Giai đoạn 6 - 10 tuổi, trẻ đã lớn hơn, nhận biết rõ hơn về tiền bạc và việc chi tiêu vì ở lớp các bé đã được học về phép tính và tiền tệ. Lúc này, bố mẹ nên dạy cho con cách tự sử dụng tiền hợp lý nhé. Để bắt đầu dạy con về tiền bạc giai đoạn này, bố mẹ nên cho bé tham gia thảo luận cùng khi gia đình định mua sắm món gì lớn. Bố mẹ cũng nên giải thích cho bé về mức chi tiêu của gia đình mình dao động trong khoảng bao nhiêu.
Bởi một trong những cách giúp trẻ hiểu được giá trị của món đồ là để trẻ lựa chọn sẽ mua món đồ nào, phân biệt các loại sản phẩm với tầm giá khác nhau. Khi đã hiểu được giá trị của món đồ cần mua, bé sẽ dễ dàng quyết định việc tiêu tiền như thế nào. Nếu bố mẹ đang gặp khó khăn về vấn đề này, hãy thử tham khảo cách dạy con sử dụng, quản lý tiền bạc theo bố mẹ Mỹ dưới đây nhé!
HƯỚNG DẪN TRẺ CÁCH QUYẾT ĐỊNH KHI MUA SẮM:
1. LÊN KẾ HOẠCH ĐI MUA SẮM CÙNG CON: Khi trẻ bắt đầu lên 6, bố mẹ nên dành một ngày cùng con đi một vòng các siêu thị, cửa hàng tạp hóa để nhận biết các loại mặt hàng và giá cả cần thiết cho gia đình.
2. LÊN LIST MUA SẮM: Trước khi đi, bố mẹ hãy cùng bé liệt kê danh sách các thứ cần mua cho cả nhà và cho từng người nhé! Và những đồ của mình thì bé đã có thể tự lên danh sách như đồ dùng học tập, sữa...
3. THẢO LUẬN KHI MUA SẮM: Trong khi mua sắm, bố mẹ thảo luận với con về sự khác và giống nhau giữa những mặt hàng, xem xét nên mua loại nào hoặc dùng cái nào thay thế, mua ở đâu thì tốt hơn, giá cả phù hợp với chi tiêu gia đình hơn…
4. QUYẾT ĐỊNH MUA SẮM: Cuối cùng, bố mẹ giải thích cho trẻ hiểu tại sao bạn lại chọn món đồ này thay vì những món đồ khác (mua cho bao nhiêu người? giá cả? hãng sản phẩm?...)
Ví dụ khi ở siêu thị: Mẹ đã lên danh sách mua dầu ăn. Nhưng có rất nhiều nhãn hàng, kích cỡ, chủng loại cho sản phẩm này, vì vậy mẹ sẽ phải lựa chọn xem nên mua loại gì. Mẹ sẽ so sánh trên các tiêu chí khác nhau như thành phần, chỉ số, khối lượng, giá cả… để đánh giá thực sự giá trị từng loại. Cuối cùng, mẹ chọn mua dầu ăn của hãng X vì hãng này uy tín, loại dầu oliu vì loại này tốt cho sức khỏe, mua chai 5 lít vì gia đình có tận 6 người cần nấu nướng nhiều, và như vậy giá thành cũng giảm đi. Mẹ cũng lựa chọn mua ở siêu thị vì ở đây đang có chương trình tích điểm tặng quà.
Cũng có thể áp dụng như vậy khi cho con tự lựa chọn loại sữa trẻ muốn uống. Mẹ nên đưa cho con 2-3 loại của các hãng khác nhau, các loại đa dạng như sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng, sữa tươi, có dung lượng khác nhau, với các vị khác nhau (sữa trắng, dâu, sôcôla) và để trẻ chọn xem bé nên dùng loại nào. Mẹ có thể gợi ý con mua sữa theo vỉ 4 hộp để tiện mang đến trường uống khi con khát, còn mua một chai sữa tươi lớn 1 lít để cả nhà cùng uống trong bữa phụ hàng ngày.
