Tình yêu và thói quen đọc sách của một đứa trẻ cần được nuôi dưỡng và hình thành ngay từ những năm tháng đầu đời, tuy nhiên, để mỗi cuốn sách thực sự trở thành một món quà tinh thần cho trẻ thì việc chọn sách cho con như thế nào rất quan trọng. Dưới đây là những bí kíp cơ bản nhất giúp bố mẹ chọn được những cuốn sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con và lời khuyên khiến con say mê đọc đi đọc lại với đầy ắp sự hứng thú và niềm vui.
Giai đoạn 0 - 3 tuổi
Trước khi trẻ học nói và bắt đầu nói, chúng thu thập và tích lũy vốn từ từ việc được bố mẹ đọc cho nghe. Đọc truyện, hát ru, đọc thơ, trò chuyện với bé sơ sinh hàng ngày giúp xây dựng một nền tảng phong phú và vững chắc cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ trong những năm tiếp theo.
Những hình minh họa trong sách giúp bé sơ sinh nhận biết các đồ vật đơn giản trong thế giới của trẻ. Sự gắn bó thân mật và những cử chỉ ấm áp bố mẹ dành cho trẻ khi cùng đọc sách chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của trẻ và chính bố mẹ.
Đây là lứa tuổi trẻ bắt đầu tập gọi tên các nhân vật, màu sắc, hình khối trong sách và có thể thuộc một cuốn truyện đơn giản mà trẻ yêu thích. Đặc điểm chung của những cuốn sách sẽ lôi cuốn trẻ trong giai đoạn này là:
- Những cuốn sách có lượng từ vựng ít, có những câu lặp đi lặp lại để trẻ đọc, ghi nhớ và tạo sự hào hứng khi trẻ có khả năng đoán được những cấu trúc lặp lại.
- Những cuốn sách có hình minh họa đơn giản, rõ ràng về những điều cơ bản, gần gũi nhất với cuộc sống của trẻ như màu sắc, hình khối, đồ dùng trong gia đình…
- Những cuốn sách có kích cỡ vừa vặn với bàn tay bé xíu của trẻ.
- Những cuốn sách có vần điệu, thơ vè hay bài hát.
- Những cuốn sách cứng cáp, luôn sẵn sàng để trẻ có thể cắn, nhai, xé…
- Những cuốn sách bằng nhiều chất liệu, định dạng khác nhau: sách vải, sách bìa, sách phao, sách có dây cầm…
Giai đoạn 3– 5 tuổi
Đây là giai đoạn trẻ hoàn toàn sẵn sàng cho các câu chuyện. Chúng có thể theo dõi một cốt truyện có diễn biến đơn giản với nhân vật, xung đột, cao trào, giải pháp. Các kỹ năng ngôn ngữ của trẻ phát triển rất nhanh trong giai đoạn này và trẻ càng ngày càng tự tin hơn về thế giới xung quanh chúng.
Theo một khảo sát của ĐH Bryn Mawr (Mỹ), trẻ 2 tuổi có thể nói ít nhất được 25 từ thông dụng được lặp đi lặp lại nhiều nhất, và sẽ tăng lên con số hơn 200 từ khi bé được 3 tuổi. Đây chính là thời điểm mà trí tưởng tượng và sự tò mò của trẻ trỗi dậy và bùng nổ, vì thế, đây cũng là thời điểm hoàn hảo để đọc sách tranh cho trẻ và đọc to các câu chuyện cho trẻ nghe hàng ngày.
Khi chọn sách cho trẻ ở giai đoạn này, bố mẹ nên chú ý đến những câu từ phức tạp hơn với nhịp điệu hay và có tính lặp lại. Tranh minh họa đóng vai trò trung tâm trong một cuốn sách tranh, trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong quá trình kể chuyện. Đặc điểm chung của những cuốn sách sẽ lôi cuốn trẻ trong giai đoạn này là:
- Những cuốn sách có chủ đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày quen thuộc với trẻ như chơi với bạn bè, đi ngủ, đi thăm người thân...
- Những cuốn sách khuyến khích trẻ chơi với các từ và cụm từ.
- Những cuốn sách có nhiều nhân vật với nét tính cách riêng biệt hoặc những cuốn sách có nhân vật và câu chuyện rõ ràng, cụ thể.
- Những cuốn sách với câu từ đơn giản, lặp đi lặp lại để khuyến khích trẻ tham gia vào quá trình đọc to.
