Loading Loading

BÍ KÍP PHÒNG NGỪA RỦI RO VỀ SỨC KHỎE CHO TRẺ KHI ĐI DU LỊCH

BÍ KÍP PHÒNG NGỪA RỦI RO VỀ SỨC KHỎE CHO TRẺ KHI ĐI DU LỊCH

Khi được đặt lên bàn cân, sức khỏe của bé hẳn sẽ là một trong những ứng cử viên nặng ký “đe dọa” ý tưởng du lịch gia đình tan thành mây khói.  Vì vậy, để bé khỏe, cả nhà đều vui, việc bố mẹ chủ động tìm kiếm thông tin và phòng ngừa cho con những vấn đề về sức khỏe có thể xảy ra trước và trong chuyến đi thực sự rất cần thiết đấy ạ. 

Hôm nay, Mầm Nhỏ xin gửi đến bố mẹ tham khảo cách phòng ngừa một số rủi ro về sức khỏe thường gặp ở trẻ mà Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo nhé!

Xin nhắc lại là bài viết chỉ có tính chất tham khảo nhé bố mẹ! Trước một chuyến du lịch dài ngày hay ra nước ngoài, các bố mẹ tốt nhất nên đưa con đến trung tâm y tế sớm ít nhất 4-6 tuần để được tư vấn vắc xin, hay kê thuốc men cần thiết cho cơ thể bé và phù hợp với địa điểm đến.

+ BỆNH TIÊU CHẢY

PHÒNG NGỪA
Đối với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là cách tốt nhất để ngăn chặn tiêu chảy. Trẻ nào uống sữa công thức, bố mẹ nên cân nhắc đem sữa từ nhà đi. Với trẻ lớn, bố mẹ có thể theo các biện pháp phòng ngừa cơ bản như:

- Chỉ ăn đồ được nấu chín và còn ấm nóng.
- Ăn trái cây tươi và rau quả rõ nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh.
- Chỉ uống nước từ bình kín và nước đun sôi hoặc đã được khử trùng; bố mẹ cũng chỉ nên dùng nước này để pha sữa cho con.
- Bình sữa, núm vú giả, đồ chơi... khi rơi xuống đất hoặc chuyền tay người khác cần được rửa lại bằng nước sạch
- Bố mẹ cần rửa tay thật cẩn thận sau khi thay bỉm cho trẻ, nhất là bỉm của trẻ bị tiêu chảy để ngừa lây lan cả cho gia đình. Nếu không kịp rửa tay thì có thể dùng nước khử trùng có chứa >= 60% cồn và rửa tay lại bằng xà phòng càng sớm càng tốt vì cồn không có hiệu quả khi chống lại những mầm bệnh nhất định, cũng không rửa trôi được phân và các chất hữu cơ bám dính lên tay.

Đối với các chuyến đi ngắn, bố mẹ có thể chuẩn bị các món ăn nhẹ an toàn từ nhà mang đi phòng khi trẻ đói mà thức ăn tại chỗ lại không hợp vệ sinh.

ĐIỀU TRỊ
Tiêu chảy ở mức độ nhẹ thường không cần dùng đến thuốc. Mối đe dọa lớn nhất của tiêu chảy đối với trẻ là tình trạng mất nước. Bố mẹ có thể điều chỉnh chế độ ăn uống để bù lại lượng nước trẻ mất đi và bổ sung thêm dinh dưỡng tăng sức đề kháng.

- Trẻ bú mẹ, uống sữa công thức hay trẻ lớn ăn thức ăn cứng hơn nên được tiếp tục duy trì các bữa thường ăn.
- Thực phẩm được khuyến cáo bao gồm tinh bột, ngũ cốc, sữa chua tiệt trùng, trái cây và rau quả.
- Thực phẩm chứa nhiều đường như nước ngọt, nước táo pha loãng, gelatin và ngũ cốc có đường,...và thực phẩm giàu chất béo cũng không nên dùng.
- Chế độ ăn uống BRAT (chuối, gạo, táo và bánh mì nướng) hay chế độ ăn uống chỉ có chất lỏng và nước trái cây không có cơ sở khoa học và nên tránh.

