta cần khen ngợi ngay cả khi trẻ thất bại. Nếu con đã có một quá trình dài cố gắng nhưng kết quả vẫn không như con mong muốn, bạn nên động viên con cố gắng hơn cho lần sau và khen ngợi về những nỗ lực mà con vừa thực hiện. Điều này sẽ cho trẻ thấy mình vẫn được công nhận, không sợ thất bại và có nhiều động lực hơn nữa.
Hãy thử “Bố mẹ rất tự hào về con!”
Larissa Dann, một huấn luyện viên kỳ cựu 20 năm của Đào phụ huynh ở Úc có đưa ra một đề nghị cho các học viên của mình rằng, thay vì nói “Bố mẹ tự hào về con”, hãy chuyển sang “Bố mẹ rất tự hào về con!”, “Wow Wow ! Bố mẹ vô cùng ấn tượng về thành tích của con!” Đó là một sự thay đổi tinh tế để chỉ tập trung vào thành tựu của đứa trẻ.
Tập trung vào trẻ khi khen ngợi chúng
Đôi khi chúng ta khen con vì con đã đạt thành tích tốt rồi, nhưng lại khen thêm các bạn khác vì có thành tích tốt hơn. Khi khen hãy chỉ tập trung vào con thôi. Ngoài ra, việc so sánh con với những bạn bè cùng trang lứa cũng không nên. So sánh con khiến con có những đánh giá lệch lạc về bản thân và người khác, khiến dễ nảy sinh đố kị hoặc tự ti vào bản thân mình.
Khuyến khích họ công nhận những nỗ lực của người khác
Một cách hữu ích để trẻ giữ khiêm tốn với thành quả của mình là giúp chúng nhìn thấy những cố gắng của người khác đã đóng góp vào thành công của chúng. Ví dụ như, để có được kết quả tốt trong kỳ thi này, ngoài những cố gắng của bản thân, trẻ cũng nên nhận ra sự cố gắng của thầy cô giáo trong quá trình giảng dạy và những động viên, hỗ trợ của bố mẹ dành cho mình.
Bài viết của Mầm Nhỏ có tham khảo từ nguồn: