Không gì khiến bố mẹ trở nên mất bình tĩnh và có hành động bạo lực là trông thấy con mình đang gây chiến, đánh nhau. Tôi đã từng chứng kiến một đứa trẻ đánh mẹ và bà mẹ ngay lập tức đánh bốp vào chân con và gào lên: “Mẹ đã bảo con là không được đánh người mà”. Tôi cũng từng thấy một đứa trẻ đẩy một đứa trẻ khác và mẹ đã đánh vào mông nó. Một trường hợp khác là hai mẹ con nhà nọ hét vào mặt nhau và không ai muốn lùi bước. Trong cả 3 trường hợp trên, ai là người có thể kiểm soát bản thân mình. Không ai cả. Khi chúng ta phản ứng lại với bạo lực bằng bạo lực, chúng ta đã thừa nhận rằng bạo lực là hành động được phép chấp nhận.
Do vậy, nguyên tắc đầu tiên để xử lí những hành vi bạo lực của trẻ là kiểm soát bản thân bố mẹ. Phải thừa nhận rằng đó là phần khó nhất với nhiều bậc cha mẹ, những người đã từng bị nuôi dạy theo cách hét vào mặt, la mắng hay những hành động bạo lực khác. Xu hướng lặp lại này được hình thành tự nhiên trong não bộ chúng ta và chúng ta phải rất cố gắng thì mới có thể bỏ qua, thay đổi xu hướng đó.
Điều quan trọng nhất bố mẹ cần ghi nhớ rằng MỘT ĐỨA TRẺ CÓ HÀNH ĐỘNG BẠO LỰC LÀ MỘT ĐỨA TRẺ ĐANG ĐAU ĐỚN, SỢ HÃI HOẶC CÓ CẢM GIÁC BỊ BỎ RƠI. Những đứa trẻ nhỏ mất khả năng ngôn ngữ và nhận thức về bản thân nói với chúng ta rằng có điều gì là sai và chúng thậm chí không biết và không hiểu bản thân mình. Những hành động bạo lực ở trẻ lớn hơn có thể là do những cảm giác mất mát lớn hơn, sợ hãi, tội lỗi, lo lắng hoặc xấu hổ.
CÁCH XỬ LÍ NHỮNG HÀNH VI BẠO LỰC CỦA TRẺ
VỚI TRẺ DƯỚI 5 TUỔI, hãy giữ mọi chuyện thật đơn giản và đi vào vấn đề chính. Hãy cách li những đứa trẻ hiếu chiến khỏi tình trạng hiện tại, để chúng ngồi cạnh bạn hoặc trong lòng bạn để có thời gian bình tâm lại trong vòng kiểm soát của bạn. “Mẹ không cho phép con đánh mọi người. Mọi người sẽ bị đau đấy. Mẹ sẽ giữ con ở đây để mọi người được an toàn cho đến khi con bình tĩnh trở lại” Cách tiếp cận cơ bản tập trung vào bình tâm lại này là cơ hội để não trẻ thiết lập quy định. Và nếu trẻ nhớ, khi trẻ tiến gần tới hành động bạo lực vào lần sau, não sẽ cảnh báo trẻ. Trẻ sẽ không thể học được bài học này cho đến khi trẻ có thể đạt được khả năng bình tĩnh trước khi có hành động bạo lực.
