Trẻ thường tranh cãi với bạn bè của mình rất nhiều. Theo Brett Laursen và Gwen Pursell của Đại học Florida Atlantic, trung bình mỗi giờ đồng hồ có 3 cuộc cãi vã ở những trẻ đang học mầm non và tiểu học. Cùng với đó, tình bạn thực sự thường tranh cãi nhau nhiều hơn là những mối quan hệ xã giao thông thường, có thể là vì thường dành cho nhau nhiều thời gian và cảm thấy thoải mái hơn khi bày tỏ thật ý kiến. May mắn thay, xung đột giữa bạn bè thường ít dữ dội hơn và có nhiều khả năng được giải quyết hơn các xung đột khác.
Trẻ mới biết đi và trẻ đang học mẫu giáo thường tranh giành nhau về mọi thứ, chẳng hạn như ai là người được chơi quả bóng vàng. Với trẻ ở độ tuổi tiểu học, các cuộc tranh cãi có xu hướng liên quan đến hành vi, chẳng hạn như muốn bạn của mình làm gì và không được làm gì theo kiểu: “Tớ sẽ chơi với bạn nếu bạn làm thế này!” hoặc “Tớ sẽ không chơi với bạn nếu bạn làm thế kia!”. Và đó là lý do vì sao chúng mình muốn chia sẻ bài viết này với các ông bố, bà mẹ.
BẮT ĐẦU BẰNG SỰ THẤU HIỂU CON
Nếu con buồn bực về cuộc tranh cãi với bạn bè thì sự hiểu biết và thoải mái của bố mẹ có thể giúp ích cho con rất nhiều. Mặc dù bạn có thể rất nóng lòng muốn chỉ cho con thấy những gì con đã làm sai thì điều bạn cần làm đầu tiên là thừa nhận cảm xúc của con hay nói cách khác là thể hiện sự thấu hiểu với những cảm xúc con đang trải qua. Bố mẹ có thể nói: “Bạn làm như vậy nên con cảm thấy buồn” hoặc “Con bực vì bạn không chơi đúng luật”.
GIÚP CON ĐẶT MÌNH VÀO VỊ TRÍ CỦA BẠN
Trẻ cần phải tập luyện rất nhiều để có thể tưởng tượng ra được người khác đang cảm thấy gì và suy nghĩ như thế nào nếu có gì đó xảy ra. Bằng việc mô tả cho con nghe về suy nghĩ, cảm nhận của bạn bè con thì bố mẹ cũng đang giúp trẻ tập đặt mình vào vị trí của bạn bè để hiểu họ hơn thay vì đứng ở mỗi vị trí của mình. Khi trẻ làm được điều này, con sẽ thoát khỏi được cơn giận dữ, thậm chí có thể nói lời xin lỗi hay thỏa hiệp khi có mâu thuẫn với bạn bè.
GIÚP CON NÓI LÊN ĐƯỢC SUY NGHĨ CỦA MÌNH MỘT CÁCH PHÙ HỢP
Để giải quyết được xung đột, mâu thuẫn đôi khi đòi hỏi con có thể giải thích cho bạn bè của mình hiểu những gì mình muốn. Giúp con lên kế hoạch và luyện tập những gì bé muốn nói, nhấn mạnh những gì con muốn bạn của mình làm. Chẳng hạn như, con có thể tập nói: “Tớ muốn được chơi”, “Đừng gọi tớ bằng cái tên đó, tớ không thích bị gọi như thế” hoặc “Từ bây giờ, bạn có thể hỏi ý kiến của tớ trước khi mượn đồ chơi của tớ được không?”…
KHUYẾN KHÍCH CON LÀM LÀNH VỚI BẠN
Có một cuộc tranh cãi với bạn bè không có nghĩa là tình bạn chấm dứt. Giúp cho trẻ hiểu rằng: “Tớ xin lỗi” thường là một cách hay để khắc phục vết rạn nứt và việc sẵn lòng tha thứ cho lỗi của bạn bè mình là hành động của một người hào phóng. Người lớn chúng ta thường có xu hướng muốn nói ra mọi chuyện tại thời điểm tranh luận, nhưng nghiên cứu của Laursen và các đồng nghiệp của ông cho thấy rằng trẻ em thường giải quyết xung đột bằng cách tạm thời tách xa nhau một chút, để cho thời gian làm nguội lạnh “cái đầu” và sau đó thử lại. Có thể con với bạn hôm nay cãi nhau rất to nhưng ngày mai vẫn có thể chơi thân với nhau như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Trong trường hợp nếu con dường như dành nhiều thời gian để tranh cãi thay vì chơi với nhau thì có thể bạn cần khuyến khích con xem xét lại tình bạn với người bạn đó, vì khi ở một mối quan hệ sự bực bội nhiều hơn niềm vui thì tình bạn đó khó có thể kéo dài.
Tranh cãi với một người bạn có thể làm trẻ cảm thấy rất khó chịu, đặc biệt là khi, trong lúc nóng giận, một ai đó tuyên bố rằng: “Cậu không phải là bạn của tớ nữa!” Thực tế là sẽ cần nhiều thời gian để để trẻ học cách giải quyết xung đột, mâu thuẫn. Và hi vọng trên đây là một số cách hay bạn có thể làm để giúp con học cách giải quyết nó thật êm đẹp.
Nguồn:
https://www.pbs.org/parents/thrive/fights-with-friends-help-your-child-learn-to-resolve-conflicts