Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu dạy trẻ biết cách cư xử đúng mực. Ngay từ những năm đầu đời, não bộ của trẻ giống như một miếng bọt biển, rất dễ “thấm hút” những gì mình được học, được dạy, do vậy, con có thể nhớ được và cũng học rất nhanh
Khi trẻ cư xử tốt cũng là dấu hiệu cho thấy con được giáo dục tốt Nuôi dạy những em bé biết cách cư xử nó cũng là một phần nhiệm vụ, công việc của những người làm cha mẹ nên mình không thể nóng vội. Và khi ấy, con cũng học được rất nhiều từ chính những người lớn chúng ta, bao gồm cả sự kiên nhẫn.
VÌ SAO CON NÊN ĐƯỢC DẠY CÁCH CƯ XỬ ĐÚNG MỰC?
Trẻ em có cách cư xử tốt thường có lợi thế hơn người khác, cho dù đó là về mặt học tập, công việc, xã hội. Cụ thể:
Thúc đẩy lòng tự trọng
Được khen vì có cách cư xử tốt và nhìn thấy được những tác động tích cực từ hành động đến người khác sẽ giúp trẻ cảm thấy thêm tự tin vào những gì mình làm.
Có những mối quan hệ chất lượng
Con người thường dễ thân quen hơn với những người có đặc điểm giống mình. Vậy nên những bạn nhỏ biết cách cư xử tử tế, tốt bụng với những bạn khác sẽ thu hút được sự quan tâm, chú ý của những bạn giống mình. Do vậy, có cách cư xử tốt thường đi cùng với những mối quan hệ tích cực hơn, lành mạnh hơn.
Có nhiều cơ hội tốt hơn
Những em bé biết cách cư xử thường nổi bật khỏi đám đông và khi ấy, nhiều khả năng con sẽ được trao những cơ hội tốt hơn trong học tập, cuộc sống và sự nghiệp.
Cảm thấy hạnh phúc hơn
Làm một việc tốt hoặc nhìn thấy phản ứng tích cực của ai đó sẽ mang lại cho mình cảm giác vui vẻ, thỏa mãn. Khi ấy, con sẽ có thể lặp lại những hành động ấy để có được cảm giác tích cực như mình muốn và từ ấy hình thành được thói quen.
NHỮNG CÁCH CƯ XỬ TỐT MÀ BỐ MẸ CẦN DẠY CHO TRẺ
Biết nói lời “cảm ơn”, “xin lỗi”
Đây có lẽ là một trong những cách cư xử cơ bản nhất mà bố mẹ cần dạy cho trẻ. Biết cảm ơn khi mình nhận được điều gì đó và biết nói lời xin lỗi khi thấy mình làm sai là những thói quen rất quan trọng trẻ nên được “thấm nhuần” từ sớm. Khi con quen dần với những câu từ nghe có vẻ gượng gạo này thì mọi thứ sẽ dần tự nhiên, chân thành hơn.
Biết hỏi trước khi lấy bất kỳ cái gì
Trẻ nhỏ nên được dạy rằng trước khi muốn lấy bất kỳ vật nào không phải là của mình thì con nên xin phép, ngay cả đó là đồ của bố hay mẹ mình cũng vậy. Con cũng nên được dạy rằng khi mình mượn xong thì mình cần phải trả lại cùng với một lời cảm ơn.
Biết gõ cửa trước khi vào phòng
Trẻ nên được dạy rằng sự riêng tư là đặc biệt quan trọng, khi mình ở nhà cũng vậy. Con nên hiểu được rằng khi gõ cửa phòng và hỏi xem mình có thể vào được không là thể hiện sự tôn trọng với người khác. Khi bạn làm tương tự như vậy trước mặt con thì con sẽ dần học được thói quen tốt ấy.
Biết che miệng khi ho và hắt hơi
Bố mẹ nên dạy con biết che miệng khi ho và hắt hơi. Ngoài ra, mình cũng nên dạy con không nên ngoáy mũi ở nơi công cộng vì hành động ấy được coi là bất lịch sự và gây khó chịu cho người khác vì cảm giác mất vệ sinh.
Biết quan tâm và giúp đỡ người khác thay vì trêu chọc họ
Trẻ cũng nên được những điều này từ rất sớm vì nếu không trẻ có thể sẽ nghĩ rằng trêu chọc người khác làm trò cười là điều bình thường. Thay vào đó, con nên hiểu được rằng làm tổn thương cảm xúc của người khác như chọc họ, bắt nạt họ...là không ổn một chút nào.
Giúp đỡ được người khác sẽ cho bạn cảm giác tích cực về bản thân mình và cũng giúp mình có thêm được sự yêu quý của người khác. Bạn có thể dạy con biết cách quan tâm đến người khác bằng những việc rất nhỏ như mở cửa giúp khi tay họ đang bận hay giúp bố mẹ làm việc nhà.
Biết cách trả lời điện thoại
Con nên học được cách nói chuyện trên điện thoại và cũng nên biết im lặng và lắng nghe khi người khác đang nói. Điều này sẽ giúp con có được ấn tượng tốt đẹp của người khác.
