Có thể khi con còn bé, bạn rất dễ để cưng nựng, âu yếm con. Nhưng khi con lớn lên, có thể sẽ có những lúc bạn cảm thấy cả hai bắt đầu có khoảng cách, đặc biệt là khi con muốn tự mình làm nhiều thứ hơn, cũng như chẳng còn ê a, bám chân bạn suốt ngày như trước
Mặc dù vậy, chúng ta vẫn hiểu được rằng tìm cách gần gũi, thân thiết với con dù con còn nhỏ hay đã lớn đều rất quan trọng, đặc biệt là với những em bé chuẩn bị bước vào giai đoạn của tuổi dậy thì đầy biến động, để những lúc cảm thấy khó khăn, người đầu tiên con tin tưởng tìm đến là mình mà không phải là ai khác.
Dưới đây là một vài gợi ý khá gần gũi và dễ thực hiện mà chúng mình nghĩ có thể giúp ích cho mối quan hệ giữa con và bạn.
BIẾT BẠN BÈ CỦA CON VÀ NHỮNG NGƯỜI CON THÂN THIẾT
Những người bạn ở trường, những người mà con thích chơi cùng có thể là những người mà bạn dễ dàng nói chuyện cùng con về họ. Bạn có thể hỏi con về việc những người bạn ấy là như thế nào, con thích điểm gì ở… thông qua những đặc điểm ấy, bạn cũng sẽ hiểu rõ hơn sở thích, đặc điểm của những mối quan hệ mà con muốn hướng tới.
BIẾN NHỮNG CUỘC TRÒ CHUYỆN THƯỜNG NGÀY THÀNH THÓI QUEN
Bạn có thể định sẵn một khoảng thời gian trong ngày để nói chuyện với con, đó có thể lúc trước giờ con đi ngủ, trong bữa ăn hoặc trên đường chở con đi đến trường. Khi ấy, bỏ qua một bên những gì khiến bạn phân tâm như máy tính, điện thoại vì chắc hẳn bạn cũng sẽ cảm thấy khó chịu khi mình nói chuyện với ai đó mà người ấy không tập trung lắng nghe bạn nói. Và con bạn cũng vậy.
THƯỜNG XUYÊN ĂN CƠM CÙNG CON
Các nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ đơn giản là thường xuyên cùng nhau ăn bữa tối thì cũng sẽ có nhiều lợi ích tích cực đối với trẻ, chẳng như con sẽ có kết quả học tập tốt hơn, giảm nguy cơ béo phì, các kỹ năng sống liên quan đến quản lý cảm xúc, giao tiếp cũng sẽ tốt hơn.
Ngay cả khi bạn không thể dành thời gian để làm bữa tối mỗi ngày cho con thì mình cũng có những giải pháp khác để gắn kết với con trong bữa ăn, chẳng hạn như khi mình cùng con hoa quả, ăn vặt thì đó cũng là lúc bạn cũng có thể nói chuyện với con hoặc bạn dành thêm một chút thời gian buổi sáng để chuẩn bị bữa sáng lành mạnh cho cả gia đình.
VUI CHƠI CÙNG CON
Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi bố mẹ dành thời gian để vui chơi cùng con thì trẻ sẽ ít có khả năng bị trầm cảm, lo âu và con sẽ trở thành người biết đồng cảm, thấu hiểu người khác hơn trong tương lai.
TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI ĐỂ CON CÓ THỂ DỄ DÀNG NÓI CHUYỆN, TÂM SỰ ĐƯỢC
Khi bạn thể hiện cho con thấy rằng bạn thực sự lắng nghe con, muốn nghe những gì con nói và kể cho con nghe những câu chuyện của mình khi mình còn bé đã giống con như thế nào, có nghĩa là bạn cho con thấy rằng bạn cởi mở, bạn sẵn sàng đón nhận suy nghĩ của con. Đó là một nền tảng rất tốt để con cảm thấy thoải mái hơn khi muốn tâm sự với bạn, đặc biệt là những thứ riêng tư.
KỶ LUẬT CON BẰNG TÌNH YÊU THƯƠNG
Kỷ luật con nên thiên về dạy dỗ hơn là trừng phạt, la mắng hay đánh đòn con. Những ông bố bà mẹ có cả sự cứng rắn, nhất quán cùng tình yêu thương khi uốn nắn hành động của con sẽ cho con có cảm giác yên tâm, tin cậy vì con hiểu được rằng trong khi bạn mong đợi con sửa đổi được hành vi của mình thì tình yêu thương của bạn dành cho con vẫn không thay đổi.
Ngoài ra, kỷ luật con bằng tình yêu thương giúp trẻ hiểu rằng bố mẹ đặt ra những giới hạn và muốn con thực hiện theo là để con được mạnh khỏe, an toàn, chứ không phải vì mục đích nào khác.
TÌM NHỮNG CÁCH KHÁC NHAU ĐỂ NÓI YÊU CON MỖI NGÀY
Đôi khi chỉ là những hành động đơn giản như dành ra một vài phút để ôm con tạm biệt vào buổi sáng hay chào con khi mình vừa mới đi làm về vào cuối ngày cũng đã là một trong những nhiều cách bạn có thể làm để thể hiện bạn yêu thương con nhiều như thế nào qua mỗi ngày.
Bài viết của Mầm Nhỏ có tham khảo từ nguồn:
https://www.verywellfamily.com/what-is-attachment-parenting…
Nguồn ảnh: Hero Images/Getty Images