Đã bao giờ bố mẹ nói dối con rằng “Bố/mẹ không có tiền đâu”, “Nhà mình nghèo lắm”... nhưng sau đó vẫn để con nhìn thấy những tờ tiền trong ví của bạn hoặc nhiều bố mẹ lại quá dễ dàng đồng ý mua cho con bất cứ thứ gì con muốn. Hay đôi khi bạn và người bạn đời tranh cãi với nhau về tài chính và không thống nhất được quan điểm dạy con chi tiêu ngay trước mặt bé?
Trẻ nhỏ luôn dõi theo bố mẹ và ghi nhớ những điều bạn làm. Tuy nhiên, trong quá trình dạy con về cách quản lý tiền bạc và chi tiêu, bố mẹ rất có thể vô tình mắc phải một vài sai lầm nào đó, gây ảnh hưởng xấu tới con. Bố mẹ cùng theo dõi nội dung dưới đây để tránh mắc phải những sai lầm này trong hành trình dạy con về tiền bạc nhé.
1. KHÔNG NÓI CHO CON BIẾT GIÁ TRỊ CỦA ĐỒNG TIỀN
Bé nhà bạn có hỏi bố mẹ những câu như: “Bố/mẹ kiếm được bao nhiêu tiền ạ?”, “Cái này giá bao nhiêu ạ?”. Và bố mẹ có nói với con rằng: “Con không nên hỏi những điều như thế”, “Những việc đó con không cần phải biết” hay không? Nếu đã từng nói như vậy nghĩa là bạn đã bỏ lỡ cơ hội để giải thích cho trẻ hiểu tiền từ đâu mà có, đồng tiền có giá trị ra sao và phải chi tiêu như thế nào. Đây chính là những bài học đầu tiên mà bố mẹ nên chỉ dạy cho con về tiền bạc.
Các bạn từ 3-5 tuổi, bố mẹ có thể bắt đầu chỉ dạy cho con từ những con số hằng ngày như mẹ đi chợ mua thức ăn hết bao nhiêu tiền hoặc cho bé xem hóa đơn tiền điện, tiền nước hàng tháng là bao nhiêu, điều này sẽ giúp bé hiểu nhiều hơn về giá trị của đồng tiền.
2. DỄ DÀNG ĐÁP ỨNG CÁC MONG MUỐN CỦA CON
Trẻ nhỏ khi lên 3, 4 tuổi đã biết vòi vĩnh đủ thứ theo ý thích, bé có thể đòi hỏi một món đồ nhưng khi được mua về nhà bé lại chán và không muốn dùng đến nữa. Điều này chính là do bé chưa nhận thức được thứ mình muốn có và thứ mình cần có khác nhau như thế nào. Vì vậy, bố mẹ không nên dễ dàng đáp ứng các mong muốn của con và nói với trẻ những câu như: “Nếu con muốn, con sẽ có nó” hoặc “Con thích thì bố/mẹ sẽ mua cho con”.
Tuy nhiên, bố mẹ cũng không nên từ chối thẳng thừng trước những mong muốn, nguyện vọng của con và quá khắt khe, “kẹt xỉ” với bé. Thay vào đó, khi con muốn có một thứ gì, bố mẹ có thể nói chuyện, trao đổi, chia sẻ với con về việc món đồ đó có thật sự cần thiết hay không và bố mẹ sẽ đáp ứng ở mức độ nào hoặc cùng con đặt ra mục tiêu để tiết kiệm hàng tháng để mua được món đồ đó.
3. CHO CON THÊM TIỀN TIÊU VẶT
Trẻ từ 6 tuổi khi bắt đầu đi học tiểu học, bố mẹ đã có thể cân nhắc cho con một khoản tiền tiêu vặt hàng tháng. Tuy nhiên, lại có trường hợp, nếu con tiêu hết số tiền mình có để mua đồ chơi hay bánh kẹo và sau đó không đủ tiền để mua đồ dùng học tập nữa thì đa phần bố mẹ sẽ đưa thêm tiền cho con. Khi làm thế, bố mẹ đã tạo một tiền lệ không hay, lần sau bé vẫn tiếp tục như vậy và hi vọng bố mẹ lại làm điều này lần nữa và sẽ không nhận ra được bài học trách nhiệm khi tiêu xài quá mức cho phép.
Chính vì vậy, bố mẹ nên có một thái độ kiên quyết hơn và nói với con rằng: “Con đã tiêu hết số tiền tiêu vặt của tháng này thì con phải đợi sang tháng mới nhận được khoản tiền tiếp theo”, lúc ấy bé sẽ học được bài học thú vị về giá trị của việc dự tính chi tiêu và biết cân nhắc trước khi bỏ tiền ra mua thứ gì.
4. NÓI DỐI KHI CON ĐÒI MUA THỨ GÌ ĐÓ
Nếu rơi vào tình huống phải nghe bé mè nheo vòi vĩnh một thứ gì đó cả trăm lần trong ngày, cách mà nhiều bố mẹ chọn để chấm dứt tình trạng ấy là nói với con rằng: “Bố/mẹ không có đủ tiền” hay “Mình không có tiền mua nổi thứ đó đâu con”. Khi nói những điều như vậy, bạn có thể “tạm thời” giải quyết được những đòi hỏi kia. Tuy nhiên những lời nói dối tưởng như vô hại này về lâu dài lại không có hiệu quả giáo dục với bé. Khi lớn hơn bé có thể biết là bố mẹ luôn có tiền, vẫn đủ điều kiện kinh tế chứ không phải không.
