Loading Loading

HƯỚNG DẪN TRẺ TIẾT KIỆM BẰNG THẺ PHẦN THƯỞNG VÀ BẢNG MỤC TIÊU

HƯỚNG DẪN TRẺ TIẾT KIỆM BẰNG THẺ PHẦN THƯỞNG VÀ BẢNG MỤC TIÊU
Dạy trẻ nhỏ biết cách tiết kiệm ngay từ lúc bé là một điều quan trọng, điều này không chỉ giúp các con biết quý trọng đồng tiền, mà còn giáo dục các con học được cách tập trung, lập kế hoạch tài chính cho những mục tiêu lớn. Thông qua việc tiết kiệm hằng ngày, trẻ sẽ tự khắc biết phân bổ số tiền mình có, chi tiêu hợp lý để có những khoản tiền tiết kiệm và để dành cho những mục tiêu, kế hoạch mà con mong muốn.

Khi trẻ lên 6 tuổi, các con đã hiểu hơn về những con số và có thể đã có tiền tiêu vặt, lúc này các con cần được chỉ dạy cách quản lý số tiền đó và chi tiêu một cách tiết kiệm. Và để bắt đầu chỉ dạy con biết tiết kiệm, bố mẹ nên có một cuộc trò chuyện về chủ đề tiền bạc và tầm quan trọng của việc tiết kiệm. Hãy cho trẻ biết rằng tiền không phải là một điều cấm kị, các con vẫn chưa đến tuổi biết và tiếp xúc với nó, mà chỉ là bố mẹ nên cởi mở trò chuyện với con về vấn đề này. Bố mẹ nên bắt đầu bằng câu chuyện về ước mơ, ý tưởng cho tương lai của con rồi hãy hỏi xem con muốn những gì, nếu con biết tiết kiệm tiền bạc nó sẽ giúp ích cho cuộc sống tương lai của con ra sao. Sau đó bố mẹ có thể đặt ra những câu hỏi về chủ đề tiết kiệm tiền cho tương lai để con có thể suy nghĩ thật tích cực về vấn đề này nhé!

GIẢI THÍCH TẠI SAO CON CẦN TIẾT KIỆM:
Bố mẹ cần giải thích rõ ràng với con về MỤC ĐÍCH của việc tiết kiệm và tại sao con phải tiết kiệm thay vì tiêu dùng số tiền đó một cách dễ dàng:
- Việc tiết kiệm sẽ giúp con có những khoản tiền an toàn trong những lúc cần thiết.
- Tiết kiệm cũng giúp con có thể tập trung thực hiện được mục tiêu kế hoạch nào đó con đề ra.
- Hơn nữa, tiết kiệm cũng là cách con cần học nếu như con muốn tự sở hữu cái gì đó theo ý muốn của con.

Sau đó, bố mẹ hãy bắt đầu dạy con TIẾT KIỆM TỪ NHU CẦU NHỎ NHẤT. Đó là lưu ý với con mỗi lần đóng tiền điện, tiền nước… có thể trao đổi với con về các khoản phí hàng tháng của gia đình. Ban đầu, các con chỉ nghĩ đó là những con số vô nghĩa, nhưng dần dần các con sẽ hiểu nếu sử dụng điện nước tiết kiệm, con số sẽ giảm xuống, đi kèm với tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Các con nhìn vào hóa đơn bố mẹ đóng hàng tháng để điều chỉnh và rèn luyện ý thức khi sử dụng điện, nước trong nhà.

Ví dụ như tắt đèn khi ra khỏi phòng, ban ngày nếu có đủ ánh sáng thì không cần sử dụng đèn điện, chỉ bật bình nóng lạnh khi cần, mở vòi nước đủ dùng, không mở quá mạnh tránh lãng phí… Và bố mẹ có thể giải thích thêm với con rằng việc cả nhà cùng ý thức trong việc tắt đèn, tắt nước như vậy vừa tiết kiệm lại bảo vệ môi trường.

SỬ DỤNG THẺ PHẦN THƯỞNG NHƯ MỘT TRÒ CHƠI TIẾT KIỆM:
Trong hệ thống chương trình Money As You Grow, cũng có một phần tài liệu hướng dẫn các bố mẹ Mỹ dạy con tiết kiệm tiền bằng các tấm THẺ PHẦN THƯỞNG tự làm ngay từ lúc nhỏ.

👉🏻 Ví dụ nếu con giúp bố mẹ tưới cây sẽ được thưởng một vài tấm thẻ này, con phải dùng nó thì mới được xem tivi, chơi game... Một bộ phim hoạt hình ngắn 15 phút cần một thẻ phần thưởng, trong khi đó một bộ phim dài 1 tiếng cần 4 thẻ. Việc quy định như vậy sẽ giúp trẻ hiểu được rằng nếu con muốn xem một bộ phim dài hơn, con phải tiết kiệm nhiều thẻ hơn.

Bắt đầu khi 6 tuổi có tiền tiêu vặt, bố mẹ chỉ cần hướng dẫn một chút là con sẽ dễ dàng hiểu rằng con có thể tiêu số tiền này và cũng có thể tiết kiệm tiền giống như con đã tiết kiệm thẻ phần thưởng.

Bố mẹ cũng nên xem xét khen thưởng khi con biết tiết kiệm tiền của mình, khi con không chi tiêu bất kỳ khoản tiền nào trong một khoảng thời gian nhất định, thì có thể cân nhắc thưởng cho con một món quà. Ví dụ, phần thưởng có thể là thêm 30 phút chơi đồ chơi hoặc mua một món đồ mà con muốn.

