Hãy nhớ lại khi bạn còn nhỏ, có phải rất nhiều lần bạn rất ấm ức với bố mẹ mình vì bạn cảm thấy chuyện đó không đến mức bị phạt mà mình vẫn bị phạt hoặc mình bị phạt oan không? Nếu có, con bạn chắc chắn cũng đang có tâm lí tương tự đấy.
Một điều rất thú vị trong việc kỉ luật con cái là, các bố mẹ nhắc nhở, phạt con vì rất nhiều hành động: đi dép trái mà không chịu sửa lại phải, không chịu mặc bộ quần áo đẹp bố mẹ đã chuẩn bị, không chào hỏi người lớn, nói năng không lễ phép… Nhìn chung là ti tỉ lí do mà nếu như để các bạn nhỏ trả lời, các bạn ấy sẽ bảo lỗi đó chẳng đáng bị phạt.
Nhiều khi bố mẹ yêu cầu con thay đổi, phạt con vì những lỗi khiến bố mẹ cảm thấy khó chịu, không hợp mắt chứ không hẳn vì lỗi đó có tác động tiêu cực. Vì vậy, lần tới, trước khi bạn định nhắc nhở hay kỉ luật, phạt con thì hãy cân nhắc đến các yếu tố sau:
1. Hành vi đó có gây ảnh hưởng đến người khác không?
2. Hành vi đó có để lại hậu quả đáng kể với sự phát triển của trẻ không?
Nếu 1 trong 2 câu trả lời là có, bạn hãy kỉ luật. Còn nếu không, thì hãy dừng lại.
Bởi vì con người ai cũng có những khuyết điểm cả, con bạn có thể có những lỗi như cẩu thả, hay quên… Nếu lỗi đó thực sự không quá nghiêm trọng, không ảnh hưởng nặng nề đến tương lai của trẻ, sao không thể nghĩ thoáng hơn một chút là con người ai cũng có khuyết điểm, khuyết điểm đó của con còn nhẹ chán so với chính mình. Bản thân chính bạn cũng có khuyết điểm mà. Bạn cứ ngó lơ đi, nếu không ngó lơ được thì đi chỗ khác, nghĩ đến những khuyết điểm của mình và tự hỏi mình hai câu hỏi trên, trước khi định dạy dỗ con nhé! Không có ai là hoàn hảo cả!
Hơn nữa, đừng kỉ luật con chỉ vì hành vi đó của con khiến bạn khó chịu hay khiến bạn khó xử với người khác. Hãy nghĩ đến trung tâm của vấn đề là con, chứ không phải là cảm nhận của bạn hay của người khác. Việc bạn nhắc nhở con quá nhiều lần vì những lỗi nho nhỏ sẽ khiến bé cảm thấy khó chịu với những lời nhắc nhở của bố mẹ và dần dần sẽ “lờ” đi luôn. Bạn không những lời nói, nhắc nhở của mình thành “gió thổi qua tai” cho thì hãy tiết kiệm nhắc nhở và kỉ luật, chỉ nhắc nhở những lỗi to và cần thiết thôi.
Một trong những vấn đề lớn làm nên mâu thuẫn trong việc kỉ luật con là con trẻ luôn mong muốn có những biên giới thật rộng, còn người lớn luôn muốn những biên giới thật hẹp, muốn những hành vi, cách cư xử của con chỉ được trong một khuôn khổ nào đó thôi. Biên giới rộng thì cả con và bạn sẽ thoải mái hơn. Ví dụ, nếu bạn đã dọn dẹp nhà cửa để con có thể thoái mái chơi và đụng chạm mọi thứ trong tầm với, bạn sẽ không phải một lát lại hò hét: đừng nghịch cái đó, không được chơi cái này. Khi bạn đã có biên giới rộng, bé sẽ thoải mái trong biên giới đó, có lỡ ra ngoài thì bạn chỉ cần nhắc nhở, bé sẽ dễ dàng chaaos nhận. Còn nếu bạn xây những biên giới hẹp thì bé sẽ bí bức chỉ muốn phá tung các biên giới đó, khiến bạn và bé càng mệt mỏi hơn mà thôi.
