Hầu hết cha mẹ sẽ không khỏi lo lắng và băn khoăn khi chứng kiến những lời nói, hành vi ứng xử thô lỗ, cộc cằn của con. Dưới góc độ tâm lý, những phản ứng tiêu cực như nói năng vô lễ với người lớn là hành vi khá thường gặp ở trẻ, nhất là khi trẻ gặp phải những điều căng thẳng, bức xúc nhưng vì non nớt nên chưa biết cư xử sao cho hợp lý.
Trong gia đình, bố mẹ là người gần gũi, quan tâm đến mọi mặt đời sống của trẻ. Do đó, trẻ cũng được sống thật nhất với những cung bậc tình cảm của mình. Tuy nhiên không vì thế mà bố mẹ phải cố chịu đựng hành vi thô lỗ của con, bởi điều đó sẽ cản trở việc thiết lập các mối quan hệ bạn bè của trẻ.
Nếu bố mẹ không giúp con nhận thức và kiểm soát kịp thời, chính trẻ là người bị tổn thương nhiều nhất vì không ai dám đến gần một người quá cộc cằn.
Luôn nghiêm khắc và dứt khoát
Khi trẻ có những lời nói và hành vi lỗ mãng xúc phạm người khác, hãy gọi trẻ đến trao đổi thẳng thắn, yêu cầu trẻ đứng đối diện với mình, giải thích cho trẻ hiểu hành vi dễ nổi nóng, hay la lối trong ứng xử và nói hỗn hào sẽ khiến cho người khác buồn lòng.
Luôn nhắc nhở để trẻ hiểu "không ai muốn nghe những lời chói tai". Sau đó, bình tĩnh mà nghiêm khắc nói với trẻ rằng: "Cách con phản ứng vừa rồi là hành vi thiếu lễ độ, bất kỳ ai chứng kiến đều rất bực bội và thất vọng. Nếu con còn tiếp tục cách ứng xử thô thiển đó, mọi người sẽ xa lánh con!"
Dạy trẻ hiểu rằng trong cuộc sống phải biết tôn trọng mọi người
Trước hết, bản thân bố mẹ cũng phải luôn tôn trọng trẻ, không dùng cách nói năng mỉa mai, coi nhẹ hay khinh thường trẻ. Nên nhớ rằng là con người ai cũng có lúc nóng nảy, bức xúc. Trẻ em cũng vậy, nhất là khi khả năng kiềm chế bản thân của chúng còn non nớt.
Đặc biệt, trẻ rất dễ phản ứng thô bạo, nói xấc xược khi chúng cảm thấy ức chế, thất vọng. Cảm xúc này sẽ trôi qua mau nếu chúng nhận được sự yêu thương và giáo dục kịp thời đúng mực của cha mẹ và người thân.
Do vậy, dù phê bình trẻ cũng phải dùng những lời lẽ nhã nhặn, với thái độ ôn hòa, lịch sự. Điều quan trọng là phải chỉ ra cho trẻ biết hành vi của trẻ trái với chuẩn mực ở chỗ nào.
Không nên nhiếc móc trẻ nặng lời, không nên dùng đòn roi để răn đe. Làm vậy trẻ sẽ càng thêm tức tối mà bướng bỉnh, ương ngạnh, khó bảo.
Dạy con kiểm soát cảm xúc và hành vi
Thường trẻ phản ứng thô lỗ do chúng chưa biết cách bộc lộ một cách hợp lý, chính xác điều mình muốn nói hoặc trẻ đang ở trong trạng thái căng thẳng, khó chịu. Nhưng cũng có thể trẻ muốn gây sự nhằm lôi cuốn sự chú ý quan tâm từ người lớn.
Do vậy, bố mẹ cần sát sao hơn đến đời sống tinh thần của con, kiên nhẫn giúp con rèn kỹ năng diễn đạt mong muốn bằng một thái độ từ tốn; kỹ năng biết lắng nghe và thấu hiểu người khác; kỹ năng lựa chọn cách ứng xử cho hợp đối tượng...
Uốn nắn trẻ từng bước một
Đối đáp, đôi co với trẻ lúc chúng đang có những hành vi xấc xược, vô lễ chỉ như đổ thêm dầu vào lửa. Ngược lại, nếu bạn cho qua hành vi hỗn láo của trẻ cũng là phản giáo dục.
Bố mẹ hãy bình tĩnh để cho trẻ nguôi ngoai qua cơn tức tối, sau đó bảo trẻ nói ra những điều ấm ức, sẵn sàng nghe trẻ thổ lộ những nỗi bức xúc của mình. Hãy làm cho trẻ hiểu rằng bạn luôn ở bên cạnh con, giúp con tháo gỡ những băn khoăn trong cuộc sống.
Nhắc nhở cho trẻ biết rằng: "Dùng những cách ứng xử thô thiển không bao giờ là cách hay để giải quyết được vấn đề, mà có khi còn làm cho sự việc xảy ra nghiêm trọng hơn".
Một điều cần cho trẻ thấy là nếu trẻ không khắc phục những hành vi vô lễ, thì sẽ không ai dám chơi với con vì sợ bị "lây nhiễm" thói hung hăng, cộc cằn của con.
Trẻ sẽ kế thừa cách ứng xử từ bố mẹ
Trong cuộc sống hàng ngày, bố mẹ nên có lối ứng xử lịch sự, dùng những lời lẽ văn minh để nói chuyện với trẻ. Trong trường hợp giận con, bố mẹ phải cố gắng kiềm chế hết mình, không nên buông ra những câu nhục mạ làm tổn thương trẻ.
Bố mẹ phải gương mẫu mọi lúc, mọi nơi, luôn sống đúng với chuẩn mực để được sự tôn trọng của trẻ. Trong ứng xử với mọi người, cha mẹ cũng nên khéo léo, tử tế.
Khi trong nhà có mâu thuẫn, bố mẹ hãy đưa ra cách giải quyết tế nhị, mềm mỏng mà hiệu quả để trẻ học hỏi và noi theo.
Bố mẹ hãy nhận biết những cảm xúc, thay đổi, phản ứng bên trong con mình. Sau đó đừng để mình bị cuốn vào hành động một cách giận dữ, thiếu lý trí như con, đừng giằng co qua lại với con chỉ vì con vô lý. Thay vì mong đợi nhiều hơn ở con, hãy cam kết hỗ trợ, giúp đỡ con học cách nhận biết, truyền đạt nhu cầu và cảm xúc của mình theo một cách khác bố mẹ nhé!
Nguồn tham khảo: Khoa tâm lý giáo dục trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn