Nhiều bố mẹ tâm sự với Mầm Nhỏ rằng, họ rất tâm đắc với nhận định “Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu đọc sách cho bé”. Nhưng ai từng có kinh nghiệm hẳn đều nhận thấy việc đọc sách cho con không hề dễ dàng, đặc biệt là với những bạn nhỏ 0-3 tuổi, không thể ngồi yên được một lúc. Đừng lo lắng quá, với những cách hiệu quả dưới đây, Mầm Nhỏ tin rằng bé sẽ coi đọc sách là niềm yêu thích của con đấy ạ.
VÌ SAO BỐ MẸ GẶP KHÓ KHĂN KHI ĐỌC SÁCH CHO BÉ?
Theo lời kể của chị Mi Lan, một bà mẹ của 3 thiên thần đáng yêu thì trước khi có con, chị đã tưởng tượng đến việc ôm ấp con và cùng bé thưởng thức vô số cuốn sách kỳ thú của thế giới. Trong hình dung của chị, bé yêu sẽ cuộn tròn trong lòng mẹ và mắt chăm chú dõi theo từng trang sách, miệng thì cười khúc khích.
Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ đúng như tưởng tượng trong một thời gian ngắn, khi bé biết đi, chị phải chấp nhận một sự thật rằng, bé không thể ngồi đọc sách được quá 3 phút. Cho dù chị cố tìm cuốn sách ngắn nhất, đọc nhanh hết sức có thể nhưng bé vẫn ngọ ngoạy liên tục và tìm mọi cách chui ra để tìm đồ chơi. Hay mẹ chưa đọc xong trang thứ nhất bé đã đòi chuyển sang trang sau, rồi đọc ngược từ cuối truyện. Tệ hơn, có bé còn tìm cách giằng lấy sách để tự lật, gặm hoặc xé toạc luôn trước sự ngỡ ngàng của mẹ.
Lúc này, chị bắt đầu tự hỏi bản thân rằng có phải mình đã làm sai điều gì không? Chị không thể kiên nhẫn tiếp tục đọc sách cho lũ giặc nhí và lo lắng liệu con có mắc phải chứng khó đọc. Sau cùng chị đành ngậm ngùi công nhận dù trên lý thuyết việc đọc sách mang lại nhiều lợi ích quan trọng nhưng nó thực sự là bất khả thi với trẻ con.
Thế nhưng việc này rất bình thường và đây chính là cách đọc sách của tất cả các em bé từ 0-3 tuổi.
Như nhà giáo dục người Ý - Maria Montessori nhận định và theo kết quả của rất nhiều cuộc nghiên cứu thì giai đoạn từ 0-3 tuổi là bé phát triển mạnh mẽ nhất. Với bé ở độ tuổi này, cứ mỗi 1 giây thì có tới 700 kết nối thần kinh được hình thành. Đây cũng là lý do mà bé hoạt động liên tục, không thể ngồi yên một chỗ và luôn muốn tìm hiểu mọi thứ.
Lúc này, chỉ nhìn bằng mắt là không đủ với bé, trẻ muốn được thử lật trang sách, muốn thử bằng miệng, lưỡi, muốn nghe, muốn biết kết quả sẽ diễn ra nếu trẻ làm như thế này thế kia. Khi trẻ đã khám phá xong, bé sẽ thấy không còn gì để tìm hiểu với cuốn sách mà mẹ mang tới và sẽ chuyển sang một đồ vật mới hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, việc đọc sách vẫn rất quan trọng đối với con, vậy làm sao để giúp trẻ làm bạn với sách?
TUYỆT CHIÊU ĐỌC SÁCH CHO BÉ 0-3 TUỔI
HÃY ĐỂ CHO BÉ TỰ LẬT TRANG
Nếu bạn muốn thay đổi, hãy để bé là người lật các trang sách. Bé sẽ là người điều chỉnh tốc độ của câu chuyện cũng như tốc độ lật trang. Đồng này đồng nghĩa là bạn có thể không thể đọc được tất cả nội dung của cuốn sách, nhưng bù lại bé sẽ rất thích thú với lộ trình đọc này.
