Bạn không cần phải đợi cho đến khi con sinh ra thì mình mới có thể gần gũi, thủ thỉ, kết nối với con vì mang thai cũng có thể là một khoảng thời gian tuyệt vời để bắt đầu hình thành sự liên kết ấy.
EM BÉ CỦA BẠN CÓ THỂ TRẢI NGHIỆM ĐƯỢC GÌ KHI NẰM TRONG BỤNG MẸ?
Âm thanh
Vào khoảng tuần thứ 18 của thai kỳ, em bé của bạn sẽ bắt đầu nghe thấy những âm thanh của cơ thể người mẹ, chẳng hạn như nhịp tim và tiếng dạ dày của mẹ kêu. Vào tuần thứ 26, một em bé có thể phản ứng với âm thanh cả bên trong và bên ngoài cơ thể mẹ, và có thể được mẹ xoa dịu bằng chính tiếng nói của mẹ.
Âm thanh mà em bé nghe thấy khi ở trong tử cung của mẹ có thể bằng một nửa âm lượng chúng ta nghe thấy bên ngoài. Tuy nhiên, em bé chưa sinh vẫn có thể bị giật mình và khóc nếu tiếp xúc với tiếng ồn lớn, đột ngột.
Phát triển ngôn ngữ
Sau 32 tuần, em bé của bạn có thể bắt đầu nhận ra một số nguyên âm nhất định từ trong câu nói của bạn như a, ê, ô... Một vài nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự phát triển ngôn ngữ được bắt đầu từ rất sớm ngay cả khi trước lúc bé được sinh ra.
Trí nhớ
Cũng như việc nhớ những âm thanh có trong câu nói của mẹ, bé cũng có thể nhớ tiếng nhạc kể từ khi bé còn trong bụng mẹ.
Khả năng nhìn
Võng mạc của những em bé còn nằm trong bụng mẹ sẽ phát triển ở tuần thứ 20 và con có thể mở mắt và nhìn thấy ánh sáng từ tuần 22. Tuy nhiên, mắt của bé vẫn sẽ tiếp tục phát triển sau khi bé được sinh ra.
Cảm giác
Sau khoảng 18 tuần, những em bé có thể thích ngủ trong khi mẹ thức vì những chuyển động của mẹ có thể khiến em thấy buồn ngủ. Con có thể cảm thấy đau khi ở tuần 22 và ở tuần 26 con có thể chuyển động để phản hồi lại khi có người xoa bụng mẹ.
NHỮNG CÁCH ĐỂ MẸ GẮN KẾT VỚI CON NGAY KHI BÉ CÒN TRONG BỤNG
Dưới đây là một vài cách có thể tham khảo thêm để giúp bạn và con hình thành mối liên kết gần gũi, thân mật trước khi bạn sinh con ra.
- Nói chuyện hoặc hát cho con nghe.
- Nhẹ nhàng chạm hay xoa bụng của mình.
- Phản ứng lại trước những cái đạp của con. Ở kỳ cuối của thai kỳ, bạn có thể nhẹ nhàng chạm, xoa khi con đạp vào bụng bạn và xem cách con sẽ “trả lời” bạn như thế nào.
- Cho con nghe nhạc. Bạn có thể hát ru cho con nghe hoặc bật những bài hát thư giãn, nhẹ nhàng mà mình yêu thích.
- Có khoảng thời gian dành riêng cho mình. Bạn có thể đi bộ hoặc tắm nước ấm và nghĩ về con. Bạn cũng có thể sẽ thích viết nhật ký, câu chuyện về con với những gì mà bạn cảm nhận được trong khoảng thời gian mang thai.
- Siêu âm. Nhìn thấy con chuyển động trong bụng có thể là một trải nghiệm đáng nhớ của bất kỳ ông bố, bà mẹ nào, đặc biệt khi con thành hình.
- Thư giãn, tự chăm sóc bản thân và cố gắng đừng để cho bản thân mình căng thẳng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi mẹ ít căng thẳng trong quá trình mang thai thì sức khỏe của những em bé cũng sẽ tốt hơn. Bạn đời hay bạn thân cũng có thể giúp ích cho bạn rất nhiều khi trở thành người lắng nghe và trò chuyện cùng bạn.