Giai đoạn 6 - 10 tuổi
Đây là thời điểm trẻ đã có thể bắt đầu tự đọc, tự chọn một cuốn sách yêu thích hay thậm chí sáng tạo ra các kết truyện mà mình muốn. Nếu thói quen đọc sách của trẻ đã được bố mẹ nuôi dưỡng và duy trì từ các giai đoạn trước một cách bền bỉ thì đây chính là lúc bố mẹ có thể bắt đầu cảm nhận được thành quả của mình. Để việc đọc sách tiếp tục truyền cảm hứng cho trẻ và trở thành một kĩ năng hỗ trợ trẻ học tập tốt hơn, đây là những lưu ý giúp bố mẹ chọn đúng sách cho trẻ:
- Những cuốn sách tranh không lời để trẻ tự do tưởng tượng, tự do kể câu chuyện theo khả năng sáng tạo của mình.
- Những bộ sách chia thành các tập nhỏ theo series, mỗi tập là một chuyện riêng, để trẻ ghi nhớ tốt hơn các sự kiện và tình huống.
- Những cuốn sách có kết thúc mở để trẻ tự do sáng tác kết thúc riêng theo ý kiến, quan điểm của mình.
10 LỜI KHUYÊN GIÚP TRẺ SAY MÊ ĐỌC SÁCH
Bên cạnh việc chọn lựa những cuốn sách phù hợp với từng độ tuổi của con, chúng mình sẽ chỉ ra một vài bí kíp giúp trẻ say mê hơn với việc đọc sách hàng ngày.
1. Biến sách thành một phần của cuộc sống gia đình: luôn có sách ở nhà, như thế bạn và con bạn đã sẵn sàng để đọc, ngay cả khi chỉ trong mười phút.
2. Thường xuyên đi thư viện hoặc đến cửa hàng sách: Con sẽ có thể có được hàng trăm cuốn sách tuyệt vời khi được đến những nơi như vậy. Hãy để con chọn những gì con muốn đọc để giúp con phát triển sở thích của riêng mình.
3. Đọc về bất kỳ điều gì mà con quan tâm: giúp con ìm cuốn sách phù hợp với chúng. Không thành vấn đề nếu nó là tiểu thuyết, thơ, truyện tranh hoặc phi hư cấu. Chỉ cần đó là thứ con thích được đọc.
4. Đọc gì cũng được miễn là cùng nhau: Không loại trừ phi hư cấu, truyện tranh, tiểu thuyết đồ họa, tạp chí hoặc tờ rơi hoặc thậm chí là tờ hướng dẫn sử dụng trong hộp thuốc mà con vô tình nhặt được. Đọc là đọc và tất cả đều đáng giá.
5. Hãy đọc một cách thoải mái: Ngồi cùng nhau ở một nơi thoải mái và dễ chịu, cho dù đó là trên giường, trên gối xốp hoặc trên ghế sofa. Và chắc chắn rằng con bạn cũng có một nơi nào đó thoải mái để tự đọc.
6. Đặt câu hỏi và trả lời mọi thắc mắc của con về cuốn sách: Để khiến chúng hứng thú với câu chuyện, hãy đặt câu hỏi cho con bạn khi bạn đọc. Bắt đầu với 'Lần trước chúng ta đã đi đâu?', 'Bạn có thể nhớ những gì đã xảy ra cho đến nay không?' và 'Bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?'
7. Đọc bất cứ khi nào bạn có cơ hội: Có một cuốn sách hoặc tạp chí trong túi bạn để đọc bất cứ lúc nào con bạn phải chờ đợi, như tại nơi đợi nha sĩ, xe bus hoặc đợi món ăn.
8. Đọc lại những cuốn sách con yêu thích nhiều lần: Khuyến khích con bạn đọc lại những cuốn sách và bài thơ chúng yêu thích. Đọc lại giúp xây dựng sự trôi chảy và tự tin.
9. Tận dụng tối đa vần điệu và sự lặp lại: Sách và thơ có vần và các từ hoặc cụm từ lặp đi lặp lại rất tốt để khiến con bạn tham gia và ghi nhớ các từ.
10. Điều cuối cùng mà chúng mình muốn nói đó bạn không thể trao cho con lòng yêu sách, khi bạn chẳng bao giờ đọc thứ gì ngoài lướt FB. Vì thế hãy luôn là một tấm gương về lòng say mê và sự hiếu kỳ không chỉ trong việc đọc sách mà còn trong mọi vấn đề của cuộc sống nữa nhé.
Trên đây là những chia sẻ của Mầm Nhỏ, mong là sẽ giúp bố mẹ trả lời được câu hỏi “Làm thế nào để nuôi dưỡng tình yêu đọc sách với con”, chúng mình luôn tin là trên mọi hành trình đi đến thành công đều cần sự nỗ lực, bền bỉ và kiên nhẫn nữa đó, nhất là hành trình cùng con lớn lên.
Nguồn tham khảo: Reading Bright Start; Crabit Kid Book Publishing