Bạn có muốn sếp bạn chỉ trích những sai lầm, thiếu sót của bạn trước mặt tất cả đồng nghiệp trong công ti, rồi sau đó mọi người nhìn bạn với ánh mắt thương hại, dò xét, khinh thường không?
Hay nhớ lại xem, hồi còn đi học, bạn có cảm thấy thoải mái khi cô giáo chỉ ra toàn bộ lỗi sai trong bài kiểm tra cộng với các khuyết điểm của bạn trước mặt cả lớp và các bạn cười ồ lên không?
CHẮC CHẮN LÀ KHÔNG.
Vậy tại sao bạn lại thích kỉ luật con mình trước sự chứng kiến của những người khác, kể cả người thân trong nhà và cả người lạ? Tại sao bạn thích kể lể những “tội lỗi” của con mình hồn nhiên cho mọi người nghe trước mặt trẻ? Bản chất các sự việc đó không hề khác nhau.
Bạn cảm thấy xấu hổ, tức giận, muốn phá phách, muốn chống đối lại thì trẻ cũng cảm thấy như thế khi bị bạn kỉ luật trước mặt mọi người. Đừng nghĩ là trẻ con thì chưa có “thể diện”, đó là một trong những lí do khiến kỉ luật thất bại, vì nó khiến trẻ cảm thấy tồi tệ hơn. Mà khi bị cảm xúc tiêu cực, chúng sẽ không muốn hành xử tốt và nhớ những nguyện vọng của bạn.
“Kỉ luật tích cực”, “kỉ luật không nước mắt” có vẻ là từ khóa hot được rất nhiều người tìm kiếm, nhưng có lẽ bài học cơ bản nhất về kỉ luật tích cực là HẠN CHẾ KỈ LUẬT CON TRƯỚC MẶT MỌI NGƯỜI thì chưa được nhắc đến nhiều. Tình huống đơn giản nhất có thể là con đang giành đồ chơi với bạn, bố mẹ giải thích là con sai thế nào, rất bình tĩnh nhưng lại là trước mặt bạn của con và rất nhiều người khác khiến trẻ thấy “xấu hổ”. Hay khi bạn đang xử lí một cơn mè nheo của con vô cùng tích cực thì có người quan tâm hỏi bạn là có chuyện gì, và bạn kể lể toàn bộ quá trình mè nheo ăn vạ của con, khiến con rất “mất mặt”.
Vậy thì, chúng ta phải làm gì? Chúng ta không được kỉ luật, dạy dỗ, uốn nắn hành vi sai của con trước mặt người khác, ở nơi công cộng hay sao? Tất nhiên là có. Nhưng tốt hơn hãy yêu cầu trẻ ra một chỗ yên tĩnh, chỉ có bạn và con để bắt đầu nói chuyện, mọi việc sẽ dễ dàng đi theo chiều hướng mà bạn mong muốn hơn. Không có khán giả, bé sẽ tập trung vào lời nói của bạn và vấn đề của mình, không bị phân tán.
Bên cạnh đó, hãy thừa nhận rằng khi bạn kỉ luật con trước mặt người khác, bạn sẽ bị một áp lực vô hình là phải chứng minh cho mọi người thấy mình có thể xử lí được con mình, mình kiểm soát được tình hình. Một số hành động của trẻ nếu chỉ có bạn với trẻ bạn sẽ thấy bình thường và bình tĩnh được, nhưng nếu có khán giả, bạn sẽ cảm thấy xấu hổ và tức giận. Kết quả là nhiều bố mẹ mất bình tĩnh, trút giận lên bé để chứng tỏ uy quyền của mình. Rất nhiều những hình phạt được đưa ra trong những tình huống này là bởi cảm xúc tức giận, xấu hổ với mọi người (vì cảm giác mình không phải bà mẹ, ông bố tốt, biết dạy dỗ con cư xử tốt) chứ không phải vì hành vi sai của bé. Vì thế, những hình phạt này là “không tích cực”, không có tác dụng và để lại hậu quả nặng nề lên tâm lí của trẻ.
Trong trường hợp chúng ta đang ở một địa điểm, một hoàn cảnh mà không thể tìm một góc yên tĩnh hay tránh mặt một chút thì sao? Hãy nhẹ nhàng nói với bé: “Tối nay hai mẹ con mình sẽ nói chuyện về vấn đề này.”. Nếu bạn thường xuyên áp dụng hình thức kỉ luật như thế này với bé, bé sẽ hiểu “cuộc nói chuyện tối nay” nghĩa là gì và hành xử tốt hơn. Đừng lo sợ là như thế thì quá nhẹ nhàng, bé sẽ lên mặt, có hành vi thái quá hơn. Trẻ sẽ cư xử tốt khi cảm thấy chúng được tôn trọng, khi cảm xúc tích cực. Nếu bạn luôn áp dụng kỉ luật tích cực, giữ thể diện cho trẻ, chúng cũng sẽ muốn giữ thể diện cho bạn, và cho chính mình. Còn nếu bạn thường xuyên chỉ trích và kỉ luật bé công khai thì bé sẽ dần cảm thấy không muốn giữ “thể diện” nữa.
Series Kỉ luật tích cực này sẽ tiếp tục trở lại với nhiều bài viết khác nhé!