Nếu con của bạn mất nước nghiêm trọng, hoặc sốt cao, ra phân có máu, trẻ cần được chăm sóc y tế nhanh chóng để tránh biến chứng nguy hiểm.

+ BỆNH DO CÔN TRÙNG CẮN
PHÒNG NGỪA SỐT RÉT

Bệnh do muỗi truyền nhiễm như Zika, chikungunya, sốt rét, sốt xuất huyết và sốt vàng da, phổ biến ở khắp châu Á, châu Phi, Nam Mỹ và châu ÂU. Trong đó sốt rét là một trong những bệnh nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng. Trẻ nhiễm bệnh có nguy cơ cao bị biến chứng nặng bao gồm sốc, co giật, hôn mê và tử vong.

Bệnh sốt rét được lây truyền từ muỗi sang người qua đường máu, khi người bị muỗi cái Anopheles nhiễm ký sinh trùng sốt rét đốt. Ngoài ra, muỗi cái Anopheles không nhiễm bệnh, khi hút máu người mang mầm bệnh sốt rét sẽ lây truyền sang người khác khi đốt. Một người mẹ bị nhiễm bệnh cũng có thể truyền bệnh cho em bé khi sinh, được gọi là bệnh sốt rét bẩm sinh.

Có bốn loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium lây bệnh sốt rét sang người:
- Plasmodium vivax.
- Plasmodium ovale.
- Plasmodium malariae.
- Plasmodium falciparum.
Trong số này, Plasmodium falciparum gây ra dạng BSR (sốt rét ác tính) nghiêm trọng nhất và có nguy cơ tử vong cao.

Đáng sợ là các triệu chứng ban đầu của bệnh sốt rét ở trẻ em giống với bệnh sốt thông thường ở trẻ, do đó có thể dẫn đến chẩn đoán và điều trị chậm trễ. Trẻ đi cùng bố mẹ đến vùng có dịch bệnh hoặc nguy cơ nhiễm dịch cao nên được uống thuốc chống sốt rét như bố mẹ. Bố mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để mua thuốc đúng liều lượng.

ĐIỀU TRỊ: Khi nghi con bị sốt rét, cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để được kịp thời cứu chữa, tránh biến chứng nguy hiểm.

Vì thuốc chống sốt rét chỉ mang tính chất phòng ngừa và các bệnh khác như Zika, chikungunya, sốt rét, sốt xuất huyết và sốt vàng da đều có thể lây qua đường muỗi, côn trùng cắn nên tốt nhất là giữ cho trẻ không bị côn trùng cắn, quan sát kỹ các triệu chứng nếu trẻ sốt và chọn địa điểm đến phù hợp, hạn chế di chuyển đến vùng có dịch.

PHÒNG NGỪA CÔN TRÙNG CẮN
- Trẻ nên mặc quần áo dài tay và bôi thuốc chống côn trùng. Có thể bôi thêm sản phẩm có chứa chất Permethrin lên quần áo hoặc màn của trẻ vì chúng có khả năng bảo vệ lâu. Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý, Permethrin không được dùng để bôi lên da.

- CDC khuyên sử dụng thuốc chống côn trùng trên da có chứa một trong các hoạt chất đã được đăng ký với Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, với tên đầy đủ được ghi trên nhãn sản phẩm như sau:
DEET [N, N-diethyl-m-toluamide], picaridin, dầu bạch đàn chanh (oil of lemon eucalyptus [OLE ]) hoặc PMD [paramenthane-3,8-diol] và IR3535. Trong đó:
+ Sản phẩm chứa dầu bạch đàn chanh (oil of lemon eucalyptus [OLE]) không dùng cho trẻ dưới 3 tuổi
+ DEET là chất chống côn trùng phổ biến. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa kỳ khuyến cáo: DEET không được dùng cho trẻ dưới 2 tháng tuổi và chỉ có DEET với hàm lượng =< 30 % mới nên dùng cho bé trên 2 tháng
+ Bố mẹ lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng vì mỗi loại sẽ có những cảnh báo cụ thể từ nhà sản xuất.

