Mình nhớ mãi một chi tiết trong truyện Khỉ Zo Zo là khi chú khỉ không nghe theo lời dặn của chú mũ vàng, nghịch ngợm tung trời: trèo tường vào chuồng thỏ làm thỏ con chui ra ngoài, nhảy xuống ao bắt cá, nghịch diều của Bill khiến diều bay lên, cuốn chú bay theo lên trời. Lúc chú mũ vàng cưỡi máy bay đến cứu Zo Zo trên bầu trời, chú chỉ nói “Ta định mắng chú mày một trận nhưng chắc chú mày cũng bị vụ vừa rồi làm cho khiếp vía rồi. Về nhà thôi.”
Hay trong truyện Hút chết ở hội chợ, Peter không nghe lời mẹ, cố tình xuống hội chợ chơi làm bản thân bị mắc kẹt, suýt chết. Lúc về, mẹ Thỏ biết chuyện nhưng nhìn vẻ mặt thất thần của chú, bà không mắng gì thêm mà cho ăn uống ngon lành, tắm rửa rồi đi ngủ.
Chúng ta học được gì qua các câu chuyện đó? Đó là, có những chuyện bản thân trẻ đã nếm trải hậu quả tự nhiên của việc đó, tự biết là mình sai lầm, không cần chúng ta phải dạy dỗ, nhắc nhở thêm làm gì. Hãy để hậu quả tự nhiên dạy dỗ trẻ.
HẬU QUẢ TỰ NHIÊN LÀ GÌ?
Hậu quả tự nhiên là hậu quả mà trẻ gánh chịu khi trẻ có những lựa chọn sai lầm mà bố mẹ không cần phải can thiệp vào.
Thông thường, bố mẹ rất sợ các hậu quả tự nhiên nhưng có nhiều tình huống trong nuôi dạy con, hãy để trẻ tự nếm trải hậu quả nếu những lời giải thích, can ngăn của bố mẹ không có hiệu quả. Nếu bé đòi ăn nghịch ớt mà dù bạn can ngăn đến thế nào bé cũng đòi, hãy cho bé nếm thử một chút xíu để mỗi lần nhìn thấy ớt bạn không phải quyết liệt ngăn chặn con, tự bé sẽ tránh xa. Nếu con cứ đòi chơi một trò chơi mà bạn biết bé sẽ ngã, nếu xác định ngã xuống sẽ không chấn thương gì (vì độ cao thấp, bên dưới êm ái) thì cứ để bé tự nếm trải đau đớn một xíu. Nếu bé cứ hấp tấp chạy, thay vì chạy theo can ngăn con, cứ để con ngã vài lần, tự bé sẽ biết điều chỉnh chậm lại. Nếu con cứ đòi nghịch điện, bên cạnh việc điều chỉnh lại hệ thống điện để chống giật, xa tầm với của con, hãy thử cho bé bị giật bởi vợt muỗi tê tê một chút, bé sẽ nhớ hậu quả của việc nghịch điện. Có những việc, không nếm trải hậu quả, bé sẽ không phục và bố mẹ sẽ mệt mỏi thì hãy để bé nếm trải hậu quả.
Việc này hoàn toàn áp dụng đúng nhất với việc ăn uống của trẻ. Nếu bé không ăn, bạn hãy chỉ ra hậu quả là bé sẽ phải nhịn đói đến bữa ăn tiếp theo và tùy bé lựa chọn. Cho dù bé kêu đói, bạn cũng không cho bé ăn vặt gì, yêu cầu bé đợi đến đúng bữa ăn tiếp theo, vài lần bé sẽ biết phải ăn uống tử tế. Rất hiếm bố mẹ có đủ can đảm làm việc này vì chúng ta luôn sợ con đói, con mệt nhưng nhịn đói một hôm sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng gì đến sức khỏe của trẻ cả. Còn bạn sẽ bớt phải chạy theo những bữa ăn của trẻ, có thể thảnh thơi ngồi thưởng thức bữa ăn của mình.
HẬU QUẢ TỰ NHIÊN CÓ HIỆU QUẢ?
Tất nhiên là có.. Vì vậy, hãy phát huy tối đa hậu quả tự nhiên trong việc nuôi dạy con vì những lí do sau:
Hậu quả tự nhiên không khiến trẻ cảm thấy tội lỗi hay bị trừng phạt bởi vì cơ bản là trẻ sẽ chẳng cảm thấy có gì là bất công ở đây cả, hình phạt quá nặng hay quá nhẹ. Tự mình làm, tự mình chịu, trẻ sẽ không thể oán trách ai, chỉ có thể oán trách mình đã hành động sai. Vì thế, trẻ sẽ dần tự biết cách chọn lọc, chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, trong hiện tại và tương lai.
