Loading Loading

10 CÁCH NUÔI DẠY TRẺ TRỞ NÊN TỰ TIN VÀ MẠNH MẼ HƠN

10 CÁCH NUÔI DẠY TRẺ TRỞ NÊN TỰ TIN VÀ MẠNH MẼ HƠN

Một trong những công việc quan trọng trong hành trình làm cha mẹ là nuôi dạy những đứa trẻ trở nên tự tin và mạnh mẽ bởi một đứa trẻ tự tin và có tinh thần mạnh mẽ sẽ có khả năng đối mặt với mọi thách thức sau này. Khi lớn lên, nếu trẻ luôn tự tin vào chính mình, trẻ sẽ có khả năng giải quyết vấn đề, thoát khỏi thất bại và đương đầu với khó khăn. Trẻ cũng sẽ rất kiên cường và có đủ can đảm cũng như sự tự tin để tận dụng được hết khả năng của mình.

Để giúp các bạn nhỏ nuôi dưỡng sự tự tin và tinh thần mạnh mẽ, cha mẹ cần tiếp cận theo 3 hướng: Dạy trẻ suy nghĩ thực tế hơn thay vì hướng đến những điều tiêu cực; Giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân để không bị cảm xúc chi phối; Và hướng trẻ đến những hành động tích cực. Và 3 hướng tiếp cận này có thể thực hành qua những gợi ý dưới đây của Mầm Nhỏ để giúp cha mẹ nuôi dạy trẻ trở nên tự tin và mạnh mẽ hơn, hãy cùng tham khảo với chúng mình nhé! 

1. DẠY TRẺ CÁC KỸ NĂNG CẦN THIẾT

Nếu như trẻ mắc sai lầm, tốt nhất là cha mẹ không nên chì chiết hoặc nhắc đi nhắc lại sai lầm của trẻ mà thay vào đó, hãy dạy con những cách để lần sau tránh mắc phải những sai lầm như vậy. Đó là kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng kiềm chế sự tức giận và kỷ luật tự giác. Những kỹ năng này sẽ giúp trẻ học cách cư xử đúng đắn, ngay cả khi chúng phải đối mặt với sự cám dỗ, hoàn cảnh khó khăn hay sự thất bại.

2. HÃY ĐỂ TRẺ MẮC SAI LẦM

Hãy để trẻ biết rằng mắc sai lầm là một phần của quá trình học hỏi để khiến trẻ không có cảm giác thất bại hay xấu hổ khi nhận lỗi. Cha mẹ nên để trẻ đối mặt với những hậu quả tự nhiên (ngoại trừ những trường hợp nguy hiểm) đồng thời nói cho trẻ biết cách để lần sau tránh mắc phải những sai lầm ấy.

3. DẠY TRẺ PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG TỰ NÓI CHUYỆN

Thật khó để khiến trẻ cảm thấy tự tin và mạnh mẽ hơn khi con gặp thất bại hay đoán trước được về một kết quả tồi tệ. Điều cần thiết là cha mẹ nên dạy trẻ điều chỉnh lại những suy nghĩ tiêu cực để trẻ có suy nghĩ thực tế hơn. Giúp trẻ có được cái nhìn lạc quan nhưng thực tế trong mọi hoàn cảnh sẽ giúp trẻ trưởng thành và mạnh mẽ hơn.

4. KHUYẾN KHÍCH CON ĐỐI MẶT VỚI NỖI SỢ

Nếu trẻ luôn tìm cách né tránh bất cứ điều gì khiến con sợ hãi, trẻ sẽ không bao giờ có được sự tự tin cần thiết để vượt qua cảm giác không an toàn. Bất kể trẻ sợ hãi khi ở trong bóng tối hay e ngại khi gặp người lạ, cha mẹ hãy từng bước từng bước một giúp trẻ đối mặt với những nỗi sợ hãi đó. Cổ vũ trẻ, khen ngợi những nỗ lực của trẻ và thưởng cho trẻ vì sự dũng cảm sẽ giúp trẻ nhận ra rằng chúng có khả năng đối mặt với những điều mà chúng cho là nguy hiểm.

5. ĐỂ TRẺ HIỂU CẢM GIÁC “KHÔNG THOẢI MÁI”

Mặc dù cha mẹ có thể giúp đỡ trẻ bất cứ khi nào con cảm thấy không thoải mái, giúp con vượt qua sự căng thẳng, tuy nhiên, điều đó điều đó lại dễ khiến trẻ rơi vào trạng thái bất lực. Hãy để cho con được cảm nhận sự thua cuộc, thất bại hay cảm giác buồn chán… Mặc dù trẻ không muốn như vậy nhưng đây vẫn là những cảm xúc cần thiết mà trẻ nên trải qua. Cha mẹ chỉ nên ở bên cạnh động viên và hỗ trợ con khi cần thiết, điều đó sẽ giúp con củng cố sức mạnh tinh thần vững vàng hơn.

