Có một thực tế rằng khi nghe con khóc, chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu. Những ngày đầu tiên sau khi bé chào đời, khi bé khóc mà chúng ta không biết nguyên nhân vì sao, chúng ta vô cùng lo lắng và sợ hãi. Chúng ta biết là bé chỉ có thể giao tiếp, bộc lộ những nhu cầu của mình qua tiếng khóc, vì thế khi bé khóc nghĩa là bé có vấn đề gì đó cần giải quyết. Khi trẻ lớn hơn, biết đi, biết nói, chúng ta hi vọng rằng trẻ sẽ chuyển sang giao tiếp bằng lời nói, chứ không phải bằng cách chúng vẫn thường dùng là thông qua tiếng khóc.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng não bộ chúng ta dường như đã lập trình một phản ứng khá tự nhiên khi nghe thấy tiếng khóc của con đó là: phải nhanh chóng giải quyết, giúp đỡ. Khi nghe tiếng trẻ con khóc, chúng ta thường tăng nhịp tim và thúc ép mình phải hành động gì đó, mặc dù đứa trẻ đó có là con mình hay không.
Có vẻ như chúng ta phải hành động gì đó khi đứa con chập chững (1 tuổi trở lên) của chúng ta bắt đầu khóc. Nhưng chúng ta nên làm gì?
Việc đầu tiên hãy chắc chắn rằng bé khóc không phải do có vấn đề gì đó về sức khỏe, tổn thương nghiêm trọng ở đâu đó. Trong trường hợp đó, giải pháp duy nhất là ngay lập tức đưa bé đến bệnh viện và an ủi bé. Còn nếu bé khóc chỉ vì đang khó chịu về vấn đề gì đó không theo ý mình, hãy ghi nhớ những điều sau:
KHÓC KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ BUỒN
Đối với nhiều trẻ, khóc không phải là phản ứng của nỗi buồn, đó là cách để xử lí, tiếp nhận bất kì cảm xúc nào. Chúng có thể khóc vì đau, tức giận, thất vọng, sợ hãi, phấn khích, bối rối, lo sợ hoặc thậm chí là hạnh phúc. Rất ít khi trẻ dùng tiếng khóc là vũ khí để gây áp lực buộc chúng ta phải chấp nhận yêu cầu của trẻ (mua đồ chơi, ăn kẹo…) mà chúng chỉ khóc vì chúng đang thất vọng, buồn bã vì không được chấp nhận yêu cầu mà thôi. Thường những đứa trẻ lớn hơn, thường trên 3 tuổi mới hiểu có thể gây áp lực với người lớn bằng tiếng khóc và những vũ khí khác.
Có một vấn đề nữa là trẻ có thể thiếu khả năng ngôn ngữ và tự kiểm soát để giải thích chúng đang cảm thấy thế nào. Vì thế, nếu chúng ta hỏi: “Có chuyện gì thế?” sẽ hiếm khi nhận được câu trả lời mong đợi. Trẻ cứ tiếp tục khóc mà chúng ta vẫn tiếp tục không hiểu vấn đề là gì và nên xử lí thế nào.
NÓI “NÍN NGAY” SẼ KHẾN MỌI CHUYỆN PHỨC TẠP HƠN
Bạn có thể nghĩ rằng làm cho bé ngừng khóc sẽ ngừng việc khiến bé tổn thương, nhưng khi bạn nói với con “Nín ngay” hoặc “Đừng khóc nữa” trẻ sẽ ngay lập tức nghĩ rằng bạn không hiểu chúng đang cảm thấy thế nào. Vì thế, chúng sẽ khóc to hơn và lâu hơn. Còn bạn sẽ khó chịu hơn.
Bằng cách yêu câu trẻ ngừng khóc, bạn cũng nói với trẻ rằng cảm xúc của chúng là không quan trọng và không có giá trị gì. Bất kể bạn cho rằng vấn đề đó nhỏ nhặt đến đâu, việc bạn từ chối hiểu cảm xúc của trẻ lúc đó khiến bạn mất đi cơ hội giúp bé học cách làm thế nào để xử lí cảm xúc một cách tích cực. Mục tiêu của việc làm cha mẹ, mặc dù khó khăn đến thế nào, là hỗ trợ khả năng kiểm soát cảm xúc của trẻ, một việc mà chúng ta chỉ có thể làm khi chúng ta đối xử với trẻ bằng sự cảm thông và thấu hiểu.
