Chúng ta thường ngạc nhiên trước những em bé tuy chỉ mới có 3 - 4 tuổi đã có thể làm việc nhà cùng bố mẹ, không những thế lại còn rất thích thú mỗi khi bắt đầu những công việc nhỏ nhặt trong gia đình. Việc em bé 3 tuổi hay bất cứ bạn nhỏ nào thích thú vào bếp, hào hứng phụ giúp mẹ việc nhà, vui vẻ thử làm bất cứ việc gì… hoàn toàn không phải là kết quả của việc bạn ấy được dạy dỗ nghiêm khắc và "đào tạo bài bản" như thế nào. Đó là kết quả của việc quan sát và hấp thu những hình ảnh, hoạt động diễn ra hàng ngày trong gia đình của các bạn ấy.
Mầm Nhỏ thấy rằng, trong bất cứ cuốn sách, khóa học, bài giảng, cẩm nang, bí kíp làm cha mẹ chân chính nào thì thông điệp: “Cha mẹ hãy trở thành tấm gương cho con” luôn được nhắc tới và nhấn mạnh như một yếu tố quan trọng bậc nhất, quyết định việc bạn có nuôi dạy con thành công hay không, con có thể tự lập trong chính cuộc sống của mình sau này hay không.
Hôm nay Mầm Nhỏ sẽ chỉ ra 3 “bí quyết” giúp bố mẹ khuyến khích trẻ làm việc nhà để rèn luyện nếp sống cho con ngay từ nhỏ. Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu xem người lớn nên thay đổi bản thân để cùng con lớn lên như thế nào nhé.
HẠN CHẾ TỐI ĐA VIỆC SỬ DỤNG THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ TRƯỚC MẶT CON
Thay vì cấm những đứa trẻ sử dụng điện thoại, thì chính những ông bố bà mẹ hãy là tấm gương cho việc dùng các thiết bị điện tử trước mặt con. Khi ở nhà, hãy tận dụng mọi khoảnh khắc cả nhà bên nhau. Hãy tự đặt ra một quy luật riêng cho bản thân bố mẹ, đấy là những hoạt động tuyệt đối không được để điện thoại xen vào khi chơi với con, khi đang hướng dẫn các bạn ý làm các công việc nhà hàng ngày. Ngay cả khi cả nhà cùng ăn cơm, khi đang di chuyển trên đường (dù là trên bất cứ phương tiện giao thông nào hay đang đi bộ).
Vẫn biết rằng cuộc sống bận rộn khiến nhiều bố mẹ không thể rời xa điện thoại hay máy tính của mình, bạn phải check mail hay skype thường xuyên để giải quyết công việc. Vậy nên bố mẹ hãy sắp xếp “thời gian biểu làm việc” cho hợp lý và khoa học. Và nhớ rằng chỉ sử dụng các thiết bị điện tử vào khung giờ đó. Nói thì như vậy, nhưng thực hiện thì là cả một quá trình đấu tranh và cố gắng. Nhưng chúng mình tin, khi bố mẹ thực sự muốn bên con và dành thời cho con thì mọi chuyện đều có thể “xoay chuyển” được phải không?
GIÚP CON HIỂU RẰNG: “VIỆC NHÀ LÀ ĐỂ SẺ CHIA”
Thay vì phân chia trách nhiệm làm việc nhà cho từng người, mình hãy cùng lên danh sách việc nhà và phân loại nó thành từng nhóm phù hợp với “khả năng” của từng người trong gia đình. Hãy để cho trẻ hiểu rằng, các bạn ý luôn được lắng nghe và có “giá trị” trong chính gia đình của mình. Bố mẹ hãy hướng dẫn và cam kết với nhau rằng mỗi người sẽ làm việc mình có thể làm để cùng chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Ví dụ trong lúc phơi quần áo hãy nhờ em bé 3 tuổi nhà bạn đưa quần áo, còn bạn là người mắc và phơi chúng lên.
Như vậy là bạn đã tự rèn cho bé khả năng nắm bắt việc nhà và cùng sẻ chia rồi đấy. Các bạn ý nhìn thấy bố sẵn sàng, vui vẻ đi chợ, rửa bát, lau nhà, phơi quần áo mỗi khi mẹ bận, hay mẹ hút bụi, cọ toilet những hôm bố bận rộn… thì sẽ học được cách quan sát và để ý, quan tâm hơn đến ngôi nhà và người thân của mình.
ĐỪNG QUÊN DÀNH LỜI KHEN CHO CON
Nói một cách hoa mỹ là vậy, nhưng thực ra nó đơn giản thôi, để gắn kết và thấu hiểu những em bé của mình hơn, bố mẹ hãy luôn cố gắng trò chuyện với con như những người bạn, nói với con những lời ấm áp, nhẹ nhàng và ngọt ngào nhé.
Tại sao chúng ta luôn đặt ra câu hỏi, nhiều đứa trẻ hay nói bậy đến thế và quy chụp đó là những đứa trẻ hư, có bao giờ bạn tự hỏi những em bé đó thường xuyên không được nghe thấy những cuộc giao tiếp ấm áp hàng ngày, giữa bố và mẹ, giữa những người xung quanh bé gặp hàng ngày. Các con cũng ít được nghe những lời chỉ bảo ân cần (thay vào đó là chỉ đạo, quát tháo, mắng nhiếc), ít được ai đó vỗ về, an ủi hay khích lệ, ghi nhận động viên (mà toàn là chê bai, so sánh).
Con cái chính là tấm gương phản chiếu của bố mẹ, mỗi câu mỗi từ bạn nói với con đều quyết định em bé đó sẽ trở thành người như thế nào. Vậy thì tại sao, bố mẹ lại không dùng những lời “có cánh” cho con như thế này:
- May quá vì có con giúp mẹ, nếu không tối nay chúng ta sẽ phải ăn cơm muộn, mà mẹ biết cả nhà mình ai cũng đang rất đói.
- Mẹ không biết phải giải quyết tình huống này thế nào nếu như không có con.
- Sao con lại có thể nghĩ ra cách hay đến thế nhỉ? Cảm ơn con.
- Con thật là giỏi đấy bố rất tự hào về con.
… … …
Thực ra, phần lớn các vấn đề người lớn gặp phải khi nuôi dạy con đều đến từ chính bản thân chúng ta. Chúng ta kì vọng ở các bạn nhỏ những thứ mà chúng ta muốn - nhưng chúng ta không làm được/không muốn làm. Chúng ta thiết lập cho con một cuộc sống mà chúng ta mới chỉ “hình dung” về nó mà chưa hề thực sự sống một khoảnh khắc nào trong nó. Cùng sống trong một gia đình nhưng chúng ta muốn các con làm một đằng, còn chúng ta làm một nẻo. Vậy nên bố mẹ hãy cư xử như cách mà chúng ta muốn con trở thành sau này nhé.
Hi vọng rằng, với những bí quyết trên đây, bố mẹ sẽ khuyến khích các con biết giúp đỡ các công việc của gia đình và cả nhà mình sẽ có những giờ phút cùng nhau làm việc thật nhiều niềm vui