Thêm vào đó, trẻ đang trong quá trình phát triển nên có rất nhiều vấn đề bạn có thể cảm thấy rất nghiêm trọng, cần uốn nắn nhưng thực chất chỉ là vấn đề do lứa tuổi, lớn lên thì sẽ tự hết. Vì thế, hãy lưu ý thêm về những lỗi không cần nhắc nhở bao gồm:
- Các em bé sơ sinh không cần phải kỉ luật vì trẻ không cố tình hành xử tồi tệ. Trẻ không cố làm cho bạn bực mình hay kiểm soát bạn bằng cách khóc lóc mà chúng chỉ sử dụng tiếng khóc để thể hiện mong muốn của mình: có thể là đói, ướt, mệt mỏi, đau hoặc muốn được mẹ ôm ấp, vỗ về. Nhiều bác sĩ nhi cho rằng trẻ không thể hư hỏng bởi vì bố mẹ đã chiều chuộng chúng trong 6 tháng đầu đời. Những đứa trẻ được ôm ấp khi chúng khóc hiểu rằng chúng được an toàn và có thể tin tưởng, sẽ ít khóc hơn trong tương lai. Khi biết nói, trẻ sẽ sử dụng từ ngữ để nói cho bạn biết chúng muốn gì. Vì thế, hãy hít thở sâu, tìm hiểu nguyên nhân khi bé khóc lóc, bé không muốn làm bạn khó chịu đâu, chỉ là bé không biết cách nào để thể hiện nhu cầu của mình.
- Những em bé đến tuổi biết bò, biết đi sẽ muốn khám phá mọi thứ xung quanh. Ham muốn này khó có thể kiềm chế vì những lời hò hét, nói không hay phạt của bạn, đơn giản đó là sở thích và cách bé khám phá thế giới. Vì thế hãy đảm bảo nhà an toàn cho bé, di chuyển những thứ ko an toàn hay bạn ko muốn bé động vào ra khỏi tầm tay bé để bé được khám phá an toàn trong nhà.
- Các em bé dưới 6 tuổi vẫn chưa có ý thức về chia sẻ, thường nghĩ mình là trung tâm của mọi thứ và muốn mọi thứ là của mình. Vì thế, hãy nhẹ nhàng khi con không muốn chia sẻ với bất kì ai thứ gì.
- Các em bé không được sinh ra với khả năng kiềm chế cảm xúc, biết hành xử thế nào thì phù hợp để đạt được điều mình mong muốn. Vì thế, chúng thường thể hiện cảm xúc rất mạnh mẽ và sử dụng cách duy nhất mà chúng biết để đòi hỏi là khóc lóc. Chính vì thế, trẻ cần bạn kiên trì hướng dẫn chúng cách kiềm chế cảm xúc, thể hiện cảm xúc một cách phù hợp và nói năng, hành xử thế nào cho phù hợp khi yêu cầu một thứ gì đó. Điều này cần rất nhiều thời gian và chúng sau này sẽ áp dụng đúng cách mà bạn dạy chúng.
- Rất nhiều hành vi/ lời nói của trẻ là do chúng bắt chước người lớn và thực sự cũng không hiểu hành vi/ lời nói đó có nghĩa là gì. Vì thế, nếu bạn thấy con có một hành vi/ lời nói không phù hợp, hãy tìm hiểu nguyên nhân trước khi phạt con. Trẻ con hấp thụ mọi thứ xung quanh, vì thế, tạo một không gian/ môi trường với những người xung quanh, nhất là bố mẹ thường xuyên cư xử/ nói năng lịch sự và tôn trọng là cách tốt nhất để giảm thiểu những vấn đề cần kỉ luật.
Chúng mình hi vọng lần tới, trước khi bố mẹ định kỉ luật hay nhắc nhở bé, hãy thử dừng lại và đặt câu hỏi: Liệu đây có là vấn đề và cần phải kỉ luật?