Nỗi băn khoăn lớn nhất của bố mẹ khi con đi học là dễ bị ốm, ốm thường xuyên, kéo dài… Theo nghiên cứu và thống kê trẻ đi nhà trẻ trước 2.5 tuổi bị bệnh hô hấp và viêm tai nhiều hơn các em bé được chăm sóc ở nhà. Bởi vì vào bất kỳ thời điểm nào luôn có hơn 200 loại virus gây bệnh đang hoạt động trong không khí xung quanh con nhưng ở nhà trẻ, khi chơi đùa cùng các bạn, tay con thường chạm vào nhiều đồ vật như mặt bàn, mặt ghế, đồ chơi rồi lại sờ lên mũi, mắt, miệng, từ đó dễ bị ốm hơn. Tuy nhiên, điều may mắn là dù ở mầm non các bé này hay ốm hơn nhưng khi vào tiểu học lại ít ốm hơn. Quan trọng là mỗi đứa trẻ thường trung bình sẽ ốm 8-12 lần/ năm (trong khi trung bình người lớn chỉ ốm 2-3 lần/năm) và trẻ vẫn cần đi học vì nhiều lí do khác nhau. Vì thế, để bé hạn chế ốm hơn khi đi học, bố mẹ có thể làm những việc sau:
Tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch cho con, đảm bảo con được tiêm đầy đủ các mũi vaccine trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Với những mũi tiêm chủng dịch vụ, tùy vào hoàn cảnh và quan điểm của bố mẹ nhưng cũng nên cho bé tiêm đủ, nhất là vaccine cúm vào mỗi thời điểm tháng 9, tháng 10 hàng năm. Nếu có thể bố mẹ và nhà trường cũng nên thống nhất yêu cầu các phụ huynh khác tiêm chủng đầy đủ các mũi cơ bản cho con giống như một số nước phát triển trẻ phải đảm bảo tiêm đủ các mũi bắt buộc mới được đến trường để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, lây bệnh cho các bé khác.
Rửa tay cho bé với xà phòng trước khi đi học và sau khi đi học về. Bố mẹ và cả nhà cùng áp dụng rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay bỉm và vệ sinh cho bé, sau khi đi từ bên ngoài về nhà. Yêu cầu nhà trường thực hiện việc rửa tay cho các bé trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh và thi thoảng kiểm tra việc nhà trường và các cô giáo có chú trọng vấn đề này không. Những trường có các bệ rửa tay dài bên ngoài nhà vệ sinh sẽ giúp các bé dễ dàng rửa và giảm thời gian rửa tay nên sẽ dễ đảm bảo rửa tay được thường xuyên hơn là chỉ có 1 bồn rửa tay trong nhà vệ sinh. Bố mẹ cũng chú ý và yêu cầu giáo viên của con rửa tay với xà phòng trước khi cho trẻ ăn, sau khi vệ sinh cho trẻ hay dọn dẹp phòng học, thói quen này của cô cũng giúp làm giảm nguy cơ bị ốm cho trẻ rất nhiều.
Hướng dẫn bé không dụi mắt, dụi mũi bằng tay mà sử dụng khăn giấy. Bất cứ lúc nào, tay người không rửa tay cũng có hàng nghìn vi trùng. Khi bé chạm mắt và mũi, bé đã mang những vi trùng này có con đường dễ dàng để nhanh chóng xâm nhập vào cơ thể.
Dạy bé thói quen dùng khủy tay che miệng khi hắt xì hơi và ho hoặc dùng khăn giấy.
Trẻ em cần được vận động ít nhất là 30 phút mỗi ngày với các hoạt động thể chất. Vận động không chỉ giúp trẻ thoải mái, vui vẻ, phát triển mà còn giúp trẻ ăn ngủ tốt hơn, tăng cường sức đề kháng. Vì thế, nếu ở trường các hoạt động vận động, thể chất, vui chơi không được chú trọng thì bố mẹ phải bù đắp khoảng trống này bằng cách cho bé vận động đi bộ, đi xe thăng bằng... vào buổi chiều sau khi đón bé ở trường về.
