Loading Loading

PHÁT TRIỂN TƯ DUY SÂU - BÍ QUYẾT GIÚP CON CHUYỂN TỪ HỌC THỤ ĐỘNG SANG HỌC CHỦ ĐỘNG

 PHÁT TRIỂN TƯ DUY SÂU - BÍ QUYẾT GIÚP CON CHUYỂN TỪ HỌC THỤ ĐỘNG SANG HỌC CHỦ ĐỘNG
Tư duy sâu nói nôm na cho dễ hiểu đó là khả năng đào sâu suy nghĩ về một vấn đề nào đó, thông qua việc chúng ta tiếp thu kiến thức từ thụ động sang thế chủ động. Và đây chính là bí quyết vô cùng quan trọng để nuôi dưỡng khả năng học tập, nuôi dưỡng tinh thần ham học hỏi cho các bạn nhỏ. Trong bài viết dưới đây, Mầm Nhỏ xin được chia sẻ về những phương pháp rèn tư duy sâu rất cần thiết cho trẻ mà bố mẹ nào cũng nên biết nhé.
 
KỸ NĂNG ĐỌC: Nghe kể chuyện và đọc sách
Không chỉ đơn thuần đọc cho con 1 cuốn ehon, kể 1 câu chuyện rồi hỏi con là bài học rút ra ở đây là gì. Chúng ta hoàn toàn có thể phát triển thêm nhiều trò chơi từ cuốn ehon đó. Bố mẹ có thể kể lại, hoặc để con ngồi tự giở sách và kể lại câu chuyện theo ý con. Các bạn chắc chắn rất thích những câu chuyện “bịa” của bố mẹ đó ạ.
 
Với những bạn tầm 3 tuổi trở lên chúng ta có thể gợi ý con:
- Hãy thử để ngỏ cái kết chuyện và cho con tự đưa ra cái kết của câu chuyện
- Có thể thi cùng con là mẹ kể cái kết của mẹ, con hãy kể cái kết của con
- Với những chuyện có chương hồi, đọc đến chương này hãy thử cho con đoán xem nội dung tiếp theo của chương sau chuyện gì sẽ xảy ra với nhân vật chính. Nếu con chưa biết mình có thể đưa ra gợi ý đặt câu hỏi dễ hơn để kích thích và khích lệ con tập nói.
 
Tất cả những điều này sẽ giúp con phát triển sự sáng tạo, trí tưởng tượng, phát triển tình huống thực tế để từ đó có khả năng chủ động xử lí các vấn đề con gặp phải trong tương lai.
- Ngoài ra hãy giúp con tư duy bằng hình ảnh ví dụ như nói đến cảnh sát con liên tưởng đến cái gì, nói đến bác sĩ con liên tưởng đến cái gì, từ đó nối tiếp nhau theo trò chơi nối đuôi: quả táo, màu đỏ, quả cà chua, tương cà, piza, nước Ý, châu u, nước Anh, Manchester….
- Trò chơi “Nếu - thì” để giúp con phát huy trí tưởng tượng.
- Cho con làm những bài tập tư duy logic thông qua các cuốn làm bài tập tư duy như bộ chim đa đa, Toán thỏ, Pomath…
- Cho con chơi lego xếp hình rồi kể 1 câu chuyện về những gì con xếp.
 
KHẢ NĂNG ĐỌC SÁCH (từ bậc tiểu học)
- Ở giai đoạn 0-6 tuổi, chúng mình khuyến khích các bố mẹ là đọc ehon cho con, kể chuyện cho con mỗi ngày chính là nuôi dưỡng nền tảng cho ngôn ngữ của con, là gắn kết sợi dây tình cảm giữa bố mẹ và con cái. Nhưng đọc sách ở giai đoạn 0-6 tuổi vẫn là việc đọc thụ động vì bố mẹ đọc cho con nghe, chỉ là gieo hạt giống về tình yêu và hứng thú với sách truyện cho con mà thôi.
Còn khi con lên tiểu học, bắt đầu biết đọc thì mới là giai đoạn cần con đọc một cách chủ động, và khi ấy bắt đầu chuyển sang thời kì hạt giống nảy mầm rồi trưởng thành.
- Có hai loại sách mà chúng ta nên để con đọc, đó là truyện và sách tham khảo kiến thức. Hãy coi truyện như một hình thức để giải trí, và làm đẹp về tâm hồn, còn coi sách tham khảo như một hình thức bổ sung tri thức. Bố mẹ đừng cấm nếu con thích đọc truyện tranh, bởi vì truyện tranh cũng có rất nhiều truyện thú vị và bổ ích như Doraemon hay Conan. Để phát triển tư duy logic bố mẹ có thể cho trẻ đọc những tiểu thuyết trinh thám như Sherlock Holmes, hay của tác giả Agatha Christie.
 
