Bố mẹ có biết rằng, những năm tháng đầu đời nếu trẻ được lớn lên trong sự tin tưởng của cha mẹ thì sau này trẻ mới biết tin tưởng người khác, yêu bản thân và coi trọng giá trị của việc được ai đó tin tưởng.
Vì thế trong những ứng xử hàng ngày, bố mẹ có thể xây dựng mối quan hệ tin tưởng với con cái bằng một vài nguyên tắc dành riêng cho trẻ.
Những nguyên tắc đấy là gì, cùng khám phá ngay với Mầm Nhỏ qua bài viết này nhé!
1. Đáp ứng nhu cầu cảm xúc của con
Công nhận cảm xúc không có nghĩa là bạn đồng tình với những hành động bé đang thể hiện. Công nhận cảm xúc chỉ đơn giản là thừa nhận bé đang có cảm xúc đó. Ví dụ như: “Có vẻ con rất buồn. Nếu là mẹ, mẹ cũng rất buồn.” hoặc “Nếu bị bạn giằng lấy đồ chơi khi mình đang chơi thì mẹ nghĩ ai cũng sẽ rất tức giận.”.
Việc bố mẹ công nhận cảm xúc của con sẽ giúp các bạn ấy cảm thấy bạn ở cùng phe với trẻ, hiểu trẻ đang cảm nhận thế nào và dễ dàng chấp nhận các ý kiến của bạn hơn. Trong nhiều trường hợp, trẻ chỉ cần được công nhận cảm xúc và mong muốn của mình là đã cảm thấy thỏa mãn và dừng việc ăn vạ, khóc lóc, bố mẹ cũng đỡ đau đầu tìm cách kỉ luật bé sao cho hiệu quả.
2. Giữ lời hứa
Một trong những nguyên tắc để xây dựng mối quan hệ tin tưởng với con cái là phải luôn luôn giữ lời hứa, khó khăn đến mấy cũng cố gắng thực hiện. Nếu những việc bố mẹ không thể thực hiện thì hãy từ chối bé chứ đừng lấp lửng.
3. Tin tưởng con
“Mẹ tin lời hứa của con, mẹ tin con sẽ làm được!” là những câu mà bố mẹ nên nói và làm với con khi con đã hứa với bố mẹ điều gì đấy.
Ngược lại, nếu khi nào con không giữ lời thì bố mẹ có thể nói với con như: “Nếu mẹ không giữ lời hứa, con có buồn không? Vậy con thấy đấy, con không giữ lời hứa mẹ cũng không vui, mẹ cũng không thể giữ lời hứa với con nữa thì sao?”
4. Lắng nghe con
Bố mẹ phải cho con thấy các bạn ấy được quan tâm và lắng nghe bằng cách mỗi khi nói chuyện với con, chúng ta nên ngồi xuống ngang tầm mắt của con để trò chuyện. Hãy cố gắng nhìn vào mắt con, gật gù tán đồng những điều con kể để con thấy rằng bố mẹ rất tôn trọng và quan tâm đến những điều con nói.
5. Khen ngợi, khích lệ con
Bố mẹ hãy khen ngợi những việc cụ thể con làm được và đừng “khiêm tốn” mà khen chung chung nhé. Ví dụ khi con có thể tự vác chiếc xe đạp băng qua bờ tường, thay vì để bố mẹ làm giúp, hãy khích lệ bé như: “Con cố gắng lắm, đã tự bê được sách mà không cần nhờ gì mẹ cả, giỏi ghê!”. Khen ngợi con vừa là cách để động viên, khích lệ các bạn ấy làm việc tốt lại vừa là cách để người lớn tạo dựng mối quan hệ tin tưởng với trẻ đấy
6. Thường xuyên nói “Bố mẹ yêu con”
Chúng mình nghĩ trong “menu tình yêu” hàng ngày của mỗi gia đình không thể thiếu những câu nói như: mẹ yêu con, bố yêu con..
Những lời nói “có cánh” như thế này không chỉ là liều thuốc vitamin tích cực cho bố mẹ sau ngày dài làm việc mệt mỏi và còn giúp các thành viên trong gia đình gắn kết hơn rất nhiều nữa.
7. Nói “Bố/ mẹ xin lỗi con” khi có lỗi
Những đứa trẻ học hỏi thông qua sự quan sát. Các bạn ấy sẽ học bằng cách bắt chước những gì trẻ thấy xung quanh. Làm sao chúng ta có thể hi vọng các bạn ấy không la hét vào mặt người khác nếu trẻ thấy chúng ta la hét vào mặt chúng bất kì khi nào người lớn bực mình?
Những lúc như thế, bố mẹ không cần phải tỏ ra quá hối hận. Điều đầu tiên chúng ta cần làm là ôm con vào lòng và nói: “Mẹ xin lỗi. Mẹ không định làm con hoảng sợ. Mẹ chỉ muốn con nhanh lên vì chúng ta muộn mất rồi. Mẹ không nên hét lên như thế”...
Khi chúng ta xin lỗi trẻ, trẻ sẽ hiểu một điều đơn giản rằng chúng ta không thể luôn luôn làm đúng, việc thi thoảng phạm sai lầm là bình thường. Nhưng chúng ta phải xin lỗi và khắc phục hậu quả, dám nhận trách nhiệm về phía mình.
Nhưng liệu việc chúng ta xin lỗi trẻ có khiến chúng ta mất uy với trẻ, khiến chúng không nghe lời chúng ta không? Câu trả lời là ngược lại. Khi trẻ hiểu bố mẹ cũng có lúc sai lầm, trẻ sẽ cảm thấy bố mẹ gần gũi hơn, tin tưởng với bố mẹ hơn và có thể cảm giác tức giận lúc bị bố mẹ la mắng sẽ không còn.
Hy vọng những thông tin hữu ích trên, Mầm Nhỏ có thể giúp bố mẹ cùng con tạo dựng mối quan hệ tin tưởng và gắn kết với nhau nhiều hơn nữa nha