Em bé được sinh ra với một lượng sắt dự trữ (được lấy từ máu của mẹ khi trẻ còn nằm trong bụng) có thể kéo dài đến khoảng 6 tháng đầu đời. Do vậy, không có gì lạ khi trẻ từ 4 đến 6 tháng tuổi có nguy cơ bị thiếu máu nhẹ vì nguồn cung cấp sắt của cơ thể bị cạn kiệt. Việc cho bé ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức có tăng cường chất sắt sẽ giúp bổ sung khoáng chất này. Ngoài ra, thiếu máu có thể trở nên nghiêm trọng hơn lúc trẻ khoảng 6 tháng tuổi khi trẻ bắt đầu ăn dặm và uống ít sữa công thức hoặc sữa mẹ dần.
Hãy cùng Mầm Nhỏ tìm hiểu chi tiết hơn về tình trạng THIẾU MÁU ở trẻ trong giai đoạn ăn dặm để có những kiến thức khoa học và chính xác nhất nhé!
THIẾU MÁU LÀ GÌ?
Thiếu máu là tình trạng giảm lượng huyết sắc tố (Hb) trong một đơn vị thể tích máu. Thiếu máu dinh dưỡng là loại thiếu máu hay gặp nhất ở trẻ em, thiếu máu dinh dưỡng có thể do thiếu: sắt, vitamin B12, đồng, axit Folic… trong đó thiếu sắt là phổ biến. Bởi khoáng chất này nuôi dưỡng các tế bào hồng cầu của cơ thể để chúng có thể tạo ra huyết sắc tố, giúp mang oxy đi khắp cơ thể. Theo tổ chức Y tế thế giới, được coi là thiếu máu khi:
- Hb dưới 100g/l ở trẻ 6 tháng đến 6 tuổi.
- Hb dưới 120g/l ở trẻ từ 7 – 14 tuổi.
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TRẺ THIẾU MÁU
Trẻ em khi bị thiếu máu thiếu sắt thường có các dấu hiệu da xanh xao, môi nhợt, lòng bàn tay trắng hoặc hồng nhợt, cơ nhão, bụng ỏng (to), chậm biết bò, ngồi, đứng, đi. Trẻ thường kém hoạt bát, chơi mau mệt.
BỐ MẸ CÓ THỂ LÀM GÌ?
Bác sĩ nhi khoa sẽ kiểm tra thiếu máu trong quá trình kiểm tra thường xuyên và có thể kiểm tra nồng độ huyết sắc tố bằng mẫu máu khi trẻ trong khoảng từ 9 đến 12 tháng.
Nếu khẳng định là thiếu máu thì bạn có thể cần bắt đầu cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt, chẳng hạn như thịt sẫm màu, ngũ cốc tăng cường sắt và các loại đậu, đỗ. Bác sĩ cũng có thể khuyên dùng thực phẩm giàu vitamin C, chẳng hạn như cam, vì chúng giúp tăng cường hấp thu sắt.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) thậm chí còn khuyến cáo nên bổ sung sắt cho trẻ bú mẹ sau 4 tháng như một biện pháp phòng ngừa cho đến khi trẻ bắt đầu ăn thức ăn thô giàu chất sắt. Nhưng trước khi bổ sung, hãy đưa con đi kiểm tra trước vì việc bổ sung sắt thường xuyên có thể gây khó chịu cho dạ dày.
MUỐN PHÒNG THIẾU MÁU DINH DƯỠNG KHI MANG THAI, MẸ CẦN PHẢI LÀM GÌ?
- Mẹ bầu phải ăn uống tốt, đầy đủ khi có thai và cho con bú.
- Uống viên sắt khi biết mình có thai cho đến 1 tháng sau đẻ
- Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là các thực phẩm giàu chất sắt như: huyết, gan, trứng, thịt, cá, sữa, các loại rau củ, các loại trái cây, đặc biệt là các loại trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi… để tăng hấp thu chất sắt. Đối với trẻ em nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn trong 4 - 6 tháng đầu và cho bú kéo dài từ 18 - 24 tháng. Bắt đầu cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 5 – 6 tháng tuổi, cho ăn đủ 4 nhóm thực phẩm (chất bột, chất đạm, chất béo, rau củ).
- Giữ vệ sinh cá nhân: sử dụng nguồn nước sạch để sinh hoạt. Giữ vệ sinh trong ăn uống như thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa rau kỹ, đậy kín thức ăn, sau khi nấu chín. Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi tiêu, không đi chân đất… để phòng chống nhiễm giun sán.
- Cho trẻ tẩy giun theo định kỳ 6 tháng/lần khi trẻ được 2 tuổi trở lên theo chỉ định của bác sĩ.
NHỮNG THỰC PHẨM GIÀU NGUỒN SẮT:
+ Có hai loại sắt khác nhau cần bổ sung cho cơ thể, đó là:
- Sắt động vật (heme iron) được tìm thấy trong các loại thịt và được cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn.
- Sắt thực vật (non - heme iron) đến từ các nguồn thực vật như các loại đậu, rau và ngũ cốc.
+ Dưới đây là một số thực phẩm giàu chất sắt mà bố mẹ có thể tham khảo:
- Thịt: Thịt bò, thịt cừu, thịt lợn, thịt bê, gan, thịt gà, gà tây.
- Cá, trẻ dưới 1 tuổi không nên ăn động vật có vỏ như tôm hùm, tôm hoặc sò điệp.
- Trứng: Không cho lòng trắng trứng cho trẻ dưới 1 tuổi.
- Các loại hạt và ngũ cốc: Ngũ cốc tăng cường chất sắt, bánh mì ngũ cốc nguyên cám, mì ống và gạo.
+ Các nguồn sắt khác cũng có thể tìm thấy ở một số thực phẩm như:
- Các loại đậu, đỗ: đậu xanh, đậu lăng, đậu đỗ khô.
- Rau: rau bina, bông cải xanh, mầm cải Brussels, đậu xanh.
Việc cân bằng dinh dưỡng cho con ở giai đoạn ăn dặm là một vấn đề khó mà nhiều bố mẹ luôn quan tâm và băn khoăn. Suy cho cùng, không có giải pháp tốt hơn là việc quan sát sự thay đổi của bé từng ngày. Tuy nhiên, nếu bố mẹ nhận thấy bất kỳ những dấu hiệu mà bạn cảm thấy không yên tâm hay khác lạ ở trẻ, hãy tìm đến sự trợ giúp của các bác sĩ ngay nhé!