Time-out là một hình thức kỉ luật con trẻ được nhiều bố mẹ đánh giá là văn minh vì nó cho cả bố mẹ và trẻ thời gian để suy nghĩ, bình tĩnh lại trước khi xử lí vấn đề. Nhưng timeouts là gì, biện pháp này có mặt trái nào không? Và làm thế nào để sử dụng biện pháp này hiệu quả?
TIMEOUTS LÀ GÌ?
Timeouts hiểu đơn giản là khi trẻ có hành động sai, bạn yêu cầu trẻ ngồi vào một góc nào đó. Time-out áp dụng có thể là đứng vào góc, úp mặt vào tường hay ngồi yên ở ghế, ở yên trong phòng suy nghĩ… tóm lại là bất kì hình thức kỉ luật nào yêu cầu trẻ ngồi một mình một chỗ.
Thời gian sử dụng Timeouts theo các chuyên gia là nên theo độ tuổi của bé, bé bao nhiêu tuổi thì Timeouts từng ấy phút: 2 tuổi thì 2 phút, 3 tuổi thì 3 phút.. Trong thời gian Timeouts, không để ai nói chuyện với bé hay để bé có hoạt động gì.
Về độ tuổi có thể áp dụng biện pháp Timeouts, theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kì, bạn có thể áp dụng Timeouts từ khi trẻ khoảng 1 tuổi. Tuy nhiên, trẻ ở độ tuổi này có thể chưa có kĩ năng tự kiểm soát và hiểu nguyên nhân nên hãy sử dụng Timeouts như là một thời gian yên lặng để con bạn bình tĩnh hơn. Một số người khác thì khuyên không nên áp dụng Timeouts cho trẻ dưới 2 tuổi.
NHỮNG HIỂU LẦM VỀ TIMEOUTS?
Hầu hết các bác sĩ nhi khoa và nhà tâm lý đều đồng ý rằng khi trẻ có hành vi sai, bố mẹ nên đưa trẻ ra khỏi khu vực đó, cho trẻ thời gian để bình tĩnh lại trước khi xử lí vấn đề. Timeouts là một cách cách ly như vậy.
Điều đầu tiên bạn cần ghi nhớ Timeouts không phải một HÌNH THỨC TRỪNG PHẠT. Timeouts cho trẻ thời gian để bình tĩnh và chuyển hướng hành vi. Vì vậy, mục tiêu của Timeouts là để cả bạn và trẻ đều bình tĩnh, chứ không phải là để phạt trẻ vì đã có hành động sai. Nếu bạn sử dụng Timeouts như một biện pháp trừng phạt thì cách trừng phạt đó không giúp trẻ hiểu trẻ đã sai ở đâu, lần sau nên cư xử thế nào cho phù hợp. Kết quả là trẻ sẽ lặp đi lặp lại những hành vi sai của mình nhiều hơn. Hơn nữa, nếu bạn trừng phạt một đứa trẻ đang thất vọng bằng cách bắt chúng ngồi một mình thì chúng có thể bình tĩnh và trở nên “phục tùng” hơn bởi vì nỗi sợ bị bỏ rơi chứ không phải vì hiểu rằng hành vi của mình sai ở đâu, gây hậu quả như thế nào, tại sao không nên hành xử như thế nữa. Kết quả là cách trừng phạt này chỉ có hiệu quả tạm thời, trẻ sẽ lặp lại hành vi sai nhiều hơn.
Nếu con bạn khóc lóc, la hét, bé không cần Timeouts, bé đang bất mãn và thất vọng. Trong trường hợp này, bạn cần ngồi xuống với trẻ và tìm hiểu xem có chuyện gì xảy ra, lí do của vấn đề.
Hai sai lầm phổ biến nhất mà bố mẹ mắc phải khi sử dụng Timeouts là nói quá nhiều hoặc giận dữ. Hãy giải thích cho bé ngay lập tức, ngắn gọn, khoảng 10 từ lí do vì sao timeouts: “Con đã đánh em và con cần ngồi bình tĩnh một lát.” Nói thật bình tĩnh, ngắn gọn và dứt khoát. Không giải thích, không lan man.
Khi thời gian Timeouts đã kết thúc, bạn cần nói chuyện với trẻ về vấn đề đã xảy ra. Timeouts không phải là trừng phạt, cũng không phải là hình thức kỉ luật, đó chỉ là bước đệm để trẻ bình tĩnh và sau đó xử lí vấn đề. Sau khi kết thúc Timeouts, khi bạn và trẻ đã bình tĩnh, hãy cùng nói chuyện về nguyên nhân vì sao bé hành động như thế, có cách nào để xử lí tốt hơn trong trường hợp sau này không. Cuối cùng, đừng quên ôm bé và nhắc nhở rằng bạn yêu bé, hành động của bé là sai nhưng bé vẫn là một đứa trẻ đáng yêu. Chỉ chỉ trích hành động, không chỉ trích con người.