Đối với trẻ từ 3-5 tuổi, khi con đòi mua thứ gì đó mà bố mẹ muốn từ chối, bạn nên nói chuyện với bé một cách thẳng thắn bằng những lời lẽ thích hợp, ví dụ như: “Bố/mẹ có thể mua cho con nhưng sẽ không mua vì món đồ đó không cần thiết đâu con” hoặc “Mẹ còn tiền nhưng tiền này để mua rau, mua thịt, mua sữa…”.
Đồng thời, bạn có thể giải thích thêm lí do vì sao không thể mua thứ bé đòi hoặc chỉ cho bé chọn mua thứ gì cần thiết hơn cả. Điều này sẽ giúp bé có thói quen biết cân nhắc khi mua sắm, học được cách nên ưu tiên mua thứ gì mình thực sự cần.
5. ĐỊNH HƯỚNG SAI CHO CON VỀ KHÁI NIỆM GIÀU - NGHÈO
Nhiều bố mẹ thường nói với con rằng: “Nhà mình nghèo lắm!” nhưng lại không hề giải thích và nói cụ thể cho bé hiểu được thế nào là giàu, thế nào là nghèo. Và sau đó, bạn vẫn để bé nhìn thấy được những tờ tiền hay thẻ ngân hàng trong ví của mình. Dần dần trẻ sẽ hình thành những suy nghĩ sai về tiền bạc và ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lí, khi ấy các bé có thể nghĩ rằng:
- Trẻ thực sự tin rằng bố mẹ không có đủ tiền mua đồ chơi, thức ăn thật và nghĩ rằng nhà mình sẽ càng nghèo đói, không có chỗ ở, không có đồ ăn… khiến trẻ cảm thấy tự ti, mặc cảm hơn.
- Trẻ nghe bố mẹ nói không có tiền, nhưng vẫn suốt ngày chi tiêu, như vậy con sẽ có suy nghĩ: bố mẹ là kẻ nói dối.
- Sự phân định sai lầm về giàu - nghèo như vậy cũng có thể khiến trẻ trở nên ích kỉ hơn, không biết chia sẻ với mọi người và coi thường những người không có điều kiện bằng mình.
Câu nói tai hại này nếu cứ lặp đi lặp lại sẽ ăn sâu vào tiềm thức của con, dẫn đến nỗi ám ảnh về tiền bạc ngay từ khi còn nhỏ. Điều này sẽ khiến trẻ không có được hiểu biết và khái niệm đúng đắn về giàu nghèo, vật chất cũng như hình thành những tâm lí bất an về tài chính với trẻ sau này.
6. ĐỢI CON LỚN MỚI DẠY CÁCH TIÊU TIỀN
Rất nhiều bố mẹ nghĩ rằng tiền bạc là một vấn đề quá to tát và nhạy cảm, không thích hợp với một đứa trẻ, con còn quá nhỏ để có thể hiểu được giá trị cũng như cách tiêu tiền.Tuy nhiên đây là một cách dạy con hoàn toàn không khoa học vì nó có thể khiến bé mắc phải nhiều nhận thức sai lầm vì không được bố mẹ chỉ dẫn.
Vì thế, trẻ từ 3 tuổi là bố mẹ đã có thể bắt đầu nói chuyện với con về tiền bạc. Khi trẻ lớn dần lên và tùy vào khả năng tiếp nhận của mỗi bé mà bố mẹ có phương pháp dạy bé cho phù hợp. Điều này sẽ giúp bé biết trân trọng đồng tiền, có thể học cách quản lí tiền bạc và chi tiêu hợp lí cho cuộc sống tài chính sau này.
7. KHÔNG THỐNG NHẤT CÁCH DẠY CON CHI TIÊU
Nếu bố mẹ không cùng quan điểm dạy con về chi tiêu thì bé có thể biết là đòi mẹ không được thì ra xin bố, chắc chắn sẽ được bố mua cho. Hay nếu trẻ biết được sự bất đồng quan điểm của bố mẹ trong việc cho con bao nhiêu tiền tiêu vặt thì trẻ sẽ "lợi dụng" điều đó để vòi vĩnh nhiều hơn.
Vậy nên, khi dạy con về tiền bạc, bố nên ngồi nói chuyện với nhau và thống nhất quan điểm từ trước. Cùng thảo luận xem hàng tháng vợ chồng bạn dành bao nhiêu tiền tiêu vặt cho con, bé có thể mua những gì với số tiền này, nếu bé có số tiền khác (ví dụ ông bà, cô bác cho) thì bố mẹ sẽ hướng dẫn bé tiết kiệm như thế nào...
Trong quá trình dạy trẻ về tiền bạc, không dễ để không mắc phải những sai lầm, tuy nhiên cũng không khó để sửa đổi. Vì trẻ nhỏ học hỏi bằng cách quan sát bố mẹ của mình, nên bạn cần ghi nhớ rằng: Sẽ là vô ích nếu bạn giảng giải cho con cách tiêu và quản lí tiền của mình hợp lí và sau đó bạn lại làm “ngược lại”. Vì thế, bố mẹ hãy THẬT KIÊN NHẪN VÀ LÀM GƯƠNG cho con để có thể rèn luyện được cho bé những bài học tài chính tốt nhất nhé.
--------------------------
Những bài học tài chính đầu tiên chính là trẻ nhỏ học hỏi từ việc quan sát bố mẹ kiếm tiền, mua sắm, tiết kiệm và vay mượn, bố mẹ chính là những người có ảnh hưởng lớn nhất đến cách con kiểm soát tài chính sau này. Những bài học về tiền bạc từ bé sẽ góp phần quan trọng tạo dựng khả năng chi tiêu tương lai của trẻ và bố mẹ không cần phải là chuyên gia tài chính mới có thể dạy con những bài học thiết thực về tiền bạc. Mầm Nhỏ đã có một album DẠY CON VỀ TIỀN BẠC, bố mẹ có thể tìm xem các bài viết trước ở link: https://www.facebook.com/