Hệ thống chương trình dạy con về tiền bạc – Money As You Grow và các bố mẹ Mỹ tin rằng đa số những bạn nhỏ được tham gia các hoạt động từ thiện từ sớm đều là những em bé biết chia sẻ, cảm thông, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác và quan trọng hơn, là sẽ trở thành những công dân tốt bụng và hạnh phúc khi trưởng thành.
Việc làm từ thiện chân chính là xuất phát từ tấm lòng sẻ chia, là hành động trao đi những điều mà các mảnh đời khó khăn trong cuộc sống cần đến, chứ không chỉ là cho đi những món đồ bản thân mình không còn sử dụng. Chỉ khi đó giá trị của hoạt động từ thiện mới thật sự có ý nghĩa. Chính vì vậy, lòng tốt bắt đầu từ những việc nhỏ bé mà chúng ta làm mỗi ngày.
Và đây cũng là bài học quan trọng mà các bậc phụ huynh nên chỉ dạy cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời. Để gieo những hạt mầm của lòng yêu thương, nhân hậu trong trái tim mỗi bạn nhỏ, giúp con học được cách cảm thông và chia sẻ với những người xung quanh mình, bố mẹ có thể tham khảo một vài gợi ý đơn giản và hữu ích dưới đây nhé.
GIỚI THIỆU CHO BÉ BIẾT VỀ Ý TƯỞNG LÀM TỪ THIỆN:
Các bố mẹ ở Mỹ cho rằng từ 3 – 4 tuổi, bé đã bắt đầu có sự đồng cảm và phát triển cảm xúc của mình, nên đây là độ tuổi phù hợp để các bạn nhỏ có thể hiểu được ý tưởng về việc làm từ thiện.
Nhiều bố mẹ cho rằng, tầm quan trọng và niềm vui của việc làm từ thiện phải được nói vào những dịp đặc biệt. Thế nhưng, thực tế là chúng ta chỉ cần lựa chọn những thời điểm thích hợp để nói với trẻ về vấn đề này.
Chẳng hạn khi gặp một người vô gia cư trên đường, bạn có thể chỉ cho bé và nói với con về thực tế là một số gia đình không có đủ tiền chi trả cho một nơi để sinh sống nên họ phải di chuyển khắp nơi ở ngoài phố. Những chuyến đi thăm các trại trẻ mồ côi cũng là cơ hội tuyệt vời để chúng ta giúp con hiểu rằng không phải ai cũng được bố mẹ chăm sóc yêu thương đầy đủ. Việc dành sự quan tâm với những người kém may mắn hơn là điều cần thiết, là một hành động đẹp và những bạn nhỏ này sẽ yêu quý sự quan tâm của chúng ta ra sao…
Trẻ nhỏ rất nhạy cảm nên khi được bố mẹ giải thích về những hoàn cảnh khó khăn và được tiếp xúc với những người kém may mắn hơn, con sẽ hiểu hơn về cuộc sống của mọi người xung quanh mình. Và quan trọng là các bạn ý sẽ ý thức được những hành động chia sẻ của mình, dù là nhỏ bé thôi, nhưng cũng có thể giúp đỡ hoặc đem đến niềm vui cho người khác, khiến cho mọi thứ quanh mình trở nên tốt đẹp hơn.
DẠY TRẺ CÁCH LÀM TỪ THIỆN TỪ NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẤT:
Một trong những cách tạo dựng lòng nhân ái ở trẻ nhỏ đó là hãy dạy bé biết chia sẻ với mọi người xung quanh. Làm từ thiện không nhất thiết là phải cho đi thật nhiều vật chất, của cải có giá trị lớn lao. Thay vào đó, bố mẹ có thể hướng dẫn, khuyến khích trẻ bắt đầu với những việc nhỏ và đơn giản như cho đi những món đồ chơi, sách truyện hay quần áo cũ của mình. Tuy nhiên, bạn đừng quên nhắc trẻ rằng những đồ cũ mà con không dùng nữa vẫn có thể là những vật hữu ích đối với nhiều người khác. Vì vậy con cần biết giữ gìn, đem cho với một thái độ trân trọng, tuyệt đối không nên cho người khác những đồ đã hỏng, không sử dụng được nhé.
Khi cho trẻ tiền tiêu vặt, bố mẹ cũng có thể nhắc trẻ rằng, số tiền con đang cầm có thể giúp được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, các bạn ý chắc chắn sẽ có ý thức hơn về việc chi tiêu của bản thân mình đấy.
