Trải qua cơn chuyển dạ đau đớn để rồi có được các bạn bé xinh xinh trên tay, hầu hết các mẹ sau nhiều tuần vẫn chưa hết mỏi mệt và hồi lại sức khoẻ cho lần sinh đẻ đó. Bởi vậy việc đến chơi và hỏi thăm sao cho khéo để giúp tinh thần các mẹ bỉm thêm phấn chấn trở nên cực kì quan trọng với cả người thăm và mẹ con nhà ở cữ. Bài viết này Mầm Nhỏ sẽ đưa ra một số gợi ý để mỗi người đến thăm “bà đẻ” đều trở thành những người bạn siêu có tâm nhé!
1. BÌNH PHẨM VỀ EM BÉ
Không nên: “Bé có vẻ hơi đen, mặt bé nhiều rôm quá mẹ nên bôi abc xyz, bé bú có từng đó thôi à hồi xưa con mình…” là những câu nói cực kỳ kém duyên khi dành tặng cho trẻ sơ sinh dù vô tình hay cố ý.
Trong giai đoạn đầu tiên, mẹ là người gắn bó với bé từng phút từng giây, những điều bạn góp ý dù chân thành cũng là điều các mẹ đã nhận thấy rồi và họ đều có suy nghĩ cũng như cách giải quyết của riêng mình. Chẳng có người mẹ nào muốn nhận thông tin “thẳng thắn góp ý” ngay từ lần thăm bé đầu tiên như vậy.
Nên: bạn có thể nói những câu tích cực và đơn giản về bé, không quên thêm từ “trộm vía” theo đúng văn hoá người Việt nhé! “trộm vía ra dáng rồi đấy”, “trộm vía bé có nét quá”, “trộm vía bé giống bố/, giống mẹ ghê”, “trộm vía bế chắc tay lắm này”, “trộm vía quá, không bõ công mẹ mang nặng đẻ đau”...
2. ĐƯA RA LỜI KHUYÊN KHI KHÔNG ĐƯỢC HỎI
Không nên: “Mẹ có cho con bú không? Cố ăn mà cho con bú nhé, sữa mẹ là tốt nhất, sữa công thức toàn thứ độc hại”,”mỗi tháng con phải tăng ít nhất một cân mới tốt”, “3 tháng cho uống nước cháo loãng được rồi, lên cân nhanh lắm”, “da mẩn như này phải tắm lá chè xanh, mướp đắng, lá khế, lá đinh lăng, lá rau má, lá lá lá lá”...
Tất cả những lời khuyên không được hỏi đều trở nên vô duyên. Nhiều khi các mẹ chỉ muốn chia sẻ, giãi bày cùng mình mà chẳng cần lời khuyên nào, bởi mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau, theo đó là những lựa chọn trong việc chăm sóc con cái khác nhau để phù hợp với từng hoàn cảnh.
Nên: Thay vì đưa ra những lời khuyên mang tính tuyên bố, “chém đinh chặt sắt”, các bạn có thể chuyển hướng sang an ủi, vỗ về mẹ như “bé tăng cân ít à? Nếu đi khám bác sĩ thấy bé vẫn phát triển bình thường thì mẹ đừng lo nữa nhé”, “mẹ bận quá nên phải cho bé dùng cả sữa công thức à? Sữa mẹ là tốt nhất nhưng nếu không có điều kiện thì đành phải thay thế vậy, mẹ đừng quá áp lực nhé”!
3. BÌNH PHẨM VỀ MẸ
Không nên: “sinh xong béo thế”, “nhanh nhanh rồi đi tập thể dục nhé”, “tóc rụng nhiều nhỉ”, “đẻ xong mà gầy quắt không lên được cân nào à”... là những bình phẩm chẳng bà mẹ mới sinh nào muốn nghe, dù từ người thân hay bạn bè.
Việc nhiều mẹ “xuống sắc” sau sinh không có gì là lạ lẫm, thế nên nhiều khi các mẹ nhận những lời không mấy thiện cảm như vậy thường chỉ cười xòa. Tuy nhiên sâu thẳm bất kì người phụ nữ nào cũng đều rất tủi thân khi vẻ ngoại hình của mình, và nhất là những mẹ mới sinh xong quả không đáng phải nhận thêm sự tủi thân như vậy.