Vì thế, hãy cứ để bé khóc để trẻ bộc lộ cảm xúc, giải tỏa. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng khóc có thể giảm đau, giảm cảm giác khó chịu. Bạn có thể rất khó chịu, rất bực mình khi nghe con khóc, nghĩ là phải làm gì đó ngay để giải quyết vấn đề nhưng hãy bình tĩnh. Nếu bạn quá khó chịu khi nghe con khóc, hãy sang phòng khác và đóng chặt cửa lại trước khi định nói/ hành động gì đó. Con đang giải tỏa cảm xúc, khóc là cách hiệu quả nhất, đừng can ngăn con.
CỨ ĐỂ BÉ KHÓC, ĐỪNG PHÂN TÁN
Rất nhiều người cho rằng sự phân tán là biện pháp tốt trong nuôi dạy con. Nếu chúng ta có thể phân tán sự chú ý của một đứa trẻ đang khóc khỏi bất kì cái gì khiến chúng khóc, chúng ta có thể khiến chúng dừng khóc. Chúng ta thường đưa một món đồ chơi ra trước mặt trẻ hoặc nói, hát hò để khiến trẻ phân tán sự chú ý. Tuy nhiên, điều đáng buồn là phân tán làm bạn mất cơ hội kết nối với trẻ là dạy trẻ làm thế nào để xử lí cảm xúc của mình.
Nếu trẻ đang giành đồ chơi với một đứa trẻ khác, phân tán sự chú ý của trẻ sang một món đồ chơi khác là hoàn toàn phù hợp. Nhưng nếu trẻ đang khóc bởi vì bạn giúp trẻ đi giày thay vì để chúng tự đi thì phân tán chỉ khiến trẻ khóc to hơn và dữ dội hơn mà thôi.
Có một sự thật rằng thi thoảng phân tán sự chú ý của trẻ có vẻ hiệu quả, nhưng nó thường không phải là lựa chọn ưu tiên và hợp lí. Giải pháp này không giúp trẻ học cách xử lí những tình huống và cảm xúc tương tự một cách tích cực hơn trong tương lai.
KHI BÉ ĐANG KHÓC THÌ KHÔNG THỂ GIẢI THÍCH ĐƯỢC
Bởi vì lúc đó cảm xúc của bé đang rất mạnh mẽ, đang rất bực tức, bé cần giải tỏa trước khi có thể bình tĩnh lại để chấp nhận nói chuyện, giải thích. Vì thế, hãy để cho bé khóc, đừng cố gắng giải thích, nói chuyện với bé. Khi nào bé nín khóc, bình tĩnh lại thì mới có thể chấp nhận những giải thích của bạn.
VẬY THÌ BỐ MẸ NÊN LÀM GÌ?
Đầu tiên là không nên nói/ làm gì cả. Nếu con bạn đang khóc lóc, hãy hít thở sâu 1 phút để chắc chắn rằng bạn đang bình tĩnh. Nếu bạn tức giận, mệt mỏi hoặc thất vọng, bạn sẽ càng khiến trẻ mệt mỏi hơn. Hít thở sâu, hiểu rõ mình đang cảm giác thế nào, tập trung vào những gì đang diễn ra trong cơ thể bạn (tim đập nhanh hơn, nghiến chặt răng, có thể rung lên). Nếu quá khó chịu, hãy timeouts bản thân trước, tự nhốt mình vào phòng, vào phòng tắm, hét lên, suy nghĩ trước khi bình tĩnh lại và quay lại xử lí vấn đề với con.
Và khi bạn đã bình tĩnh, hãy nói những câu sau:
“Mẹ biết là con đang khóc, nhưng mẹ không biết con muốn gì cả. Con có thể nói cho mẹ biết con muốn gì không?”
