Các bố mẹ Mỹ tin rằng, việc hướng dẫn trẻ tự tạo lập và quản lý ngân sách ngay từ khi trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền là điều rất cần thiết để giúp trẻ biết cách tính toán thông minh và linh hoạt hơn trong cuộc sống thường ngày.
Theo các bài học trong hệ thống chương trình Money As You Grow, việc dạy trẻ tạo lập và quản lý ngân sách có thể đem đến một nền tảng kiến thức vững chắc về cách quản lý tiền bạc, từ đó sẽ giúp trẻ biết tự hoạch định và kiểm soát tài chính cá nhân, biết làm chủ quỹ tài chính và có đủ năng lực để giải quyết mọi vấn đề tài chính trong tương lai. Dưới đây là một vài gợi ý để bố mẹ có thể áp dụng nhằm giúp trẻ biết cách tạo lập và quản lý ngân sách hiệu quả, chúng mình hãy cùng tìm hiểu nhé!
TÌM HIỂU NGÂN SÁCH LÀ GÌ VÀ TẠI SAO CẦN LẬP NGÂN SÁCH:
Trước tiên, bố mẹ có thể giải thích đơn giản cho trẻ hiểu được: Ngân sách là một danh sách bao gồm các khoản thu và chi được lên kế hoạch trong một khoảng thời gian cụ thể. Danh sách này sẽ liệt kê những khoản tiền con có, số tiền con dự định sẽ tiêu và cả tiền con tiết kiệm được.
Mục đích của ngân sách là để giúp con dự đoán các khoản thu chi trong một khoảng thời gian hay cho một sự kiện cụ thể, để từ đó điều chỉnh các khoản thu chi cho phù hợp. Dựa vào ngân sách con sẽ kiểm soát được các khoản tiền của mình và có kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm hợp lý, hiệu quả hơn.
Bạn có thể lấy ví dụ cho bé dễ hiểu hơn như khi lên ngân sách cho chuyến du lịch sắp tới thì bố mẹ cần phải dự đoán được gia đình mình sẽ chi bao nhiêu tiền: đặt khách sạn hết bao nhiêu, khoản tiền cho đi lại, khoản tiền ăn uống, cũng nên có một khoản đề phòng mang thừa ra… Như vậy bố mẹ sẽ cân đối được khoản tiền cần tiêu dùng cho cả chuyến đi.
Khi trẻ bắt đầu hiểu được giá trị của đồng tiền, thì lúc ấy con cũng cần học những kỹ năng cơ bản về lập ngân sách và phân bổ các khoản chi tiêu. Ngay cả với những khoản tiền nhỏ như tiền tiêu vặt, tiền mừng sinh nhật hay tiền mừng tuổi… bố mẹ cũng nên dạy trẻ cách quản lý những khoản tiền sao cho phù hợp và đúng đắn. Vì khi tự quản lý tiền của mình hàng ngày, hàng tháng, kỹ năng quản lý tiền bạc của trẻ sẽ được cải thiện đáng kể.
Hướng dẫn và cùng con lập ngân sách cho một sự kiện của gia đình cũng là một ý tưởng tuyệt vời để các bạn nhỏ được trải nghiệm và thực hành kỹ năng lập ngân sách. Ví dụ để tổ chức tiệc sinh nhật của mình, con sẽ có một khoản tiền là 1.000.000 VNĐ và con sẽ là người quyết định cần lên danh sách và phân chia số tiền làm sao để có thể đủ tiền mua một món quà con thích, bánh gato và cả đồ trang trí mừng sinh nhật.
DẠY TRẺ BIẾT LẬP KẾ HOẠCH VÀ CHI TIÊU CÓ MỤC ĐÍCH:
Bố mẹ nên hướng dẫn con lập kế hoạch cụ thể con sẽ sử dụng các khoản tiền của như thế nào, để con tự quyết định xem mình cần gì và dùng số tiền đó để mua sắm chi tiêu như thế nào. Cách hướng dẫn này sẽ giúp trẻ có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng số tiền mà mình có vào những việc cần thiết, trong giới hạn cho phép.
Ví dụ: Khi trẻ đi học tiểu học, từ 6-7 tuổi, bố mẹ có thể cân nhắc cho con một khoản tiền tiêu vặt hàng tháng hay hàng tuần vừa đủ các nhu cầu của trẻ như mua đồ dùng học tập, đồ ăn vặt ở căng tin… Lúc này, bố mẹ nên giúp con lập kế hoạch với khoản tiền ấy: phần tiền nào sẽ cất đi để dành tiết kiệm cho các dịp quan trọng (như sinh nhật, lễ hội…), phần tiền nào dùng để tiêu mỗi ngày… Và đừng quên giúp con phân chia ngân sách bằng cách khuyến khích trẻ viết ra những dự định sẽ sử dụng tiền như thế nào và đặt ra giới hạn cho mỗi ngày, mỗi tuần con chỉ được tiêu tối đa bao nhiêu tiền… Và nếu con tiêu vượt quá số tiền cho phép, tiền sẽ hết sớm hơn kế hoạch và con sẽ phải đợi đến lần được cho tiền tiếp theo.
Những bài học dạy trẻ kỹ năng quản lý tiền bạc chỉ thực sự hiệu quả khi con biết sử dụng đồng tiền vào những mục đích chính đáng và cần thiết. Chính vì vậy, bố mẹ nên dành nhiều thời gian để hướng dẫn, trò chuyện, chia sẻ với các bạn nhỏ về những nhu cầu chi tiêu của con cũng như nhắc nhở con cần suy nghĩ và cân nhắc thật kĩ trước khi con mua một món đồ nào đó thay vì con bỏ tiền vào những thứ không cần thiết và không có giá trị.
