Đôi khi, trong suy nghĩ non nớt của các bạn nhỏ, ví tiền và thẻ ngân hàng giống như một “phép màu” vì chỉ cần bố mẹ mở ví hoặc mang thẻ ngân hàng ra cây ATM là sẽ có tiền để bố mẹ chi trả cho mọi thứ. Tuy nhiên, việc để trẻ nghĩ rằng bố mẹ là nguồn ngân sách vô hạn sẽ khiến các bạn nhỏ không biết quý trọng đồng tiền cũng như công sức lao động của bố mẹ khi làm ra những đồng tiền đó... Trẻ từ 6 tuổi đã có thể nhận thức được và nên được dạy về việc tiền từ đâu mà có, tất cả đều cần làm việc và từ lao động chăm chỉ mà ra. Và trẻ cần phải biết quý trọng và tích góp đồng tiền mới có thể mua được những thứ quan trọng và cần thiết, đồng thời không được tiêu xài một cách lãng phí.
Hệ thống chương trình Money As You Grow đã hướng dẫn các bố mẹ Mỹ cho con cái của họ được trải nghiệm cảm giác được làm việc và kiếm tiền ngay từ lứa tuổi tiểu học. Thông qua những hoạt động đó, trẻ sẽ hiểu rằng kiếm được tiền không phải điều dễ dàng và mình cần phải thực sự nỗ lực làm việc thì mới có thể đạt được những thứ mà mình muốn. Dưới đây là một vài gợi ý để bố mẹ có thể áp dụng nhằm giúp trẻ ý thức được giá trị của việc lao động, chúng mình hãy cùng tìm hiểu nhé!
GIẢI THÍCH CHO TRẺ HIỂU VỀ MỐI LIÊN HỆ GIỮA CÔNG VIỆC VÀ TIỀN LƯƠNG:
Ngay khi trẻ ý thức được cần dùng tiền để chi tiêu, mua sắm những vật dụng hàng ngày, bố mẹ có thể bắt đầu hướng dẫn con về mối liên hệ giữa công việc và tiền lương rồi đấy.
Chúng ta giải thích với con về việc bố mẹ phải đi làm hàng ngày thì mới nhận được những đồng tiền lương cuối tháng, và tiền đó được dùng để chi trả cho tất cả mọi thứ (như tiền điện, nước, tiền mua đồ ăn hàng ngày…). Điều đó sẽ giúp trẻ hiểu đc rằng mọi thứ không dễ dàng gì có được, tất cả đều phải trải qua quá trình lao động chăm chỉ, vất vả.
Ngoài ra, bố mẹ cũng không nên thỏa mãn mọi yêu cầu của trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Thay vào đó, trước khi đáp ứng một mong muốn nào đó của con, chúng ta có thể chia sẻ với bé về việc mỗi giờ làm việc mình có thể kiếm bao nhiêu tiền, sau một tháng đi làm bố mẹ có được khoản tiền là bao nhiêu và mỗi ngày cần chi trả như thế nào. Từ đó trẻ sẽ nhận biết được giá trị của những món đồ mà mình đang đòi hỏi cũng như biết được rằng mình phải cố gắng mỗi khi muốn có điều gì đó.
Bạn có thể đưa con đi dạo sang nhà hàng xóm hoặc ra đường và chỉ cho con thấy mọi người đang làm việc như chú công an, chú lái xe… và giải thích cho con hiểu mỗi người có một công việc khác nhau, công việc nào cũng đáng quý và sẽ được trả lương khi làm việc.
KHUYẾN KHÍCH TRẺ NGHĨ CÁCH ĐỂ CÓ THỂ TỰ KIẾM TIỀN:
Hướng dẫn trẻ làm việc vặt để được trả công là cách giúp con học được cách trân trọng đồng tiền từ sớm. Tự tiêu đồng tiền do mình kiếm ra sẽ giúp trẻ tự tin và biết tận hưởng thành quả sau những giờ lao động.
Ở một số nước, vào cuối tuần, mọi người thường tổ chức các hội chợ nho nhỏ của khu dân cư, nơi các bé có thể làm chủ một gian hàng với sự hỗ trợ của bố mẹ và bán những món đồ mình làm ra như tranh vẽ, vòng tay tự xâu, thiệp thủ công…, những món đồ chơi còn mới mà con không dùng nữa… hay những món đồ giải khát đơn giản như nước chanh… Bố mẹ có thể lập nhóm nhiều gia đình và thử áp dụng ý tưởng này ở khu phố hoặc trường học của con nhé. Việc tự mình quyết định bán món đồ gì, với giá cả như thế nào không chỉ giúp các con cảm thấy hạnh phúc khi tự mình kiếm được một khoản tiền nho nhỏ mà còn giúp trẻ phát triển rất nhiều kĩ năng tuyệt vời như tổ chức, giao tiếp, xử lý tình huống...