Tôn trọng người lớn tuổi
Những người lớn tuổi thường đi kèm với đó là trải nghiệm, kinh nghiệm sống, giúp cho họ có được sự khôn ngoan, trí tuệ nhất định. Trẻ nên được dạy để thể hiện sự tôn trọng với ông bà, cha mẹ hay bất kỳ người lớn nào khác mà con gặp. Bố mẹ có thể làm mẫu cho con bằng cách lấy cơm cho ông bà trong nhà trước hay nhường chỗ cho người lớn tuổi lớn tuổi hơn mình…
Nhớ được tên người khác
Nhớ và gọi được tên người khác thể hiện rằng bạn có quan tâm đến người đang nói chuyện, giao tiếp với mình. Bạn có thể dạy con nhớ tên của bạn hay tên của các thành viên trong gia đình bằng việc sử dụng chúng thường xuyên trước mắt con.
Học cách giao tiếp bằng mắt với người khác, thay vì chỉ tay hay nhìn chằm chằm người khác
Để dạy cho con biết rằng chỉ tay và nhìn chằm chằm vào người khác là bất lịch sự. Nếu con chỉ 1 ngón tay về phía người khác thì 3 ngón tay còn lại sẽ hướng về phía con. Khi ấy, bố mẹ có thể hỏi con là nếu mình trong hoàn cảnh ấy mình sẽ cảm thấy như thế nào, hành động này cũng tương tự với việc nhìn chằm chằm người khác.
Trong khi ấy, giao tiếp bằng mắt khi nói chuyện với người khác cũng là cách mình thể hiện sự tự tin và cũng là tôn trọng với người khác. Bố mẹ có thể dạy trẻ thực hiện hành động này bằng cách dành nói chuyện với con và chỉ cho con thấy giao tiếp bằng mắt là như thế nào.
Tử tế với người khuyết tật
Trẻ nhỏ thường tò mò về mọi thứ xung quanh mình nên khi con thấy những người khuyết tật, con có thể chỉ trỏ, nhìn chằm chặp, lớn tiếng hỏi vì sao họ lại như vậy hoặc thậm chí là tỏ ra sợ hãi. Vậy nên con cần được dạy là người khuyết tật cũng chỉ giống như chúng ta và họ nên được đối xử như nhau.
Biết lịch sự khi làm khách
Bố mẹ nên dạy con biết cách quan tâm và lịch sự khi đến nhà người khác. Ví dụ, con cần học được học cách chào hỏi khi đến nhà, không bướng, kén chọn đồ ăn..
Biết cách nói chuyện với người khác và không sử dụng ngôn ngữ thô tục
Con trẻ nên học được rằng hét lên, la mắng không phải cách đúng đắn để nói chuyện với người khác. Cho dù con có bực mình hay khó chịu như thế nào thì con nên được dạy là mình cần phải nói chuyện từ tốn và thể hiện được quan điểm của mình. Bạn có thể giúp con học được điều này bằng cách làm tương tự như vậy trước mặt con. Ngoài ra, con cũng cần học cách đợi đến lượt mình để nói, điều này cũng giúp cho con biết cách lắng nghe.
Ngôn ngữ thô tục thường mang lại cho người khác cảm giác thiếu tôn trọng và khó chịu. Do vậy, trẻ nên được dạy là không sử dụng những từ ngữ như vậy trước mặt người khác, cho dù con có thể nghe thấy nó ở trên TV hay đâu đó xung quanh mình.
Biết cách chia sẻ
Điều này không giống với việc bắt con nhường mà thay vào đó, con cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi chia sẻ với người khác. Chẳng hạn khi con chơi xong, con có thể cho bạn mượn khi bạn muốn.
Chân thật
Bố mẹ có thể dạy trẻ về thành thực, không nói dối từ khi trẻ còn rất nhỏ. Vì đây là một trong những giá trị quan trọng con cần được ghi nhớ và hiểu rõ. Những gì con làm cần phải nhất quán với những gì con nói, nên nếu con hứa nhưng sau cùng lại không thực hiện thì mình sẽ cần ngồi xuống và giải thích cho con hiểu vì sao mình cần sống thật.
Biết dọn dẹp gọn gàng
Những em bé có thể khá bừa bộn sau khi ăn, khi chơi và quần áo con mặc xong cũng vậy. Để con có thể hình thành được thói quen biết dọn dẹp, bạn có thể nhờ con tráng bát khi mình đang rửa hoặc giao một phần việc nhà cho con. Theo thời gian, con sẽ quen dần với với việc mình cần phải gọn gàng, sạch sẽ.
Có cách cư xử tốt là những yếu tố cơ bản giúp con trở thành những con người tốt hơn, tích cực hơn khi lớn lên, vì khi ấy, con sẽ dễ hòa đồng với mọi người, tạo được sự ấn tượng với người khác, phát triển được những mối quan hệ tích cực hơn.
Bài viết của Mầm Nhỏ có tham khảo từ nguồn parenting