BÀI HỌC THỨ 8 NGƯỜI MỸ DẠY CON 6 – 10 TUỔI VỀ TIỀN BẠC: TIẾT KIỆM BẰNG TÀI KHOẢN ĐỂ GIỮ TIỀN AN TOÀN VÀ CÓ LÃI
Bước vào giai đoạn từ 6 đến 10 tuổi là bé đã dần quen hơn với đồng tiền, biết chi tiêu những món đồ nhỏ, và cũng bắt đầu có những khoản tiền riêng của mình. Vì vậy bố mẹ nên chỉ dạy con cách quản lý tài sản mình có và học cách tiết kiệm. Khi trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền và biết cách quý trọng, cũng như tiết kiệm đồng tiền sẽ giúp con vững vàng hơn trong cuộc sống tương lai. Cách làm hữu hiệu và phổ biến hiện nay chính là hướng dẫn con thông qua các lựa chọn như gửi tiền ngân hàng hoặc bỏ ống tiết kiệm.
Theo gợi ý từ Money As You Grow cho trẻ từ 6 đến 10 tuổi, đối với bố mẹ Mỹ việc mở một tài khoản tiết kiệm cho con là lựa chọn hàng đầu. Chỉ với một tài khoản ngân hàng để mỗi lần gửi tiền vào đó con có thể biết cách tiết kiệm, giữ tiền an toàn, và sinh ra lãi. Đây chính là thông điệp của sự quan tâm, chia sẻ mà bố mẹ Mỹ muốn gửi gắm và chỉ dạy cho các con của họ.
Sẽ thật thiếu sót nếu bạn chỉ dạy con cách tiêu tiền mà không dạy con cách tiết kiệm. Bố mẹ nên dạy trẻ thói quen tiết kiệm bắt đầu từ những hành động nhỏ như tắt vòi nước, tắt các bóng đèn và thiết bị điện tử khi không sử dụng đến... Những điều này thực sự cần thiết để tạo nền tảng cho đức tính tiết kiệm ở trẻ. Song song với việc đó bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ tạo một khoản tiền tiết kiệm của riêng mình.
Mục đích của biện pháp này nhằm giúp trẻ hiểu, nhận biết được giá trị của đồng tiền mà mình đang sử dụng, hay nhận biết được tầm quan trọng của việc khi con có ý thức và hành động tiết kiệm cụ thể thì sẽ mang lại những lợi ích như thế nào đối với bản thân, mọi người xung quanh và cuộc sống tương lai của mình. Dưới đây là một số gợi ý giúp bố mẹ có thể hướng dẫn con hiểu được bài học tài chính tiết kiệm này:
1. BỐ MẸ CÙNG CON ĐẾN NGÂN HÀNG GIAO DỊCH:
Khi trẻ đã được học về tiền tệ ở trường (tầm 8-9 tuổi), bố mẹ có thể bắt đầu giải thích cho con các khái niệm về hệ thống tài chính, ngân hàng. Nếu có việc phải đến ngân hàng để giao dịch, bố mẹ hãy đưa con đi cùng vì:
- Bản thân bố mẹ cũng không biết hết hiểu hết về mọi vấn đề, nên khuyến khích các bạn nhỏ tìm hiểu, hỏi han và học từ những chuyên gia, những người làm việc và có kinh nghiệm trong ngân hàng.
- Ở đó, sẽ dễ dàng giải thích hơn cho trẻ về các khái niệm “tài khoản”, “tiết kiệm”, “lãi suất”, về tiền mặt, tiền trong tài khoản, các loại thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ… nghe rất trừu tượng nhưng nếu ra ngân hàng nhiều lần, các con có thể dần hiểu được ý nghĩa của chúng.
Trẻ nhỏ học hỏi và trải nghiệm về mọi thứ xung quanh các con thông qua việc được tiếp xúc và giảng dạy một cách tự nhiên, thực tế là tốt nhất. Và bài học về tiền bạc cũng vậy, bố mẹ nên để con được quan sát và lắng nghe các cuộc trò chuyện, giao dịch về tài chính của bố mẹ ở tại nhà hay ở cả những nơi công cộng như ngân hàng.
2. TÌM HIỂU VỀ TÀI KHOẢN TIẾT KIỆM:
Khi trẻ đã được học về tiền tệ tại nhà trường, bố mẹ nên bắt đầu dạy cho trẻ nắm được các KHÁI NIỆM về hệ thống tài chính, ngân hàng:
- Trước tiên bố mẹ có thể cùng con truy cập tài khoản ngân hàng trực tuyến và cho bé xem trang web/ứng dụng ngân hàng trực tuyến của bạn.
- Đồng thời bố mẹ cũng nên giải thích cho con biết những điều cơ bản như “tỉ giá”, “tiền gửi”, “tài khoản tiết kiệm”, “cho vay”.
- Khi trẻ hiểu cơ bản về những nội dung này, trẻ sẽ biết cách đánh giá, lựa chọn cách tiết kiệm tài khoản nào cho phù hợp, để trẻ có thể hiểu được tiết kiệm chính là bước đầu tiên để độc lập tài chính.
