Có những bạn nhỏ ngồi yên nghe câu chuyện bố mẹ kể, nhìn hình ảnh bố mẹ đọc nhưng không phải bạn nào cũng kiểm soát bản thân được như vậy, đặc biệt là khi con biết vận động linh hoạt hơn, biết bi bô nhiều hơn, khiến việc đọc cho con nghe trở nên khó khăn. Thậm chí, với các bạn nhỏ dưới 3 tuổi, bé có thể muốn lấy sách từ tay bạn và xé, thay vì ngồi im trong lòng bạn và lắng nghe
Có lẽ cũng thật vui tai khi nghe tiếng giấy bị xé và một khi điều đó xảy ra, thiệt hại có thể nhanh chóng “leo thang”, con sẽ xé hết từ trang này sang trang khác, cuốn này sang cuốn khác… Vì vậy, chúng ta không nên để con ở một mình cùng những cuốn sách.
Dưới đây chúng mình sẽ chỉ thêm những mẹo mà bố mẹ có thể tham khảo để cùng con vượt qua giai đoạn có chút “phá hoại” này nhé!
1. Chấp nhận rằng những cuốn sách sẽ khó mà lành lặn với con
Bố mẹ sẽ khó tránh khỏi cảm giác bực bội, khó chịu khi cuốn sách mình mới mua cho con đã bị xé tan tành. Nhưng bản tính tự nhiên của những đứa trẻ là thích khám phá không gian xung quanh mình bằng tất cả các giác quan, vậy nên con muốn chạm vào những đồ vật ấy, thay vì chỉ nghe hay nhìn. Ngoài ra, cũng có những bạn nhỏ tò mò muốn biết những cuốn sách sẽ có mùi vị như thế nào nữa!
Vậy nên, sẽ khó tránh khỏi những cuốn sách ấy giữ được nguyên vẹn nhưng hầu hết chúng vẫn có thể khắc phục được bằng băng keo hay là lại được phẳng phiu nên bố mẹ đừng quá lo nhé!
2. Đừng ngừng đọc
Đừng để việc con thích ôm khư khư cuốn sách, xé sách của con ngăn cản bạn tiếp tục đọc sách cho con sau này. Vì để con liên tục được nghe nhiều từ vựng mới, các câu dài ngắn khác nhau cùng âm điệu trầm bổng sẽ tốt cho sự phát triển về ngôn ngữ, giao tiếp của con. Khi bạn biến việc đọc sách thành thói quen của con thì nhiều khả năng con sẽ yêu sách hơn và thích khoảng thời gian gắn kết với bạn thông qua chính hoạt động đọc sách.
3. Cho con cầm trong tay đồ vật nào đó
Nhiều đứa trẻ cần cầm gì đó trong tay khi bố mẹ đang đọc sách cho con nghe. Bạn có thể để con cầm một chiếc ô tô nhỏ hoặc những đồ chơi nhỏ khác để “đánh lạc hướng” mong muốn xé sách của con khi bố mẹ đang đọc. Bạn cũng có thể để mấy đồ chơi nhỏ nhỏ xung quanh mình như mấy khối xếp hình để con chơi cùng khi con đang ngồi trong lòng bạn, khi ấy con vẫn có thể nhìn thấy hình trong cuốn sách bạn đang cầm để đọc và con cũng có đồ chơi để chơi. Không có vấn đề gì với việc mình đọc trong khi con đang ngồi chơi ngoan bên cạnh cả.
Chúng ta vẫn có thể đọc cho con những cuốn sách dày theo hướng đó, ngay cả khi con đã qua độ tuổi xé sách. “Mưa dầm thấm lâu”, chắc hẳn bạn sẽ phải ngạc nhiên khi con hiểu những gì mình đọc cho dù trước đó mình cho rằng con đã không tập trung.
4. Bình tĩnh, nhẹ nhàng hướng dẫn cho con cách cầm sách
Mặc dù phải chấp nhận rằng con sẽ có lúc xé sách nhưng mình sẽ cố gắng không để nó xảy ra nhiều hơn. Ngay từ lần đầu tiên con xé một cuốn sách nào đó, bố mẹ hãy nhẹ nhàng lấy sách ra khỏi tay con và nói với con rằng: “Chúng ta không nên xé sách. Vì nó rất đặc biệt nên chúng ta cần yêu thương nó.” Bố mẹ có thể làm mẫu cho con thấy là mình cần cầm sách như thế nào, lật từng trang sách ra sao. Cũng cần xác định tinh thần rằng mình sẽ phải nói việc này rất nhiều lần để nhấn mạnh cho con hiểu và nhớ. Dù bạn có tin hay không thì dần dần con cũng sẽ hiểu và làm theo được lời bố mẹ nói.
5. Để con dùng những cuốn sách có bìa cứng, sách vải
Khi bạn đang trong quá trình dạy con không xé sách, đừng ngại cất đi hầu hết những cuốn sách hay và chỉ để lại một vài cuốn sách có nội dung đơn giản cùng với những cuốn sách có bìa cứng, sách vải. Bạn cũng thể tìm thấy rất nhiều cuốn sách hay cho con dưới dạng bìa cứng hay sách vải và nếu bạn đọc cho con nghe qua từng ngày, con sẽ sớm yêu thích nó, miễn là bạn chọn được cuốn phù hợp với con.
Nếu việc con xé sách không đến từ sở thích hay tò mò thì có lẽ mình nên xem xét thêm liệu con có đang cảm thấy tức giận, buồn bực, khó chịu… hay không. Khi ấy, điều bạn cần giúp con là nói ra được cảm xúc ấy và có được những cách tốt hơn để làm, thay vì chọn cách xé sách.
Bài viết của Mầm Nhỏ có tham khảo từ nguồn:
https://aspiritedmind.com/…/reading-to-babies-six-tips-for…/
https://www.babycenter.com/404_how-can-i-stop-my-2-year-old…
Nguồn ảnh: Alan Poulson Photography