HƯỚNG DẪN TRẺ GHI CHÉP VÀ THỐNG KÊ LẠI CÁC KHOẢN TIỀN:
Nếu muốn việc quản lý ngân sách có hiệu quả, bố mẹ cần phải kiểm soát và nắm được hoạt động chi tiêu của con. Đây cũng là cách để trẻ tự kiểm soát và có những điều chỉnh phù hợp trong chính kế hoạch chi tiêu của mình nữa.
Điều này chỉ có thể thực hiện được khi con có một bản ghi chép và kê khai rõ ràng những thứ con đã chi tiêu hằng ngày, hằng tuần. Bố mẹ nên hướng dẫn con khi ghi chép lại các món đồ đã chi tiêu, con cần phải viết đầy đủ ngày tháng, mô tả mua vật dụng gì, số tiền đã sử dụng là bao nhiêu.
Dựa trên bản ghi chép này, bố mẹ sẽ kiểm soát được quỹ tiền của con để hạn chế và điều chỉnh kịp thời nếu con có lỡ “đốt tiền” vào những thứ không cần thiết hoặc tiêu tiền theo cảm hứng, không thực hiện theo kế hoạch đã đề ra, hay vượt quá ngân sách trước đó.
Bố mẹ cũng có thể nhắc nhở trẻ giữ lại các tờ hóa đơn, biên lai khi mua hàng để dễ dàng thống kê lại các khoản tiền đã tiêu khi cần. Để đơn giản hóa cho các bạn nhỏ, bố mẹ có thể lấy 12 phong bì, mỗi phong bì tương ứng với một tuần hoặc một tháng, cùng với một phong bì lớn để giữ tất cả các phong bì trong cả năm. Và trẻ sẽ cất những hóa đơn đã mua trong tuần hay trong tháng vào chiếc phong bì đó để con tránh làm mất và cũng dễ tìm kiếm hơn.
TIẾT KIỆM CHÍNH LÀ CÁCH QUẢN LÝ NGÂN SÁCH HÀNG ĐẦU
Để quản lý ngân sách có hiệu quả, bố mẹ nên dạy trẻ phân biệt những nhu cầu mua sắm nhất thời và những thứ cần thiết. Ngân sách có giới hạn và con cân nhắc nên mua những thứ thực sự cần thiết, có khả năng sử dụng lâu dài. Không nên mua những thứ chỉ xài một lần hay những thứ không thật sự cần thiết cho cuộc sống.
Ví dụ như một chiếc cặp con dùng từ năm ngoái, tuy đã cũ nhưng chưa hỏng thì con vẫn dùng được và chưa cần mua cặp mới, thay vào đó có thể mua thêm sách, vở hay một đôi giày mới vì giày của con đã chật rồi.
Nếu con không biết tiết kiệm và không phân biệt rõ giữa cái mình muốn và cần, trẻ sẽ không tự quản lý được việc chi tiêu của bản thân, thậm chí là tiêu xài lãng phí. Bên cạnh đó, không phải lúc nào con cũng có thể mua được ngay thứ mà mình cần, nhất là những thứ có giá trị lớn, cần nhiều tiền mới mua được. Đó là lúc bạn nên nói cho con hiểu tầm quan trọng và ý nghĩa, giá trị của việc tiết kiệm. Nếu con thật sự muốn một thứ gì đó, con phải lên kế hoạch và cố gắng tiết kiệm để có đủ khả năng có được nó.
Ví dụ khi con muốn mua bộ đồ chơi xếp hình, bố mẹ hãy cùng con ngồi lại xem giá của bộ đồ chơi đó là bao nhiêu tiền, cùng lên kế hoạch xem cần tiết tiệm thế nào để mua được... Nếu con vẫn muốn mua, nghĩa là con sẽ không được mua các món đồ chơi nhỏ khác trong thời gian con đang tiết kiệm…
Hãy giải thích cho trẻ hiểu trong quá trình đạt đến mục đích của mình, con sẽ cảm thấy thích thú mỗi khi nhìn thấy khoản tiết kiệm tăng lên và con sẽ càng gần hơn với những dự định, kế hoạch đã đặt ra. Ngược lại nếu con không tiết kiệm đúng thì thời gian con mua được món đồ sẽ càng lâu hơn.
Với những bài học quản lý ngân sách như vậy, sẽ giúp ích khi ngân sách của trẻ phát sinh bất kỳ khoản nào con cũng biết cách để phân chia hợp lý hơn. Bố mẹ nên chú ý theo sát con để tâm sự, chia sẻ và động viên khi con biết cách quản lý ngân sách tốt, hiệu quả nhé, trẻ thường rất thích khen ngợi, khi được khen các bạn sẽ làm tốt hơn rất nhiều đấy.
--------------------------
Những bài học tài chính đầu tiên chính là trẻ nhỏ học hỏi từ việc quan sát bố mẹ kiếm tiền, mua sắm, tiết kiệm và vay mượn, bố mẹ chính là những người có ảnh hưởng lớn nhất đến cách con kiểm soát tài chính sau này. Những bài học về tiền bạc từ bé sẽ góp phần quan trọng tạo dựng khả năng tài chính tương lai của trẻ và bố mẹ không cần phải là chuyên gia tài chính mới có thể dạy con những bài học thiết thực về tiền bạc. Mầm Nhỏ đã có một album DẠY CON VỀ TIỀN BẠC, bố mẹ có thể tìm xem các bài viết trước nhé:
https://www.facebook.com/