HƯỚNG DẪN CON TIẾT KIỆM VỚI MỘT BẢNG MỤC TIÊU:
Bố mẹ và con cùng thử lập một BẢNG MỤC TIÊU mua sắm và dán lên tường phòng, hoặc cánh cửa tủ nhé! Đây là một cách tuyệt hay để rèn luyện cho bé các kỹ năng quản lý chi tiêu đấy. Bảng mục tiêu sẽ có một cột là những món đồ bé muốn mua (như màu vẽ, Lego, siêu nhân...), một hàng để đánh dấu mốc thời gian bé sẽ mua được nó trong bao lâu. Sau đó bé sẽ được phát những miếng sticker thể hiện số tiền con có để dán vào các cột món đồ cần mua.

Ví dụ: Bảng mục tiêu của con sẽ có một cột hàng dọc bao gồm 3 món đồ cần mua, và hàng ngang là khoảng thời gian theo lịch 3 tháng tới để con đạt được mục tiêu. Con sẽ đánh dấu vào các ô tương ứng với:
- Màu vẽ trong 2 tuần tới, Lego trong 1 tháng tới, siêu nhân trong 3 tháng tới.
- Bố mẹ nhớ giúp con sắp xếp để mức giá món đồ càng cao thì thời gian tiết kiệm càng dài nhé.
- Mẹ sẽ cho con 4 sticker tương ứng với 20 nghìn (tiền tiêu vặt hoặc phần thưởng của con), con sẽ tự phân chia 4 sticker vào cả 3 món đồ chơi theo nhu cầu của con (con muốn có món đồ nào nhất có thể dán nhiều -sticker hơn vào cột đó).
- Mỗi khi nhận được sticker, bé lại tiếp tục chia vào 3 món đồ cho đến khi nào các sticker chạm đến mốc bé đánh dấu.
- Món nào đầy sticker thì bố mẹ sẽ mua cho bé.

Với cách này, con sẽ cảm thấy ngày càng tới gần mục tiêu món đồ hơn. Và bố mẹ cũng biết được là con sẽ phải dành tiền tiêu vặt trong bao nhiêu lâu để mua được đồ chơi đó, cũng như cách con sắp xếp chi tiêu hợp lý như thế nào.

Bố mẹ cũng nên giải thích cho con hiểu rằng với những mục tiêu dài hạn, con phải mất nhiều thời gian để tiết kiệm hơn những mục tiêu khác. Việc phân biệt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn sẽ giúp tập cho bé thói quen để dành tiền cho từng mục tiêu đặt ra và cân đối với số tiền tiêu vặt hàng ngày.
 
Dạy con tiết kiệm có vẻ là một công việc khó khăn đối với nhiều bố mẹ. Nhưng hi vọng với những hướng dẫn mà Mầm Nhỏ chia sẻ trên đây có thể giúp bố mẹ tham khảo và chỉ dạy cho con hiểu hơn về tiền bạc. Chúc các bố mẹ sẽ có những giờ trò chuyện và hướng dẫn được các bạn nhỏ cách tiết kiệm tiền hiệu quả nhất nhé!
-----------------------------------------
Những bài học tài chính đầu tiên chính là trẻ nhỏ học hỏi từ việc quan sát bố mẹ kiếm tiền, mua sắm, tiết kiệm và vay mượn, bố mẹ chính là những người có ảnh hưởng lớn nhất đến cách con kiểm soát tài chính sau này. Những bài học về tiền bạc từ bé sẽ góp phần quan trọng tạo dựng khả năng tài chính tương lai của trẻ và bố mẹ không cần phải là chuyên gia tài chính mới có thể dạy con những bài học thiết thực về tiền bạc. Mầm Nhỏ đã có một album DẠY CON VỀ TIỀN BẠC, bố mẹ có thể tìm xem các bài viết trước nhé:
https://www.facebook.com/media/set/?set=a.780549858807607.1073741869.533438936852035&type=1&l=2e63f38935
 
 

 

 
 
 

Bài viết liên quan

GỢI Ý CHO BỐ MẸ CÁCH GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT CỦA CON VỚI BẠN BÈ

GỢI Ý CHO BỐ MẸ CÁCH GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT CỦA CON VỚI BẠN BÈ

Mẹ và bé

Tranh cãi, xích mích trong lúc chơi với nhau là điều rất phổ biến ở những đứa trẻ, điển hì
Xem chi tiết
NÓI SAO ĐỂ TRẺ THÍCH NÓI CHUYỆN VỚI BẠN?

NÓI SAO ĐỂ TRẺ THÍCH NÓI CHUYỆN VỚI BẠN?

Mẹ và bé

NÓI SAO ĐỂ TRẺ THÍCH NÓI CHUYỆN VỚI BẠN? 😍😍 💁‍♀💁‍♂ Chắc hẳn nhiều bố mẹ cũn
Xem chi tiết
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CON HÌNH THÀNH NẾP SỐNG NGĂN NẮP, GỌN GÀNG?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CON HÌNH THÀNH NẾP SỐNG NGĂN NẮP, GỌN GÀNG?

Mẹ và bé

Một trong những điều khiến bố mẹ vô cùng đau đầu là làm thế nào để con giữ cho phòng của
Xem chi tiết
0946 626 646