Cảm giác của các bậc cha mẹ khi nghe trẻ nói dối thường là rất tồi tệ, nghĩ rằng nếu không dạy dỗ cẩn thận thì sau này con sẽ trở thành kẻ nói dối, thậm chí là lừa đảo. Nhưng như chúng mình đã khẳng định ở bài Vì sao trẻ nói dối (link: https://goo.gl/7JAV5q) trẻ nhỏ thường học cách nói dối từ người lớn và trẻ chưa có khả năng phân biệt rõ ràng nói dối có hại và nói dối vô hại cũng như tách bạch giữa tưởng tượng và sự thật. Vì vậy, việc bố mẹ xử lí tinh tế khi trẻ nói dối sẽ không phá hủy trí tưởng tượng của trẻ mà trẻ vẫn có thể hiểu ý nghĩa của sự thật và sự trung thực, bớt nói dối hơn. Hãy chắc chắn rằng bạn không bị qua mặt, bị lừa bởi những lời nói dối nhưng cũng cần lưu ý để xử lý một cách khéo léo sau khi bạn nghe trẻ nói và góp ý cho trẻ một cách nhẹ nhàng. Tránh đe dọa hoặc cố đào xới để tìm cho ra sự thật trừ phi những tình huống quá nghiêm trọng và sự yêu cầu, đòi hỏi phải chú ý đến.
GIẢI PHÁP 1: TRÁNH TỐI ĐA NHỮNG TÌNH TRẠNG KHIẾN TRẺ PHẢI NÓI DỐI
Khi đã biết trẻ chính là người gây ra một vụ lộn xộn nào đó, nếu bạn cố gắng truy hỏi sẽ khiến bé có khả năng nói dối, để tránh khỏi rắc rối với người lớn. Ví dụ: nếu đứa trẻ lỡ làm đổ sữa ra sàn, khi bạn hỏi trẻ, trẻ sẽ cảm thấy tốt hơn mình nên nói dối vì có thể trẻ biết được đấy là điều không nên làm và mình đã lỡ làm, trẻ muốn thoát ra khỏi những rắc rối hoặc trẻ lường trước rằng bạn sẽ có phản ứng như thế nào khi biết trẻ làm đổ. Lúc này khi biết đích xác trẻ là người làm đổ, bạn nên trực tiếp đặt vấn đề về việc giải quyết hậu quả của sự việc luôn “À mẹ thấy một ít sữa đổ ra sàn rồi, con hãy lau chúng đi, lần sau con cẩn thận hơn nhé”
GIẢI PHÁT 2: DẠY TRẺ SỬ DỤNG NGÔN NGỮ TÍCH CỰC ĐỂ DIỄN ĐẠT ĐIỀU MUỐN NÓI KHI SỰ THẬT KHÔNG VUI VẺ (thay vì nói dối hay nói ra sự thật khiến người khác tổn thương)
Trước khi dạy trẻ sử dụng ngôn ngữ tích cực, bản thân chúng ta cũng phải sử dụng ngôn ngữ tích cực để nói với trẻ. Tránh nói với trẻ rằng “con là đồ nói dối”, nó làm giảm đi lòng tự trọng của trẻ và có thể dẫn tới những lần nói dối sau. Vì trẻ tin rằng bản thân chúng là một kẻ dối trá, nên chúng có thể tiếp tục nói dối. Hãy nói về hành vi bản chất của hành động chứ đừng dán bất kỳ cái nhãn nào cho con bạn.
Khi trẻ phải đưa ra lời cảm ơn về món quà trẻ được nhận mà thực sự trẻ không thích nó thì đừng bắt bé phải nói: ""Cảm ơn cô, cháu rất thích món quà". Bạn chỉ nên đề nghị trẻ thể hiện sự tôn trọng tích cực về việc được người khác quan tâm và tặng quà như thế nào, chỉ ra những mặt hấp dẫn của món quà. Giải thích cho con rằng: “Mẹ biết là con không thích món quà này, con không thích cái áo mới này, nó làm con cảm thấy nóng bức, cổ thì chật, nhưng con hãy nghĩ đến khoảng thời gian cả buổi sáng/chiều mà bà đã đi tìm và mua cho con/ đã đan cho con. Đấy là sự đặc biệt trong món quà của bà, con nên cảm ơn bà về điều đó”
Cho trẻ cảm nhận sự đồng cảm: Con sẽ cảm thấy như thế nào nếu một ai đó chê con xấu và không xinh, con sẽ buồn đúng không, vì vậy con đừng nói những lời làm người khác buồn. Con có thể cảm nhận cô ấy không xinh, nhưng con có thể để nó thầm thì trong đầu con, hoặc nói với mẹ, và lúc đấy con hãy nghĩ xem điều gì khiến cô ấy tuyệt vời, điều gì khiến con thích cô ấy.
