Hiện nay có 2 quan điểm khác nhau về kháng sinh. Một nhóm các bậc cha mẹ thì rất thích kháng sinh vì mỗi lần con ốm chỉ cần uống kháng sinh vài ngày là khỏe nên con ốm nặng nhẹ gì cũng kháng sinh. Một nhóm khác thì lại bài trừ và rất sợ, nói không với kháng sinh, nếu bác sĩ kê toa có kháng sinh thì sẽ ngay lập tức phản đối và cảm thấy tội lỗi khi con phải uống kháng sinh. Điều này dẫn đến hệ lụy là nhiều loại thuốc hay thực phẩm đều bám vào khẩu hiệu “nói không với kháng sinh” để truyền thông, dọa dẫm các bố mẹ. Vậy, chúng ta cần hiểu và dùng kháng sinh thế nào?
KHÁNG SINH LÀ GÌ?
Kháng sinh là những chất có khả năng đặc hiệu kìm hãm sự phát triển hoặc diệt được vi khuẩn. Có 4 điều quan trọng bố mẹ cần nhớ về kháng sinh như sau:
Kháng sinh có hiệu quả trong việc chữa bênh, giúp nhiều người bị bệnh nhiễm trùng được cứu sống
Kháng sinh chỉ diệt được vi khuẩn, không diệt được virus
Kháng sinh có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, phát ban…
Lạm dụng kháng sinh khi không cần thiết khiến vi khuẩn trở nên đề kháng, lúc bạn thực sự cần kháng sinh để điều trị thì kháng sinh không còn tác dụng nữa. Tình trạng kháng kháng sinh đang cao báo động trên thế giới và Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới do tình trạng lạm dụng kháng sinh.
KHI NÀO THÌ KHÔNG CẦN DÙNG KHÁNG SINH?
Khi bệnh là do virus gây ra hoặc một số trường hợp bệnh do vi khuẩn gây ra, chúng ta không cần dùng đến kháng sinh. Bởi vì kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus và hệ thống miễn dịch của bé có khả năng chống lại hầu hết các loại virus và nhiều loại nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn. Kháng sinh thường có ít vai trò trong tăng tốc độ lành bệnh của một số nhiễm trùng thông thường như viêm phế quản, nhiễm trùng tai, mũi họng. Đây là những trường hợp thường do siêu vi gây ra và có thể không cần sử dụng kháng sinh:
- Hầu hết những trường hợp sốt ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi
- Tất cả những trường hợp cảm
- Hầu như tất cả những trường hợp viêm thanh quản, viêm phế quản hay viêm tiểu phế quản
- Hầu hết (99%) những trường hợp ho
- Hầu hết (99%) những trường hợp bị ói và tiêu chảy
- 90% trường hợp viêm họng
- Một số trường hợp viêm tai giữa
KHI NÀO THÌ CẦN DÙNG KHÁNG SINH?
Nếu con bạn thuộc một trong các trường hợp sau, bác sĩ sẽ có thể phải chỉ định dùng kháng sinh vì bệnh có thể là do vi khuẩn gây ra. Nếu không dùng kháng sinh, tình trạng bệnh sẽ có thể trở nặng và việc cứu chữa khó khăn hơn:
- Hầu hết các trường hợp viêm tai giữa
- Khoảng 10% những trường hợp viêm họng (khi viêm họng là do liên cầu khuẩn nhóm A, cần làm phết họng và làm xét nghiệm nhanh để khẳng định)
- Một số trường hợp viêm phổi
- Một số trường hợp viêm màng não
- Khi bệnh nhẹ do virus và vi khuẩn nhưng trở nặng và có biến chứng, bội nhiễm:
Bội nhiễm là tình trạng cơ thể bị nhiễm thêm vi khuẩn khi đang bị bệnh do siêu vi do hệ thống miễn dịch suy yếu, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công, gây thêm bệnh mới. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ không cho uống kháng sinh để đề phòng bội nhiễm mà sẽ cho uống kháng sinh khi đã xác định là bị bội nhiễm do vi khuẩn.
Một số hiện tượng như mũi xanh, vàng hay sốt cao, khạc đờm xanh vàng có thể không phải là dấu hiệu bội nhiễm vi trùng mà thường là một phần của tiến trình lành bệnh, báo hiệu sắp khỏi bệnh. Vì vậy, việc kê toa kháng sinh trong trường hợp này thường là không cần thiết.
VẬY THÌ, NẾU BÁC SĨ KÊ KHÁNG SINH, BỐ MẸ CẦN LÀM GÌ?
Một vấn đề rất nhức nhối ở nước ta là nhiều bác sĩ và cha mẹ, người chăm sóc trẻ thường có tâm lí muốn trẻ mau khỏi bệnh nên lạm dụng kháng sinh. Việc này sẽ có hại hơn là có lợi vì sẽ khiến cơ thể trẻ có ít cơ hội tập dượt khi bị ốm nhẹ nên sức đề kháng có thể sẽ kém hơn. Hơn nữa, vì lạm dụng kháng sinh, những lần ốm nặng sau bé rất có thể sẽ phải dùng các loại kháng sinh nặng hơn và có thể kháng sinh không còn tác dụng nữa. Điều đó có nghĩa là bệnh sẽ rất nặng, mất nhiều thời gian, công sức để chữa trị hoặc tử vong.
Vì vậy, đầu tiên và quan trọng nhất, bố mẹ hãy có tâm thế chờ đợi, chăm sóc bé, không nôn nóng muốn con nhanh khỏi bệnh mà dùng thuốc kháng sinh. Hãy nghĩ lạc quan rằng sau trận ốm này hệ miễn dịch của con sẽ tốt hơn, sẽ khỏe mạnh hơn. Sau đó, hãy lựa chọn một bác sĩ hiểu đúng vai trò của kháng sinh mà bạn tin tưởng để cho con thăm khám. Bởi vì, việc quyết định có lựa chọn kháng sinh hay không cần thăm khám, xét nghiệm và cả tình trạng bệnh nên bố mẹ không thể nhìn triệu chứng, đoán bệnh mà biết con mình cần hay không cần kháng sinh được. Nếu bạn nghĩ con không cần dùng kháng sinh, hãy thảo luận lại với bác sĩ hoặc thăm khám bác sĩ khác, đừng quyết định không dùng kháng sinh vì bạn nghĩ là không cần. Nhiều trường hợp bố mẹ không dùng kháng sinh sẽ làm bệnh trở nặng và phải điều trị khó khăn hơn.
Cuối cùng, đừng bài trừ kháng sinh và cảm thấy tội lỗi khi con bạn phải dùng kháng sinh. Đó không phải lỗi của bạn, lỗi là của bệnh tật. Nếu bạn đã chăm sóc con đúng mà bệnh của bé yêu cầu vẫn phải dùng thì hãy thoải mái tâm lí và cảm ơn kháng sinh! Kháng sinh sinh ra để giúp con người điều trị bệnh và khỏe mạnh, hãy nhìn nhận và sử dụng đúng vai trò của nó, đừng lạm dụng cũng đừng bài trừ.