Hãy lưu ý cho trẻ vào không gian để bình tĩnh chứ không phải là phạt trẻ ngồi một mình để suy nghĩ. Hãy thiết lập một khu vực nào đó trong nhà với sách, đồ chơi giác quan đơn giản như một thùng gạo và bóng để thổi… Bạn có thể ngạc nhiên đúng không? Chẳng nhẽ sau khi trẻ đánh người chúng ta lại cho trẻ một góc để chơi như là phần thưởng à? Nhưng hãy nhớ, khi bạn cần bình tĩnh để không hét vào mặt trẻ, được ngồi một mình bình tĩnh một lúc có giống như một phần thưởng cho cơn giận của bạn không? Không. Đó là kiểm soát cảm xúc, thứ cực kì khó để học được. Trong suốt thời gian đó, bạn cần tỏ ra cảm thông và thấu hiểu với cảm giác của trẻ, giúp trẻ nhận ra cảm giác của mình, điều gì khiến trẻ tức giận. Một vài trẻ sẽ cảm thấy thư giãn với điều đó, một vài trẻ sẽ cảm thấy thất vọng. Bạn sẽ hiểu điều gì là tốt nhất cho trẻ
Nếu trẻ tức giận kéo dài, hãy tỏ ra bình tĩnh và kiên quyết với quy định “không được đánh” và nói chuyện với bé những cách thay thế và điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ lại đánh người lần sau (như không được đi chơi vào cuối tuần nữa chẳng hạn). Hãy nhớ rằng, trẻ vẫn còn chưa tròn 5 tuổi và cần thời gian để học cách kiểm soát cảm xúc. Điều cuối cùng chúng ta muốn làm là dán nhãn “hư hỏng” “bạo lực” cho trẻ. Hãy nhớ rằng, trẻ sẽ nhìn nhận bản thân chúng như cách bố mẹ nhìn nhận chúng.
VỚI TRẺ TỪ 5-8 TUỔI, chức năng não của chúng sẽ trở nên mạnh hơn và đó là thời điểm thích hợp để bắt đầu giải quyết vấn đề. Điều này sẽ dạy trẻ trách nhiệm, trí thông minh cảm xúc, kĩ năng giải quyết xung đột tích cực.
Emma 7 tuổi, và cô bé vừa đẩy em gái ngã. Sau khi kiểm tra đứa bé không bị làm sao, bạn cho Emma thời gian để suy nghĩ. “Quy định của chúng ta là không trừng phạt. Con có thể nói cho mẹ nghe chuyện gì đã xảy ra không”. Emma giải thích rằng em gái đã làm phiền cô bé. “Emma, khi con cảm thấy thất vọng, 3 việc gì con có thể làm? Con có thể thở sâu. Con có thể đi ra ngoài. Con có thể nhờ mẹ giúp, nhưng con không được phép đẩy em con. Nói lại cho mẹ nghe 3 việc con có thể làm khi tức giận không?”
Hãy lắng nghe lúc bé trả lời lặp lại 3 phương án đó. “Được rồi, tốt. Lần tới nếu con tức giận với em gái, con sẽ làm gì?”” Bé có thể sẽ nói ra 3 cách để bình tĩnh.
“Tốt. Bây giờ con nghĩ xem con có thể làm gì để sửa chữa việc con đã làm không? Em con đang rất buồn khi bị con đẩy ngã đấy” Nếu bé không đưa ra được giải pháp nào, hãy gợi ý cho bé. “Con có thể viết hoặc vẽ hoặc xin lỗi và ôm em. Con nghĩ cách nào sẽ làm em vui hơn?” Hãy dạy bé cách sửa chữa những hành động sai trong các mối quan hệ. Cách giải quyết nhanh nhất bố mẹ có thể làm là trừng phạt trẻ bằng cách đánh chúng và bắt chúng ngồi một mình, nhưng trẻ sẽ cần được học cách để SỬA CHỮA NHỮNG SAI LẦM CỦA MÌNH, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ TRẢ GIÁ CHO NHỮNG SAI LẦM ĐÓ.
NẾU TRẺ TRÊN 8 TUỔI có hành động bạo lực, hãy tìm hiểu xem lí do đằng sau việc đó là gì. Điều gì khiến bé nổi giận? Quá trình giải quyết vấn đề có thể bao gồm cả hệ quả, ví dụ như nếu một đứa trẻ tức giận làm hỏng thứ gì đó, bé cần làm việc để trả tiền cho thứ đó hoặc tập trung vào giảng giải cho bé, chứ không phải là trừng phạt. Nếu bạn cảm thấy con mình có những hành vi bạo lực quá mạnh mẽ, hãy hỏi lời khuyên của các chuyên gia.
Nguồn:
https://www.creativechild.com/articles/view/top-5-behaviors-that-cause-parents-to-lose-their-cool-1-aggression