“Làm anh khó lắm
Phải đâu chuyện đùa
Với em gái bé
Phải người lớn cơ…”
Chắc hẳn bố mẹ nào cũng biết đến bài thơ “Làm anh” và muốn những bạn lớn nhà mình sẽ biết làm gương cho em như người anh trong bài thơ trên.
Có một vài bạn nhỏ khi có em thường rất hào hứng với vị trí này, con có thể muốn trở thành một người anh, người chị biết quan tâm, yêu thương và thể hiện được sự thông thái của mình trước mặt em.
Nhưng nếu để nói về trách nhiệm khi cần phải trở thành hình mẫu, tấm gương cho con thì có lẽ người chúng ta cần nói đến đầu tiên, không ai khác chính là những người làm bố, làm mẹ. Mặc dù vậy, vẫn rất ổn nếu như những em bé ấy muốn “góp sức”
Dưới đây, chúng mình vạch ra 5 “chiến lược” hiệu quả mà bố mẹ có thể sử dụng để giúp các em bé ấy có thể dễ dàng hơn khi muốn làm gương, trở thành một hình mẫu tích cực trước mặt các em.
LÀM MẪU CHO CON THẤY NHỮNG GÌ BẠN MUỐN CON LÀM VỚI EM
Cả 3 nhà trị liệu tâm lý mà chúng mình sẽ đề cập dưới đây đều đồng ý rằng cách hiệu quả nhất để dạy trẻ biết trở thành tấm gương cho em noi theo là bản thân bố mẹ cũng là chính tấm gương ấy. Rachel Wright, nhà trị liệu tâm lý về hôn nhân gia đình, đồng sáng lập của trung tâm “Wright Wellness Center” nói rằng trẻ sẽ học tốt hơn nhiều thông qua quan sát hành động của người lớn nhưng nếu con lớn của bạn đang làm rất tốt trong khi bạn lại không thì đứa con nhỏ trong nhà sẽ rất bối rối.”
Ví dụ, nếu bạn muốn con kiên nhẫn hơn với em thì điều quan trọng không kém là bạn cần phải đối xử với các con tương tự, tác giả, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Amber Trueblood nói. Điều này cũng đúng với việc mình cần mình cần thể hiện tình cảm, yêu thương, quan tâm, khen ngợi lẫn nhau khi cần. Thêm nữa, theo Linda Snell, nhân viên công tác xã hội lâm sàng và nhà trị liệu hôn nhân gia đình của New Method Wellness nói rằng những phẩm chất bố mẹ muốn con có như trung thực, thật thà, đáng tin,… thường khó để hiểu được bằng lời nói đơn thuần nên hành động của bố mẹ sẽ giúp trẻ dễ hình dung.
CÓ CHO MÌNH NHỮNG MỐI QUAN HỆ TÍCH CỰC
Snell nói: “Tôi tin là hầu hết chúng ta sẽ đồng ý rằng trẻ học từ việc quan sát người lớn và bắt chước hành động của những người mà mình yêu quý, ngưỡng mộ.” Mặc dù bạn, những người làm cha, làm mẹ đóng vai trò chính trong cuộc sống của trẻ thì bạn bè hay họ hàng cũng là những người có tiếp xúc với trẻ và cũng sẽ tác động đến sự phát triển của trẻ. Do vậy, mình nên cố gắng duy trì những mối quan hệ chất lượng.
Ngoài ra, mình cũng nên có những cuộc trò chuyện, trao đổi với con nếu như con thấy người thân, bạn bè của bố mẹ hoặc đơn thuần là những người con thấy trên đường có những hành động không phù hợp. Thay vì tìm cách bao bọc con, hãy cân nhắc sử dụng nó như là một cơ hội học tập. Và cái mình cần nhấn mạnh với con rằng ai cũng có lúc mắc lỗi cả, điều đó là bình thường, quan trọng là cách người đó chịu trách nhiệm và sửa đổi.
TRAO ĐỔI, THẢO LUẬN VỚI CON XEM LÀM GƯƠNG CHO EM LÀ NHƯ THẾ NÀO
Thay vì áp đặt quan điểm cho con là một người anh phải như thế này, một người chị phải như thế kia thì tại sao mình lại không hỏi con như thế nào là một người anh, chị tốt. Khi ấy, trẻ cũng có cảm giác mình được lắng nghe và con cũng sẽ dễ dàng tiếp thu quan điểm, ý kiến của bố mẹ hơn.
Ngoài ra, mình cũng cần ý thức được rằng hình mẫu của bố mẹ và của anh chị lớn trong gia đình sẽ khác nhau như thế nào để tránh mình mong đợi quá sức với khả năng của trẻ.
NUÔI DƯỠNG MỐI QUAN HỆ GẮN KẾT GIỮA NHỮNG ĐỨA TRẺ
Ông Snell nói, “để việc làm gương trở nên hiệu quả thì điều quan trọng không kém là mình cần nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp, biết giúp đỡ lẫn nhau giữa anh chị em trong gia đình ngay từ đầu. Bạn có thể đạt được điều này bằng cách dạy con trở thành người hỗ trợ lẫn nhau.
Điều này có nghĩa là mình nên tôn trọng tất cả các nhu cầu của con, tránh việc so sánh trẻ này với trẻ kia, có những nguyên tắc trong gia đình được ra làm nền tảng và giữ cho những đứa trẻ có những trách nhiệm như nhau (phù hợp với lứa tuổi), thể hiện tình yêu thương như nhau với từng đứa con hay mình có thể nhìn nhận, xác định trước được điều gì sẽ khiến những mâu thuẫn xảy ra. Điều này cũng có nghĩa là cả gia đình có thời gian chất lượng cùng nhau, khuyến khích bất kỳ những hành động, tình cảm tích cực nào mà bạn có thể thấy giữa anh chị em trong gia đình.
Sẽ ổn thôi nếu bạn không làm tốt được tất cả những điều trên vì chúng ta không ai hoàn hảo cả nhưng nếu có thể hãy biến nó thành mục tiêu để bạn hướng đến.
GHI NHẬN, ĐÁNH GIÁ CAO NHỮNG GÌ CON ĐÃ CỐ GẮNG LÀM ĐƯỢC
Trueblood nói, một trong những hành động quan trọng nhất mà bố mẹ có thể làm là thực sự ghi nhận, thể hiện niềm tự hào và đánh giá cao khi con biết quan tâm, đối xử tốt với em. Bà cũng nói thêm, thay vì chỉ ra những gì bạn không thích, hãy thử tập trung nhiều nhất có thể vào những gì con làm mà bạn thấy là tích cực. Và bạn có thể để con nghe được những lời khen ngợi ấy khi nói chuyện với người khác hoặc trao đổi trực tiếp với con.
Bạn có thể nói cho con biết mình đã cảm thấy vui mừng, hạnh phúc ra sao khi bạn nhìn thấy con giúp em làm bài tập về nhà, động viên em khi thấy em buồn hay chia sẻ cho em mình ăn món mà em yêu thích.
Điều quan trọng là mình đừng đặt áp lực lên những đứa trẻ là cần phải làm mẫu cho em và cũng sẽ hoàn toàn bình thường nếu đứa con lớn không muốn trở thành một mẫu hình tích cực cho em như bố mẹ đang mong đợi. Vì điều quan trọng hơn hết là các em bé ấy lớn lên mạnh khỏe, hạnh phúc thay vì lo lắng xem liệu mình có đang làm đúng hay sai, phải vậy không?
Bài viết của Mầm Nhỏ có tham khảo từ nguồn:
https://www.verywellfamily.com/how-to-teach-older-children-…
Ảnh: Matthew Wreford/Getty Images