Loading Loading

TÁC HẠI CỦA THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ ĐẾN ĐÔI MẮT CỦA TRẺ

 TÁC HẠI CỦA THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ ĐẾN ĐÔI MẮT CỦA TRẺ

Trong hoàn cảnh xã hội hiện đại ngày nay, nhiều bậc phụ huynh đành “bó tay’’ cho con sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử từ rất sớm nhằm giải trí hay ngay cả khi ăn cơm để tránh được những tiếng khóc, tiếng ỉ ôi của các bé. Mặc dù bố mẹ đều biết không tốt đối với sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của con, tuy nhiên cũng không thể cấm hoàn toàn việc con tiếp xúc với các thiết bị điện tử đó, đặc biệt đối với những trẻ đang phải học online trong tình hình hiện nay.

 Trong nội dung hôm nay, Mầm Nhỏ sẽ gửi đến thông tin những ảnh hưởng tiêu cực của các thiết bị điện tử lên đôi mắt của trẻ cũng như một số cách khắc phục, để giúp cha mẹ có thể bảo vệ “cửa sổ tâm hồn” của con luôn sáng khỏe, hãy cùng theo dõi nhé!

NHỮNG BỆNH VỀ MẮT MÀ TRẺ CÓ THỂ GẶP PHẢI :

Việc dành thời gian nhìn chằm chằm vào màn hình của các thiết bị điện tử sẽ khiến đôi mắt của trẻ mệt mỏi và gây ra những tác hại như:

- Mỏi mắt: Các cơ xung quanh mắt, cũng giống như ở bất kỳ bộ phận nào, đều có thể bị mệt mỏi nếu như phải làm việc quá nhiều. Tập trung vào màn hình của các thiết bị điện tử trong 1 khoảng thời gian dài có thể gây ra sự mất tập trung và khiến trẻ bị đau vùng quanh đầu như thái dương và mắt. Đặc biệt, khi trẻ sử dụng các thiết bị điện tử trong điều kiện không đủ ảnh sáng lý tưởng có thể gây ra tình trạng mệt mỏi do nheo mắt.

- Tầm nhìn hạn chế: Việc nhìn vào cùng 1 khoảng cách trong 1 khoảng thời gian dài có thể khiến hệ thống tập trung của mắt bị co lại hoặc tạm thời không hoạt động. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng máy tính hay các hoạt động trong nhà khác có thể làm tăng tỷ lệ cận thị ở trẻ em. Dành nhiều thời gian cho các hoạt động ngoài trời sẽ tốt hơn cho sự phát triển thị lực của trẻ.

- Khô mắt: Các nghiên cứu chỉ ra rằng con người thường ít chớp mắt hơn khi tập trung nhìn vào màn hình điện tử, điều này có thể khiến mắt bị khô và khó chịu. Việc sử dụng máy vi tính có thể đặc biệt khiến mắt trẻ chịu tác động xấu hơn, bởi chúng thường được đặt ở vị trí cao hơn so với tầm nhìn của trẻ. Do đó, mí mắt trên của trẻ sẽ có xu hướng mở rộng hơn, dễ làm mất độ ẩm ở màng bảo vệ mắt.

MỘT SỐ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC:

- Ngủ đủ: Không ngủ đủ giấc dễ gây ra tình trạng mỏi mắt, đau mắt. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị không nên đặt các thiết bị điện tử trong phòng ngủ của trẻ như điện thoại, tivi, máy vi tính… Ngoài ra, AAP cũng khuyến cáo cha mẹ không nên để trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử trong vòng 1 giờ đồng hồ trước khi đi ngủ. Việc sử dụng các thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ, đặc biệt là các trò chơi hay chương trình mang tính bạo lực có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ánh sáng xanh ở màn hình điện tử có thể gây khó ngủ.

- Luyện tập: Đặt các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng xuống hoặc tránh xa tivi, máy vi tính có thể giúp tránh được các vấn đề về mắt và thị lực do dành quá nhiều thời gian nhìn vào màn hình. AAP khuyến nghị trẻ em từ 6 tuổi trở lên nên có ít nhất 1 giờ hoạt động thể chất mỗi ngày. Các hoạt động vui chơi ngoài trời là những bài tập luyện tốt nhất với trẻ nhỏ, đồng thời giúp trẻ phát triển tầm nhìn (khi trẻ có thể chơi và tập trung nhìn vào những khoảng cách khác nhau cũng như được tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời)

- Nghỉ giải lao thường xuyên: Trẻ em thường mải mê với những gì chúng đang tập trung làm mà không nhận thấy các triệu chứng mỏi mắt, vì thế điều cha mẹ cần làm là nên nhắc nhở trẻ nghỉ ngơi. Hiệp hội thị lực Hoa Kỳ khuyến nghị cha mẹ có thể thực hiện theo quy tắc 20/20/20 (cứ sau 20 phút tập trung nhìn vào các thiết bị điện tử, nên để cho mắt nghỉ ngơi và tập trung nhìn vào một vật khác cách xa ít nhất 20 dặm, trong khoảng thời gian ít nhất 20 giây). Ngoài ra, trẻ cũng nên tránh nhìn màn hình các thiết bị điện tử ít nhất 10 phút mỗi giờ. Cha mẹ có thể cài đặt phần mềm tự động tắt màn hình theo thời gian đã quy định để nhắc nhở trẻ.

