Bố mẹ đã bao giờ nghe đến khái niệm bước phát triển/ giai đoạn phát triển (growth spurts) chưa? Hiểu về khái niệm này sẽ giúp bố mẹ vững tin hơn trong hành trình nuôi con đấy!
BƯỚC PHÁT TRIỂN LÀ GÌ?
Bước phát triển là thời kì bé sẽ ăn uống nhiều hơn những ngày bình thường và tỏ ra khó chịu, cáu kỉnh hơn những ngày bình thường, ngủ nhiều/ ít hơn bình thường. Thời kì này bé cũng sẽ tăng chiều cao, cân nặng và vòng đầu nhanh hơn bình thường. Bé cũng có thể đạt đến một cột mốc phát triển hoặc thành thạo một kĩ năng mà bé đã cố gắng từ lâu như lẫy, bò, đi và nói…
Đối với bé bú mẹ, trong thời kì bước phát triển, bé có thể đòi bú mỗi tiếng 1 lần, mỗi lần bú đều dài hơn bình thường. Với bé uống sữa công thức, bé sẽ có vẻ đói và muốn bú tiếp sau cữ bú.
Lượng sữa bé nhận vào trong thời kì bước phát triển sẽ tăng lên, nhưng chỉ trong ngắn hạn. Với những bé bú mẹ hoàn toàn, lượng sữa mẹ bé nhận vào tăng nhanh chóng trong vài tuần đầu đời, sau đó về cơ bản là giữ nguyên trong suốt thời kì 6 tháng đầu đời. Khi bé ăn dặm lúc 6 tháng, lượng sữa bé uống sẽ giảm dần.
BƯỚC PHÁT TRIỂN LÀ THỜI KÌ NÀO?
Thông thường bước phát triển sẽ rơi vào khoảng 2 tuần tuổi, 3 tuần tuổi, 6 tuần tuổi, 3 tháng, 6 tháng. Tuy nhiên, mỗi trẻ lại khác nhau, có bé sẽ có bước phát triển sớm hơn/ muộn hơn các mốc trên, có nhiều hoặc ít bước phát triển hơn các mốc được liệt kê ở trên.
Mỗi bước phát triển sẽ kéo dài khoảng 2-3 ngày nhưng thông thường có thể đến 1 tuần hoặc lâu hơn. Trong thời kì này, mẹ nên chuẩn bị lượng thức ăn nhiều hơn/ pha thêm lượng sữa/ cho bé bú nhiều cữ hơn để đảm bảo nhu cầu của bé!
NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ BƯỚC PHÁT TRIỂN
- Mẹ có đủ sữa cho bé không?
Giai đoạn bước phát triển là giai đoạn bé bú nhiều hơn, thường xuyên hơn và lúc nào cũng tỏ ra đói nên nhiều mẹ hoang mang không biết có phải mình bị giảm sữa hay không đủ sữa cho con không. Và nhiều mẹ quyết định bổ sung thêm sữa ngoài cho con. Tuy nhiên, câu trả lời là cơ thể mẹ sẽ nhận được dấu hiệu yêu cầu tăng lượng sữa từ bé và sản xuất thêm sữa đáp ứng nhu cầu của bé. Việc bố mẹ cho bé bú thêm sữa ngoài hoặc cho bú theo lịch sẽ khiến cơ thể không nhận được tín hiệu tăng sữa để đảm bảo cho bước phát triển của trẻ. Thời kì này thường mẹ cũng sẽ thấy thường xuyên đói, khát nước hơn. Mẹ nên duy trì việc ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước nhé!
- Hiệu quả của các sản phẩm bổ sung/ thực phẩm chức năng?
Mầm Nhỏ đã từng viết bài về việc có cần bổ sung vitamin/ khoáng chất cho bé không tại đây: https://www.facebook.com/
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kì, cơ thể chỉ cần một lượng nhỏ vitamin và một chế độ ăn cân bằng, lành mạnh thường sẽ cung cấp đủ lượng vitamin cho trẻ. Do đó, trẻ thường HIẾM KHI PHẢI BỔ SUNG VITAMIN VÀ KHOÁNG CHẤT. Thông thường, sữa mẹ sẽ cung cấp đủ lượng vitamin, khoáng chất mà bé cần cho đến khoảng 4 hoặc 6 tháng ngoại trừ vitamin D và sắt nên khuyến cáo bổ sung 400 IU vitamin D từ sơ sinh và bổ sung 1mg/kg/ ngày từ 4 tháng cho đến khi bé có thể ăn dặm thức ăn có chứa sắt. Còn bé bú sữa công thức thì thường có lượng vitamin D và sắt đủ cho bé nên không cần bổ sung.
Vì vậy, một số bố mẹ thường cảm thấy muốn bổ sung vitamin và khoáng chất cho con vì những biểu hiện có vẻ như là thiếu chất nhưng thực sự là không phải như: đổ mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn, ngủ vặn vẹo, chậm mọc răng… Một số mẹ thì bổ sung các loại thực phẩm chức năng giúp ăn ngon, ăn nhiều cho bé vì sợ con thiếu cân. Sau khi sử dụng thì thấy bé ăn nhiều, tăng cân nên nghĩ là thuốc có tác dụng nhưng khả năng cao là bé ăn nhiều và tăng cân vì bé đến bước phát triển. Sau khoảng vài ngày đến 1 tuần, bé sẽ trở lại lượng ăn như cũ.
- Con biếng ăn/ ít ăn?
Vào những bước phát triển, bé sẽ ăn nhiều khiến bố mẹ nghĩ là lượng ăn của con mình nó phải nhiều như thế, những ngày sau đó bé ăn ít hơn thì bố mẹ sẽ ép con phải ăn nhiều như lúc ở trong bước phát triển khiến bé bị chán ăn. Thực sự lượng ăn của bé chỉ tăng trong ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu của cơ thể ở thời điểm đó, sau đó sẽ trở về mức bình thường chứ bước phát triển không có nghĩa là lượng ăn tăng lên và sẽ giữ ở mức đã tăng đó.
- Ngủ đêm và ngày ít hơn/ cáu kỉnh hơn?
Trong thời kì bước phát triển, có những bé sẽ ngủ nhiều hơn bình thường bởi vì hóc môn tăng trưởng được sản xuất trong não lúc bé ngủ sẽ giúp bé phát triển, cung cấp năng lượng cho bước phát triển của bé. Một nghiên cứu nhỏ cho rằng trong thời kì bước phát triển, trẻ sẽ ngủ nhiều hơn khoảng 4.5 tiếng so với những ngày bình thường.
Tuy nhiên, cũng có những bé sẽ ngủ ít hơn, thức dậy trong đêm nhiều hơn bởi vì đói và khó chịu. Vì thế, hãy cố gắng cho bé bú buổi ngày nhiều hơn và bao dung với bé hơn một chút. Không phải bé muốn làm phiền bạn, mà bé chỉ đang khó chịu do chính những nhu cầu của bản thân thôi.
- Phân biệt bước phát triển/ ốm
Cách dễ nhất để nhận biết những cáu kỉnh, mệt mỏi của bé có phải là do vấn đề sức khỏe không, hay là bước phát triển là xem xét các dấu hiệu khác như: sốt, tiêu chảy… Trong thời kì bước phát triển, bé không có dấu hiệu sốt, tiêu chảy... mà đó là do bé ốm.
Nguồn tham khảo:
https://
http://kellymom.com/