Trong cuốn sách “Tâm lý học thành công” tác giả Carol S. Dweck đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện thú vị về tư duy cố định và tư duy phát triển. Trong đó có một thí nghiệm vô cùng nổi tiếng bà thực hiện ở đại học Stanford, Mỹ để cho thấy cách khen ngợi có ảnh hưởng to lớn đến tâm lí và hình thành nên tư duy trong quá trình phát triển của trẻ như thế nào.
1. KHEN NGỢI THÔNG MINH (TÀI NĂNG) HAY KHEN NGỢI SỰ CỐ GẮNG
Người ta cho học sinh tiểu học làm 1 bài ghép hình đơn giản để tất cả đều đạt điểm cao. Sau đó sẽ chia ra 2 nhóm.
- Nhóm A sẽ đc khen là " em rất tài năng, rất thông minh".
- Nhóm B sẽ được khen "Em rất nỗ lực, rất cố gắng".
- Tiếp đến nhóm nghiên cứu đưa ra câu hỏi lựa chọn muốn giải bài ghép hình khó hay là dễ thì nhóm A nói muốn làm bài dễ, nhóm B muốn làm bài khó. Vì nhóm A lo sợ nếu không làm được sẽ tổn thương đến lòng kiêu hãnh và đe doạ sự thông minh của mình.
Nhưng nhóm nghiên cứu vẫn đưa cho 2 nhóm đề bài khó để giải và kết quả thật bất ngờ. Nhóm B nỗ lực giải bài hơn nhóm A và đạt thành tích tốt hơn. Khi được hỏi về cảm tưởng thế nào với bài toán này thì nhóm B tự tin nói rằng đề bài rất thú vị và muốn đem về nhà giải tiếp thử, còn nhóm A thì trả lời rất thiếu tự tin và thất vọng: chẳng có gì thú vị cả, không muốn đem về nhà.
2. TƯ DUY CỐ ĐỊNH VÀ TƯ DUY PHÁT TRIỂN
Nhóm A là đại diện cho kiểu tư duy cố định. Chúng được gieo vào trong tư duy của mình là mình là người thông minh, vì thế chúng không muốn làm cái gì khác để bị người khác đánh tụt đi sự thông minh của mình. Do đó, chúng né tránh thất bại, né tránh việc phải làm những bài tập khó hơn để bảo vệ niềm tin cho chính mình.
Những người có tư duy cố định nghĩ rằng thông minh hay tài năng là thứ có sẵn, không thay đổi, một kiểu như tài năng bẩm sinh, và họ có xu hướng bị ảnh hưởng bởi những đánh giá (gán nhãn) của người khác. Và những người có tư duy cố định thường là những người cố gắng chỉ để muốn đạt được danh hiệu, để chứng tỏ bản thân mình với mọi người.
Còn nhóm B, đại diện cho kiểu tư duy phát triển. Đó là những người không tin rằng tài năng là thứ cố định, và cũng không bị tác động bởi cách đánh giá của người khác về mình. Động lực để khiến họ cố gắng chính là niềm vui được đối diện với những thử thách và họ học hỏi được từ chính quá trình vượt qua thử thách ấy.
Những người có tư duy phát triển hiểu rằng nếu cố gắng thì luôn luôn có thành quả tốt đẹp. Và họ phấn đấu không phải vì điểm số, vì danh hiệu hay để chứng tỏ với bất cứ ai, mà là từ niềm vui thích muốn theo đuổi nó cộng với nỗ lực không ngừng nghỉ, thì kết quả đến một cách tự nhiên.
3. CĂN BỆNH CỦA GIÁO DỤC VIỆT NAM
Những nghiên cứu này để giúp chúng mình liên hệ đến nền giáo dục ở Việt Nam. Nếu một số môi trường giáo dục hiện đại đã cập nhật những kiến thức này có thể đã thay đổi về cách đánh giá hay nhận xét học sinh, thì có lẽ vẫn còn rất rất nhiều các giáo viên và nhà trường vẫn dùng việc khen ngợi học sinh là thông minh, là giỏi để đánh giá. Đặc biệt là nền giáo dục coi trọng điểm số, thành tích sẽ khiến đa phần học sinh tin rằng khả năng của mình, trí thông minh của mình bị đóng khung bởi những bài kiểm tra đó.
Người Việt mình mở miệng ra là thường khen ngợi “Ôi thằng đó thông minh lắm. Thằng đó giỏi lắm, thông minh từ bé”. Rồi đến trường các thầy cô cũng khen học trò, đánh đồng việc điểm cao nghĩa là thông minh, là giỏi giang, còn điểm kém nghĩa là dốt nát, và bày tỏ thái độ phân biệt đối xử giữa học sinh điểm cao với học sinh điểm kém. Tất cả những cách đối xử ấy đã khiến cho học sinh bị gieo vào đầu mình là năng lực là thứ không thể thay đổi, làm hạn chế khả năng của học sinh, khiến tư duy chúng bị đóng khung bởi những đánh giá bằng điểm số đó.
