Đây là vấn đề được nhiều mẹ Mầm Nhỏ quan tâm. Hãy cùng TS Nguyễn Thị Thu - Aki Nguyễn chia sẻ câu chuyện gia đình để dân dần thay đổi những ông bố chưa biết, chưa chịu chơi với con nhé!
Rất nhiều mẹ đã hỏi mình câu hỏi này: Làm sao để bố chơi cùng con?
Làm sao để bố tham gia vào việc nuôi dạy con hả chị?
Mình không có quá nhiều bí quyết nhưng có 4 nguyên tắc thường hay làm đó là:
1. Để con thể hiện tình yêu và sự quan tâm đến bố
Chẳng có ông bố nào lại không tan chảy khi đứa con bé bỏng thường xuyên nói con yêu bố, ôm hôn bố, bố đi làm về là chạy đến ôm và chào bố.
Mấy hôm trước bố đi làm về Bon mải xem tivi ko chào bố như mọi khi nên bố buồn bố mắng. Hôm sau mình nhắn nhỏ Bon lúc hai mẹ con đi học về “hôm qua bố buồn vì bố về Bon ko chào. Hôm nay con nhớ chào bố nhé. Bố vẫn bị đau bụng, con hỏi xem bố đã đỡ đau chưa nhé, chắc bố sẽ vui lắm”.
Trẻ con chưa biết tự mình quan tâm thì người lớn nên dạy trẻ để con học theo.
Mình hay dạy Bon quan tâm đến bố cũng là vì mình biết, đó là con đường tốt nhất để bố quan tâm đến con, yêu con, chơi với con. “Con yêu bố, con muốn chơi với bố” thì làm gì có ông bố nào nỡ từ chối.
Thế nên các mẹ ơi, muốn bố chơi cùng con thì hãy giúp con thể hiện tình yêu với bố thật nhiều vào.
2. Bớt đảm đang và cho hai bố con khoảng thời gian riêng chơi với nhau
Từ hồi còn bên Nhật mình vẫn hay đi học vào cuối tuần và giao Bon cho bố, để hai bố con tự xoay sở.
Mình ung dung đi hội thảo ở các tỉnh, đi tiệc với bạn bè.... và auto hai bố con ở nhà tự lo cho nhau.
Đó là cơ hội tuyệt vời để hai bố con ở bên nhau, học cách dựa vào nhau thay vì dựa hết mọi việc vào mẹ.
Không đảm đang cũng có cái lợi đó.
- Thi thoảng chiều cuối tuần mình ở nhà để bố dẫn Bon đi chơi công viên, đi đạp xe còn bố chạy bộ là vì muốn hai bố con có thời gian riêng dành cho nhau.
Mình hay nói đấy Bon đi chơi với bố vui quá nhỉ. Lần sau mình lại chơi tiếp thế nhé.
- Bố nào thích thể thao, thích bay nhảy thì dụ con hỏi bố cho đi tập cùng thay vì cằn nhằn .
- Nhà mình bố Bon bảo muốn đi đánh cầu lông thế là hai mẹ con mình đi cùng để tập luôn. Đến sân mình thấy toàn các ông bố, hoặc là các bố mẹ đi mà không thấy rủ con đi cùng thì quả là đáng tiếc vì bỏ lỡ cơ hội cả nhà bên nhau.
3. Khi bố làm mẹ lùi lại phía sau và không can thiệp, không chê khi bố làm, dù mình không ưng ý đi chăng nữa.
Về khoản này mình tự tin làm rất tốt, vì mình không chê chồng làm gì bao giờ
- Thi thoảng bố hay cầm điện thoại và ko chịu chơi cùng con mình cũng bực nhưng phải kiềm chế ko nói gì. Rồi mình dụ cả nhà vào đọc sách cùng nhau đi, thiết lập giờ đọc sách buổi tối với nhau. Còn nếu mình thể hiện sự khó chịu thì chỉ khiến mọi việc tệ hơn.
Mình nhờ bố đọc truyện cho con. Dù bố không thích đọc nhưng mình cũng không thể bắt ép, chỉ có thể nhìn vào thế mạnh của bố Bon để nương theo.
4. Tôn trọng bố trước mặt con
Không chê bai, nói xấu về vợ/chồng trước mặt con là nguyên tắc đầu tiên. Nếu con hư với bố là phải ra mắng con luôn một cách nghiêm khắc (và với mẹ bố cũng phải làm thế) thì con sẽ tôn trọng bố, mẹ, và bố cũng luôn thấy mình là người mạnh mẽ, là chỗ dựa cho cả gia đình.
PS: Lời nhắn nhủ dành cho các ông bố
Không phải ông bố nào cũng có sẵn bản năng muốn chơi cùng con, nhất là các ông bố ở VN. Vì chúng ta lớn lên mà ít có trải nghiệm được bố chơi cùng. Và vì ở VN các ông bố vẫn ưu tiên kiếm tiền nuôi vợ con là được rồi, chơi với con có hay không cũng không phải điều quan trọng.
Nhưng,
Khi còn ấu thơ con có sự gắn kết qua những hoạt động trải nghiệm cùng bố nên lớn lên bố muốn dạy dỗ con thì còn cũng dễ dàng tiếp nhận hơn. Con càng lớn vai trò của bố càng thể hiện rõ hơn, đó là dạy cho con những kỹ năng giao tiếp xã hội, những kỹ năng trong cuộc sống.
Vì thế các ông bố ơi đừng đánh lỡ mất thời gian quý báu của con ở 0-10 tuổi nhé.