Giao tiếp tích cực là một từ khóa được nhiều người tìm kiếm, nhất là những ai làm cha mẹ. Có lẽ bởi trẻ con không dùng “chung ngôn ngữ” và “chung cách thức giao tiếp” với chúng ta nên khi giao tiếp với trẻ, cuộc đối thoại rất dễ khiến trẻ bực tức và rơi vào bế tắc, chỉ vì cách nói của chúng ta. Thực sự thì nói chuyện và thuyết phục trẻ không quá khó, chỉ cần bạn ghi nhớ một số câu “thần chú” sau khi nói chuyện với con là tình hình sẽ khả quan hơn rất nhiều:
MẸ NGHĨ LÀ
Thay vì: Con phải đi giày vào, đi dép sẽ bị lạnh!
Hãy nói
Mẹ nghĩ là con nên đi giày vì đi dép sẽ dễ bị lạnh!
Chỉ ba chữ “MẸ NGHĨ LÀ” đã biến một câu mệnh lệnh thành một câu thể hiện quan điểm của bạn và khiến bé dễ chịu hơn, dễ chấp nhận hơn vì đơn giản là chẳng ai muốn bị sai khiến cả. Đặc biệt nếu con bạn là một đứa trẻ tính khí mạnh, ghét bị ra lệnh thì 3 chữ này đúng là thần chú đấy!
CON THỬ NGHĨ XEM
Thay vì: Không được vứt đồ xuống đất, vỡ bây giờ.
Hãy nói:
Con thử nghĩ xem nếu con vứt đồ xuống đất thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Một bài toán nan giải trong nuôi dạy con là bố mẹ rất hiếm khi cho trẻ cơ hội suy nghĩ và bày tỏ quan điểm, thái độ của mình mà chỉ trực tiếp nói ra những yêu cầu và suy nghĩ của mình. Thực ra trẻ con có khả năng suy luận, nhìn nhận vấn đề đúng sai rất tốt, chỉ là chúng chưa kịp nhìn nhận hoặc cố tình không nhìn nhận mà thôi. Một câu hỏi “CON THỬ NGHĨ XEM” đã đẩy trách nhiệm phải suy nghĩ, quyết định sang cho trẻ và khiến chúng có trách nhiệm hơn.
NẾU LÀ CON?
Thay vì: Không được cướp đồ của bạn.
Hãy nói:
Nếu có bạn đến nhà mình và cướp đồ của con thì con thấy thế nào?
Cũng tương tự như câu “Con thử nghĩ xem”, câu hỏi “Nếu là con…con sẽ thế nào?” cho trẻ một cơ hội để nhìn nhận vấn đề từ góc độ của người khác, thử đặt mình vào tình trạng của người khác xem thế nào. Ích kỉ là bản tính của con người và nó thể hiện mạnh mẽ nhất ở trẻ, chúng chỉ nghĩ mình là trung tâm của thế giới, quan tâm đến cảm xúc của mình mà ít khi để ý xem người khác sẽ như thế nào. Chính vì thế để con biết chia sẻ, biết đồng cảm với người khác, bố mẹ cần hướng dẫn con dần dần nghĩ đến cảm xúc, quyền lợi của người khác, đặt mình trong hoàn cảnh của người khác. Và câu hỏi “NẾU LÀ CON” sẽ cho trẻ cơ hội để tập dượt dần dần.
5 PHÚT NỮA NHÉ!
Cảnh tượng thường thấy nhất ở các khu vui chơi là khi bố mẹ đòi về thì trẻ lăn ra ăn vạ đòi chơi tiếp hay khi bố mẹ yêu cầu con làm việc gì đó, trẻ cứ cố tình kéo dài thời gian, vờ như không nghe thấy. Vì thế, để tránh tình huống này, hãy thông báo trước cho trẻ: “5 phút nữa là mình sẽ đi về nhé” hoặc “5 phút nữa là con sẽ tắt ti vi đi đánh răng nhé!” Chỉ đơn giản là 5 phút thôi nhưng được thông báo, được chuẩn bị trước tinh thần sẽ giúp trẻ dễ hợp tác hơn nhiều. Đương nhiên bố mẹ đừng quên ngồi xuống ngang tầm của con, đợi con chú ý rồi hãy nói nhé!
CON MUỐN…. HAY ….?
Trẻ con luôn thích được lựa chọn và có quyền chủ động, quyết định. Vì thế, thay vì ép con, hãy cho con chọn giữa 2 phương án BẠN CÓ THỂ CHẤP NHẬN, mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều. Ví dụ: “Con muốn đánh răng trước hay mặc bỉm trước?” hoặc “Con muốn đi tất màu hồng hay màu xanh?” Bố mẹ đừng đưa ra phương án mà mình không chấp nhận được kiểu “Con muốn đi giày hay đi chân đất?” thì phương án này sẽ hiệu quả trong 90% các trường hợp.
CON MUỐN GÌ?