Thứ hai, hậu quả tự nhiên là kỉ luật được tiến hành trong bình tĩnh: bố mẹ sẽ không cần lên tiếng hay giận dữ gì cả, mọi chuyện sẽ tự nhiên diễn ra. Vì thế, mâu thuẫn giữa trẻ và bố mẹ gần như không có. Nếu bố mẹ tinh tế, trẻ còn thấy bố mẹ ở cùng phe với mình.
Thứ ba, hậu quả tự nhiên cho phép trẻ lựa chọn, trẻ sẽ cảm thấy mình tự quyết định vấn đề và có quyền làm chủ tình hình.
NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG ÁP DỤNG ĐƯỢC HẬU QUẢ TỰ NHIÊN
Tuy nhiên, có một số nguyên tắc bố mẹ cần lưu ý khi áp dụng hậu quả tự nhiên để uốn nắn bé. Có những trường hợp bố mẹ phải can thiệp, không được để bé nếm trải hậu quả tự nhiên nếu:
- Việc đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ: Ví dụ bé không chịu mặc áo ấm khi ra ngoài đường thì nếu là một đoạn đường ngắn, thời tiết không quá lạnh, bé sẽ chỉ bị lạnh chứ không bị ốm thì hãy để bé chịu hậu quả tự nhiên. Còn nếu trời rất lạnh, đường xa thì bố mẹ buộc phải thuyết phục/ ép buộc bé mặc áo.
- Việc đó gây ảnh hưởng đến người khác, khiến họ khó chịu, mệt mỏi hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe: ví dụ như nếu bé cứ nghịch ngợm đồ của người khác, đừng để hậu quả là người đó sẽ mắng bé, chính bạn phải can ngăn bé không được làm ảnh hưởng đến người khác trước
- Khi hậu quả tự nhiên có vẻ như không phải là vấn đề với trẻ và sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của trẻ như không tắm, không đánh răng, không làm việc nhà, ăn nhiều đồ ngọt…
Trong những tình huống đó, bố mẹ sẽ phải nghĩ ra một hậu quả hợp lí cho trẻ, bài tiếp theo chúng mình sẽ nói về vấn đề này.
NHỮNG LƯU Ý KHI ÁP DỤNG HẬU QUẢ TỰ NHIÊN
- Trước đi để bé nếm trải hậu quả tự nhiên, bạn hãy phân tích cho bé rõ là hậu quả như thế nào, con có thể chấp nhận được không.
“Ớt này rất cay đấy, con sẽ bị đau miệng, con có chắc là muốn thử không?”
“Nhảy từ đây ngã xuống sẽ rất đau, con đã suy nghĩ kĩ chưa?”
Nếu bé chấp nhận, hãy để bé thử, bạn không cần phải cố can ngăn, giải thích thêm nữa.
- Sau khi bé nếm trải hậu quả, đừng tỏ ra thương hại cũng như đắc thắng “Mẹ đã bảo rồi mà” hay “Lần sau nhớ đấy nhé” hay làm bất cứ việc gì khiến trẻ cảm thấy đau đớn thêm, đổ lỗi cho trẻ. Thay vào đó, hãy tỏ ra cảm thông với những điều mà bố mẹ đã trải qua:
“Mẹ biết là bị đói, lạnh, ướt… rất khó chịu. Nhưng mẹ tin con có thể vượt qua được.”
Hay đơn giản như là câu nói của chú mũ vàng trong truyện Khi Zo zo: “Ta định mắng chú mày một trận nhưng chắc chú mày cũng bị vụ vừa rồi làm cho khiếp vía rồi. Về nhà thôi.”
Như vậy, trẻ có thể thấy bạn với trẻ vẫn ở cùng một phe, bạn ủng hộ trẻ và sẽ giúp trẻ vượt qua.
- Sau khi bé nếm trải hậu quả, hãy giúp trẻ xoa dịu. Việc này sẽ không khiến trẻ nghĩ việc đó là đơn giản, hậu quả chẳng có gì phải sợ vì trẻ đã nếm trải đủ rồi, bố mẹ luôn ở bên hỗ trợ bé. Sau khi bé nếm ớt, cho bé uống nước nóng để đỡ cay hơn. Sau khi bé ngã đau, hãy xoa thổi cho bé. Sau khi bé nhịn đói một hôm, hãy nấu bữa sau những món trẻ yêu thích nhất…
Hi vọng những chia sẻ này của chúng mình sẽ giúp bố mẹ hiểu và có thể áp dụng hậu quả tự nhiên nhiều hơn trong kỉ luật và nuôi dạy con. Các bố mẹ đừng quên theo dõi album này để tiếp tục cập nhật những bài viết mới về Kỉ luật tích cực nhé!
Nguồn tham khảo:
Sách Nuôi con bằng yêu thương - dạy con bằng lý trí, Foster Cline & Jim Fay.
https://www.psychologytoday.com/.../natural-consequences
http://www.parents.com/.../disciplining-with-natural.../
http://blog.positivediscipline.com/.../natural...