- Bố mẹ cần hiểu đúng rằng, thuốc bôi lên da được là thuốc có thể bôi lên vùng da tiếp xúc với môi trường, chứ không phải là bôi toàn thân, bôi dưới lớp quần áo. Không dùng thuốc lên vùng da có vết thương hở, vết cắt, vùng da bị tổn thương. Trẻ không nên được cầm thuốc chống côn trùng và khi bôi thuốc cho trẻ, bố mẹ nên thoa ra tay mình trước rồi mới bôi lên trẻ, lưu ý:
+ Tránh vùng mắt và miệng trẻ, bôi lượng nhỏ quanh tai
+ Không bôi lên tay trẻ vì trẻ dễ cho tay vào miệng
+ Nếu lớp mỏng chưa đủ cản côn trùng thì chỉ cần bôi thêm chút nữa. Bôi quá nhiều cũng không hiệu quả.
+ Sau khi trở về nhà, rửa lại bằng xà phòng và nước hoặc tắm. Điều này đặc biệt quan trọng khi sử dụng thuốc nhiều lần trong một ngày, nhiều ngày liên tiếp.
+ Sản phẩm có chứa cả chất đuổi côn trùng và kem chống nắng thường không được khuyến khích. Bởi cách dùng là khác nhau, kem chống nắng cần phải được bôi lại thường xuyên hơn và với số lượng lớn hơn thuốc chống côn trùng.

- Trẻ dưới 2 tháng tuổi không nên được bôi thuốc. Thay vào đó, bố mẹ có thể phòng bệnh cho con bằng cách trùm màn chống muỗi lên nôi hoặc ghế ngồi xe. Bố mẹ nên chọn loại màn có mép màn may thêm dây thun để giữ kín, không cho muỗi vào và bôi thêm Permethrin hoặc các loại sử dụng trên da được nêu trên.
- Ban đêm khi trẻ ngủ, bố mẹ ngủ nên chọn phòng ngủ được diệt muỗi hoặc ít nhất cũng ngủ với màn.

BỆNH DẠI
Bệnh dại lây truyền qua vết động vật cắn hoặc trầy xước. Mặc dù hiếm, bệnh dại hầu như luôn luôn gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh dại phổ biến ở trẻ em hơn ở người lớn do trẻ thường hay muốn vuốt ve các con vật lạ.

Khi đi du lịch tốt nhất bố mẹ nên nhắc con giữ khoảng cách với động vật, tuy nhiên vẫn dặn trẻ báo với bố mẹ ngay lập tức nếu bị cắn. Cách sơ cứu tại chỗ là rửa kỹ bằng xà phòng, nước; sau đó phải đưa trẻ đến trung tâm y tế càng sớm càng tốt.

Vì vắc-xin bệnh dại và globulin miễn dịch bệnh dại có thể không có sẵn ở một số điểm đến nhất định, các gia đình nên nghiêm túc xem xét việc mua bảo hiểm vận chuyển y tế cấp cứu.

DI CHUYỂN BẰNG MÁY BAY

Mặc dù đi bằng máy bay an toàn và thuận tiện cho trẻ sơ sinh và trẻ em, bố mẹ cần xem xét một vài vấn đề để chuẩn bị cho việc đi lại.
- Trẻ em bị vấn đề về tim hoặc phổi mãn tính có thể có nguy cơ bị thiếu oxy trong quá trình bay, nên cần được bác sĩ tư vấn trước.
- Đảm bảo trẻ ngồi an toàn trên máy bay, tránh các va chạm.
- Đau tai có thể trở nên khó chịu cho trẻ sơ sinh và trẻ em. Áp lực trong tai giữa có thể được cân bằng bằng cách nuốt hoặc nhai. Có thể là sữa hoặc đồ ăn nhẹ. Thuốc kháng histamin và thuốc thông mũi chưa được chứng minh là mang lại lợi ích.