Với sách tham khảo thì từ lứa tuổi tiểu học bố mẹ có thể mua cho trẻ những bộ từ điển hay bách khoa toàn thư để giúp trẻ học cách tra cứu từ đó. Ví dụ như từ điển của Đông A vì họ đều mua bản quyền từ nhà xuất bản DK rất uy tín của Anh, hoặc từ điển Tiếng Aanh thì chọn của nhà xuất bản Usborne.
 
KỸ NĂNG NGHE
Ở giai đoạn 0-6 tuổi kỹ năng quan trọng nhất cần rèn cho trẻ chính là biết tập trung lắng nghe lời người khác nói. Thái độ quan trọng hơn trình độ, vì thế thái độ biết chịu kiên nhẫn tập trung lắng nghe lời người khác nói chính là kỹ năng mềm đầu tiên cần chú trọng cho con. Chứ không thể là người khác nói nhưng con cứ bơ đi, mặt quay đi chỗ khác, mắt lại liếc ngang liếc dọc không nhìn người khác.
Tiếp đến là tạo môi trường để con được đi gặp gỡ với rất nhiều người, ở nhiều lứa tuổi, nhiều ngành nghề, nhiều quốc gia càng nhiều càng tốt. Nhất là khi con lên cấp 1, môi trường được gặp gỡ đa dạng và phong phú như này sẽ cho con thêm rất nhiều vốn sống, và mở mang giá trị quan cho con.
 
Những bạn cấp 2 rất nên đi lắng nghe chia sẻ của những anh chị lớn hơn để giúp con có thêm động lực và được truyền cảm hứng theo đuổi ước mơ từ những anh chị này.
Nếu không có cơ hội gặp gỡ trực tiếp thì có thể hướng con hãy nghe qua youtube, Ted talk…rất nhiều kênh nghe online. Lắng nghe người khác nói, đó thực sự là một bài học cần thiết.
 
 KỸ NĂNG VIẾT
 Hai kỹ năng trên vẫn chỉ là việc đọc và tiếp thu kiến thức một cách thụ động, vì chúng ta chỉ tiếp nhận những gì mà người khác viết và nói thôi. Để chuyển từ học tập thụ động sang thế chủ động thì rất cần đến kỹ năng VIẾT.
Với các bạn nhỏ đã biết viết, bố mẹ có thể gợi ý cho con ghi chép vào cuốn sổ tay những câu chuyện khoa học thú vị trên báo.
 
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể hướng con tạo được một thói quen đó là mỗi khi đọc xong một cuốn sách sẽ tóm tắt lại nội dung theo ý hiểu của mình. Con có thể viết trực tiếp ra sách hoặc có một cuốn sổ đi kèm để note lại những điều hay học được từ sách.
Đây là một thói quen mà bố mẹ nên khuyến khích con. Bởi vì chỉ khi con viết lại theo ý hiểu của mình thì kiến thức mới là của con. Đó chính là cách học tập chủ động sẽ đem lại cho con những giá trị to lớn.
 
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể khuyến khích con là viết bài cảm nhận về cuốn sách sau khi đọc xong, như một hình thức dạy con tập viết.
Hoặc học cách ghi lại nhật kí thường xuyên, ví dụ như sau mỗi chuyến đi chơi, hướng dẫn con viết lại cảm nhận. Đó chính là cách thúc đẩy cho con kỹ năng tập viết đấy ạ.
 
