Đó là cách nói khác của IQ hạng hai nhưng EQ hạng nhất. Đại ý rằng những tổng thống Mỹ, những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng-họ là những người có khí chất hạng nhất còn trí tuệ có thể không cần phải cao siêu bậc nhất.
Vậy khí chất của trẻ là gì. Chúng mình nghĩ khí chất hơi khác cá tính. Cá tính cũng tốt nhưng khí chất thì là khái niệm toàn diện hơn.
1. KHÍ CHẤT CỦA TRẺ
Đến giờ chơi tập thể ngoài trời, tất cả các cô bé cậu bé ùa nhau chạy ra sân thì có một cậu bé bị vấp ngã trầy xước cả đầu gối. Tất cả những bé khác chẳng ai để ý đến bạn mình bị ngã, chỉ duy nhất có một cậu bé quay lại hỏi xem bạn mình bị ngã có đau không, có cần giúp đỡ gì không.
Chắc chắn rằng hành động biết quan tâm đến người khác chứng tỏ cậu bé có một tâm hồn rất đẹp, và mình gọi đó chính là khí chất.
Một sáng nọ ở công viên, tất cả những đứa trẻ với những bộ quần áo tươm tất chỉn chu tháo giày vứt lung tung rồi nhảy vào sân chơi. Một cậu bé đánh giày đi tới và xếp gọn gàng từng đôi giày lại. Đó chính là khí chất
Cứ mỗi lần không vui có khi các bạn nhỏ sẽ gắt lên “Con không yêu mẹ, con không yêu bố”. Sau khi các bạn ấy đã hết cơn giận rồi, chúng ta có thể tận dụng cơ hội kể với con câu chuyện “Trái tim con rộng cỡ nào” để giúp con xoa dịu cơn tức và trò chuyện về tình yêu.
Mẹ có thể hỏi bé rằng giờ thì con yêu những ai nào. Con sẽ bảo con yêu bố, yêu mẹ, yêu bạn, cô giáo… Chúng ta sẽ bảo là ôi trái tim bé nhỏ của con mà chứa được nhiều người ghê. Con thấy kì lạ không, trái tim chúng ta tuy nhỏ bé nhưng lại chưa được rất nhiều. Con càng yêu mọi người thì trái tim càng rộng lớn, con sẽ càng mạnh hơn. Và người nào yêu quý được nhiều người nhất thì người đó sẽ có sức mạnh nhất đó con. Sức mạnh của tình yêu ấy.
2. KHÍ CHẤT RẤT CẦN ĐƯỢC NUÔI DƯỠNG TRONG GIA ĐÌNH
Khí chất là cái không thể bắt chước, không có tiêu chuẩn rõ ràng về điểm số như thành tích bạn học và thi. IQ sẽ có tiêu chí rõ ràng, có điểm số để đánh giá, nhưng EQ thì không. Và trong vũ trụ này, phàm những cái gì không thể đo đếm được, nó mới là sức mạnh.
Với mình khí chất nó đi liền với giá trị cảm xúc, với tình yêu, gắn liền với hành vi và cử chỉ, cách ứng xử của một người. Vì sao bạn thấy yêu mến những người có phong thái rất riêng, có cử chỉ rất đẹp, sự quan tâm đến những chi tiết rất nhỏ. Vì họ có khí chất, có sức hút riêng mà không phải ai cũng có. Khí chất ấy cần được mãi dũa trong môi trường và cả quá trình tự mình học hỏi.
Khí chất vốn là cái mà con trẻ học được từ chính ba mẹ, từ chính môi trường giáo dục trong gia đình, môi trường ở nhà trường. Giai đoạn 0-6 tuổi là giai đoạn rất quan trọng để hình thành nên khí chất của một đứa trẻ. Vì nó là giai đoạn dễ dàng uốn nắn nhất.
Mọi người thường hay nhận xét người Nhật chỉn chu, lịch thiệp, ở sân bay nhìn là biết người Nhật, là bởi vì ngay từ nhỏ họ đã được chú trọng đến rèn những hành vi ứng xử nhân văn, tác phong gọn gàng ở cả môi trường gia đình và trường học rồi. Nên mới tạo ra một xã hội văn minh nhất quán như thế. Còn ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại. Đời sống kinh tế, vật chất càng được nâng cao thì chúng ta lại vô tình chỉ chạy theo thành tích, theo điểm số mà quên đi mất việc rèn cho con trẻ sự lễ phép, sự chỉn chu, sự quan tâm đến người khác, và đời sống nội tâm tình cảm phong phú, và từ rất nhiều những hành vi ứng xử hàng ngày. Những điều ấy tuy bé mà lớn lên lại thành rất to. Rèn cho con về hành vi ứng xử, thói quen tốt sẽ hữu ích hơn cả những kiến thức chúng ta nhồi nhét cho tụi trẻ con khi còn nhỏ.
Tác giả: Dr Nguyễn Thị Thu (Aki Nguyễn)
Cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu - Aki Nguyễn về nội dung bài viết rất thiết thực. Chị cũng chính là tác giả cuốn sách "Kỷ luật mềm của trái tim" và dịch giả của cuốn "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn" mà Mầm Nhỏ đã từng giới thiệu đấy.