Dưới đây là những gợi ý và tiêu chí giúp bố mẹ dễ dàng lựa chọn ngôi trường phù hợp với con và gia đình.
Phần 2: Trò chuyện với giáo viên ở trường
Tuy cơ sở vật chất là điều bố mẹ có thể đánh giá đầu tiên nhưng giá trị nhất của một trường học lại nằm ở con người, là cô giáo, là cô hiệu trưởng, kể cả cô lao công và chú bảo vệ của con ở trường bởi vì ngoài bố mẹ ra, người mà con dành nhiều thời gian và chịu ảnh hưởng nhiều thứ hai là cô giáo ở lớp và các cô chú ở trường học. Bản thân chúng mình cho rằng điều con cần hơn cả tại trường học là tình yêu trẻ và sự tôn trọng. Nhà cửa, sân chơi nhiều người có thể tạo ra nhưng tình yêu trẻ và sự tôn trọng thì không phải ai cũng có được và học được.
Do đó, trong bất kỳ một chuyến viếng thăm trường nào, điều quan trọng nhất là quan sát các giáo viên ở trường đang làm việc và có cơ hội được nói chuyện với họ. Tốt nhất là bố mẹ nói chuyện trực tiếp với cô giáo sau này sẽ dạy con, hoặc cũng có thể là một cô giáo khác. Có thể cô giáo đó sau này chẳng phải là người sẽ trông nom con nhưng mỗi trường đều có một hệ thống tiêu chuẩn chung, bằng cách nói chuyện, bố mẹ sẽ có một cái nhìn rất cụ thể về tư duy giáo dục và hệ thống chất lượng ở đó. Tuy nhiên, cá nhân mỗi cô sẽ có những cách riêng trong tiếp xúc và dạy trẻ mà giáo dục lại phụ thuộc rất lớn vào yếu tố truyền cảm hứng, con người nên bố mẹ hãy nói chuyện với giáo viên của con nhé!
Nếu một trường nào đó không cho phép bố mẹ tiếp xúc với các giáo viên, hãy hỏi ngay lý do tại sao. Nếu là chúng mình, chúng mình sẽ đưa ngay trường này ra khỏi danh sách lựa chọn vì chỉ khi trường học coi trọng sự kết nối giữa cha mẹ và giáo viên, con mới có được không khí học tập thoải mái và phù hợp nhất.
Hãy chú ý đầu tiên đến cách cô giáo nói chuyện với những đứa trẻ. Khi một em bé làm sai hay nghịch ngợm, cô sẽ ngồi xuống đối diện với đứa trẻ và giải thích một cách bình tĩnh hay là ra lệnh “cô đã nói bao nhiêu lần rồi”, “con hư quá”, cô nhìn vào mắt trẻ để nói chuyện hay là kéo đứa trẻ về phía mình để nghe cô mắng, cô có ngồi xuống khi nói chuyện với trẻ không. Việc các cô giáo lớn tiếng hay tức giận với trẻ là chuyện bình thường nhưng hãy chú ý đến tông giọng của cô, thái độ của cô khi lớn tiếng với trẻ, bạn có thể cảm nhận được cô đơn thuần là không hài lòng với trẻ hay thực sự chán ngán, mệt mỏi với trẻ.
Hãy bắt chuyện với cô giáo. Cách cô giáo giao tiếp với bố mẹ cũng có thể nói lên nhiều điều lắm. Bố mẹ có thể cảm nhận được cô có phải là người phù hợp để chăm sóc, dạy dỗ bé không nhờ vào sự đánh giá của mình sau cuộc nói chuyện đó. Một số gợi ý khi bố mẹ nói chuyện với cô giáo bao gồm:
Cô có ăn mặc gọn gàng, lịch sự không, có nhanh nhẹn không? Một ngày của giáo viên mầm non là trăm công nghìn việc với bao nhiêu trẻ với nhiều tính cách, một cô giáo nhanh nhẹn sẽ kiểm soát công việc tốt hơn, ít stress hơn. Mà một cô giáo ít/ không stress mới có thể cho con một không gian vui vẻ để học tập được.
Bố mẹ hãy để ý xem cô có nói ngọng không, có nói đầy đủ chủ ngữ vị ngữ, có nói cảm ơn, xin lỗi không? Con bố mẹ đang trong giai đoạn học nói, cô nói thế nào thì ngôn ngữ của con cũng sẽ theo hướng như vậy.
Nếu cô hỏi thăm về con bố mẹ, cô hỏi về hình thức, cân nặng của con, hay cô quan tâm đến tính cách, sở thích và cách bố mẹ giáo dục con trong gia đình?
Để có cơ hội hiểu hơn về các cô giáo ở trường, bố mẹ hãy hỏi cô những vấn đề mà bố mẹ quan tâm, ví dụ như là:
- Quan điểm của cô về giáo dục như thế nào?
- Cách cô giúp trẻ hòa nhập nhanh nhất với lớp là gì?
- Với nhiều trẻ trong lớp như vậy, cách cô rèn sự tự lập trong ăn uống cho các con như thế nào?
- Nếu trong giờ học, các bé không tập trung, cô sẽ làm gì?
- Nếu đến giờ ngủ con không muốn đi ngủ mà vẫn muốn chơi thêm, cô sẽ xử lý thế nào?
- Nếu con chót làm đổ vỡ thứ gì, cô sẽ làm gì vào thời điểm đó?
- Nếu 2 đứa trẻ tranh giành nhau đồ chơi hoặc đánh nhau trong lớp, cô sẽ xử lý thế nào?
- Nếu phát hiện thấy 1 đứa trẻ 3 tuổi chửi bậy, cô sẽ làm gì?
- Nếu bố mẹ về nhà, phát hiện thấy trên người con có vết đánh, cắn, bố mẹ phải làm gì và cô sẽ xử lý thế nào?
- Cô duy trì trật tự trong lớp bằng cách nào, một vài cách mà cô thấy hiệu quả?
- Cô có động viên các bé sáng tạo không? Cô làm như thế nào?
Một cách hiệu quả nữa, đó là hãy thảo luận về chính những đứa trẻ trong lớp cô đang dạy: theo cô điểm mạnh, điểm yếu của một số bạn là gì, cách cô tiếp cận và hướng dẫn các bạn ấy như thế nào, làm cách nào để cô đánh giá sự tiến bộ của các bạn ấy, cách cô phối hợp với cha mẹ để hỗ trợ các bạn ấy tự tin học tập là gì
Ngoài các câu trả lời, thì cuộc nói chuyện này còn giúp bố mẹ hiểu được cô giáo có chuyên môn sư phạm không, giải quyết vấn đề dựa trên suy nghĩ, cảm xúc, sự phát triển của con trẻ hay là mong muốn kiểm soát của cô. Bố mẹ cũng sẽ biết thêm về sự yêu nghề và sự phù hợp của cô giáo. Nếu việc trả lời các câu hỏi của bố mẹ làm cô bực mình và mất kiên nhẫn thì cô giáo đó khó có thể xử lý những khủng hoảng tâm lý, sự nghịch ngợm của hàng chục đứa trẻ đang tuổi lên 2, lên 3 một cách khoa học và bình tĩnh.
Series chọn trường cho con bao gồm 3 phần, bố mẹ có thể đọc thêm Phần 1 về Thăm quan cơ sở vật chất bố mẹ đọc tại đây:
https://www.facebook.com/mamnho.vn/posts/725514204311173