Với những mẹ vắt sữa ra thì trước khi cho bé bú cần hâm ấm lại. Hâm sữa nghe có vẻ là một việc khá đơn giản và nhẹ nhàng nhưng không phải mẹ nào cũng đang làm đúng. Có nhiều cách hâm sữa các mẹ đang sử dụng sẽ làm sữa mất đi rất nhiều dưỡng chất và kháng thể quý giá, làm giảm hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho trẻ của sữa mẹ. Vì thế, khi hâm sữa cho bé, bố mẹ nên lưu ý đến những điều sau:
Dù là mùa hè hay mùa đông mẹ cũng nên hâm nóng sữa đến nhiệt độ khoảng 37-40 độ, gần với nhiệt độ sữa mẹ bú trực tiếp để cho bé uống vì sữa ấm thì bé sẽ dễ chấp nhận hơn, nhất là những bé khó tính chỉ thích ti mẹ mà không chịu ti sữa mẹ vắt ra. Nhiều mẹ cho rằng mùa hè thì không nhất thiết phải hâm sữa, mà chỉ cần để rã đông đến khi bằng nhiệt độ phòng là được. Tuy nhiên vào mùa hè, nhất là khí hậu nóng ẩm như ở nước ta chính là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi phát triển, nên sữa ở nhiệt độ thường rất dễ nhiễm khuẩn và bị lên men. Vì vậy, mẹ nên hâm sữa khi lấy sữa từ ngăn mát tủ lạnh ra hoặc sau khi rã đông.
Rửa tay sạch với xà phòng trước khi hâm sữa, điều này cực kì đơn giản nhưng vô cùng quan trọng vì sẽ hạn chế vi khuẩn từ tay mẹ truyền vào sữa nếu mẹ lỡ chạm vào đầu bình sữa.
Nếu hâm sữa bằng nước ấm thì không nên để nước trên 55 độ.
KHÔNG HÂM SỮA BẰNG CÁCH ĐUN LÊN, DÙNG LÒ VI SÓNG sẽ làm MẤT những dưỡng chất và kháng thể trong sữa
Sữa có thể tách thành một lớp kem ở bên trên, đây chính là lớp chất béo của sữa tách ra, hoàn toàn bình thường. Trước khi hâm thì nhẹ nhàng xoay bình sữa để trộn đều sữa lên, KHÔNG NÊN LẮC MẠNH.
Trước khi cho bé bú nên thử nhiệt độ sữa bằng cách nhỏ một vài giọt lên mu bàn tay và ngửi, nếm thử sữa, nếu sữa có mùi chua, vị lạ thì không nên cho bé uống
Trên lí thuyết thì nếu sữa đã rã đông, làm ấm thì bé nên uống hết trong vòng 1-2 tiếng. Tuy nhiên, dù chưa có nghiên cứu nào hỗ trợ, một số tài liệu cho rằng nếu bé không uống hết thì có thể để sữa đó cho bé uống ở bữa tiếp theo (trong khoảng 3-4 tiếng sau khi làm ấm). Trong thực tế, nhiều mẹ vẫn đang làm thế để tiết kiệm và bé không gặp vấn đề nào về sức khỏe. Tuy nhiên, mẹ nên cân nhắc đến một số vấn đề sau trước khi quyết định để sữa đến cữ tiếp theo:
Sữa đã trữ đông thời gian dài sẽ ít chất chống vi khuẩn hơn sữa mới trữ đông. Vi khuẩn phát triển chậm hơn trong sữa mẹ so với sữa công thức nhưng nếu sữa đã trữ đông từ lâu thì không nên để đến cữ sau.
Mẹ càng đảm bảo vệ sinh khi hút sữa (rửa tay với xà phòng, vệ sinh từng bộ phận của máy hút theo đúng hướng dẫn, tiệt trùng bình sữa) thì lượng vi khuẩn trong sữa càng ít, sữa để lâu bên ngoài cũng an toàn hơn sữa mẹ vắt không đảm bảo vệ sinh
Bé trong tình trạng sức khỏe bình thường sẽ có khả năng xử lí lượng vi khuẩn nhất định trong sữa mẹ tốt hơn là bé bị ốm hoặc có vấn đề sức khỏe nên nếu bé sinh non, đang ốm thì không nên uống sữa đã để ngoài lâu
Nên để sữa vào ngăn mát và làm ấm trở lại trước khi cho bé uống tiếp. Một số mẹ để ở nhiệt độ phòng và sau đó cho bé bú tiếp và chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng để vào tủ lạnh hay để nhiệt độ phòng sẽ tốt hơn nhưng thông thường với bất kì thực phẩm nào, để lạnh sẽ hạn chế vi khuẩn phát triển hơn.
Nếu em bé nhà mẹ uống sữa mẹ vắt ra thường xuyên thì nên đầu tư máy hâm sữa. Việc sử dụng máy hâm sữa sẽ giúp người trông bé nhàn hạ hơn, không phải canh nhiệt độ khi hâm và châm nước nóng để hâm sữa, chỉ cần cho bình sữa vào máy, canh thời gian tự động từ 6-10 phút là có ngay một bình sữa ấm nóng cho bé uống. Nhiệt độ sữa được đảm bảo không phải kiểm tra lại nên có thể chủ động hâm trước khi bé dậy và để sẵn trong máy. Hơn nữa, nếu em bé không uống hết ngay thì bố mẹ có thể để lại vào máy hâm và cho bé uống tiếp, không phải lích kích hâm đi hâm lại, nhất là với những bé thường ăn lắt nhắt.
Hi vọng những thông tin trên của chúng mình sẽ giúp các bố mẹ tự tin hút sữa, trữ sữa và có thêm động lực để duy trì sữa mẹ cho con nhé! Chúc các em bé sẽ được tận hưởng sữa mẹ nhiều nhất, lâu nhất có thể.
Nguồn tham khảo:
Reusing expressed breastmilk: https://kellymom.com/.../milkstorage/reusing-expressedmilk/
Breastmilk Storage & Handling: https://kellymom.com/bf/pumpingmoms/milkstorage/milkstorage/