TIMEOUTS CÓ MẶT TRÁI KHÔNG?
Về lợi ích của Timeouts thì chắc hẳn rất nhiều bố mẹ đã biết. Đây là biện pháp không đòn roi, có thể khiến trẻ hợp tác hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn một số tranh cãi về phương pháp này và một số ý kiến trong đó rất hợp lí, bố mẹ nên cân nhắc để sử dụng biện pháp này hợp lí hơn.
Nhiều nhà tâm lý học cho rằng Timeouts không phù hợp với những đứa trẻ tính khí mạnh. Khi càng áp dụng Timeouts, chúng càng trở nên khó chịu hơn, thay vì bình tĩnh hơn. Vì thế, vẫn là cách ly trẻ khỏi vấn đề và cho trẻ thời gian để bình tĩnh, nhưng có một phương pháp hiệu quả hơn Timeouts là Time-in. Phương pháp này không bắt buộc trẻ phải ngồi một mình và không được chơi bất kì thứ gì. Thay vào đó, bố mẹ ngồi cạnh bé sau khi bé có hành động sai, có thể vừa ôm bé vừa đếm từ 1 đến 10 hoặc cho bé các hoạt động khác như nghịch cát, xé giấy…. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có thể áp dụng khi bố mẹ cực kì bình tĩnh và đã quen xử lí các vấn đề của trẻ theo hướng tích cực, nói chuyện và am hiểu tâm lý của con. Nếu bạn không thể bình tĩnh, hay Time- out bản thân mình bằng cách chính bạn phải nhốt mình trong phòng để bình tĩnh trước.
Một vấn đề nữa là nhiều đứa trẻ sẽ cực kì ghét phương pháp Timeouts, chúng sợ cảm giác bị bỏ rơi, bị cách ly khỏi cha mẹ. Vì thế, chúng sẽ không chịu ngồi một mình, sẽ liên tục tìm cách ra khỏi khu vực timeouts. Vấn đề lúc đó đối với bố mẹ không phải là hành vi sai khiến trẻ phải timeouts nữa mà là việc chúng không chấp nhận timeouts. Trong trường hợp này, bố mẹ không nên sử dụng Timeouts, hãy sử dụng Time-in. Hãy ngồi bên cạnh trẻ đợi đến khi trẻ bình tĩnh và phân tích, xử lí vấn đề cho trẻ hiểu.
TIMEOUTS THÔNG MINH
Khi trẻ có một hành động sai, mục đích của chúng ta kỉ luật trẻ là gì? Để trẻ hiểu đó là hành động sai, có thể làm gì để cải thiện hậu quả không và lần sau không làm như thế nữa. Và trẻ cần học cách SỬA CHỮA HÀNH ĐỘNG SAI và kiềm chế các hành động đó sau này thay vì BỊ TRỪNG PHẠT và TRẢ GIẢ cho hành động đó.
Vì vậy, trước khi áp dụng Timeouts, hãy luôn ghi nhớ TIMEOUTS KHÔNG PHẢI LÀ BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT. Timeouts chỉ là cho trẻ thời gian để bình tĩnh và nếu trẻ không thích và không thể bình tĩnh bằng Timeouts, hãy dùng Time-in. Điều quan trọng nhất là, kỉ luật nằm ở việc sau đó bạn nói chuyện với con như thế nào, chứ không phải TIMEOUTS là kết thúc của vấn đề. Khi nói chuyện với con, hãy chú trọng đến các vấn đề sau:
1. Giải thích vì sao hành động đó lại sai: gây đau đớn cho người khác, gây phiền hà cho người khác… Lí do phải rất rõ ràng vì thế hãy cân nhắc kĩ trước khi bạn kỉ luật con, hành động đó có đáng bị kỉ luật không ?
2. Các cách khác để giải quyết vấn đề của con: có thể cho con cùng đưa ra ý kiến về cách xử lí. Ví dụ như nếu tức giận với em, con có thể nhờ mẹ phân xử, có thể chơi lúc em ngủ hoặc chơi ở phòng riêng…
3. Cách giảm nhẹ hậu quả từ hành vi sai mà chúng đã gây ra: Có thể là xin lỗi người chúng đã đánh, có thể là dọn dẹp khu vực chúng vừa bày bừa…
Cuối cùng, chúng mình hi vọng bố mẹ có thể bình tĩnh sử dụng Time-out, cho cả bố mẹ và bé, trước khi cùng xử lí vấn đề nhé!
Nguồn tham khảo:
http://www.ahaparenting.com/.../positive-discipline/timeouts
http://www.pbs.org/.../column-why-you-should-never-use.../
https://www.babycenter.com/0_time-outs-how-to-make-them...
https://www.healthychildren.org/.../Pages/Time-Outs-101.aspx