CHO TRẺ MỘT KHOẢN TIỀN ĐỂ TẬP CHI TIÊU
Bố mẹ có thể cho con tập tiêu tiền với 2 cách như sau:
1. CHO CON TẬP TIÊU TIỀN TRONG CỬA HÀNG. Khoảng 6 tuổi, bố mẹ dẫn con đến một cửa hàng đồ chơi, văn phòng phẩm hoặc cửa hàng bánh kẹo, và đưa cho trẻ một số tiền nhất định, ví dụ như 50.000 đồng và cho phép trẻ chọn bất cứ thứ gì bé thích miễn là nằm trong khoản tiền đó. Có thể ban đầu trẻ sẽ chi tiêu sai những thứ mình cần, đây cũng là bài học tốt đối với trẻ.
Ví dụ như khi được cho 50.000 đồng, bé đang rất thích một món đồ chơi đắt như một chiếc ô tô, bé vẫn quyết định mua nó mà không suy nghĩ kĩ. Sau khi tiêu hết tiền, con sẽ nhận ra rằng con đã không còn đủ tiền để mua các đồ dùng khác mà mình cần nữa như bút màu, truyện... Bài học như vậy sẽ giúp trẻ biết tiết kiệm tiền để mua những món đồ con thật sự muốn và đã nghĩ kĩ trước khi đưa ra quyết định
2. TIỀN TIÊU VẶT. Khi trẻ đi học tiểu học, từ 7 tuổi, bố mẹ có thể cân nhắc cho con tiền tiêu vặt hàng tháng hay hàng tuần với số lượng vừa đủ các nhu cầu của trẻ như mua đồ dùng học tập, đồ ăn vặt ở căng tin… Lúc này, bố mẹ nên gợi ý cho con biết cách phân chia khoản tiền ấy: phần tiền nào sẽ cất đi để dành tiết kiệm cho các dịp quan trọng (như sinh nhật, lễ hội…), phần tiền nào để tiêu đầu tháng/tuần, phần tiền nào dùng để tiêu mỗi ngày… để trẻ luôn biết cách chi tiêu hợp lý đến lần được cho tiền tiêu vặt tiếp theo. Việc cho trẻ tự quản lý tiền sẽ giúp trẻ có trách nhiệm và biết quý trọng đồng tiền hơn.
GIÚP TRẺ CÓ TƯ DUY PHẢN BIỆN KHI MUA SẮM:
1. GỢI Ý CHO TRẺ TỰ ĐẶT CÂU HỎI PHẢN BIỆN. Khi đi mua sắm với con từ 6 tuổi, bố mẹ hãy hướng dẫn trẻ biết tự mình đặt câu hỏi mang tính phản biện trước khi bé quyết định mua món đồ gì: Mình có cần mua cái này không nhỉ? Có món đồ nào tương tự nhưng rẻ hơn ở quanh đây không? Khi con thích mua một món đồ nào đó, bố mẹ cũng nên cùng con bàn kỹ xem mua cái đó để làm gì, dùng được bao lâu, giá trị của nó ra sao. Bố mẹ nên giữ vai trò là người tư vấn còn con là người tự quyết định.
Ví dụ khi trẻ quyết định mua một quả bóng đá giá 50.000 đồng, bố mẹ có thể hỏi trẻ xem trẻ có thực sự cần quả bóng đá này không, có quả bóng đá nào tương tự mà giá rẻ hơn ở xung quanh đây không? Sau khi trả lời hết những câu hỏi, trẻ sẽ vẫn là người quyết định có mua quả bóng đá đó không.
2. GIAO TIỀN CHO TRẺ TỰ CHI TIÊU TRONG GIỚI HẠN. Khoảng 8-9 tuổi, bố mẹ có thể nhờ trẻ đi mua vài đồ giúp mình. Thi thoảng bố mẹ có thể giao cho con một khoản tiền và một danh sách những đồ cần mua, nhưng số tiền bố mẹ đưa cho trẻ có thể ít hơn số tiền cần tiêu một chút để con phải biết cân nhắc và “đau đầu” tính toán khi lựa chọn mua những thứ cần mua trong danh sách, tránh việc đưa thừa tiền để trẻ sa đà vào những thứ không cần thiết. Bố mẹ cũng nên hướng dẫn cho con cân nhắc về người được mua cho, nếu mua mặt hàng này thì nên mua bao nhiêu cho phù hợp.
Ví dụ bố mẹ có thể nhờ bé mua một vài loại rau như rau muống, chanh, tỏi, ớt để làm món rau xào cho bữa tối của cả nhà và chỉ đưa cho bé 10.000 đồng. Bé sẽ phải tính toán xem bỏ bao nhiêu tiền mua rau đủ cho cả nhà, mà vẫn đủ chanh, tỏi, ớt để hoàn thành món rau xào.