Tiếp theo bố mẹ nên giải thích cho con về TÀI KHOẢN TIẾT KIỆM như:
- Mục đích: Tiền gửi tiết kiệm trong tài khoản có mục đích chính đó là tiết kiệm. Sau này con có thể sử dụng tài khoản tiết kiệm cho những thứ như học phí, đám cưới, kỳ nghỉ, mua nhà, chữa bệnh…
- Lợi nhuận: Đây là một khoản tiền dư không tiêu đến, mà sẽ để dành hay để đầu tư có lợi nhuận. Người gửi tiền luôn mong muốn có được một khoản lợi nhuận thu về từ việc gửi tiết kiệm này. Đó là “lãi suất tiết kiệm”, số tiền ngân hàng sẽ trả thêm cho chủ tài khoản khi họ gửi tiền tại đó.
- Thời gian: Bố mẹ cũng cần lưu ý cho bé hiểu tài khoản tiết kiệm chỉ được mở ra ngắn hạn (một tháng) hoặc trung hạn (vài năm).
Và cuối cùng bố mẹ có thể cùng con xem xét LÃI SUẤT trên tài khoản tiết kiệm và lựa chọn mức lãi suất mà gia đình cảm thấy hợp lý và phù hợp. Lãi suất tiết kiệm phụ thuộc vào kì hạn ngắn, dài do chủ tài khoản lựa chọn (càng dài lãi suất càng cao).
3. GIẢI THÍCH VỚI CON VỀ VIỆC TIẾT KIỆM TIỀN TRONG TÀI KHOẢN SẼ AN TOÀN:
Các bạn nhỏ có thể thắc mắc rằng tại sao bố mẹ lại không giữ tiền của mình trong nhà, trong tủ, trong két... mà lại mang những đồng tiền đó đến nơi khác và đưa cho người khác cất giữ hộ. Bố mẹ có thể giải thích cho bé rằng:
- Ngân hàng được nhà nước bảo hộ về độ an toàn
- Đây là nơi lưu trữ tiền tệ, giúp chúng ta sinh lời từ số tiền sẵn có và có thể cho vay khi cần thiết.
4. MỞ TÀI KHOẢN TIẾT KIỆM CHO CON:
Mở riêng một tài khoản tiết kiệm chuyên để gửi góp cho con tự quản lý tài chính dưới sự giám sát của bố mẹ là một cách hay giúp các bé học cách giao dịch với ngân hàng và tính toán, lên kế hoạch sử dụng các khoản tiền riêng của mình. Đối với những khoản tiền con được cho như tiền mừng tuổi, mừng sinh nhật... bố mẹ nên giữ lại và tạo cho con một tài khoản ngân hàng để gửi tiền vào đó. Mầm Nhỏ có một số lưu ý sau để bố mẹ chuẩn bị tài khoản tiết kiệm cho con được chu đáo hơn nhé:
- Độ linh hoạt: tài khoản tiết kiệm thực ra là một hình thức mua bảo hiểm nhân thọ cho con nhưng linh hoạt, không bắt buộc phải đóng tiền định kỳ và có bình quân lãi suất cao hơn. Số tiền gửi thêm mỗi lần có thể chỉ là vài trăm nghìn đồng nhưng nếu tích lũy đều đặn thì sau nhiều năm, bố mẹ sẽ giúp con có thêm một khoản tiết kiệm cho đời sống tài chính trong tương lai.
- Quản lý thông tin: Bố mẹ cũng cần lưu ý quản lý thật cẩn thận và chặt chẽ tài khoản tiết kiệm của con. Tiền gửi tiết kiệm sẽ được quản lý thông qua sổ tiết kiệm. Quyển sổ tiết kiệm này là một trong những vật dụng thường thấy của ngân hàng nhằm quản lý tài khoản tiết kiệm của mỗi khách hàng. Do đó bố mẹ phải có trách nhiệm bảo quản sổ tiết kiệm này thật tốt. Và bố mẹ cũng nên thường xuyên kiểm tra về các thông tin cá nhân, số tiền tiết kiệm ghi trên sổ để phòng chắc chắn. Thường ở Việt Nam, sổ tiết kiệm cho bé dưới 15 tuổi phải có chứng minh thư của bố mẹ đi kèm nên việc quản lý thông tin cũng không quá khó khăn.
- Thông báo rõ ràng cho bé về các con số: Trước khi gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm của con, bố mẹ nên cho con biết số tiền đang có là bao nhiêu, có lãi bao nhiêu sau một kỳ hạn gửi. Như vậy con sẽ có ý thức về đồng tiền và thấy được ích lợi từ việc tiết kiệm ra sao.
Hiện nay không ít các bố mẹ vẫn còn lúng túng khi dạy con về cách sử dụng tiền cũng như giá trị, ý nghĩa của đồng tiền. Như vậy, việc mở sổ tiết kiệm, mở tài khoản ngân hàng đứng tên con có thể là bước khởi đầu đơn giản nhất để các bố mẹ dạy cho các bé biết sử dụng đồng tiền một cách hiệu quả. “Tích tiểu thành đại” là một hành động đơn giản và cũng là bài học ý nghĩa với tất cả mọi người, nhất là với con trẻ.
----------------------------
MONEY AS YOU GROW là chương trình giúp bố mẹ Mỹ dạy con về tiền bạc do Hội đồng Tư vấn tài chính Tổng thống Mỹ phát triển. Chương trình cung cấp thông tin, gợi ý và hướng dẫn để bố mẹ có thể dạy con. Vì trẻ học cách kiểm soát tài chính qua việc chứng kiến bố mẹ kiếm tiền, mua sắm, tiết kiệm hàng ngày và bố mẹ chính là những người có ảnh hưởng nhất đến khả năng kiểm soát tài chính của trẻ trong tương lai.
Các bố mẹ có thể tìm xem các bài viết trước ở album DẠY CON VỀ TIỀN BẠC: