Để phòng tránh tối đa nguy cơ xâm hại tình dục ở các bạn nhỏ, đặc biệt trong lứa tuổi bắt đầu đi học mẫu giáo và chập chững bước vào lớp 1, bố mẹ nên áp dụng các nguyên tắc an toàn nào cho con? Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra, khiến các bố mẹ băn khoăn, đặt câu hỏi.
Mầm Nhỏ xin gửi tới các bạn 30 điều bố mẹ nên lưu ý trong quá trình nuôi dạy con mạnh khoẻ, và biết tự bảo vệ an toàn của bản thân:
1. Bố mẹ nên mua những sách, truyện, tài liệu tham khảo về cơ thể người, giáo dục giới tính, an toàn cho bé để hiểu về khái niệm về các vùng riêng tư, cách bảo vệ cơ thể và hạn chế rủi ro bị xâm hại, các dấu hiệu và hậu quả nếu con bị xâm hại, cách hành xử của bố mẹ nên thế nào Khi bố mẹ thực sự hiểu về vấn đề an toàn thì mới có thể định hướng, hướng dẫn con bảo vệ cơ thể mình. Nhã Nam có 3 cuốn An toàn cho con yêu, Không là không, Bí mật rất cần bật mí rất phù hợp để bố mẹ định hướng và dạy con về an toàn và riêng tư.
Đặc biệt, trong Hộp Háo Hức chúng mình cũng gửi gắm cuốn sách "KHI THẤY KHÓ CHỊU, KIÊN QUYẾT NÓI KHÔNG" gồm những nội dung thiết thực, kèm cốt truyện nhẹ nhàng, giúp bé nhận thức rõ hơn các vùng riêng tư cá nhân, học được cách tự bảo vệ mình trước những người xấu.
2. Không đi vệ sinh nơi có thể dễ dàng nhìn thấy các bộ phận riêng tư của con. Nhiều nơi mình vẫn thấy có thói quen con buồn tè là chạy ngay ra vỉa hè để xì xồ... Thực ra cách đó khiến con không có ý thức được việc đi tiểu tiện đúng nơi cũng là trân quý và giúp bảo vệ bản thân. Bố mẹ nên mang theo một cái bỉm để đề phòng trường hợp con muốn đi vệ sinh gấp mà không tìm được nhà vệ sinh khi ra ngoài.
3. Từ 2,5 -3 tuổi trở lên khi con tự đi vệ sinh được, đưa ra nguyên tắc “KHÔNG NHÌN, NGÓ” khi con đi. Mình vẫn thường để giấy/ khăn lau gần chỗ con đi vệ sinh để nếu đi (nhẹ) xong còn hoàn toàn có thể tự làm được. Nếu cần sự giúp đỡ, con sẽ gọi bố hoặc mẹ. Lúc mới đầu con còn bỡ ngỡ chưa quen và hơi sợ sệt khi trong phòng vệ sinh 1 mình thì mình sẽ đứng bên ngoài cạnh cửa và có thống nhất với con trước:
“Mẹ đứng ngay ngoài cửa, con YÊN TÂM nhé, nếu con cần mẹ GIÚP ĐỠ thì chỉ cần gọi mẹ thôi.” Hoặc có lúc muốn con trong đó “vui vẻ” mình bảo “ nếu con cần mẹ giúp gì, con kêu TÍC TẮC nhé” hihi
Thế là vừa giảm sự căng thẳng cho bạn ấy khi tự đi, vừa giúp bạn thoải mái “tận hưởng” hơn. Đến giờ thì cứ “buồn” là bạn tự giải quyết rồi mà không cần mẹ phải ngó nghiêng.
4. Nếu bố mẹ đi công tác bất khả dĩ để con ngủ nhà ông bà thì con sẽ chỉ được ngủ cùng bà, không ngủ cùng ông hoặc thành viên nam khác ( như chú, cậu...), dù là người thân thuộc. Và thường hôm sau đón con mình hoặc bố bạn ấy sẽ hỏi “tối qua con ngủ như thế nào?...”
5. Tầm 3 tuổi, việc tắm rửa ở các bộ phận cá nhân con có thể tự làm được. Khoản kỳ cọ phía sau hơi hạn chế cho con, mình thấy ở siêu thị Nhật có bán bông kỳ cọ dạng dài rất mềm tắm cho bé, bố mẹ có thể mua để con tự làm dần.
6. Khi tắm xong, dạy con về “CHỖ KÍN ĐÁO” để thay, thay vì theo thói quen để người lớn mặc giùm chỗ chốn đông người lộ thiên ở phòng khách chẳng hạn ( dù là người nhà đi chăng nữa). Ở nhà mình, tắm xong, con sẽ vào phòng và tự thay quần áo. Còn nếu hôm nào sang ông bà, mình thỏa thuận và cùng con “tìm hiểu” trước chỗ nào kín đáo ở trong nhà bà để thay cho tiện, có thể là thay trong phòng tắm hoặc thay ở hốc cầu thang trong góc không ai thấy....
7. Không ai được phép chụp ảnh các bộ phận riêng tư của con, kể cả bố mẹ.
8. Nhắc nhở con gái không bao giờ được ngồi trong lòng ai đó, kể cả chú/bác của mình, trong bất kỳ tình huống nào khi đặc biệt khi con 3-4 tuổi trở lên
9. Không để bất kỳ người lớn nào gọi con là “vợ” hoặc “chồng”. Trẻ con thường thích chơi đóng trò giả, nhưng với cách gọi như này giữa người lớn - trẻ con thì lại tiềm ẩn những rủi ro.
10.Khi tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, hoặc tập thể thao tránh trang phục có thể “tung bay” theo các động tác khiến vô tình để hở. Tốt nhất là nên để con mặc quần và áo phông, hoặc mặc váy có quần đùi lót bên trong.
11. Khi thay đồ bố mẹ cũng cần có nguyên tắc tối thiểu không thay trước mặt con.
12. Dạy con nói KHÔNG:. Đặt ra các tình huống và chơi trò chơi “giả định” và xem con sẽ phản ứng/ trả lời như nào. Ví dụ như là: giả vờ hôm nay chúng mình đi công viên nhé, các bạn đang xếp hàng vào xem thì bạn nam phía sau giựt giựt váy con thì con sẽ làm như thế nào?, Hôm nay mình đi siêu thị đi, chà mẹ thấy có cái chú đựng gần con và đặt tay lên vai con, mình sẽ làm gì nhỉ?.... Bố mẹ hãy lắng nghe câu trả lời của con rồi phân tích cho con hiểu tình huống đó tiềm ẩn nguy cơ thế nào và dạy con quay lại, nói KHÔNG rõ ràng với bạn nam và chú đó.
13. KHÔNG là KHÔNG. Nhưng đôi khi nói KHÔNG không có....ăn thua. Mình cũng có dạy con, nếu con đã nói KHÔNG mà ai đó vẫn có hành động “phạm quy” thì: Con hét thật to, chạy ra chỗ khác, hoặc...cắn. Hoặc nếu là bạn bè cùng lứa mà con nhắc bạn không nghe và còn tiếp tục thì hãy....đẩy bạn ra. Bạn có thể ngã chút nhưng với sức của con mẹ nghĩ bạn sẽ không sao cả đâu, mà quan trọng là đây là cách con tự vệ để bảo vệ chính mình....