+ THƯƠNG TÍCH

KHI THAM GIA GIAO THÔNG
Tai nạn xe hơi là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bố mẹ hãy chắc chắn rằng xe có dây đai an toàn và các tính năng an toàn khác. Nếu đi xe gia đình, trẻ có cân nặng dưới 18 kg nên có ghế riêng phù hợp với độ tuổi.

KHI BƠI
Đuối nước là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em đi du lịch. Trẻ em nên được giám sát chặt chẽ và luôn luôn mặc áo phao khi xuống nước. Trẻ em nên hạn chế bơi nước chưa được khử trùng như hồ hoặc ao, bởi vì một số bệnh nhiễm trùng (như bệnh sán máng và trùng xoắn móc câu) có thể lây lan qua tiếp xúc với nước ngọt.

+ CHÁY NẮNG
PHÒNG NGỪA

- Kem chống nắng thường được khuyến khích sử dụng ở trẻ em lớn hơn 6 tháng. Kem chống nắng vật lý (như loại silicon hoặc oxit kẽm) hoặc hóa học (loại có [SPF] ≥15 và cung cấp bảo vệ từ cả hai tia UVA và UVB), nên được áp dụng theo chỉ dẫn, và bôi lại sau khi đổ mồ hôi và tiếp xúc với nước.
- Trẻ ở độ tuổi <6 tháng cần được bảo vệ nhiều hơn vì da bé lúc này còn mỏng và nhạy cảm. Trẻ nên được giữ trong bóng râm và mặc quần áo che toàn bộ cơ thể. Một lượng nhỏ kem chống nắng có thể bôi ở những vùng llộ ra ngoài, bao gồm cả mặt và tay của trẻ sơ sinh.
- Ngoài ra bố mẹ có thể sử dụng thêm bộ đồ bơi chống nắng cho trẻ, mũ nón và kính mát.

Nắng hè đang rực rỡ lắm rồi, Mầm Nhỏ chúc bố mẹ và các bé thật khỏe mạnh để có những chuyến du lịch vui vẻ, bổ ích nhé!

Bài viết liên quan

KHI TRẺ ĐÁNH NGƯỜI KHÁC, CÓ HÀNH ĐỘNG BẠO LỰC, BỐ MẸ NÊN XỬ LÝ THẾ NÀO?

KHI TRẺ ĐÁNH NGƯỜI KHÁC, CÓ HÀNH ĐỘNG BẠO LỰC, BỐ MẸ NÊN XỬ LÝ THẾ NÀO?

Mẹ và bé

Không gì khiến bố mẹ trở nên mất bình tĩnh và có hành động bạo lực là trông thấy con mình
Xem chi tiết
BÍ KÍP GIỮ BÉ KHỎE MẠNH TRONG MÙA HÈ

BÍ KÍP GIỮ BÉ KHỎE MẠNH TRONG MÙA HÈ

Mẹ và bé

Thường thì các bố mẹ hay lo lắng về sức khỏe cho bé vào mùa đông hơn là mùa hè. Tuy nhiên, tr
Xem chi tiết
CHĂM SÓC TRẺ KHI BỊ SỐT NHƯ THẾ NÀO?

CHĂM SÓC TRẺ KHI BỊ SỐT NHƯ THẾ NÀO?

Mẹ và bé

Hầu hết các cơn sốt ở trẻ sẽ hết sau khoảng 48-72h, không cần dùng kháng sinh và có thể chăm
Xem chi tiết
0946 626 646