- Nhớ chớp mắt thường xuyên: Nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa New England cho biết việc nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính hay điện thoại có thể làm giảm tốc độ chớp mắt và gây ra tình trạng khô mắt. Vì vậy, cha mẹ nên khuyến khích trẻ chớp mắt nhiều hơn, đặc biệt trong thời gian nghỉ giải lao. Các bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa mắt có thể cho trẻ dùng thuốc nhỏ mắt để giữ ẩm hoặc khuyên cha mẹ đặt máy tạo ẩm trong phòng trẻ nếu như trẻ thường xuyên cảm thấy khô mắt.

- Tìm vị trí đặt màn hình thích hợp: Hãy đảm bảo màn hình máy vi tính luôn được đặt thấp hơn một chút so với tầm mắt của trẻ để trẻ không phải cố gắng ngước mắt lên khiến mắt bị khô. Điều chỉnh kích thước phông chữ, đặc biệt đối với những màn hình nhỏ có thể giúp trẻ dễ dàng đọc chữ hơn cũng như giảm bớt tình trạng mỏi mắt cho trẻ.

- Điều chỉnh ảnh sáng: Để khắc phục việc ánh sáng chói ở màn hình các thiết bị điện tử làm mỏi mắt, 1 nghiên cứu được công bố trên Tạp chí nhãn khoa Hoa Kỳ cho biết mức độ chiếu sáng trong phòng khi sử dụng máy tính hay các thiết bị điện tử phải bằng 1 nửa so với các hoạt động khác như viết trên giấy hay làm các hoạt động thủ công. Tránh để máy tính ở những vị trí có ánh sáng mặt trời hoặc đèn điện chiếu thẳng trực tiếp vào màn hình. Cha mẹ cũng có thể giảm độ sáng của màn hình các thiết bị điện tử khi cho trẻ sử dụng. Hoặc cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng loại kính chuyên dành cho việc bảo vệ mắt trước ánh sáng trực tiếp từ màn hình máy tính nếu như trẻ thường xuyên phải sử dụng các thiết bị này để phục vụ cho việc học tập.

- Kiểm tra mắt thường xuyên: Nếu như trẻ gặp vấn đề về hạn chế tầm nhìn hay các vấn đề tương tự về mắt, trẻ có thể không nhận ra để nói cho cha mẹ biết. Vì vậy, việc kiểm tra thị lực định kỳ là rất quan trọng. Viện Hàn lâm nhãn khoa Hoa Kỳ và AAP khuyên cha mẹ nên thường xuyên cho trẻ kiểm tra mắt ngay từ khi mới sinh. Nếu có bất kỳ vấn đề gì với đôi mắt của trẻ, bác sĩ sẽ sớm đưa ra các biện pháp trị liệu cần thiết.

Tóm lại, trẻ em là đối tượng đặc biệt cần sự giúp đỡ và nhắc nhở của cha mẹ khi sử dụng các thiết bị điện tử. Để trẻ có thể làm chủ các thiết bị điện tử, phục vụ cho việc học tập nhưng vẫn bảo vệ đôi mắt được khỏe mạnh, cha mẹ nên đặc biệt chú ý lưu tâm những điều trên đồng thời cho trẻ đi khám ngay nếu như mắt của trẻ có bất kỳ vấn đề bất thường nào nhé.

Nguồn tham khảo: Healthychildren

Bài viết liên quan

KHI TRẺ ĐÁNH NGƯỜI KHÁC, CÓ HÀNH ĐỘNG BẠO LỰC, BỐ MẸ NÊN XỬ LÝ THẾ NÀO?

KHI TRẺ ĐÁNH NGƯỜI KHÁC, CÓ HÀNH ĐỘNG BẠO LỰC, BỐ MẸ NÊN XỬ LÝ THẾ NÀO?

Mẹ và bé

Không gì khiến bố mẹ trở nên mất bình tĩnh và có hành động bạo lực là trông thấy con mình
Xem chi tiết
BÍ KÍP GIỮ BÉ KHỎE MẠNH TRONG MÙA HÈ

BÍ KÍP GIỮ BÉ KHỎE MẠNH TRONG MÙA HÈ

Mẹ và bé

Thường thì các bố mẹ hay lo lắng về sức khỏe cho bé vào mùa đông hơn là mùa hè. Tuy nhiên, tr
Xem chi tiết
CHĂM SÓC TRẺ KHI BỊ SỐT NHƯ THẾ NÀO?

CHĂM SÓC TRẺ KHI BỊ SỐT NHƯ THẾ NÀO?

Mẹ và bé

Hầu hết các cơn sốt ở trẻ sẽ hết sau khoảng 48-72h, không cần dùng kháng sinh và có thể chăm
Xem chi tiết
0946 626 646