14. Rủ cả gia đình vào cuộc trong việc nuôi dạy và giáo dục cho con. Ở nhà mình, thực may mắn khi liên quan các nội dung nuôi dạy, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh và bảo vệ thân thể con gái đều được chồng tìm hiểu và chủ động dạy con rất nhiều. Rất nhiều nguyên tắc ở trên là anh ấy nói chuyện, tỉ tê và dạy con. Khi mua các cuốn sách cùng chủ đề hay có bài báo hay mình hay gửi link cho ông bà và chồng. Thậm chí trên FB có cả “mini group” gia đình để có gì cần lưu ý trong việc đồng hành cùng con là post vào đó lưu
15. Dạy con KHÔNG HAM QUÀ, ĐÒI ĐỒ CHƠI, MÊ KẸO BÁNH, KHÔNG NHẬN BẤT CỨ THỨ GÌ NGƯỜI LẠ ĐƯA CHO ( Mà không có sự có mặt của bố mẹ hoặc người thân ở đó). Hix cái này nghe có vẻ buồn cười nhưng mà sự thực là trẻ con dễ bị dụ bởi 1 cái gì đó nó thích, nào thì là búp bê, hay nhiều khi là cái kẹo mút xanh đỏ ;((((. Nên nếu con ít ăn vặt, dạy con không đòi hỏi nhiều, không nhận bất kỳ thứ gì của người lạ....càng tốt sẽ hạn chế việc “Trao đổi” phần nào.
16. Nhận diện các dấu hiệu không an toàn từ sớm. Cơ thể con sẽ phát ra các tín hiệu để con biết khi nào đang trong tình trạng, hoặc cảm xúc “không an toàn” để tránh xa hoặc lại gần người quen, như là: con thấy run, con thấy vã mồ hôi, tim đập nhanh....
17. CHÚ Ý DẤU HIỆU CỦA CON: Những dấu hiệu bất thường về mặt cảm xúc của con như điều 12 thì bố mẹ nên để ý các hành động “lạ”, bất thường nhé: ví dụ con hay đặt tay vào chỗ kín của mình, con chơi các trò “người lớn” với búp bê, gấu bông....để nói chuyện và tìm hiểu với con
18. Gọi đúng tên cảm xúc. Cái này khá là quan trọng vì khi trẻ biết diễn tả cảm xúc bằng tên gọi cụ thể sẽ giúp bố mẹ “phát hiện” ra nhiều điều sau đó. SỢ-LO LẮNG- BUỒN-...Có bộ phim Inside Out khá hay, bố mẹ tìm xem với con để hiểu hơn về cảm xúc nhé
19.Trò chuyện với con mỗi ngày sau khi đi học về, nếu con có sự khác biệt ( ít nói hơn, rụt rè...) hãy cố gắng thấu hiểu để tìm ra nguyên nhân
20. BỐ MẸ PHẢI LÀ NGƯỜI CON CÓ THỂ CHIA SẺ ĐƯỢC. Nhiều trường hợp báo chí đưa tin, bé bị xâm hại....đến vài lần bố mẹ mới biết, những lúc đọc tin đó mình xót vô cùng. Nên khuyến khích con chia sẻ các bí mật với bố mẹ. Để được vậy, bố mẹ phải là người thường xuyên tương tác, trò chuyện, kiên nhẫn và thấu hiểu con. Để con SỢ mình không khó nhưng để con TIN TƯỞNG và CHIA SẺ với mình mới cần tâm huyết nhiều.
21. Gọi đúng tên bộ phận cơ thể. Mông là Mông. Ti là ti chứ ti mà bố mẹ gọi yêu là hạt nho thì nếu lỡ có sự vụ khi trình báo và lấy lời khai thì việc nói không chính xác tên bộ phận cơ thể giúp “hung thủ” có lách hở
22. Đưa ra danh sách các “ĐỤNG CHẠM TỐT - ĐỤNG CHẠM XẤU” và trao đổi với con thường xuyên, ví dụ: Những cái hôn âu yếm của bố mẹ là TỐT. Nhưng nếu HÔN từ 1 người lạ là XẤU....Và cùng con trao đổi xem đụng chạm nào là xấu, đụng chạm nào là tốt bằng các câu hỏi “theo con, có người sờ vào...thì là tốt hay xấu nhỉ?....Việc để con được suy nghĩ, nêu lên ý kiến mình nghĩ khá quan trọng, con sẽ nhớ lâu hơn.