TẬP TRUNG VÀO NHỮNG BỨC TRANH
Bạn hoàn toàn có thể bỏ qua phần câu chữ của cuốn sách để hướng sự tập trung của bé vào những bức tranh. Không cần gì nhiều, bạn chỉ cần mô tả những gì bạn thấy trong bức tranh, gọi tên của các màu sắc, các loài động vật xuất hiện trong đó là được. Đối với các bé từ 0-3 tuổi, đây là một cách rất hay để giúp bé xây dựng vốn từ vựng.
TĂNG SỨC HẤP DẪN CHO CUỐN SÁCH
Đừng ngần ngại đọc lớn tiếng, đọc thật diễn cảm cho dù bé đang mải chơi mà không quan tâm tới bạn. Hãy sinh động lên, thêm vào cả hành động diễn xuất, thay đổi các tông giọng khác nhau cho các nhân vật và thậm chí là cả hát theo nhân vật nữa nhé. Bạn càng tạo nhiều sức hấp dẫn cho cuốn sách, càng nhiệt tình với việc đọc thì càng có khả năng tác động tới sự chú ý của bé.
BIẾN THÀNH MỘT TRÒ CHƠI
Thay vì đọc sách, hãy biến nó thành một trò chơi thú vị với con nhé. Bạn có thể thử với trò “Đố bé tìm kiếm” như yêu cầu bé tìm một thứ gì đó màu xanh lá cây, một con chuột nhắt đang trốn, một cái bánh kem, một chú chim hay một cái xe ô tô xinh xinh trong mỗi trang sách.
SÁNG TÁC VỚI CÂU TỪ
Tại sao bạn không thử biến những câu chữ trong cuốn sách thành một bài hát nhỉ? Không nhất thiết phải do bạn sáng tác đâu, mẹ có thể thay nội dung của cuốn sách vào những bài quen thuộc như “Con cò bé bé”, “Kìa con bướm vàng”, “Bé bé bằng bông”… đấy. Bởi hầu hết trẻ em đều bị thu hút bởi âm nhạc. Do đó, việc sử dụng âm nhạc sẽ rất hữu ích trong việc tạo hứng thú cho bé với việc đọc sách.
LỰA CHỌN MỘT CÁCH KHÔN NGOAN
Việc chọn sách phù hợp với lứa tuổi của trẻ không khó nhưng cũng không phải dễ dàng. Dưới đây là một số đầu sách phù hợp cho các bé từ 0-3 tuổi mà Mầm Nhỏ đã tổng hợp lại, mời bố mẹ tham khảo:
Sách cho bé dưới 1 tuổi: Với các bé ở giai đoạn này, bạn có thể chọn cho bé những cuốn sách bìa dày để bé thoải mái gặm nhấm và nghịch với sách mà không lo hỏng sách: Bộ sách zigzag; Thân gửi sở thú; Bộ thư viện song ngữ; Bộ 100 từ mới. Hoặc những cuốn có hình ảnh to để bé dễ quan sát như cuốn Ai ở sau lưng bạn thế hay những cuốn sách bố mẹ có thể cùng tương tác với bé như: Cùng chơi với bé và những cuốn có nội dung nhẹ nhàng tình cảm: Cái mũi đen; Làn hơi ấm; Con yêu bố chừng nào; Ai đã bĩnh lên đầu chuột nhắt; Bộ sách Khám phá thế giới…
Sách dành cho bé từ 2-3 tuổi: Bạn có thể chọn đọc cho bé những cuốn này trước khi ngủ hoặc khi bé đang thoải mái tinh thần: Chuyện những chiếc răng; Belle tóc ngắn và thỏ bu tai dài; Mãi yêu con; Con yêu bố chừng nào; Hạt giống rong chơi; Xin chào vi khuẩn; Ong yêu hoa; Siêu Thỏ…
Cuối cùng, dù bố mẹ đọc theo bất cứ cách nào thì điều quan trọng nhất là phải kiên trì giữ thói quen đọc sách cho bé. Theo thời gian, bé rồi cũng sẽ lớn, khả năng tập trung của con sẽ sớm cải thiện nhưng sẽ thật đáng tiếc nếu bạn bỏ lỡ cơ hội để bé phát triển trí não thông qua việc đọc sách. Vì vậy, đừng ngần ngại, Mầm Nhỏ tin rằng, với quyết tâm của bố mẹ thì giấc mơ được cùng bé yêu vui vẻ đọc sách sẽ sớm thành hiện thực.