Kì nghỉ hè của các bạn nhỏ đã được hơn 1 tháng rồi, không biết cả nhà mình đã trải qua “yên bình” không nhỉ? Nếu bố mẹ vẫn cứ đang loay hoay không biết xử sao cho hợp lý thì hôm nay, Hộp Háo Hức sẽ chia sẻ những tips nhỏ xíu đến từ mẹ Trang Moon về cách lập THỜI GIAN BIỂU giúp bé tự lập hơn mà bố mẹ cũng “nhàn” hơn trong những ngày này nhé!
Có thời gian biểu thì mọi việc trong ngày sẽ thực hiện theo đó, có lớp lang trật tự rõ ràng, dễ khuyến khích các con tự lập, tự quản lý thời gian và “công việc” trong ngày, bố mẹ sẽ không còn cảnh giục giã, hò hét, hoặc nhà cửa bung bét loạn xị
Với các bạn tầm 0-3 tuổi thì thời gian biểu chủ yếu để “giới thiệu” với con, còn bố mẹ sẽ thực hiện/nhắc con thực hiện là chính. Các bạn tầm 3 tuổi trở lên là có thể tự xem thời gian biểu và tự thực hiện rồi.
Một số ghi chú để việc thực hiện thời gian biểu này hiệu quả hơn:
1. Cả nhà sẽ cùng ngồi brainstorm và thống nhất thời gian biểu + hoạt động tương ứng. Việc cùng bàn bạc thống nhất cùng các bạn nhỏ quan trọng lắm, vì đó sẽ là thứ các bạn nhỏ thực hiện mỗi ngày, bố mẹ nên khuyến khích thay vì áp đặt vì kế hoạch không khả thi thì chỉ viết ra cho vui chứ cũng không thể làm theo được?
2. Trong nhà hãy đặt đồng hồ ở những nơi thật dễ nhìn, có thể hẹn trước giờ ở đồng hồ để nhắc việc, bố mẹ khỏi cần nhắc. Nếu không thì đặt chuông báo trên đồng hồ/điện thoại/ipad gì đó cũng được, miễn là có 1 hình thức báo giờ. bé chưa biết chữ thì có thể vẽ (VD: thức dậy thì vẽ ông mặt trời, đánh răng rửa mặt thì vẽ bàn chải, ăn cơm thì vẽ bát cơm, đọc sách thì vẽ cuốn sách…)
3. Hoạt động cần xen kẽ động-tĩnh, tránh để các bạn nhỏ hoạt động tĩnh quá lâu/liên tục. Mỗi độ tuổi cũng có khoảng thời gian hoạt động phù hợp để duy trì độ tập trung và hứng thú. Khoảng thời gian này cả nhà nên tự quyết định dựa vào từng em bé. VD: bạn 3 tuổi tầm 15-20ph/hoạt động, bạn 5 tuổi khoảng 30ph, bạn 6-10 tuổi 45ph/hoạt động. Xen giữa các hoạt động sẽ có khoảng 5-15ph nghỉ/chơi tự do. Nhất là với các bạn lớn, học online nhiều thì việc xen kẽ hoạt động vận động và nghỉ ngơi/chơi tự do rất rất quan trọng để lấy lại cân bằng và giúp các bạn duy trì hứng thú học tập.
4. Vì đây là thời gian biểu của giai đoạn nghỉ hè giãn cách - ở nhà gần như 100% nên việc thiết kế hoạt động nên bổ sung 1 số hoạt động theo hướng kỹ năng sống, sở thích thay vì 100% chỉ học. VD: mỗi ngày con cùng mẹ sẽ học nấu 1 món ăn mới, mỗi ngày sẽ làm 1 bài thơ… Bạn bé hơn mỗi ngày sẽ giặt quần áo, cọ sàn, lau chùi giày dép…
5. Nghỉ học ở nhà, lại với tâm lý dịch bệnh… thực ra rất chán. Người lớn dễ chán như thế nào thì trẻ con cũng vậy. Thế nên thời gian biểu cần xen kẽ các hoạt động giải trí phù hợp nữa. Giải trí ở đây có thể bao gồm xem TV, ipad, hoạt hình… nhưng không có nghĩa là CHỈ CÓ THẾ! Việc CHƠI ngoài để giải trí thì vẫn có thể HỌC được nhiều thứ nếu chúng ta biết lựa chọn trò chơi phù hợp. Các trò chơi boardgame mang tính giáo dục, tư duy cao của Hộp Háo Hức cũng là 1 gợi ý rất tuyệt nè, ngoài ra thì có chơi ghép hình nhiều mảnh (puzzle), các loại trò chơi trí tuệ (cờ vua, cờ ca-rô..), các trò chơi/hoạt động thủ công, kỹ năng như vẽ, đan, thêu, may, móc, nấu ăn…
6. Nên tăng cường các hoạt động theo chủ đề mà các bạn nhỏ có thể tự chọn chủ đề mình thích. Việc này rất hiệu quả vì sẽ giúp con tự thấy hứng thú với hoạt động và tích luỹ thêm ttin, kiến thức hữu ích về thứ con thích.
- Đọc 1 cuốn sách tự chọn và viết review sách
- Quyết định chủ đề mình muốn tìm hiểu và đi tìm kiếm thông tin về chủ đề đó (sử dụng sách, báo, internet… với những bạn tầm 7 tuổi trở lên) rồi tóm tắt lại thông tin mình tìm hiểu được. Tuỳ độ tuổi và khả năng, có thể trình bày bằng miệng, thuyết trình bằng powerpoint, mindmap…
Lưu ý là hãy tôn trọng sở thích và lựa chọn của con nhé, dù đó là Blackpink hay Minecraft hay gì gì đi nữa! Tự tìm hiểu 1 cách chủ động và nghiêm túc, rồi chia sẻ và bàn bạc với bố mẹ, sẽ rất khác việc lén lút tìm hiểu rất nhiều!
7. Có cơ chế thưởng/phạt rõ ràng. Cái này cũng rất quan trọng nhé. Phần thưởng phù hợp sẽ tạo động lực để con thực hiện, và háo hức chờ tới ngày “tổng kết”. Hình phạt sẽ mang tính “nhắc nhở” và răn đe, đừng phạt để triệt tiêu động lực hoặc làm con tổn thương tinh thần, cảm xúc. Thưởng nên là “thêm” còn phạt là “bớt” thưởng/quyền lợi nào đó. VD: 3 ngày liên tiếp hoàn thành các hoạt động của thời gian biểu thì mỗi bạn được chọn 1 món đồ ăn vặt dưới 10.000đ ở hàng tạp hoá gần nhà. Nếu thích đồ nhiều tiền hơn thì tự gộp lại mua 1 món không quá 40k rồi chia nhau . Mỗi ngày sẽ có 30ph xem hoạt hình, nên hình phạt mỗi lần sẽ là cắt 15ph của giờ xem hoạt hình đó.
8. Đặt ra những nguyên tắc cho mỗi nhóm hoạt động. VD: Hoạt động tĩnh con tự làm 1 mình được thì con sẽ phải tự làm, tự cố gắng giải quyết vấn đề của con trong khoảng thời gian cho phép của hoạt động đó để bố mẹ cũng cần có thời gian riêng của mình, không bị làm phiền để còn xử lý công việc/làm việc nhà/chăm em bé hơn…
9. Cuối cùng vẫn luôn là sự đồng hành, quan sát và chia sẻ của bố mẹ đấy ạ!
Chúc các bạn vững tim vượt qua 1 kì nghỉ bất đắc dĩ (hy vọng là lần cuối) này nhé!