Những đứa trẻ mẫu giáo có thể hiểu được tầm quan trọng của những lời nói dối lịch sự. Trong một nghiên cứu gần đây, những đứa trẻ từ 3-11 tuổi được tặng một bánh xà phòng và chúng được hỏi là có thích món quà đấy không thì gần 75% trẻ nhóm 3-5 tuổi nói rằng có, mặc dù sau đấy chúng thú nhận rằng chúng không thích lắm. Những đứa trẻ hiểu rằng chúng có thể không trung thực một chút để tránh làm người khác bị tổn thương.
GIẢI PHÁP 3: SỬ DỤNG SÁCH TRUYỆN
Cố gắng đọc sách hoặc kể những câu chuyện có những nội dung nổi bật về tầm quan trọng của sự trung thực như quyển “Cậu bé chăn cừu” là một ví dụ tốt cho việc những hành động dối trá sẽ qua trở lại chống đối bản thân người nói dối ra sao.
GIẢI PHÁP 4: NGƯỜI LỚN KHÔNG NÓI DỐI
Để hạn chế việc trẻ nói dối và trung thực nhận lỗi khi nói dối, điều quan trọng và nên làm nhất là bạn phải làm gương cho trẻ. Đôi khi đấy cũng là thử thách của chính người lớn chúng ta. Những đứa trẻ thẩm thấu mọi thứ diễn ra quanh chúng. Hãy cẩn thận với những phản xạ nói dối mà ngay chính người lớn chúng ta hay sử dụng, thậm chí là rất nhỏ như “Con ơi hãy nói với cô ấy là mẹ không có nhà”, vì đấy chính là cách trẻ quan sát và học chúng ta.
Những hành vi nêu gương từ những người lớn xung quanh mang tính quyết định đến việc hình thành nhân cách của những đứa trẻ, vì vậy bạn hãy chú ý đến những thành viên trong gia đình hoặc những người hàng xóm thân thiết gần gũi với trẻ để có thể cùng hướng dẫn con bạn thông qua những giao tiếp xã hội hàng ngày.
“Những đứa trẻ có mối quan hệ gần gũi với bố mẹ, những người mà chúng cảm thấy thoải mái khi chuyện trò, dễ dàng để trao đổi thông tin thường rất trung thực vì chúng không lo lắng khi phải nói ra điều chúng nghĩ hoặc biết cách để nói ra sự thật mà không sợ bố mẹ phạt” (Dr. Talwar)
GIẢI PHÁP 5: ĐỘNG VIÊN TRẺ NÓI RA SỰ THẬT
Lời khuyên từ Tiến sĩ Talwar rằng chúng ta nên nói chuyện với trẻ về tầm quan trọng của việc nói thật, của sự thành thật, của sự trung thực. Khuyến khích trẻ nói thật và biết nhận lỗi. Trung thực có nghĩa là không nói dối, dám thừa nhận những sai lầm của mình, chấp nhận đối mặt và sửa chữa. Nên giải thích cho trẻ hiểu nói dối là gì và tại sao nói dối lại không tốt, nhấn mạnh để trẻ hiểu rằng “Trung thực và thành thật rất là quan trọng”. Hậu quả của việc nói dối rất nặng nề và nghiêm trọng.
Khi đứa trẻ của bạn thú nhận những việc chúng làm sai, hãy khen ngợi sự thành thật của trẻ. Hãy nói với trẻ rằng “Mẹ rất vui vì con đã nói với mẹ sự thật. Mẹ thích khi con trung thực thế này”. Hãy chú ý khi đứa trẻ trở nên trung thực và nên ca ngợi chúng, đưa cho chúng những phản hồi tích cực. Đây là thông điệp để trẻ biết rằng bạn sẽ không buồn bã nếu trẻ thú nhận một điều gì đấy.