KỸ NĂNG NÓI
Đa số học sinh Việt Nam ít có cơ hội để được nói, vì thế khi lớn lên, chúng ta rất khó diễn đạt trước đông người ý kiến hay suy nghĩ của mình, và cũng rất nhút nhát khi trình bày ý kiến. Bao nhiêu năm học ở trường có mấy khi được cơ hội bày tỏ chính kiến, có mấy khi dám nói ra những gì mình nghĩ trong lòng.
Vì thế chúng ta hãy cùng con rèn luyện kỹ năng này, bắt đầu là nghe con nói về câu chuyện của mình với ô tô, tiếp đến là tạo cơ hội để con được tham gia những cuộc thi, trình diễn…đó là những cơ hội rất tốt để giúp con tự tin và biết cách diễn đạt trước đông người.
 
Những gì mình nghĩ, những gì mình biết, mà không biết cách nói ra, đó có phải là một điều đáng tiếc không ạ? Học tập chủ động không thể thiếu kĩ năng viết và nói là vì những lí do như vậy.
 
ĐỂ GIÚP CON HÌNH THÀNH TƯ DUY SÂU BỐ MẸ CẦN LÀM GÌ?
Những gì chia sẻ ở trên có lẽ đều là những điều bố mẹ đã biết. Nhưng sẽ có bao nhiêu bố mẹ áp dụng thành công? Để rèn luyện thành công cho các bạn nhỏ, bố mẹ chắc chắn sẽ cần bền bỉ và làm gương cho con nhé.
 
Bạn muốn con chịu khó viết, thì bố mẹ hãy là người tập viết trước. Bạn muốn con ghi chép vào sổ, con phải nhìn thấy hình ảnh bố, mẹ cũng ngồi ghi chép vào sổ.
 
Bởi muốn kỹ năng nào đó trở nên thành thục chỉ có một cách duy nhất là bền bỉ mỗi ngày. Hãy bắt đầu từ việc viết về chủ đề dễ, rồi dần dần tập viết về chủ đề khó hơn.
Hãy lập hẳn một album viết về những chủ đề trong cuộc sống, những cuốn sách đã đọc, rồi chia sẻ lại cho con. Bố mẹ có thể nhờ con check lại giúp bố mẹ xem mẹ viết như này đã được chưa, con có góp ý gì không?...Con cái chỉ cần nhìn thấy tâm thế của bố mẹ như vậy, chắc chắn con cũng có động lực để cố gắng rồi bố mẹ nhỉ.
 
Chúc bố mẹ sẽ thành công trong việc giúp con hình thành và phát triển tư duy sâu để việc học tập được chủ động hơn thay vì tiếp thu thụ động nhé!
 
- Tác giả bài viết: Dr Nguyễn Thị Thu (Aki Nguyễn)
- Cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu - Aki Nguyễn về nội dung bài viết rất hay và thiết thực. Chị cũng chính là tác giả cuốn sách "Kỷ luật mềm của trái tim" và dịch giả của cuốn "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn" mà Mầm Nhỏ đã từng giới thiệu đấy ạ.

Bài viết liên quan

 LÀM GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN TRÍ TƯỞNG TƯỢNG CỦA TRẺ

LÀM GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN TRÍ TƯỞNG TƯỢNG CỦA TRẺ

Mẹ và bé

💡 LÀM GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN TRÍ TƯỞNG TƯỢNG CỦA TRẺ❓❓Trí tưởng tượng có sức ảnh hưở
Xem chi tiết
LẠM DỤNG TINH THẦN LÀ GÌ? CÁCH NHẬN BIẾT VÀ PHÒNG TRÁNH VIỆC TRẺ BỊ LẠM DỤNG TINH THẦN

LẠM DỤNG TINH THẦN LÀ GÌ? CÁCH NHẬN BIẾT VÀ PHÒNG TRÁNH VIỆC TRẺ BỊ LẠM DỤNG TINH THẦN

Mẹ và bé

LẠM DỤNG TINH THẦN LÀ GÌ? CÁCH NHẬN BIẾT VÀ PHÒNG TRÁNH VIỆC TRẺ BỊ LẠM DỤNG TINH THẦN 🆘
Xem chi tiết
TẠI SAO CHÚNG TA NÊN DẠY CON TỰ MẶC QUẦN ÁO?

TẠI SAO CHÚNG TA NÊN DẠY CON TỰ MẶC QUẦN ÁO?

Mẹ và bé

✌ Bố mẹ có biết mặc quần áo cũng là một trong những kỹ năng quan trọng với các bạn nhỏ,
Xem chi tiết
0946 626 646