Cuối tháng 5 năm 2016, một bài báo về cảnh tượng bày bừa kinh hoàng sau bữa tiệc cuối năm của các học sinh lớp 4 ở quán Lotteria được up lên Facebook. Tương ớt rơi vãi khắp bàn, đồ ăn và bát dĩa tung tóe cả trên bàn, trên ghế và dưới sàn… Nhiều bình luận phê phán nhưng cũng có người biện minh rằng tôi bỏ tiền ra tôi có quyền, có phải tôi xả rác ngoài đường đâu rồi trẻ con mới lớp 4 còn vô tư chưa biết gì. Nhưng những người ra sức biện minh không hiểu những nhân viên phục vụ sẽ mất cả ngày hôm đó chỉ để dọn dẹp bãi chiến trường do các em học sinh để lại, trong khi ca làm của họ đã kết thúc và hàng chục, hàng trăm khách hàng đến sau đã bị ảnh hưởng. Đó chính là hậu quả của việc không dạy con tôn trọng những người làm nghề phục vụ của bố mẹ bắt nguồn từ những bữa ăn đầu đời của chúng ở nhà hàng khi rác và giấy vứt trên bàn, dưới ghế, đồ ăn rơi vãi và bôi bẩn khắp nơi khiến nhiều nhân viên phục vụ thật sự sợ hãi một số gia đình đi ăn cùng con nhỏ.
Những người làm nghề phục vụ bao gồm tất cả những người làm việc trong ngành dịch vụ, bao gồm cả những nhân viên bồi bàn, lái xe taxi, người giúp việc… Thi thoảng chúng ta bắt gặp những đứa trẻ và cả người lớn lớn tiếng, khó chịu, sai bảo kẻ cả, bắt bẻ, lấy quyền thượng đế để bày bừa, làm khó thậm chí là coi khinh những người đó, thể hiện “đẳng cấp” của mình. Nhưng liệu đó có thực sự là đẳng cấp?
Ở một số nước phương Tây, không hề có một sự phân biệt nào giữa những người làm nghề phục vụ và các nghề nghiệp khác cả. Những người làm nghề phục vụ luôn được tôn trọng, thể hiện qua việc tip hoặc viết một mảnh giấy note cảm ơn nho nhỏ khi họ được phục vụ tốt. Tôn trọng những người làm nghề phục vụ dường như là một tiêu chí rất quan trọng để đánh giá con người. Thậm chí còn có một câu nói đại ý là “Nếu một người đàn ông không tôn trọng mẹ anh ta, những người phục vụ và giúp việc thì anh ta cũng không bao giờ tôn trọng bạn”.
Chính vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, bố mẹ hãy cố gắng dạy con có một thái độ tôn trọng và lịch sự với những người làm nghề phục vụ, bắt đầu từ việc chính bản thân bố mẹ có thái độ tôn trọng họ từ trong suy nghĩ đến hành động, và kết hợp với những giải thích, làm gương cho bé, ví dụ như:
Yêu cầu con ăn uống gọn gàng và không vứt giấy, rác, đồ ăn bừa bãi ra bàn hoặc dưới sàn, trên ghế. Nếu con bày bừa, bố mẹ phải ngăn con lại, giải thích rõ ràng và yêu cầu con phải dọn dẹp trước khi ra về. Việc ăn uống xong để lại một bãi chiến trường cho phục vụ đã là thói quen của nhiều người nhưng nếu muốn xây dựng một nhân cách và thái độ sống tốt cho con, bố mẹ nên bắt đầu từ chính mình, từ những việc nhỏ như thế từ những lần đi ăn đầu đời ném bừa thức ăn của trẻ, phải tự dọn dẹp và yêu cầu trẻ dọn dẹp sạch sẽ khu vực mình vừa ngồi ăn. Nếu mục tiêu duy nhất của bạn chỉ là để con ăn thêm một chút và cho phép con bày bừa thì bạn sẽ rất mệt mỏi về sau này về việc ăn của trẻ và cả thái độ bày bừa bắt người khác phục vụ mình của trẻ.
Để bé tự giao tiếp với những người phục vụ: Khi đi nhà hàng, thường bố mẹ sẽ tự gọi món cho con, hiếm khi hỏi xem con muốn ăn gì. Nếu cần thêm gì thì thường trẻ cũng sẽ nói với bố mẹ. Nhưng để con độc lập và tự tin hơn, học cách giao tiếp đúng mực với những cô chú phục vụ, bố mẹ nên chủ động để bé gọi món và nói ra yêu cầu của mình, tự đề nghị nếu như bé có yêu cầu gì thêm như thìa, nước chấm… Bố mẹ nên hướng dẫn bé giơ tay lên vẫy vẫy để cho cô chú phục vụ biết mình cần gọi hoặc đợi đến khi cô chú đi ngang qua thì gọi, tìm đến cô chú để hỏi chứ không nên gọi to sẽ gây ồn ào, làm phiền những khách khác. Sau đó, đợi đến khi cô chú đến gần, lắng nghe mình nói rồi mới mở lời: “Cô ơi cho cháu abc ạ.” và cảm ơn khi yêu cầu của mình được đáp ứng.
Giải thích với con về sự vất vả của những người làm nghề phục vụ: họ phải chiều lòng nhiều vị khách với nhiều yêu cầu khác nhau, những lúc đông khách thì thực sự vất vả. Bạn có thể cùng ngồi với con trong một nhà hàng lúc đông khách, trước khi ăn uống thì cùng con ngồi quan sát một nhân viên phục vụ nhất định để hiểu họ phải vất vả như thế nào.
Bản thân bố mẹ thể hiện sự tôn trọng với những người làm nghề phục vụ: Mặc dù chúng mình biết là ở Việt Nam, nhất là ở Hà Nội, thái độ của những người làm việc trong nghề phục vụ không hẳn lúc nào cũng chấp nhận được nhưng không nên vì thế mà chúng ta không tôn trọng những người làm nghề phục vụ có thái độ hành xử đúng mực. Bố mẹ nên chủ động cảm ơn mỗi khi được phục vụ, có thái độ nói chuyện hòa nhã và yêu cầu lịch sự. Nếu phải chờ đợi hoặc có gì đó không hài lòng, bố mẹ có thể yêu cầu giải thích, bồi thường, xin lỗi với thái độ kiên quyết nhưng không nên gắt gỏng, mắng mỏ. Hãy nhớ có 1 em bé đang nhìn và sẽ bắt chước cách hành xử của chúng ta.
Vạch ra giới hạn cho mối quan hệ giữa con và giúp việc: yêu cầu con thể hiện sự tôn trọng người giúp việc, nếu cần họ làm việc gì thì phải dùng lời nói nhờ vả lịch sự, không được phép nói trống không và ra lệnh. Bản thân bố mẹ hàng ngày khi giao tiếp với người giúp việc cũng nên tỏ thái độ tôn trọng và lịch sự với họ và giải thích rõ ràng với trẻ về công việc của người giúp việc trong gia đình.
Đôi khi việc nuôi dạy một em bé trở thành một người hiểu biết, sống tử tế và được mọi người tôn trọng bắt đầu từ những việc đơn giản và nhỏ nhoi như thế thôi. Nhưng các bố mẹ thấy mình đã từng chú trọng đến những việc này chưa?