Ngoài ra hãy nói chuyện với con về “lòng tin”, lòng tin là sự tin tưởng của người khác dành cho mình. Có được lòng tin của mọi người là một điều đáng quý. Để có được lòng tin từ người khác con phải luôn sống trung thực với mọi người, biết giữ lời hứa, biết nói ra sự thật, biết nhận lỗi khi sai. Nếu sau nhiều lần mất lòng tin như thế dần dần mọi người sẽ không tin tưởng con nữa, như cậu bé trong truyện Cậu bé chăn cừu!
Hầu hết những lời nói dối thường rất dễ nhận ra. Bạn nên tiếp tục trò chuyện với đứa trẻ về câu chuyện mà chúng đang vờ nói dối.
Ví dụ 1: “Mẹ ơi con có thể nói chuyện được với bạn cún này đấy”
“Nhà tớ có một căn phòng chứa đầy đồ chơi, cao từ mặt đất lên trần nhà luôn”
Sự khoe khoang khoác lác là cách trẻ muốn được người khác khâm phục, ngưỡng mộ và chú ý. Nếu nó xảy ra thường xuyên với con của bạn, hãy cố gắng khen ngợi con bạn nhiều hơn, có thể khi con học được điều gì mới. Những lời khen lúc này nên nhắm vào hành động đúng, hơn việc chỉ đưa ra những lời khen chung chung như là “Con giỏi quá”, “Thật tuyệt vời”. Khi con vẽ được một bức tranh bằng rau củ quả thì bạn nên khen trẻ “Con đã rất cố gắng và sản phẩm là một bức tranh nhiều màu sắc rất đẹp mắt” Hoặc “Wow, con đã rất giỏi khi sử dụng các bạn rau củ này để vẽ, con có thể nói lại cho mẹ cách làm không? Chắc chắn con đã rất tập trung cho tác phẩm này. Chúng ta hãy cùng treo nó lên nhé!” Điều này giúp thúc đẩy lòng tự trọng của trẻ, thôi thúc trẻ mong muốn làm những hành động tích cực.
Nếu đứa trẻ của bạn nói dối để thu hút sự chú ý của bạn, việc này đôi khi thể hiện rằng thời gian bạn dành cho trẻ chưa đủ, trẻ mong muốn được quan tâm. Lúc này, bạn nên sắp xếp để có những khoảng thời gian dù ngắn nhưng chất lượng với con, hãy lắng nghe con nhiều hơn, có thể nghĩ về hệ thống giải thưởng, cái mà trẻ muốn đạt được. Giải thưởng mà mình đề cập đến không hẳn mang yếu tố vật chất, đó có thể là những cái ôm thật chặt, những nụ hộn vào má, những cái nắm tay của bạn dành cho con để thể hiện sự khen ngợi, tự hào khi con làm được một việc tốt, đặc biệt khi con thể hiện sự trung thực.
“Mẹ ơi con có thể nói chuyện được với bạn cún này đấy”: lúc này đừng cho những lời nói của trẻ là vớ vẩn, vì đôi khi khả năng của con người và vô hạn, biết đâu con bạn có khả năng giao tiếp với động vật thật thì sao. Giải pháp lúc này bạn nên nối tiếp câu chuyện của trẻ để xem trẻ suy nghĩ và cảm nhận gì “Con đã nói chuyện với bạn bằng cách nào thế? Và bạn đã nói gì với con. Mẹ nghĩ 2 con đã có thể trở thành những người bạn tốt của nhau khi trò chuyện được với nhau đấy. Và con còn có thể dạy bạn, huấn luyện bạn khi con trò chuyện được với bạn”.
Ví dụ 2: Nếu đứa trẻ của bạn đang kể một câu chuyện – không có thật, bạn có thể phản hồi lại bằng cách “Wow thật là một câu chuyện hấp dẫn, chúng ta có thể kết hợp những câu chuyện của con thành một quyển sách, chắc chắn sẽ có nhiều người thích”. Hoặc “Ôi con đã tưởng tượng ra một câu chuyện hấp dẫn quá! Mẹ tiN chắc nếu câu chuyện này được làm thành một bộ phim thì còn gì tuyệt vời hơn”. Việc nhấn mạnh này giúp trẻ hiểu được: à câu chuyện của mình sáng tác là do trí tưởng tượng của mình chứ nó không có thật. Quan trọng hơn câu chuyện này được mọi người thừa nhận. Bằng cách này bạn vừa dạy trẻ xác định ranh giới giữa đời thật và sự tưởng tượng, mơ mộng. Mặt khác bạn con khuyến khích để sự tưởng tượng của con được phát triển.