Hiện nay, nhiều gia đình cũng thường áp dụng phương pháp trả tiền cho con để làm việc nhà. Tuy nhiên, bố mẹ lưu ý không nên trả tiền để con làm việc nhà nếu công việc đó là việc hàng ngày như dọn bàn ăn, lau bàn, vứt rác… Hãy giải thích cho con hiểu đây là trách nhiệm và việc chia sẻ giữa những thành viên trong gia đình là điều cần thiết. Nhưng bố mẹ có thể trả tiền nếu bé làm những việc đặc biệt, việc của người khác không phải trách nhiệm thường ngày của bé như giúp rửa xe cho bố mẹ, rửa bát, lau nhà…
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa tại trường, hoặc tổ chức để rèn luyện tính tự lập và tinh thần lao động như trồng cây, kế hoạch nhỏ gây quỹ… Việc này nhằm rèn luyện cho trẻ tinh thần cộng đồng, làm quen với môi trường làm việc.
KHÔNG NÊN THƯỞNG TIỀN CHO CON:
Nhiều bố mẹ có thói quen thưởng tiền cho con ngay khi con làm tốt một việc nào đó. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn không cần thiết bởi sẽ khiến con hình thành tâm lý đong đếm mọi thứ bằng tiền bạc, chỉ làm mọi việc khi được trả tiền, chứ không phải để rèn luyện bản thân (kể cả khi việc đó thuộc trách nhiệm và nghĩa vụ của con, hoặc nguy hiểm hơn là trẻ không quan tâm việc mình làm là đúng hay sai, nên hay ko nên...). Sự tiêu tốn tiền bạc cho bé khi không cần thiết không thể khiến bé tiến bộ mà chỉ làm bé lười biếng, không chịu cố gắng.
Thay vào đó, bố mẹ hãy khen ngợi con một cách chân thành, trao cho con một cái ôm, hay đơn giản là một lời động viên con tiếp tục cố gắng hoặc thưởng cho con một món quà nho nhỏ với nhiều ý nghĩa về tinh thần như một chiếc thiệp handmade hay một chiếc bánh nhỏ mà mẹ tự làm để tặng con... Chắc chắn điều này sẽ khiến các bạn nhỏ vui hơn và muốn cố gắng làm nhiều việc tốt hơn ở những lần sau đấy.
Khi trẻ muốn mua một món đồ chơi mà con yêu thích, bạn đừng vội mua ngay mà hãy cùng trẻ phân tích xem món đồ đó giá trị bao nhiêu, phải tiết kiệm trong khoảng thời gian bao lâu và trong thời gian tiết kiệm các bạn ý sẽ không được tiêu vặt nhiều, không được mua những món đồ chơi khác… Lúc ấy trẻ sẽ cảm nhận được, để có được một điều gì đó dù lớn hay nhỏ thì cũng phải dành thật nhiều sự nỗ lực, cố gắng. Và khi đã có được điều mà mình muốn rồi, chắc chắn các bạn ý sẽ hạnh phúc và biết trân trọng hơn rất nhiều đấy.
KHÔNG ĐỂ TRẺ CÓ TƯ DUY LÀM VIỆC “ĐẠI KHÁI” HOẶC BỎ CUỘC GIỮA CHỪNG:
Trong nhiều trường hợp, khi trẻ tham gia các cuộc thi, một số bố mẹ sẽ bảo với trẻ rằng kết quả không quá quan trọng, thắng hay thua đều được, và con không cần quá cố gắng. Hoặc khi học về một điều gì đó, khi thấy con đã hiểu qua vấn đề, bố mẹ sẽ dừng lại cho con nghỉ mà không tiếp tục hướng dẫn trẻ hiểu sâu, nắm rõ bài học hơn. Những việc làm như vậy sẽ vô tình khiến trẻ bị thỏa mãn sớm trước các việc mình làm, dẫn đến năng lực tư duy sẽ bị giảm đi rất nhiều. Suy nghĩ “đại khái là được rồi”, “hiểu qua thôi” giống như một mệnh lệnh cho bộ não “dừng lại”, trẻ dần ỷ lại, sẽ không tiếp tục cố gắng làm việc nữa.
Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ hãy luôn luôn rèn cho trẻ thói quen biết hoàn thành công việc, luôn cố gắng hết mình và tuyệt đối không bao giờ bỏ cuộc giữa chừng. Đây chính là điểm quan trọng để nuôi dưỡng tinh thần nỗ lực làm việc, biết phấn đấu của trẻ.
Bố mẹ cũng đừng tiếc lời khen ngợi khi con hoàn thành tốt công việc của mình, hãy luôn động viên và cùng bé hoàn thành những công việc khó đối với bé, việc nhận được những lời khen thưởng, động viên sẽ giúp bé làm việc tốt hơn rất nhiều.
--------------------------
Những bài học tài chính đầu tiên chính là trẻ nhỏ học hỏi từ việc quan sát bố mẹ kiếm tiền, mua sắm, tiết kiệm và vay mượn, bố mẹ chính là những người có ảnh hưởng lớn nhất đến cách con kiểm soát tài chính sau này. Những bài học về tiền bạc từ bé sẽ góp phần quan trọng tạo dựng khả năng tài chính tương lai của trẻ và bố mẹ không cần phải là chuyên gia tài chính mới có thể dạy con những bài học thiết thực về tiền bạc. Mầm Nhỏ đã có một album DẠY CON VỀ TIỀN BẠC, bố mẹ có thể tìm xem các bài viết trước nhé:
https://www.facebook.com/