Ví dụ khi trẻ đang khóc lóc, ăn vạ, bạn nghĩ lí do là vì con không được món đồ chơi nên đưa món đồ chơi cho con nhưng con vẫn tiếp tục khóc. Bạn nghĩ là con cố tình nư, được voi đòi tiên nên không cho con thứ gì nữa, để con khóc vì nếu chiều thì sẽ hư, lần sau cứ thế đòi. Nhưng trẻ con thật sự rất đơn giản, có được thứ chúng muốn chúng sẽ thỏa mãn nên hành vi tiếp tục khóc của trẻ thường là bạn đã hiểu sai trẻ muốn gì, đưa sai thứ chúng muốn. Hay nói cách khác, bạn hoàn toàn mơ hồ việc con đang ăn vạ vì cái gì, có thể bắt đầu là vì A nhưng trong quá trình đã chuyển thành B rồi. Và thế là bố mẹ với trẻ cứ giằng co nhau ở thế “Con nói gà, bố mẹ nói vịt”
Vì thế, trước khi làm gì đó, hãy hỏi một câu đơn giản thôi: “Con muốn gì?” Người lớn thường lờ đi mong muốn của trẻ và cho là mình hiểu hết vì sao con đang khóc lóc, ăn vạ nhưng lí do ăn vạ của trẻ con đôi khi rất kiểu “trời ơi đất hỡi” như không có cái logo giống bạn. Thế nên cách nhanh nhất để hiểu chúng muốn gì và dập tắt tình trạng hiện tại là hỏi chúng: “Con muốn gì?” hay “Mẹ có thể làm gì giúp con không?” Câu hỏi này sẽ khiến trẻ có cảm giác mình được tôn trọng và bố mẹ muốn giúp mình, muốn hiểu mình. Mà đôi khi chỉ cần nói ra được mong muốn, bố mẹ lắng nghe và chấp nhận (chứ không phải đồng ý) mong muốn đó là trẻ đã thỏa mãn rồi. Sau đó bạn có thể đồng ý mong muốn của con hoặc giải thích thì tùy tình huống và cách xử lí của bạn.
CON ĐANG BUỒN/ TỨC GIẬN/ ĐAU…
Nếu con bạn bảo hôm nay con bị bạn đánh, bị cô phạt, mất đồ chơi… câu đầu tiên bố mẹ nói thường là an ủi, khuyên nhủ kiểu “Mẹ sẽ mua cho con cái khác…” hay “Một tí là hết mà””…. Chúng ta dường như không dám/ không quen công nhận cảm xúc của con: con đang buồn, con đang tức giận….Là vì chúng ta nghĩ trẻ không có cảm xúc hay chúng ta không coi trọng cảm xúc của trẻ, nghĩ trẻ sẽ nhanh chóng quên đi? Hay bởi chúng ta sợ công nhận cảm xúc của trẻ sẽ khiến trẻ mè nheo hơn?
Con người, nhất là trẻ con, đôi khi rất đơn giản, chúng ta than thở, chia sẻ câu chuyện của mình không phải để tìm người an ủi, mà chỉ là để ai đó hiểu cảm xúc của mình hiện tại và công nhận cảm xúc đó là thỏa mãn rồi. Giống như khi cô bạn thân của bạn xả một tràng những thói xấu của chồng cô ấy ra, bạn gật gù tán thành “mày tức lão là đúng rồi đấy” “lão này chẳng ra gì cả” thì cô ấy sẽ có cảm hứng tuôn ra một tràng nữa rồi sau đó kết thúc bằng câu “Nhưng dù sao lão cũng không quá tệ”. Còn nếu bạn cứ cố khuyên “tao thấy lão có ưu điểm này, ưu điểm kia” thì cô bạn bạn sẽ càng bới móc ra khuyết điểm của chồng để tranh cãi với bạn mà thôi.
Thế nên, áp dụng với con, khi có một tình huống xảy ra, việc đầu tiên là công nhận cảm xúc của con đã. Nếu con ngã thì đầu tiên không phải là “Ui, không sao” hay “Có thế mà đã mè nheo?” mà là “Con có đau không?” hoặc “Con đau à?” Hay khi con đang khóc thì đầu tiên không phải là rao giảng “Con làm như thế này là sai….” mà là “Con đang buồn/ tức giận à?” Chúng ta thường rất sợ công nhận những cảm xúc yếu đuối và tiêu cực của con, nghĩ rằng lờ đi, không nhắc đến thì trẻ sẽ KHÔNG CÓ CẢM XÚC ĐÓ NỮA, sẽ mạnh mẽ hoặc hướng đến cảm xúc tích cực hơn. Nhưng cảm xúc không có lỗi và không kiểm soát được. Thứ có nguy cơ và có thể kiểm soát được là cách thể hiện cảm xúc đó: đập phá, la hét, im lặng hay khóc lóc. Và thật sự là, khóc lóc hay công nhận cảm xúc là cách dễ dàng nhất để kiểm soát cảm xúc tích cực hơn. Hiểu được mình đang có cảm giác gì và làm thế nào để xử lí tích cực cảm xúc đó là một kĩ năng mà trẻ cần học để có thể có cuộc sống hạnh phúc sau này.
Hi vọng những câu “thần chú” này sẽ giúp bố mẹ bớt đi những đau đầu trong hành trình nuôi dạy các bạn nhỏ nhé! Bố mẹ nào có câu “thần chú” nào hiệu quả thì share thêm với chúng mình để làm tiếp 1 bài nữa nha!