BỐ, NGƯỜI THÂN CÓ THỂ GẮN KẾT VỚI TRẺ NHƯ THẾ NÀO?
Nếu bạn là bố của đứa trẻ hoặc là những người thân chăm sóc mẹ của bé thì dưới đây là một vài cách bạn có thể làm để thân thiết hơn với những em còn chưa sinh ra đời.
- Bạn có thể “xoa” bé bằng cách xoa nhẹ vào bụng mẹ nếu mẹ bé cảm thấy thoải mái khi bạn làm vậy.
- Dành thời gian để cảm nhận em bé đạp bất cứ khi nào bạn có thể.
- Cùng với mẹ của bé đi siêu âm, thăm khám định kỳ.
- Nếu bạn là người hỗ trợ mẹ bé trong quá trình sinh nở sắp tới, bạn cũng có thể học cách mát-xa để mẹ bé được dễ chịu hơn, tìm hiểu và thảo luận về kế hoạch sinh con và trao đổi thêm với bác sĩ. Khi bạn càng tự tin trong việc hỗ trợ mẹ bé thì bạn cũng sẽ dễ dàng gắn kết, thân thiết với bé hơn.
- Đọc truyện hoặc nói chuyện với bé để bé quen dần với giọng nói của bạn.
- Nói chuyện với những ông bố, bà mẹ khác, chia sẻ suy nghĩ và cảm nhận của bạn với họ và lắng nghe câu chuyện, trải nghiệm của họ về quá trình mang thai, sinh nở.
ANH CHỊ CỦA BÉ CŨNG CÓ THỂ GẮN KẾT ĐƯỢC VỚI TRẺ
Để chuẩn bị cho trẻ làm quen với đứa em sắp chào đời, bạn có thể giúp con thêm gần gũi, gắn kết với em. Hoạt động này có thể bao gồm việc để bé nói chuyện cùng em, để con đọc sách về quá trình mang thai hoặc đọc sách cho bé nghe. Con có thể được chạm vào bụng mẹ khi em bé đạp hay cùng nhau chuẩn bị một món quà cho em… Bất kỳ những hoạt động nào mà con cảm thấy thích thú hoặc tìm cách làm cùng con để chuẩn bị cho em bé sắp chào đời cùng đều giúp ích cho mối quan hệ của trẻ với em bé trong bụng mẹ.
CẢM XÚC CỦA BẠN VÀ CON
Bạn có thể thấy rằng thay vì hào hứng, vui vẻ về chuyện mang thai thì cũng có lúc bạn sẽ cảm thấy lo lắng và băn khoăn. Cảm xúc của bạn trong suốt quá trình mang thai cũng có thể tác động đến con. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy căng thẳng, nhịp tim cũng sẽ bị tác động bởi vấn đề này và cũng có khả năng tăng lên theo. Những em bé có mẹ lo âu hoặc trầm cảm trong quá trình mang thai cũng có thể dễ gặp phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần sau này trong cuộc sống.
Mẹ đừng quên nói với những người khác khi cần, nó có thể là người mà bạn tin tưởng, những bà mẹ khác hay bác sĩ để cho bạn thêm lời khuyên, kiến thức thay vì giữ những băn khoăn, lo lắng ấy lại cho mình. Bạn cũng cố gắng để bản thân mình được nghỉ ngơi, thư giãn đầy đủ khi mang thai để tránh cho mình thêm mệt mỏi.
Nếu bạn đã từng gặp phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần trước đó hoặc bạn nhận thấy bản thân mình có những cảm xúc, suy nghĩ khác với con người mình thường ngày, bạn nên tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ sớm nhất có thể. Bác sĩ sẽ nói cho bạn nghe những cách an toàn cho cả bạn và bé.
Trên đây có thể là những cách hết sức quen thuộc và đơn giản với nhiều ông bố, bà mẹ nhưng chính những cách gần gũi ấy có thể là nền tảng để tạo dựng mối quan hệ thân thiết giữa bạn và bé sau này. Nó không cần bạn phải làm những gì quá to lớn đâu, chỉ cần cùng con, hiểu con từ những điều nhỏ bé, có lẽ cả bạn và con cũng đã rất vui vẻ rồi.