Những đứa trẻ luôn muốn mọi người chú ý, chúng hay phóng đại, cường điệu những câu chuyện của chúng để mọi thứ trở nên thú vị hơn. Nhưng sự giả vờ và trí tưởng tượng rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, và nó rất tốt nếu khuyến khích trẻ sử dụng chúng trong khi “chơi”. Chính vì thể chúng ta nên khuyến khích sự tưởng tượng của trẻ chứ không phải cổ động cho việc trẻ nói dối.
Ví dụ 3: “Mẹ ơi con đã đánh răng rồi”
Khi trẻ nói dối rằng con đã đánh răng, bạn cần xác định lý do vì sao trẻ lại nói dối: có thể trẻ đang vội vàng muốn đi chơi cùng bạn, hoặc có thể trẻ chưa hiểu bản chất vì sao mình nên chăm sóc răng miệng và hậu quả của việc không đánh răng là gì, trẻ đánh răng chỉ vì bạn muốn trẻ phải đánh. Lúc này bạn đừng phạt trẻ mà hãy nói với con về hậu quả của việc không đánh răng, răng là một phần cơ thể của con, nên con có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ chúng, sẽ như thế nào với cái miệng hôi và hàm răng sâu.
Ví dụ 4: Đôi khi trẻ nói dối vì sợ bị đánh nếu nói ra sự thật, vì thế hãy:
+ Hãy đảm bảo với trẻ rằng chúng sẽ an toàn nếu chúng nói sự thật.
+ Hãy làm hết sức để thuyết phục trẻ rằng bạn sẽ làm mọi việc trở nên tốt hơn.
+ Nếu bạn có thể quan tâm đến sự an toàn cũng như chăm sóc trẻ, hãy tìm sự can thiệp ở những nơi uy tín.
Ví dụ 5: Khi trẻ nói với bạn: Mẹ ơi con gấu bông làm vỡ cái ly rồi. Bạn hãy tạo ra một tình huống vui, hoặc hơi làm quá một chút cho sự nói dối của trẻ. Bạn có thể hỏi lại trẻ với thái độ vui vẻ rằng: Oh, mẹ thắc mắc sao teddy có thể làm thế làm thế nhỉ. Giữ sự hài hước cho đến khi trẻ thú nhận. Với cách này, bạn có thể giải quyết được hành vi nói dối, dạy trẻ nói thật một cách nhẹ nhàng mà không cần đến sự kỷ luật hay xung đột giữa 2 mẹ con.
Ví dụ 6: “Cái này là của tớ”
Đây là một lời nói dối CẦN LƯU TÂM bởi trẻ nói dối để muốn LẤY MÓN ĐỒ KHÔNG PHẢI CỦA MÌNH, nhưng trẻ thích. Điều bạn cần làm lúc này là nói chuyện riêng với trẻ, cho trẻ hiểu những nội quy luật lệ trong xã hội mà trẻ cần tuân theo, hậu quả của việc không tuân theo. Cần tạo sự nhẹ nhàng nhưng cứng rắn và nghiêm khắc để trẻ nhận thấy rằng hành vi nói dối để lấy đồ là sai, tuyệt đối không được làm.
“Con ơi món đồ chơi này rất đẹp nhỉ, nó còn có pin để khởi động cho bạn này hoạt động nữa. Con có thích không? Nếu là mẹ thì mẹ cũng rất thích có món đồ chơi này đấy!. Nhưng con hãy nhìn lại xem, nó có phải của mình không nhỉ.”
“Mẹ rất vui vì con nói thật với mẹ. Như vậy món đồ này không phải của mình nhỉ”
“Mẹ biết là con rất thích, nhưng nó không phải của mình nên mình không thể mang nó về con ạ. Con có thể mượn bạn chơi và trả lại. Chủ nhân của món đồ này cũng yêu quý nó lắm, bạn ấy bị mất đồ chơi chắc sẽ rất là buồn, con có nghĩ thế không?”
“Có những thứ mình rất thích nhưng không phải của mình thì tuyệt đối không nên lấy. Muốn lấy phải xin phép con à.”
“Những người lấy đồ của người khác mà không xin phép con nghĩ có nên không? Điều gì sẽ xảy ra với những người này nhỉ”
Có một lưu ý nhỏ là khi giải quyết tình huống này, các bạn không nên nói trẻ trước đám đông, ở nơi đông người mà nên trò chuyện với riêng trẻ. Đấy là cách các bạn thể hiện sự tôn trọng trẻ, tránh làm trẻ xấu hổ tự ti.
GIẢI PHẢP 6: ĐƯA RA HÌNH PHẠT THÍCH HỢP
Một trong những nguyên nhân trẻ nói dối nhiều nhất, đó là do chúng sợ những hình phạt, sợ sự nổi nóng của bạn hơn là sự hậu quả bản chất của việc nói dối.
“Mẹ ơi không phải con làm đổ sữa”
Lúc này trẻ sợ bị mắng, trẻ cảm thấy mình nên chối tội để khỏi bị mắng. Chúng ta cần nhìn nhận đứa trẻ như một thực thể đang phát triển, chính vì đang phát triển nên mọi kỹ năng thao tác của trẻ dần dần hoàn thiện thông qua trải nghiệm chứ chưa thuần thục như người lớn. Bên cạnh đấy sự mong muốn được khẳng định mình thông qua việc muốn tự tay làm những việc như người lớn mâu thuẫn với sự non nớt trong thao tác khiến đôi khi trẻ hay xảy ra những “tai nạn” như làm vỡ bát, đổ thức ăn. Bố mẹ nên nhìn vào mặt tích cực của việc mong muốn được trải nghiệm, được tự mình phục vụ của các con, đưa ra những lời hướng dẫn hợp lý chứ không nên phạt chúng. Sau nhiều lần phạt sự thôi thúc hành động của trẻ vẫn còn, nhưng trẻ dần không dám đối diện với việc nhận lỗi vì sợ phạt và la mắng.
Nếu các bạn nghĩ nên có hình phạt với con, thì ít nhất hình phạt đấy phải gần nhất với lỗi sai của con mình.
Ví dụ: một đứa trẻ nói dối về việc chúng xem ti vi trong suốt thời gian làm bài tập ở nhà thì chúng nên bị phạt bằng cách không cho chúng xem ti vi vào buổi tối, chứ không phải cấm chúng ăn bánh ngọt. (Joshua Sparrow, một nhà tâm lý học trẻ em ở Boston và là đồng tác giả của quyển sách Discipline: The Brazelton Way)
GIẢI PHÁP 7: SỬ DỤNG LỜI NÓI DỐI VÔ HẠI
Thỉnh thoảng chúng ta cũng nên nói dối trẻ, bởi có những lời nói dối vô hại. Đôi khi những lời nói dối này có thể bảo vệ được sự ngây thơ, kích thích sự tưởng tượng sáng tạo của trẻ và làm chúng phát triển hoặc giúp bạn dạy chúng những kỹ năng xã hội quan trọng.
Ví dụ bạn có thể nói với trẻ rằng những cái ôm có những năng lực đặc biệt, điều này giúp xoa dịu những đứa trẻ của bạn khi chúng bị đau. Hoặc thỉnh thoảng bố mẹ nên chơi những trò chơi như tìm nhưng nàng tiên bay lượn đâu đó trong nhà, trong vườn.
Tuy nhiên mặc dù là vô hại nhưng những lời nói dối này không nên sử dụng thường xuyên, ranh giới giữa lời nói dối vô hại và lời nói dối thật rất mong manh. Những đứa trẻ thường hay nghe những lời nói dối sẽ có xu hướng nói dối.
Bài viết này do chị Đinh Thị Thu Hằng - nghiên cứu sinh giáo dục mầm non tại Nhật Bản viết.
Các nguồn tài liệu tham khảo:
http://www.parents.com/.../beh.../age-by-age-guide-to-lying/
http://psychcentral.com/lib/when-a-child-lies/2/
https://www.psychologytoday.com/.../why-so-many-us-lie...
http://raisingchildren.net.au
https://www.empoweringparents.com/.../how-to-deal-with.../
https://en.wikipedia.org/wiki/Lie