Ở các nước phương Tây, bố mẹ thường dạy trẻ cách quản lí đồng tiền bằng việc chia tiền trong từng lọ, được đánh dấu các mục đích khác nhau như CHI TIÊU – TIẾT KIỆM – CHIA SẺ. Với những khoản tiền được cất trong lọ chia sẻ, trẻ có thể dùng để mua một món đồ để tặng các bạn trong lớp hoặc các bạn nhỏ khó khăn hơn mình. Thay vì cho con một số tiền nhất định để quyên góp cho một tổ chức từ thiện, bố mẹ nên để con tự lên kế hoạch tiết kiệm và sử dụng chính số tiền đó để mua đồ dùng học tập, sách truyện, đồ chơi hay một món đồ phù hợp nào đó cho các bạn nhỏ khó khăn khác. Việc này sẽ thực tế và có ý nghĩa hơn rất nhiều đấy.
CÙNG TRẺ TẠO LẬP THÓI QUEN ĐÓNG GÓP CHO CỘNG ĐỒNG:
Cùng con tham gia các hoạt động tình nguyện, các chương trình từ thiện cũng là cách đơn giản và hữu ích để người lớn chúng ta dạy con về sự chia sẻ.
Trong những hoạt động, chương trình này, bố mẹ nên khuyến khích con tự thực hiện như để con tận tay đặt món đồ chơi của mình vào thùng quyên góp cho các bạn nhỏ, để con tự tặng quà, tặng đồ cho người khác... Khi được tự mình thực hiện những việc này, trẻ sẽ biết quan tâm và chia sẻ với các bạn nhỏ kém may mắn hơn và biết trân trọng những gì mình đang có.
Cùng con tham gia các hoạt động từ thiện không chỉ giúp trẻ học được ý nghĩa thiết thực của việc làm này ngay từ khi còn nhỏ mà còn là khoảng thời gian ý nghĩa giúp cả gia đình xích lại gần nhau hơn.
LÀM GƯƠNG CHO CON BẰNG NHỮNG HÀNH ĐỘNG ĐƠN GIẢN VÀ THIẾT THỰC:
Mọi em bé đều có xu hướng bắt chước các hành vi của bố mẹ. Chính vì vậy, để giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của sự quan tâm, chia sẻ và biết coi trọng các hoạt động thiện nguyện thì bố mẹ nên là những tấm gương đầu tiên cho con bằng những hành động đơn giản và thiết thực. Những ông bố bà mẹ biết chia sẻ chắc chắn sẽ nuôi dạy nên những em bé biết quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ mọi người.
Ví dụ như khi gia đình bạn đang chuẩn bị cho một chuyến phát quà từ thiện, trong lúc đóng gói những phần quà, hãy để bé quan sát cách bạn đang làm và sau đó yêu cầu bé giúp bạn cùng chia đều những món quà đó. Điều này sẽ giúp trẻ thấy được việc bạn đang làm và học hỏi theo.
Và bố mẹ cũng ĐỪNG QUÊN KHEN NGỢI những việc làm từ thiện của con để bé có thêm động lực và muốn tiếp tục thực hiện hành động ý nghĩa này nhé. Những lời động viên và khuyến khích sẽ khiến trẻ cảm nhận được việc làm của mình là đúng. Đồng thời sự ủng hộ và khen ngợi của bố mẹ cũng giúp trẻ cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc khi chia sẻ và giúp đỡ người khác.
Việc dạy trẻ về sự quan tâm, chia sẻ qua các hoạt động từ thiện sẽ giúp hình thành những thói quen tốt trong trẻ, giúp trẻ dễ cảm thông với người khác và với chính bản thân mình hơn. Bố mẹ hãy luôn dành thật nhiều thời gian đồng hành và chỉ dạy con, để con luôn là những em bé hạnh phúc, nhân hậu, biết yêu thương, chia sẻ, quan tâm và giúp đỡ mọi người nhé.
--------------------------
Những bài học tài chính đầu tiên là trẻ nhỏ học hỏi từ việc quan sát bố mẹ kiếm tiền, mua sắm, tiết kiệm và vay mượn. Bố mẹ chính là những người có ảnh hưởng lớn nhất đến cách con kiểm soát tài chính sau này. Những bài học về tiền bạc từ bé sẽ góp phần quan trọng tạo dựng khả năng tài chính tương lai của trẻ và bố mẹ không cần phải là chuyên gia tài chính mới có thể dạy con những bài học thiết thực về tiền bạc. Mầm Nhỏ đã có một album DẠY CON VỀ TIỀN BẠC, bố mẹ có thể tìm xem các bài viết trước nhé:
https://www.facebook.com/