4. THẰNG ĐÓ THÔNG MINH LẮM, MỖI TỘI LƯỜI
Hồi học phổ thông, chúng ta thường hay được nghe kiểu các bạn khen nhau như vậy. Bố mẹ ở nhà cũng có tâm lý thích khen con thông minh hơn là khen con đã rất cố gắng, thích rèn con thông minh hơn là rèn con nỗ lực. Kết quả những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong tâm lý như vậy khi lớn lên sẽ trở thành những con người tự mãn vào tài năng của bản thân, ít coi trọng sự nỗ lực, và khi gặp thất bại họ sẽ đổ lỗi cho ngoại cảnh thay vì đi tìm cách làm thế nào để giải quyết vấn đề.
5. THIÊN TÀI CHẲNG AI BẨM SINH CẢ
Những phân tích của TS. Dweck khi tìm hiểu về những tấm gương thành công của các danh nhân hay học giả đều đi đến một điểm chung đó là, tài năng họ có không phải là thứ thiên bẩm, tất cả đều nhờ nỗ lực cộng thêm với đam mê theo đuổi, họ cố gắng không phải vì để chứng tỏ mình với ai, để thể hiện cái tôi, mà chỉ là khát khao được vượt qua những giới hạn của bản thân, và tìm thấy niềm vui cuộc sống trong những nỗ lực ấy. Có lẽ đó là động lực lớn lao nhất, lâu bền nhất của sự học.
6. BÀI HỌC TỪ NGƯỜI NHẬT
Khi ở Việt Nam chúng ta luôn nghĩ rằng các bạn học trường chuyên là rất siêu, rất giỏi, và trường bình thường không thông minh bằng. Tuy nhiên ở Đại học Nhật, người Nhật rất coi trọng sự nỗ lực và cố gắng của sinh viên.
Các giáo sư không hay khen ngợi là mày giỏi quá, thông minh quá mà họ khen mày đã rất cố gắng đấy. Chính những lần được khen ngợi như vậy khiến chúng ta thêm tự tin để cố gắng hơn, có thêm động lực tìm ra những cách giải quyết mới. Và chúng ta tin rằng bản thân mình có rất nhiều khả năng mà mình chưa khai phá ra mà thôi.
Khi đi nhà trẻ, các cô giáo luôn khen ngợi như 頑張った、できたね (con cố gắng lắm, con đã làm được rồi đấy) động viên con cố gắng chứ ít khi nói con giỏi. Chỉ thi thoảng mới khen じょうずね (khéo lắm). Các mẹ có thể cố gắng khen để con cảm nhận thành quả của cố gắng, và tỏ ra vui mừng chứ không khen con giỏi quá.
7. ĐỂ NUÔI DƯỠNG TƯ DUY PHÁT TRIỂN CỦA CON
Rèn cho con tư duy đúng đắn, đó là vai trò lớn nhất của cha mẹ. Vì nếu con có tư duy tốt, con sẽ biết cách học tốt. Đó là lí do khi bắt đầu phải đối mặt với những tình huống trong chuyện con học hành, gặp khó khăn hay thử thách chúng ta có thể tìm đọc các sách về tâm lý nhiều hơn. Đó là để chúng ta học được cách tư duy tốt hơn, và cũng để rèn cho con thói quen tư duy tốt hơn. Mỗi một tình huống chúng ta chơi cùng với con là một tình huống sư phạm, mà chỉ cần mình ứng xử sai thì sẽ khiến con cũng tư duy sai theo.
Trong những câu chuyện hàng ngày chúng ta cũng nên nói với con rằng bố mẹ phải làm việc rất chăm chỉ thì bố mẹ mới có một cuộc sống thoải mái, mới có thể giúp đỡ nhiều người khác, mới muốn mua gì có thể mua bằng tiền của mình. Như thế nên con sẽ hiểu bố mẹ đã làm việc rất chăm chỉ, hay con đã rất cố gắng để làm cái này đấy. Và con không ngại ngùng khi làm sai mà phải làm lại, rất hào hứng được thử làm những điều mới.
Cứ từ từ cùng con tận hưởng cuộc sống thôi bố mẹ nhỉ. Hi vọng câu chuyện này sẽ hữu ích với các bố mẹ trong quá trình đồng hành cùng con.
Tác giả bài viết: Dr Nguyễn Thị Thu (Aki Nguyễn)
Cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu - Aki Nguyễn về nội dung bài viết rất hay và thiết thực. Chị cũng chính là tác giả cuốn sách "Kỷ luật mềm của trái tim" và dịch giả của cuốn "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn" mà Mầm Nhỏ đã từng giới thiệu đấy.