23. KHÔNG POST ẢNH “HỞ” CỦA CON lên mạng xã hội. Nếu con còn nhỏ xíu vài tháng, nếu hở xíu xiu “duyên dáng”, mình nghĩ cũng là khoảnh khắc yêu yêu nhưng nếu con trên 2 tuổi mà ảnh con tắm ở nhà mẹ cũng post lên, ảnh con ngủ hơi “hớ hênh” cũng post lên thì nói thực mình thấy hơi....kỳ kỳ. Có lẽ tùy quan điểm nhưng mà giữ an toàn trên FB cũng là tăng sự an toàn ngoài đời thực.
24. CHÚ Ý ĐỒ LÓT. Có lẽ tùy văn hóa mỗi nơi mà các bé gái nên mặc đồ lót từ 2 hay 3 tuổi trở lên nhưng khi mua đồ lót thường nhiều nơi bán theo set 3-5 cái/ set rất đẹp nhiều hình thù dễ thương, chất cotton thoáng mát. Nhưng có 1 điều quan trọng là các set đó sẽ phù hợp với bé thân hình cân nặng “chuẩn” vì thường có độ ôm vào bắp chân/ bẹn vừa khít mềm mại nên khi con mặc váy, ngồi xuống không bị tênh hênh vì ống rộng quá. Còn bé hơi gầy, người mảnh mà tầm 2-4 tuổi, mình thấy mua dạng quần....đùi cotton ngang là ổn nhất. Kín đáo, ngồi không lo hở mà vẫn đảm bảo thoáng mát.
25. KHÔNG POST ẢNH HỎI HAN về các chỗ kín của con. À mình biết nhiều post tuy là group kín, các mẹ thấy con có gì bất thường về chỗ kín cũng chụp nguyên “bộ sậu” lên hỏi. Nào là “cái chim con em nó bị như này là sao các mẹ?” Hix mình nghĩ lỡ có ai đó save ảnh lại, sau này có gì post lên thì con chắc ngại lắm vì “cái chim” của mình ngày xưa như thế. Nếu có vấn đề gì về cơ thể, liên quan sức khỏe: 1. Đi bác sĩ; 2. Google tra cứu thông tin trên trang uy tín; 3.Mua sách tham khảo, 4. Post hỏi dưới dạng text.;5. Hỏi ý kiến những người có kinh nghiệm trong gia đình.
26. Không CHÊ các nhược điểm cơ thể của con, dù chỉ là câu nói đùa.
27. Hiểu và kiểm soát được nội dung trong các cuốn truyện bạn định mua cho con, có thể đọc qua để chắc chắn rằng không có từ ngữ hoặc hình ảnh nhạy cảm
28. Thường nhiều gia đình buổi tối cả nhà xem phim, có những bộ phim truyền hình có cảnh “nhạy cảm” thì các bạn nhỏ thẩn thân chơi quanh và có thể xem một cách ngẫu nhiên. Cần có giới hạn và lưu ý, hoặc tốt nhất hạn chế tivi và nói không với tivi ở nhà
29. LẶP LẠI VIỆC GIÁO DỤC VÀ “NHẮC CON”. Sẽ có lúc con lỡ quên nên thi thoảng bố mẹ nói chuyện lại với con, nhắc lại con những điều lưu ý trên nhé để “thuộc bài” thật kỹ thật sâu.
30. BỐ MẸ CẬP NHẬP THÔNG TIN THEO TỪNG MỐC PHÁT TRIỂN CỦA CON để có định hướng phù hợp. Ví dụ khi con lớn tuổi teen teen rồi thì lại phải xoay quanh các khía cạnh lớn hơn như là truy cập internet an toàn, chuyện về bao cao su...