Chọn những lớp có cửa sổ và phòng thông thoáng, đề nghị nhà trường ưu tiên giảm sử dụng điều hòa và đóng kín cửa trong những ngày thời tiết phù hợp, thường xuyên vệ sinh phòng học hàng ngày và toàn trường hàng tuần để đảm bảo luôn sạch sẽ, khô thoáng.
Quan điểm của nhà trường và bố mẹ thống nhất tăng cường thời gian vận động, hoạt động ngoài trời của trẻ nếu như thời tiết không quá nóng, quá lạnh. Việc ra ngoài trời thường xuyên, hít thở không khí và thích ứng với nhiệt độ ngoài trời là cách rất tốt để tăng cường sức khỏe cho trẻ. Chúng ta vẫn thường ngưỡng mộ trẻ em mầm non Nhật chơi ngoài trời dù thời tiết lạnh hay trẻ em ở các trường mầm non trong rừng ở Bắc Âu dành hầu như cả ngày để ăn, ngủ, chơi ngoài trời nhưng vẫn thường không dám cho con ở ngoài trời nhiều vì sợ ốm mà quên rằng đó là sự rèn luyện để nâng cao sức đề kháng cho con.
Đảm bảo con ngủ đủ. Trẻ từ 1-3 tuổi cần ngủ khoảng 13-14 tiếng/ ngày, trẻ từ 3-6 tuổi cần khoảng 11-12 tiếng/ ngày. Ngoài thời gian ngủ ở trường thường là 2-2.5 tiếng, bố mẹ cần đảm bảo ở nhà con ngủ khoảng 11 tiếng với trẻ 1-3 tuổi, 9 tiếng với trẻ 3-6 tuổi. Như vậy, nếu con thức dậy buổi sáng vào tầm 7h, buổi tối trẻ 1-3 tuổi nên đi ngủ từ khoảng 8-9 giờ tối, trẻ 3-6 tuổi nên đi ngủ từ khoảng 9-10 giờ tối để đảm bảo số giờ ngủ của mình. Nhiều em bé thường thức quá muộn vào buổi tối, điều này hoàn toàn có thể điều chỉnh được, quan trọng là bố mẹ sắp xếp được.
Yêu cầu nhà trường và các phụ huynh khác đảm bảo chăm sóc trẻ ở nhà, không để trẻ đi học nếu trẻ bị ốm, sốt, viêm, tiêu chảy, mắc các bệnh dễ lây. Việc chăm sóc ở nhà giúp bé nhanh khỏi hơn và cũng hạn chế lây bệnh cho các bé khác trong lớp.
Yêu cầu nhà trường đảm bảo không chung thìa, chung khăn mặt giữa các bé trong lớp, mỗi bé 1 khăn và 1 suất, thìa ăn riêng. Nếu các cô giáo lau mặt cho các bé bằng cùng 1 khăn hoặc ăn chung thìa thì bố mẹ nên cân nhắc vì điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh cao giữa các trẻ với nhau.
Khuyến khích bé chủ động và độc lập trong việc ăn uống, yêu thích việc ăn và ăn đa dạng thức ăn, chú trọng rau xanh. Khi ăn ngon và ăn vui thì cơ thể sẽ hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Tìm hiểu thông tin và bình tĩnh khi con ốm. Mỗi trận ốm là một cơ hội tập dượt để nâng cao sức đề kháng và sức khỏe cho trẻ, trung bình trẻ sẽ ốm 8-12 trận/ năm. Việc bố mẹ chăm sóc con đúng cách khi con bị ốm, giảm sử dụng thuốc không cần thiết, cho cơ thể con cơ hội chiến đấu và tăng cường sức đề kháng cũng là cách để giúp trẻ ít ốm hơn khi đi học.
Và cuối cùng, vào những ngày cuối tuần, bố mẹ nên tăng cường cho con ra ngoài trời chơi đùa, chạy nhảy, vận động như ở các công viên, khu vui chơi ngoài trời thay vì ngồi trong nhà, chơi trong nhà cũng là cách giúp bé tăng cường sức đề kháng, ít ốm hơn khi đi học đấy. Chúc các em bé ít bị những trận ốm gián đoạn quá trình học nhé!