Mặc dù trẻ có thể không thể nói gì lúc chúng đang khóc thì việc này cũng giúp chúng cảm thấy được an ủi hơn và cố gắng nói chuyện để giải quyết vấn đề hơn.
Nếu trẻ vừa khóc vừa nói:
“Con cứ vừa khóc vừa nói như thế mẹ chẳng nghe được con nói gì cả. Con cứ khóc cho thoải mái đi, bao giờ bình tĩnh lại thì mẹ con mình nói chuyện nhé!
>>> Đừng cố giải quyết vấn đề khi trẻ đang khóc, khóc cũng là cách để giải tỏa cảm xúc, hãy để bé được giải tỏa.
“Mẹ biết là con đang rất khó chịu/buồn/ thất vọng/ sợ hãi/ lo lắng. Một lát nữa con sẽ cảm thấy đỡ hơn”
>>> Câu nói đơn giản này khiến trẻ hiểu bạn đang nghe và quan sát chúng. Hãy nhắc nhở rằng cảm giác của trẻ bình thường, đó là những cảm xúc khiến chúng ta là con người.
“Có mẹ đây rồi, con đang được an toàn rồi.”
>>> Câu nói này sẽ phù hợp nhất khi trẻ đang khóc vì sợ hay thất vọng
“Mẹ nhớ lần trước….”
>>> Hãy chuyển hướng chú ý của bé về những tình huống tương tự trước đây, bé đã xử lí tốt như thế nào. Ví dụ lần trước bị bạn giật đồ chơi con đã bình tĩnh yêu cầu bạn trả lại hay lần trước bị em đánh, con đã yêu cầu em dừng lại và gọi mẹ…. Bé sẽ cảm thấy được an ủi mà muốn được xử lí tốt như trước đây.
“Khi con khóc thì con sẽ thấy thoải mái hơn nhưng mà vấn đề thì vẫn chưa được giải quyết (đồ chơi vẫn không lắp ráp xong, con vẫn không được ăn kẹo….) . Khi nào con bình tĩnh thì mẹ con mình cùng giải quyết nhé!”
>>> Khi trẻ đang khóc, mọi lời giải thích, khuyên can của bố mẹ đều sẽ là vô ích, trẻ sẽ không tiếp nhận gì cả vì chúng đang bị những cảm xúc của chúng lấn át. Chúng cần xử lí cảm xúc của chúng trước khi xử lí vấn đề. Câu nói này sẽ giúp trẻ hiểu khóc không phải là cách giải quyết vấn đề, chỉ là giải tỏa cảm xúc thôi. Khi khóc xong, vấn đề vẫn còn ở đó và mẹ sẽ cùng giúp mình giải quyết. Nhưng mình cần phải bình tĩnh và hợp tác với mẹ để giải quyết.
“Con có muốn mẹ giúp, bỏ qua hay thử lại không?”
Rất nhiều lần trẻ khóc vì thất vọng, chúng cần 1 trong ba thứ sau: giúp đỡ để hoàn thành việc đang dang dở, nghỉ ngơi một chút để tạm bỏ qua tình trạng cảm xúc hiện tại hoặc cố gắng để làm lại, cùng với sự hỗ trợ. Hãy hỏi trẻ, đừng yêu cầu trẻ, bạn có thể làm gì để giúp trẻ, khiến trẻ cảm thấy chúng quan trọng và có khả năng.
Cuối cùng, bố mẹ hãy nhớ rằng khi con khóc là có nhu cầu gì đó, hãy cố gắng hiểu và tìm ra nguyên nhân nhé! Có đôi khi bé cứ mè nheo, bạn tưởng là con nư nhưng thực chất có thể con chỉ muốn có 1 cái huy hiệu giống bạn, được cài dây... những thứ rất nhỏ nhặt mà nếu k đủ bao dung, kiên nhẫn và lắng nghe, chúng ta sẽ làm mọi chuyện phức tạp hơn và khiến trẻ có cảm giác k được quan tâm, bị bỏ rơi nhu cầu. Vì thế, hãy luôn hít thở sâu và tìm nguyên nhân khi con đang khóc lóc nhé.