6. XÂY DỰNG TÍNH CÁCH

Muốn trẻ trở thành một người tự tin và mạnh mẽ, điều quan trọng là cha mẹ cần xây dựng cho con những đức tính tốt. Ví dụ, cha mẹ nên hướng con xây dựng tính cách trung thực và lòng trắc ẩn thay vì tính hiếu thắng. Những đứa trẻ sẽ nhận ra giá trị của bản thân mình khi đưa ra những quyết định lành mạnh, thậm chí ngay cả khi quyết định của trẻ có đi ngược lại với sự đồng tình của số đông.

7. THỂ HIỆN LÒNG BIẾT ƠN

Biết bày tỏ lòng biết ơn là điều tuyệt vời giúp trẻ ngăn chặn được những thói quen xấu và khiến trẻ mạnh mẽ hơn khi phải đối mặt với những điều không như ý. Nếu như trẻ biết thể hiện lòng biết ơn đối với tất cả mọi người hay sự việc mà trẻ gặp/trải qua, kể cả đối với những điều tồi tệ nhất, trẻ sẽ có khả năng suy nghĩ lạc quan và giải quyết vấn đề một cách chủ động.

8. BIẾT NHẬN TRÁCH NHIỆM

Dạy trẻ biết sống có trách nhiệm là một trong những điều quan trọng để xây dựng cho trẻ tinh thần mạnh mẽ. Cha mẹ có thể để cho trẻ giải thích (nhưng không bào chữa) trước bất kỳ lỗi lầm nào mà trẻ gây ra. Nếu trẻ cố đổ lỗi cho người khác, cha mẹ nên giải thích và hướng trẻ biết thừa nhận lỗi lầm của mình để sống có trách nhiệm hơn.

9. DẠY TRẺ KỸ NĂNG KIỀM CHẾ CẢM XÚC

Cha mẹ đừng nên cố gắng giúp trẻ xoa dịu cảm xúc ngay khi trẻ tức giận hoặc cố làm trẻ vui hơn khi trẻ cảm thấy buồn chán. Thay vào đó, hãy dạy trẻ cách tự mình đối phó với những cảm xúc tiêu cực để trẻ không phải phụ thuộc vào cha mẹ. Những đứa trẻ hiểu được cảm xúc của chính bản thân mình và biết cách “đương đầu” với những cảm xúc này sẽ có khả năng đối mặt với những thách thức lớn hơn trong tương lai.

10. ĐỂ TRẺ HIỂU VỀ SỨC MẠNH TINH THẦN

Chỉ ra cho trẻ thấy vai trò của sức mạnh tinh thần và đặt ra một mục tiêu để bạn và trẻ cùng hướng đến giúp con có thể xây dựng sức mạnh tinh thần của chính mình. Đây là cách tốt nhất để khuyến khích trẻ phát triển. Cha mẹ cũng nên tự cải thiện bản thân và phát triển sức mạnh tinh thần của mình để làm gương cho trẻ.

Tóm lại, theo chúng mình để nuôi dạy một đứa trẻ trở nên tự tin và mạnh mẽ không phải là điều dễ dàng. Cha mẹ cần kiên nhẫn, bao dung và động viên, khích lệ để con cảm thấy luôn được yêu thương đủ đầy. Và chắc chắn rằng, một đứa trẻ luôn được sống trong môi trường tràn ngập tình yêu thương sẽ tự tin và mạnh mẽ đương đầu với mọi khó khăn, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Bài viết liên quan

KHI TRẺ ĐÁNH NGƯỜI KHÁC, CÓ HÀNH ĐỘNG BẠO LỰC, BỐ MẸ NÊN XỬ LÝ THẾ NÀO?

KHI TRẺ ĐÁNH NGƯỜI KHÁC, CÓ HÀNH ĐỘNG BẠO LỰC, BỐ MẸ NÊN XỬ LÝ THẾ NÀO?

Mẹ và bé

Không gì khiến bố mẹ trở nên mất bình tĩnh và có hành động bạo lực là trông thấy con mình
Xem chi tiết
BÍ KÍP GIỮ BÉ KHỎE MẠNH TRONG MÙA HÈ

BÍ KÍP GIỮ BÉ KHỎE MẠNH TRONG MÙA HÈ

Mẹ và bé

Thường thì các bố mẹ hay lo lắng về sức khỏe cho bé vào mùa đông hơn là mùa hè. Tuy nhiên, tr
Xem chi tiết
CHĂM SÓC TRẺ KHI BỊ SỐT NHƯ THẾ NÀO?

CHĂM SÓC TRẺ KHI BỊ SỐT NHƯ THẾ NÀO?

Mẹ và bé

Hầu hết các cơn sốt ở trẻ sẽ hết sau khoảng 48-72h, không cần dùng kháng sinh và có thể chăm
Xem chi tiết
0946 626 646