Nên: thay vì những lời bình phẩm về ngoại hình, bạn có thể sử dụng những câu khích lệ tinh thần cho các mẹ bỉm sữa như “để khi nào bé cứng cáp thì mẹ tha hồ làm đẹp”, hoặc là “nuôi bé vất vả đúng là cần sức khỏe hơn tất cả, những thứ khác tính sau”...
4. SO SÁNH MẸ BÉ VỚI BẤT CỨ AI
Không nên: “đàn bà ai chẳng đau đẻ, hồi trước mình đẻ còn đau lâu hơn”, “bé hay khóc thế nhỉ, hồi xưa con mình trong tháng đầu ngoan lắm chẳng có tiếng khóc bao giờ”, “ơ sao chưa mọc răng à, thấy mấy đứa hàng xóm 4 tháng đã đầy mồm rồi”.
Những câu nói tưởng chừng như đơn giản như vậy cũng có độ gây sát thương khá là cao khi đi thăm trẻ sơ sinh đấy các mẹ à. Bởi mỗi mẹ và bé đều có cơ thể khác nhau, hoàn cảnh và thói quen khác nhau, việc so sánh không chỉ chẳng nói lên được điều gì mà còn khiến tâm lý của mẹ thêm phần hoang mang, mệt mỏi.
Nên: Hãy giúp mẹ xua đi nỗi lo lắng về “con nhà người ta” bằng cách động viên mẹ bằng những câu nói như “mỗi bé mỗi khác, bé nhà mình chỉ cần phát triển bình thường theo đúng chuẩn của bác sĩ là được rồi”, “mẹ đừng lo lắng quá, bé nào cũng có giai đoạn thế cả”...
5. HỎI VỀ KẾ HOẠCH SINH CON TIẾP THEO
Không nên: “con gái à, thế khi nào định làm đứa nữa?”, “mấy năm nữa sinh thêm một bé là vừa đẹp nhỉ”...
Vừa trải qua một cuộc chuyển dạ nhiều đau đớn, việc những người đến thăm gợi đến kế hoạch sinh con tiếp theo khiến nhiều mẹ bỉm sữa chỉ muốn “khóc thét”.
Nên: Tốt nhất hãy trấn an các mẹ bằng câu nói “mẹ giỏi quá rồi, nghỉ ngơi đi nhé”, “mẹ nhớ nghỉ ngơi nhiều vào nhé”... để mẹ có cảm giác mình vừa hoàn thành xong một công việc thật tuyệt và mình xứng đáng được nghỉ ngơi!
6. ĐƯA RA DỰ ĐOÁN TIÊU CỰC
Không nên: “sữa loãng thế này thì con còi lắm không lớn được”, “cứ cho con nằm điều hòa thế này thì sau này nó viêm phổi đấy”, “suốt ngày đóng tã đóng bỉm cho con rồi nó hăm hết cả ra đấy”... là những dự đoán siêu siêu siêu vô duyên mà các mẹ vẫn thường xuyên nhận được từ những người tới thăm.
Việc dự đoán tiêu cực những gì xảy ra với mẹ hay bé các bạn có thể nhường phần cho bác sĩ. Việc dự đoán mang tính tiêu cực ít khi làm trường hợp tốt lên mà còn khiến tâm lí của mẹ thêm phần hoang mang, mệt mỏi.
Nên: Nếu bạn quan tâm thực sự, hãy hỏi mẹ của bé thay vì đưa ra dự đoán tiêu cực như “sữa của mẹ bé bú có đủ không?”, “cho bé nằm điều hòa liên tục có ảnh hưởng gì không?”.... Và nếu có vấn đề gì, gợi ý duy nhất dành cho mẹ là hỏi ý kiến các bác sĩ nhé!
Để trở thành một người văn minh khi đi thăm em bé, các bạn cũng nên chú ý thêm một số điểm như không thăm trẻ khi đang ốm, rửa tay trước khi bế bé, xin phép bố mẹ trước khi thơm bé, không hút thuốc khi vào phòng trẻ... nhé!